Ông Trần Văn Châu & TS. KTS Phạm Phú Cường, Trưởng khoa Kiến trúc - trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM
Ngày nay có rất nhiều sản phẩm như nhôm, kính, đá, sắt thép công nghiệp… nhưng tại sao sơn vẫn được chọn là sản phẩm ưu tiên để che phủ công trình. Theo ông, xu thế này có thay đổi trong tương lai không?
Đây là câu hỏi khá rộng, mang tính định hướng cho cả ngành công nghiệp sơn nên chúng tôi xin phép chỉ trả lời trong phạm vi hiểu biết. Như quý vị đã rõ, công nghệ làm ra sơn đã có từ lâu đời và phải nói là trên 40.000 năm và vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay là nhờ có 2 công năng: bảo vệ và trang trí, đặc biệt là những dòng sơn ngoại thất. Ưu điểm của sơn, bởi “sơn là mỹ phẩm của bê tông” như “lụa là tốt người ta”. Và đặc biệt là sơn chưa thành phẩm 100% nên KTS, NTK tha hồ phối màu sao cho hài hòa với các vật liệu xây dựng khác. Do đó, việc ứng dụng sơn tương đối dễ dàng so với các loại vật liệu khác như nhôm, đá, kính… Theo thiển ý của chúng tôi, ngành công nghiệp sơn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới. Ngoài ra, công trình khi dùng sơn còn có vẻ đẹp riêng, bởi khi nói về sơn người ta thường liên tưởng đến màu sắc mà màu sắc là một lĩnh vực nghệ thuật hết sức đa dạng.
Theo đánh giá của ông, những loại sơn nào có tiềm năng phát triển trong tương lai, thưa ông?
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, chúng tôi nhận được một bản báo cáo nói về 10 dòng sơn sẽ phát triển tốt trên thị trường thế giới trong những năm tới với doanh số từ 140 tỷ USD của năm 2015 sẽ tăng lên đến 190 tỷ USD vào năm 2021. Trong 10 dòng sơn đó thì Elastomeric có sản lượng tiêu thụ nhiều nhất. Do vậy, chúng tôi tò mò đi tìm nguyên nhân và xin tóm tắc như sau:
Từ nhiều năm qua, trào lưu xanh cũng như sự biến đổi khí hậu đã làm cho nhân loại có những thay đổi về tư duy và nhận thức mà đỉnh điểm là hội nghị Paris Cop21 vào tháng 12.2015. Qua đó, có hơn 150 quốc gia đã cam kết cắt giảm lượng khí thải CO2. Người ta cũng tìm ra một vài ngành công nghiệp là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng mà điển hình là công nghiệp sản xuất xi măng, bởi cứ 1 tấn xi măng được sản xuất ra thì sẽ thải ra 800kg CO2. Nói tóm lại, khí CO2 của ngành công nghiệp xi măng có lượng thải ra gấp đôi lượng khí thải của tất cả động cơ phản lực của toàn ngành hàng không trên thế giới. Được biết để làm ra 1 tấn bêtông chúng ta phải sử dụng từ 300-400kg xi măng mà hiện nay nhu cầu xây dựng mỗi năm cần đến hơn 7 tỷ m3 bêtông.
Xi măng là vật liệu chính không thể thiếu trong ngành xây dựng. Thế nhưng quy trình sản xuất xi măng lại quá hao tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, buộc lòng người ta phải nghĩ ra nhiều cách như thay đổi quy trình sản xuất xi măng. Từ đó, sẽ cho ra những dòng sản phẩm xi măng với một số đặc tính rất đặc trưng làm ảnh hưởng lên sự hình thành bêtông, bởi bêtông là hỗn hợp giữa xi măng và các thành phần như cát, đá dăm, đá sỏi và nước. Điều mà chúng ta dễ thấy nhất là hiện tượng nứt chân chim. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả: tại sao sơn Elastomeric sẽ được sử dụng nhiều trong những năm tới trên thế giới qua báo cáo được đề cập trên internet https://www.linkedin.com/pulse/top-10-paints-coatings-industry-future-shankar-pawar
Dự án Melosa - Khang Điền
Biệt thự, văn phòng KTS Lê Hoàng Tâm - Vũng Tàu
Theo như chia sẻ của ông, đó là vấn đề sẽ xảy ra trong những năm tới trên thế giới khi quy trình sản xuất xi măng thay đổi vì cam kết Zero CO2 cho môi trường. Tuy nhiên tại Việt Nam, có còn yếu tố nào nữa không?
