Sự nghiêm túc của học sinh Nhật khi chờ xe lửa tại nhà ga
Những điều đáng nhớ
Trong thời gian chúng tôi lưu lại đây, toàn thể người dân Nhật được tin về công chúa Mako 25 tuổi, cô cháu gái lớn nhất của Nhật Hoàng Akihito sắp rời hoàng cung lên xe hoa và sẽ trở thành thường dân. Có người tiếc cho cô vì phải từ bỏ cuộc sống của một công nương, nhưng cũng có biết bao nhiêu người con gái khác thì khâm phục khi cho rằng công chúa Mako đã làm theo tiếng gọi của con tim. Cùng với chuyện công chúa Mako thì trước đó lại có một bản tin khác cũng gây xôn xao cả nước Nhật là việc Nhật Hoàng Akihito có lời đề nghị xin thoái vị. Đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra từ 1.000 năm qua tại Nhật Bản. Điều quan trọng là sau chuyến đi này cũng như từ nghiên cứu của các bậc tiền bối đã cho chúng tôi một cái nhìn tổng quát rằng người Nhật họ đã gạn lọc tinh hoa của thế giới để đem về và áp dụng cho đất nước mình như sau:
1) Điện: sử dụng điện 110V theo kiểu Mỹ để bảo đảm an toàn.
2) Hệ thống giao thông: lái xe bên phải theo kiểu Anh.
3) Hệ thống đo đạc: dùng hệ thống meter theo kiểu Âu châu cho phù hợp với đa số các nước trên thế giới.
4) Tết: theo Dương lịch từ 150 năm trước, bỏ Âm Lịch nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc
Theo lời của TS Nguyễn Xuân Xanh nói về nỗi niềm của học giả Vĩnh Sính: “Tại sao các quốc gia xung quanh thành công, còn chúng ta chưa thành công”. Tôi thiết nghĩ, học giả Vĩnh Sính hiểu rất rõ và ông đã có câu trả lời, nhưng ông muốn dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh và báo động cho chúng ta, bởi chính ông là người nghiên cứu, soạn giả cuốn sách bình phẩm về nhà tư tưởng, nhà khai sáng Phan Chu Trinh. Và theo Phan Chu Trinh, sau khi qua thăm Nhật vào năm 1906 trở về nước, cụ đã cảm nhận sâu sắc và thấy ra những điều tốt của xứ người và không tốt của ta: “Đó là sự thành công của văn hóa, của đạo đức, của sự thức tỉnh, của sự sắc bén trí tuệ, và của sự lãnh đạo kiên quyết và quyết đoán, của tinh thần bushido (võ sĩ đạo), của sự đổi mới toàn diện xã hội”. Điều đáng nói là cụ Phan Chu Trinh đã hưởng một nền giáo dục rất đặc biệt từ bố; nghĩa là học võ trước khi học văn nên cụ đã có phẩm chất như một võ sĩ đạo. Đây là yếu tố cốt lõi khác biệt của cụ với nhiều sĩ phu thời bấy giờ.
Quả ngọt
Sau chuyến viếng thăm của Phó đề đốc Mỹ Matthew Calbraith Perry thì vào giữa thế kỷ XIX, Nhật đã chấm dứt chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc phủ Tokugawa. Và chỉ không đầy 30 năm trong thời kỳ Minh Trị duy tân, Nhật Bản đã tạo ra 2 kỳ tích là chiến thắng Trung Quốc năm 1894-1895 và đại thắng Nga vào năm 1904-1905 và từ đó làm rạng danh xứ sở Phù Tang. Nhưng cũng chính vì lý do đó, đã đưa họ sa lầy vào thế chiến thứ II mà thảm họa là 2 quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima và Nagasaki. Tuy nhiên, nhờ vậy khiến cho người Nhật khiêm tốn lại và sau đó họ “bị” đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và trở thành người bạn đồng minh đắc lực. Để rồi, bản Hiến pháp của Nhật Bản bây giờ là được họ soạn chung với Mỹ vào năm 1946 mà nền móng là dựa vào Hiến chương của Hoa Kỳ (*).
