Mây pha lê - đồi Mâm Xôi

Lượt xem: 6342
14/6/2018 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Bài Trần Văn Châu - CEO Kelly-moore Việt Nam ảnh Ba Phong - Sinh - Tấn -Trung - Định

Một chuyến đi đầy ý nghĩa, đó là lời nhận xét của anh Nguyễn Thái Sinh. Một người trong đoàn đã dẫn vợ và con đi Mù Cang Chải tham quan Mây pha lê cùng chúng tôi. Lời nhận xét này cũng là cảm nghĩ chung của hơn ba mươi người từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thái Nguyên và Hạ Long đi dự lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê ở xã La Pán Tẩn vào ngày 19 tháng 5 vừa qua.

 
 
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn
 
 
Trong suốt hành trình dài lên Mù Cang Chải, có đôi khi tôi nhìn từng người và tự hỏi động lực nào mà các anh, các chị lại bỏ thời gian, công việc, tiền bạc, thậm chí có những cặp vợ chồng phải để con ở nhà để cùng với chúng tôi vượt bao nhiêu dặm đường. Chẳng hạn như đoàn từ Vũng Tàu phải khởi hành từ lúc 3 giờ sáng để lên sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay sớm đi Hà Nội. Rồi từ Nội Bài ngồi xe bảy tiếng đồng hồ. Đó là chưa tính 4 – 5 tiếng nghỉ ăn trưa, giải khát hoặc dừng chân ở những vị trí đẹp như chân đèo hay lưng chừng đèo Khau Phạ để chụp hình lưu niệm... 
Mù Cang Chải là một huyện của tỉnh Yên Bái thuộc núi rừng Tây Bắc trong dãy Hoàng Liên Sơn nên núi non hùng vĩ, dốc đồi hiểm trở lại có nhiều thung lũng sâu rộng và có nhiều ruộng bậc thang đẹp như trong tranh. Đường lên Mù Cang Chải quanh co với nhiều địa danh như thị xã Nghĩa Lộ trù phú, thung lũng Tú Lệ, đèo Khau Phạ - một trong tứ đại danh đèo của vùng Tây Bắc. Do vậy, mãi đến lúc trời đã sụp tối đoàn chúng tôi mới đến Ecolodge Mù Cang Chải. Dưới cơn mưa chiều, nghệ sĩ Andy Cao đã chờ đón chúng tôi tại đây. Rồi cùng nhau đến Bản Thái ăn tối và sinh hoạt giao lưu với hội KTS Yên Bái. Thời tiết đêm hôm đó thật dễ chịu nên cả đoàn chúng tôi tham dự đầy đủ các tiết mục từ nổi lửa, múa xòe và nhảy cùng các cô sơn nữ những giai điệu của người dân tộc. Khi trở lại Ecolodge thì đã quá nửa khuya. 
Sáng hôm sau, khi bình minh vừa ló dạng, từ trên nhà sàn chúng tôi đảo tầm mắt quan sát mọi sinh hoạt của người dân ở đây từ cách họ lùa trâu ra đồng cho đến việc thả gà ra vườn. Môi trường và không khí ở đây thật trong lành, ánh sáng ban mai dịu mát lan tỏa dần vào từng gốc cây, ngọn cỏ của những ngọn đồi trông rất êm ả, an yên làm cho tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng. Từng người trong đoàn bước ra khỏi phòng đều trầm trồ với quang cảnh.
Khi xe của đoàn dừng lại ở chân đồi Mâm Xôi thì chúng tôi thấy phấn khởi hẳn lên, bởi thấy từng đoàn người đang lũ lượt kéo đến. Đường lên đồi Mâm Xôi đầy kín cả người.
Trong giây phút đó, chúng tôi liếc nhìn hai khuôn mặt Andy và Xavier. Chúng hiện lên sự thỏa mãn, toại nguyện như muốn nói: “Ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực”. Có thể nói, đây là kiệt tác mà họ đã hằng ấp ủ hướng theo con đường nghệ thuật cộng đồng. Một con đường đầy gian nan đã được hai nghệ sĩ lão thành Christo và Jeanne Claude khởi xướng từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước.
Còn một điều nữa mà mọi người trong đoàn đều đồng ý với chúng tôi là niềm hân hoan và sự vui sướng hiện rõ trên từng khuôn mặt chân chất của người H’mong, Thái, Dao… Thật tình cờ, khi xuống xe lại gặp một bạn trẻ mà chúng tôi đã có dịp ăn cơm tối chung với nhau cách đây đúng ba tuần. Bạn trẻ này từ dưới xuôi lên miền ngược này làm việc và phải lòng một cô sơn nữ. Bạn ấy chia sẻ rằng: “Hôm nay, từ lúc tờ mờ sáng tinh sương cả nhà bên vợ cháu rủ nhau ra đây. Ai cũng xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất đó chú ạ.
Điều đáng nhớ với chúng tôi là đã được cùng với Andy, Xavier, và bà chủ đồi Mâm Xôi cắt băng khai mạc. Với bà chủ đồi Mâm Xôi, có lẽ đây là vinh dự lớn nhất của đời bà. Khi lang thang chiêm ngưỡng đám Mây pha lê, chiêm ngưỡng hình ảnh lung linh diệu kỳ của màu sắc qua sự khuếch tán, phản chiếu và khúc xạ của từng đợt ánh sáng chạm vào đám mây pha lê, chúng tôi tình cờ gặp anh Trần Văn Tấn đang mê mải cầm máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ đó. 
 