Tại Việt Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long người ta thấy hiện tượng nứt chân chim rất phổ biến. Có 2 nguyên nhân truyền thống và khách quan: lún (vì đất mềm, đất bồi), chuyển vị (nhà cao tầng) và mới đây có thêm một nguyên nhân chủ quan khác nữa là việc sử dụng cát không đạt chất lượng. Do đó, vấn nạn tường nứt chân chim là hệ quả không tránh khỏi. Giải pháp cho việc này là cần phải sử dụng hệ thống sơn chống nứt Elastomeric mà theo sự phân tích của Học viện Chất lượng sơn của Hoa Kỳ - Paint Quality Institute (PQI) thì True Elastomeric phải có những đặc tính như sau:
• Độ đàn hồi: 250% + (co giãn theo vết nứt);
• Độ dày màng sơn sau khi khô 150- 200 µm (đủ khả năng che lắp vết nứt);
• % thể tích chất rắn: 53% + (tạo ra màng sơn dày như cao su);
• Chống thấm tốt…
Từ 10 năm qua khi về Việt Nam xây dựng công ty sơn chúng tôi đã tìm hiểu và thấy ra nguyên nhân này nên đã giới thiệu, cung cấp và thi công dòng sơn Elastomeric cho rất nhiều dự án, đầu tiên là Saigon Pearl. Sau đó là hàng chục dự án khác và mới đây là tất cả công trình của Khang Điền. Điều đáng nói, với thời gian gần 10 năm, Saigon Pearl vẫn không thấy vết nứt xuất hiện, không bong tróc và xuống màu. Cùng với đó là hàng trăm, hàng ngàn biệt thự được tô phủ sơn Elastomeric từ Nam chí Bắc. Và sau nhiều năm làm nhà phân phối cho Kelly-Moore của Mỹ thì nay, chúng tôi đã mở được nhà máy và có được công thức sản xuất dòng sơn chống nứt Elastomeric. Do vậy, sắp tới đây khách hàng sẽ có được những dòng sơn Elastomeric chất lượng của Mỹ đẳng cấp quốc tế mà giá thành thì rất cạnh tranh. Điều đáng ghi nhận là một khi khách hàng đã sử dụng sơn Elastomeric thì tất cả các dự án và biệt thự sau này họ điều áp dụng lại, bởi hơn ai hết, họ là người biết rất rõ chất lượng và tính năng ưu việt của dòng sơn này như độ đàn hồi, co giãn để che lắp vết nứt nhằm tránh các hiện tượng như xuống màu, bong tróc, rêu mốc… mà chúng ta thường gặp.
Theo tìm hiểu, chúng tôi nghe nói có một loại bêtông rất đặc biệt được gọi là bêtông siêu cấp Ultrahigh Performance Concrete (UHPC). Người ta nói đây là vật liệu xây dựng của thế kỷ 21 mà nữ KTS tài ba Zaha Hadid đã sử dụng cho nhiều công trình do bà thiết kế như công trình Heydar Aliyev Cultural Centre (Azerbaijan). Ông có quan tâm đến điều này?
Qua sự giới thiệu của GS.TS Vương Thanh Sơn, chúng tôi cũng đang tìm hiểu về loại bêtông UHPC này. Được biết, loại vật liệu UHPC có những đặc tính và công năng rất đặc biệt:
• Xây được độ cao 3.000m;
• Phù hợp để ứng dụng thực hiện Hyperloop cho giao thông siêu tốc;
• Kiến tạo các công trình có hình cong uốn lượn;
• Khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt cho các công trình trên biển như Pier, Wind Power…
Người ta ghi nhận các đặc tính ưu việt:
• UHPC có độ cứng gấp 10 lần so với bêtông truyền thống;
• UHPC có độ bền gấp 5 lần so với bêtông truyền thống;
• UHPC đạt tiến độ gấp 100 lần nhanh hơn so với bêtông truyền thống;
• KHÔNG mất phí bảo trì, vệ sinh…
Hy vọng loại vật liệu UHPC có thể đáp ứng được các nhu cầu như xây đường giao thông lên các trạm không gian cách trái đất vài chục ngàn cây số hay những siêu tốc xa lộ, siêu tàu hỏa với vận tốc trên 300, 500, 700, 1.000km/giờ mà Elon Musk đang đề nghị ngành giao thông Mỹ quan tâm cho hậu cách mạng công nghệ 4.0 để chuẩn bị khi bước vào cuộc cách mạng công nghệ 5.0.