Sở dĩ nước Nhật phát triển vượt bực về kỹ thuật là nhờ họ có những con người rất quan tâm đến khoa học và kỹ thuật như nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi đã cho xuất bản một quyển sách vào năm 1872 mà người dân Nhật rất ưa thích có tên Kunmo Kyuri Zukai (Một giáo trình vật lý có minh họa). Để rồi từ đó, nước Nhật mới có một Hideki Yukawa vinh dự đoạt được giải Nobel đầu tiên vào năm 1949. Ông là nhà khoa học được đào tạo 100% trong nước. Kế đó là Shinichiro Tomonaga, người Nhật thứ 2 nhận được giải Nobel năm 1965. Cũng trong thời gian này, Nhật bản đã vươn lên thành cường quốc.
Nói về công nghệ, ngay nay nước Nhật đang có một số công nghệ dẫn đầu thế giới, đặc biệt vào thời điểm hiện tại khi chúng ta đang ở trong giai đoạn “tiền cách mạng công nghệ 4.0” như mới đây họ vừa khai trương một khách sạn 72 phòng mà toàn bộ nhân viên phục vụ của khách sạn này đều là người máy với công nghệ cao. Và rồi đây vào năm 2020 khi Đông Kinh khai mạc Thế Vận Hội thì nước Nhật sẽ trình làng nhiều công nghệ vượt bậc với những điều kỳ diệu mà chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến.
Lời kết
Trong những năm xây dựng công ty tại Việt Nam, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội làm việc với người Nhật, đặc biệt trong năm qua khi chủ đầu tư là tập đoàn Takashimaya mời thực hiện các mảng tường sơn mỹ thuật cho trung tâm thương mại của tòa nhà Saigon Center. Mới đây, khi thời gian bảo hành vừa hết hiệu lực họ đã mời tất cả các nhà thầu đi khảo sát và đánh giá công việc. Trong quá trình khảo sát, nếu phát hiện lỗi của nhà thầu thì nhà thầu sửa lại, nếu là lỗi của khách hàng hay của tòa nhà thì họ yêu cầu chúng tôi sửa rồi tính chi phí phát sinh và chấp nhận trả tiền cao; đó mới thật sự là công bằng. Cùng với đó, họ rất nghiêm túc trong chuyện thanh toán. Với những mảng tường sơn mỹ thuật được chúng tôi kiến tạo ra rất đẹp nên chúng tôi gọi là “Queen of Paint”.
Lúc lưu trú làm du khách ở cố đô Kyoto, chúng tôi cảm thấy khó chịu khi không dễ tìm thấy một thùng rác ở ngoài đường để bỏ rác do đứa cháu ngoại xả ra, thế nhưng sau này mới biết là cả thành phố không có thùng rác nhưng vẫn sạch sẽ, đó mới là điều hay và tuyệt nhiên là không ai hút thuốc ở ngoài đường. Nhìn chung, văn hóa Nhật đã đạt đến một trình độ đẳng cấp từ cung cách ứng xử, lối ăn mặc, cách chào hỏi, cho đến dịch vụ, cả văn hóa ăn uống và chuyện trò… tất cả đều rất tinh tế, sâu sắc, đơn giản trong quý phái. Thật đáng ngưỡng mộ và là tấm gương mà chúng ta cần soi.
(*) Nói về Hiến chương của Hoa Kỳ thì đây là một trong ba điều cốt lõi mà các vị khai quốc công thần của Mỹ đã để lại cho hậu thế và nhờ đó, nó làm cho nước Mỹ thành cường quốc vĩ đại:
1) 90% Hiến chương của Hoa Kỳ là không thay đổi sau hơn 240 năm
2) 90% sự sáng tạo của thế giới ngày nay, nó bắt nguồn từ Hoa Kỳ
3) 90% những người giàu có của Hoa Kỳ thường để lại tài sản cho xã hội
Nhà khai sáng Việt Nam - Phan Chu Trinh. Nhà khai sáng Nhật Bản - Fukuzawa Yukichi. Công chúa Mako
Nhìn nhận
1) Đối với chúng tôi, nước Nhật vẫn là một cái gì đó thật thú vị, khi còn bé chúng tôi thường hay nghe bố nói về một nước Nhật đang vươn lên, cùng nhau tập thể dục cải thiện chiều cao để khỏi bị chê lùn hay việc phân phát calcium cho những người mẹ đang mang bầu.