 

 

 

 

 
Lễ khai mạc Mây Pha Lê – Mù Cang Chải hôm 19.5.2018 Người dân La Pán Tẩn cùng với nghệ sĩ Andy, Xavier đơm kết những hạt pha lê
 
 
Nghệ thuật cộng đồng
Trên đường về lại Nghĩa Lộ, tôi không muốn chợp mắt bởi nhiều cảm xúc đang dâng trào. Trong lúc chờ đợi, cơm canh, cà mắm mang ra, chúng tôi tranh thủ tiếp xúc với KTS Nguyễn Chí Phương, nhóm thân hữu đi cùng với Tuấn Anh từ Hạ Long. Họ đi xe riêng nên đến Mù Cang Chải sớm và đã có những giây phút trải nghiệm rất thú vị tại đồi Mâm Xôi vào buổi chiều trước khi lễ khai mạc diễn ra vào ngày 19.5.2018. KTS Phương kể lại rằng: “Khi bọn em vừa đến đồi Mâm Xôi thì hai cầu vồng xuất hiện, ánh sáng của nó chiếu vào đám Mây pha lê trông rất đẹp. Còn khi trời sắp mưa, những đám mây đang trôi trên bầu trời dường như hạ thấp xuống gần đồi Mâm Xôi hơn làm cho chúng ta có cảm giác như mây trên trời quyện với Mây pha lê”. 
Trong buổi cơm trưa, có một chị trong đoàn thuật lại câu chuyện của hai em Lý và Thào. Em Lý đã có chồng trong nhóm chạy xe ôm và nói rằng: “Từ lúc 5 hay 6 giờ sáng đã có người đi xe ôm lên đồi MâmXôi rồi. Còn Thào có bố mẹ đã giúp Andy Xavier từ việc làm mây cho đến gần đây là đơm kết những hạt pha lê kể rất nhiều chuyện mà đại ý như sau: Nghe hai anh Andy, Xavier nói rằng sẽ không để đám mây ở đây lâu phải không cô? Tuy nhiên, đối với chúng con cho dù một tuần hay một tháng thì cũng đã là rất vui rồi. Đây là câu chuyện hay, thú vị mà chúng con sẽ kể lại cho con cháu của chúng con nghe và nó sẽ lưu truyền lại về sau rằng: Có hai anh chàng nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài đã đến đây cống hiến cho quê hương chúng con cái tác phẩm đẹp này”.
Trong thời gian qua, khi đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ cho Andy, Xavier để thực hiện dự án Mây pha lê này, chúng tôi có dịp trao đổi với nhiều anh chị em trong giới kiến trúc sư, nhà thiết kế. Một nghĩa cử đầy ấn tượng mà KTS Nguyễn Đình Giới (Công ty Nhà Dân) đã làm là tìm cách gặp chúng tôi và gửi gắm mọi thứ, mọi điều trước khi chúng tôi lên đường đi Mù Cang Chải trong dịp lễ 1.5.2018 vừa qua. 
Cùng với đó là những lời chia sẻ rất chân tình của Ts. KTS Phạm Phú Cường (Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại Học Kiến Trúc) và nhờ chúng tôi chuyển đến Andy Xavier: “Chúc mừng Andy Xavier thực hiện một dự án rất có ý nghĩa cho cộng đồng”. 
Nhìn chung, giới kiến trúc sư, nhà thiết kế rất hào hứng và ủng hộ hết mình những ý tưởng đầy sáng tạo của Andy, Xavier. Có lẽ đó là động lực chính nên tham gia đoàn chúng tôi có đến 11 kiến trúc sư, nhà thiết kế. Xin chia sẻ đôi dòng cảm nghĩ của KTS Hưng & Nhân như là đại diện nhóm KTS Vũng Tàu: 
“Cảm nhận chủ quan khi được trực tiếp tham quan: Mây pha lê giống như đám mây giông đem đến cơn mưa đầu mùa đổ nước xuống đồi Mâm Xôi. Nó chợt đến rồi chợt bay đi, để lại ruộng bậc thang đầy nước cho người dân gieo mạ. Hãy hình dung, sau đó cả một vùng trời bát ngát của ruộng bậc thang đổi màu theo tháng ngày từ xanh đến vàng… Và có lẽ đẹp nhất là vụ mùa lúa chín vào tháng 9. Trên thực tế, đồng bào dân tộc, chủ nhân các thửa ruộng bậc thang là những người được hưởng lợi từ dự án cảnh quan này, vì họ vẫn trồng lúa, lại có thêm thu nhập từ dịch vụ phục vụ khách du lịch. Cũng nhờ có câu chuyện Mây pha lê mà cá nhân tôi mới có đủ động lực để đến đây và được thấy vẻ đẹp của ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Đây là chuyến đi để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc thú vị và sâu sắc khi được trải tầm mắt, và đọng lại trong tôi nhiều nhất là vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan đồi núi, kiến trúc nhà sàn, con người của đồng bào dân tộc, trang phục truyền thống, những món ăn dân dã...”
Điều đáng nói là hai nghệ sĩ Andy, Xavier đã làm việc này hoàn toàn tự nguyện và miễn phí cả công sức, ý tưởng lẫn thiết kế. Do đó, triển lãm này là đúng theo ý nghĩa phi kinh doanh. Việc chính quyền địa phương bán vé tham quan là để trang trải một phần về an ninh, trật tự và số còn lại là chia cho các hộ dân ở xã La Pán Tẩn. Chúng tôi rất cảm kích những ai đã góp tay làm nên Mây pha lê mà đặc biệt là hai tác giả Andy, Xavier”.
Khi hay tin đoàn chúng tôi vừa từ Mù Cang Chải về lại Sài Gòn, anh Lê Viết Hải, chủ tịch của tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã điện thoại cho chúng tôi và có nhã ý hỗ trợ Andy, Xavier trong việc bảo vệ đám Mây pha lê cũng như công tác tháo gỡ.
 
