Sơn gỗ mỹ thuật

Lượt xem: 54705
14/12/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Trần Văn Châu – CEO Kelly-Moore Vietnam 

Khi Sài Gòn đang tưng bưng chuẩn bị đón tết với biết bao lễ hội, người người tất bật, nhà nhà vui nhộn thì tôi lại khăn gói lên đường đi Los Angeles, California. Trước là họp hành với đối tác, sau là thăm gia đình những người bạn mà chúng tôi đã thân quen từ gần 40 năm qua.

 
Mr. Kelly King & Mr. Trần Văn Châu
 
 
Nhờ vậy, chúng tôi cũng được dịp hưởng không khí tết ở Little Saigon, quận Cam. Có thể nói, ngoài Việt Nam thì Little Saigon được xem là nơi có không khí tết khá rõ nét khi vùng nam Cali này hiện có đến hơn nửa triệu người Việt đang sinh sống. Khi chiếc máy bay giảm tốc trên phi đạo, tôi miên man hồi tưởng lại những nơi chúng tôi đã có dịp đi qua khi tết Nguyên đán đang về, đặc biệt là trong những năm gần đây như hôm nay thì Los Angeles, năm ngoái Roma, 2014 Houston Texax, 2013 San Jose và 2012 được du xuân ở Hà Nội và đón giao thừa ở Sa Pa.  
Cảm giác ấm lòng khi nghĩ đến từng khuôn mặt của những người bạn thân trong đó có đôi người đến từ Bỉ mà đã hơn 20 năm rồi kể từ khi chúng tôi rời châu Âu nên chưa có dịp gặp lại. Bốn ngày ở Los Angeles qua khá nhanh với bao luận bàn của nhiều vấn đề quanh thế sự cũng như ôn cố trí tân. Kế đó chúng tôi chia tay giã từ để lên đường đi qua thành phố Saint Louis, Missouri nơi đặt đại bản doanh của dòng bia Budweiser. Nơi đây, mùa đông đang về. Cả thành phố ngập tuyết. Sau vài ngày lưu trú, chúng tôi lại lên đường đến thành phố Omaha thuộc tiều bang Nebraska để dự lớp tập huấn về dòng sơn mỹ thuật với ông Kelly King. Nebraska được mệnh danh là tiểu bang có nguồn thịt bò ngon nhất nước Mỹ. Về số lượng cung ứng thì nó đứng thứ 2, chỉ sau Texas. Thêm một điều nữa về Omaha mà được nhiều người biết đến qua tiếng tăm của nhà tỷ phú Warren Buffett với căn nhà cũ kỹ mà ông vẫn đang sinh sống từ năm 1958. Thật vô tình khách sạn chúng tôi trú ngụ lại ở cạnh trụ sở công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett.
Khi biết chúng tôi đang ở Saint Louis, ông Kelly King liền email và đề nghị nên tham quan Vương cung Thánh đường Cathedral Basilica và Bảo tàng Nghệ thuật Art Museum. Cùng với đó, một người bạn kiến trúc sư lại gợi ý cho chúng tôi đi xem Bảo tàng Nghệ thuật đương đại - Contemporary Art Museum.
Cảm giác khi bước vào Vương cung Thánh đường Saint Louis làm tôi nhớ lại bao kỷ niệm của những lần tham quan các nhà thờ chánh tòa, các thánh đường của vùng Bayern, Đức khi chúng tôi theo học các khóa tiếng Đức của Học viện Goethe tại các lâu đài ở Murnau bên cạnh hồ Staffelsee - Schloss Murnau am Staffelsee. Ấy vậy mà đã hơn 35 năm rồi. 
Vương cung Thánh đường của Saint Louis được kiến trúc theo lối Phục hưng La Mã. Công trình này có thiết kế và ứng dụng nội thất mosaic. Với 41,5 triệu mảnh kính nhỏ được ghép lại thành nhiều hình thể với đủ mọi vật, mọi kiểu để biểu tượng cho người, cho vật, cho muôn loài, cho phong cảnh… qua hơn 7.000 màu sắc khác nhau và được phủ lên trên diện tích 7.700m2. Do đó, nó được xem là nhà thờ có thiết kế nội thất mosaic lớn nhất thế giới, Vương cung Thánh đường Cathedral Basilica trực thuộc Tổng giáo phận Saint Louis của Tòa thánh Vatican. Được biết, mỗi lần Đức Giáo hoàng đến Hoa Kỳ mà có ghé thăm Tổng giáo phận Saint Louis thì ngài đều trú ngụ tại đây.
 