2) Hồi học trung học, có bạn học của chúng tôi là cháu nội của cụ Phan Bội Châu nên mỗi lần ghé nhà bạn chơi là được nghe người lớn nói chuyện về 2 nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
3) Trải qua thảm họa động đất và sóng thần vào năm 2011 tại Nhật đã làm cho thế giới có một cái nhìn ngưỡng mộ về lòng tự trọng của người dân Nhật. Một vị giáo sư người Mỹ đã trả lời trên internet: trong tự điển người Nhật không có từ hôi của. Điều đáng nói là tại một điểm phân phát thức ăn với hàng trăm người xếp hàng nối đuôi nhau, người ta thấy có một cậu bé 11 tuổi đang đứng ở phía gần sau cùng và được một người bảo vệ ẳm cậu bé chuyển lên phía trước thì cậu bé đã từ chối và nói rằng: “trong hoàn cảnh này ai cũng giống nhau thì tại sao cháu lại được ưu tiên hơn những người khác”.
Đôi điều về nước Nhật
Theo tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn sách, báo và internet, đặc biệt là qua những bài viết của TS Nguyễn Xuân Xanh hay sách của học giả Vĩnh Sính soạn về cụ Phan Chu Trinh, chúng tôi xin tóm tắt những điểm chính sau đây:
1) Nước Nhật cũng bị ảnh hưởng tư tưởng Khổng, Mạnh của Trung Quốc, nhưng vì tổ tiên họ bỏ đất liền ra đi đến tận hải đảo nên trong người họ luôn có tính tò mò, óc tìm tòi học hỏi thành ra họ nghiêng về Mạnh tử hơn Khổng tử. Bởi Khổng tử một mặt đề cao giáo dục những vẫn tin vào mệnh trời. Đây là điều làm cho người ta ỷ lại, không chuyên tâm rèn luyện hoàn thiện bản thân như đường hướng của Mạnh tử.
2) Nguồn gốc đam mê đọc sách của người Nhật được phát xuất từ khi tướng quân Tokugawa Ieyasu năm 1615 phát ra mệnh lệnh “Bun bên tay trái, Bu bên tay phải” - Bun là văn và Bu là võ. Vì thế võ sĩ Nhật sau này dần trở thành giai cấp cầm quyền có học. (Xem thêm internet: Tại sao người Nhật mê đọc sách?)
3) Văn hóa đọc sách thường gắn liền với giáo dục. Do vậy chúng ta có thể thấy những con số như sau: năm 1868 thời Minh Trị duy tân cả nước Nhật có đến hơn 17.000 ngôi trường đủ loại. 40% con trai và 10% con gái nhận được giáo dục ngoài gia đình. Vào năm 1872, Nhật đã thi hành đạo luật cưỡng bách giáo dục. Về việc này họ chỉ đứng sau Anh quốc vào năm 1870, trước cả Pháp 1882, Hoa Kỳ 1918 và Đức 1919.
4) Dịch thuật – Nhật Bản cũng chọn con đường bế quan tỏa cảng từ năm 1640 khi họ thấy sự truyền giáo Kito sẽ gây ra nguy hiểm cho tinh thần dân tộc của họ. Tuy nhiên họ vẫn hé một (1) cánh cửa cho thương gia Hà Lan ra vào giao dịch. Qua đó, họ đã tiếp nhận được biết bao tác phẩm từ y khoa, kỹ thuật của phương Tây và ngoạn mục thay là họ đã làm một cuộc dịch thuật vĩ đại đáng nể. Bằng chứng là 2 cuốn sách được người Nhật yêu thích là On liberty - Bàn về tự do và Self-help - Tự lực được dịch thuật và xuất bản vào năm 1870 và 1871. Đáng nói là 2 cuốn sách này mỗi cuốn có số lượng in trên 1 triệu bản trong khi vào thời đó nước Nhật với dân số chưa đến 30 triệu người.
Vạn Cổng
Suối nước nóng
Vùng Hakone - gần núi Phú Sĩ
Rừng tre
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 135