 

 

 
Nghệ sĩ Andy Cao, nghệ sĩ Xavier Perrot, bà Nguyễn Thị Hương Liên (từ trái). Văn nghệ khai mạc
 

Nghệ thuật vị nhân sinh
Email cảm nghĩ của anh Đoàn Đức Thắng khá dài, chúng tôi chỉ lấy ra một ý: “Dự án này có một ý nghĩa thiết thực là tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Trong thời gian chờ gặt lúa chín họ có thêm việc làm như vừa qua họ phụ làm mây, đơm kết hàng chục ngàn viên pha lê, hưởng một phần nào đó từ vé tham quan, tiền xe ôm, khách sạn, phòng trọ, homestay, dịch vụ ăn uống của du khách...”
Anh Ba Phong thì thâm thúy qua cảm nhận: ”Thật vui khi được cùng anh chị em lên Mù Cang Chải và tận mắt chứng kiến một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạo dựng để thổi thêm hồn vào ruộng lúa bậc thang đã có từ ngàn năm với nét đẹp hoang sơ, mộc mạc đầy bản sắc của đất Việt. Cảm xúc mạnh đến với tôi là Andy Xavier thấy ra được và biết tận dụng cái vẻ đẹp ngàn đời của đồi Mâm Xôi của ruộng bậc thang này. Tôi nghiệm ra là Andy, Xavier đã cảm nhận và tiếp nối những giá trị lao động và nghệ thuật đó để hòa quyện và cho ra một tác phẩm độc đáo làm tăng giá trị và rất thiết thực cho người dân của Mù Cang Chải. Cái thiết thực ở chỗ là nó đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân bản xứ - đang sống giữa một cảnh quan tuyệt mỹ mà vẫn còn cơ cực và lạc hậu. KTS Hà Thanh một người trong đoàn cũng nhận xét: “Andy Xavier đã thực sự đem “pha lê” ra đồng ruộng”. Có một điều rất đời thường là tác phẩm của nghệ thuật cộng đồng luôn nhận được sự hoan nghênh và cả những tranh cãi thậm chí phản bác. Nhưng trong thời gian gần đây chúng tôi đã có nhiều nguồn thông tin tích cực. Có lẽ đó là nhờ sự biểu đạt chân tình của người dân ở đó cũng như những ai đã  khăn gói, cụ bị lên Mù Cang Chải để được ngắm Mây pha lê trong những ngày qua. Nguồn cảm xúc thi vị từ đó đang được chia sẻ và lan truyền trên internet, Facebook, email, và nay cả truyền thông ở nước ngoài như Singapore hay BBC cũng như một số Việt kiều háo hức hỏi thăm về Mây pha lê.  Qua đó chúng ta kỳ vọng là sẽ có thêm nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm nhiều hơn về đồi Mâm Xôi, về ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Đó là cái nhìn đầy nhân văn mà chúng tôi học được qua triển lãm Mây pha lê này và có thể nói đây là một tác phẩm “Nghệ thuật vị nhân sinh” .
 

 

 
 
Đường lên Mù Cang Chải
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 145

Các tin khác