 

Vương cung Thánh đường Saint Louis


Hôm sau, chúng tôi lên kế hoạch đi tham quan Art Museum và Contemporary Art Museum nên có cơ hội tiếp nhận sự hiểu biết về nghệ thuật và mỹ thuật từ nhiều mặt trên thế giới. Tại Bảo tàng nghệ thuật Art Museum, nó cho chúng ta cảm giác quay ngược lại thời gian từ cổ đại đến hiện đại với những nền văn minh tiêu biểu từ châu Âu (có Hy Lạp và La Mã), qua Trung Đông (có Ai Cập), đến châu Á (có Trung Quốc, Nhật Bản). Contemporary Art Museum không có nhiều hình ảnh, không thể hiện nhiều trào lưu, xu hướng mà đại khái là sự mô tả bằng phong cách kiến trúc hiện đại của tòa nhà với khung, cột, vách, trần, sàn… được thiết kế và xây dựng bằng bê tông.
Cũng cần nói thêm, trước đây chúng tôi đã 2 lần tổ chức các khóa tập huấn về sơn mỹ thuật tại Sai Gòn vào mùa thu 2010-2011 dưới sự hướng dẫn của ông Kelly King. Xin có đôi lời về tài năng và sự nghiệp của ông Kelly King, bởi ngoài năng khiếu của một họa sĩ và điêu khắc thì ông còn là nhà nghiên cứu đặc chế ra các dòng sản phẩm cho các hãng sơn mỹ thuật tại Hoa Kỳ như Modern Masters, Faux Effects… cũng như 25 năm qua, ông là người tạo dựng nên Học viện Kelly S. King Academy - Training chuyên tập huấn và giảng dạy về dòng sơn mỹ thuật này. Trong những năm gần đây, ông Kelly King đã gây dựng và sở hữu một số công ty sản xuất sơn mỹ thuật như Perfetto Paints, LLC - Manufacturing cũng như một số công ty chuyên về Cabinetry & Kitchens như Kitchens ReDefined - ReFinish and New Cabinetry, King Conroy LLC - Painted Paper Countertops và Tainted to Repainted - Cabinetry, Furniture and Walls Specialty
Nhờ dự lớp tập huấn này mà chúng tôi có được một số ý tưởng để cùng với ông Kelly King lên kế hoạch mở thêm một con đường mới trong việc phát triển một số sản phẩm của các dòng sơn mỹ thuật vào ngành gỗ như đồ nội thất, kệ, tủ và bàn của bếp (cabinetry). Bởi chúng tôi thiết nghĩ ngành gỗ của Việt Nam sẽ có một vận hội tốt khi chúng ta bước vào lộ trình TPP, tuy nhiên, nó cũng tạo ra nhiều thách thức khi việc xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Hoa Kỳ ngày càng khó khăn bởi những quy định nghiêm ngặt về môi trường.
Do vậy, chúng tôi muốn làm một gạch nối trong việc tổ chức các buổi workshop, tập huấn cho giới kiến trúc sư/nhà thiết kế cũng như nhân viên ở mọi ban ngành của các nhà máy, xưởng gỗ có cơ hội tiếp cận với ông Kelly King trong thời gian sắp tới để chúng ta có đủ thời gian tìm hiểu, thử nghiệm và ứng dụng những dòng sơn mỹ thuật với các đặc tính ưu việt: Gốc nước; Dễ thi công; Tạo sản phẩm có cái nhìn theo chủ ý đầu tư qua sự sáng tạo của kiến trúc sư/nhà thiết kế.
Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với hội kiến trúc sư TP.HCM hoặc HAWA để lên chương trình tổ chức các buổi tập huấn như lời đề nghị của nhiều người khi chúng ta có dịp gặp nhau trong các buổi tiệc tất niên vừa qua.
 
 
Sơn gỗ mỹ thuật. Art Museum
 
 
Thơ của tác giả (ông Trần Văn Châu) gửi tặng bạn đọc KT&ĐS xuân 2016
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 118