Heydar Aliyev Cultural Centre, Azerbaijan
Saigon Pearl - Trải nghiệm cùng Elastomeric 10 năm
Xin được trao đổi ngoài lĩnh vực sơn một chút. Hiện nay, người ta nói nhiều về cách mạng công nghệ 4.0. Trước đây ông cũng có viết một bài IOT (Internet of Things) đăng trên tạp chí KT&ĐS số tháng 10.2016 nên chúng tôi muốn hỏi là cách mạng công nghệ 4.0 có ảnh hưởng gì đến ngành xây dựng, kiến trúc không?
Đây là một câu hỏi lớn, bởi cho đến bây giờ nó vẫn chỉ là tiền cách mạng công nghiệp 4.0 (*) nên người ta vẫn chưa tiên đoán được việc gì sẽ xảy ra và ảnh hưởng đến tư duy và đời sống của nhân loại. Theo các chuyên gia, có 3 lĩnh vực mấu chốt ảnh hưởng trực tiếp vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là sự phát triển của robotic thông minh, trí tuệ nhân tạo và 3D Printing. Nhân đây, chúng tôi muốn chia sẻ một vài điều rút ra khi đọc tập tài liệu của tạp chí DD - Durability Design mới phát hành. Trong đó người ta trình bày 7 bài phỏng vấn của các KTS, NTK, những chuyên gia trong ngành vật liệu xây dựng và cả những vị GS, TS của các trường đại học trong lĩnh vực chuyên môn của xây dựng và kiến trúc… Thường sau cuối bài phỏng vấn luôn có một câu hỏi như sau: “Sự sáng tạo, sự phát minh và công nghệ nào mà ông/bà thấy thú vị và sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng và kiến trúc trong tương lai, thưa ông/bà?” thì đa số những người được hỏi luôn nói về việc sử dụng robot trong xây dựng. Nói đúng hơn là việc sử dụng 3D Printing. Mọi người đều cho rằng: kết quả trên sẽ làm giảm nhân công và tăng độ chuẩn mực trong xây dựng. Nó cho phép ra đời một kiểu thiết kế mới, một sự tổng hợp mở và sẽ rất thú vị cho mọi thành phần tham gia. Sự việc này vẫn đang tiến hành và cải tiến liên tục. Rồi đây, chúng ta phải lập ra một hệ thống tiêu chuẩn để robot hay 3D Printing thực hiện việc xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là sự khả thi có thể đạt được từ kinh tế, bởi đây là cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ rơi đúng vào thời điểm cho từng bước thực hiện hóa của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ như trong quá khứ một số tiến trình của cách mạng công nghiệp 3.0 với những dấu mốc của thời gian như đầu thập niên 1980+ là Personal Computer, rồi 1990+ là Internet và 2000+ là Mạng xã hội
Xin cám ơn ông về những chia sẻ thú vị trên.
(*) Theo GS.TS Vương Thanh Sơn, University of British Columbia, Vancouver, Canada thì “Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể hiểu đơn giản là công nghiệp thông minh hay nhà máy thông minh. “Thông minh” không chỉ nói đến khả năng tính toán, giải quyết nhanh, mà còn phải bao gồm khả năng kết nối. Nhà máy thông minh là một hệ thống phức tạp gồm nhiều thành phần cá thể thông minh tự động và kết nối với Internet vạn vật (IOT).
Nếu hiểu rằng
• Cách mạng công nghiệp 1.0 (CMCN) vào cuối thế kỷ 18 là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy điện và hơi nước,
• Cách mạng công nghiệp 2.0 vào đầu thế kỷ 20 là sản xuất hàng loạt qua động cơ điện và dây chuyền sản xuất, và
• Cách mạng công nghiệp 3.0 vào đầu thập niên 1970 là tự động hóa qua máy tính, thì
• Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là Internet vạn vật (IOT) hay còn gọi là Hệ thống thực ảo (Cyber Physical Systems – CPS). Trong Internet vạn vật, mọi vật (trên 10 tỷ vật hiện nay và tiếp tục gia tăng theo số mũ) đều có thể kết nối mạng qua thiết bị cảm ứng (với con “chip”); do đó số dữ liệu thu thập rất lớn (big data), cần những giải thuật trí tuệ nhân tạo để phân tích, học hỏi, hiểu, dự đoán, tối ưu hóa, và cuối cùng tạo sự thay đổi hiệu quả toàn diện cho hệ thống. Tiến trình của mỗi hệ thống thông minh theo mô hình 4.0, dựa trên Internet vạn vật (IOT)”.
Chúng tôi cũng nghiệm ra rằng, khoảng cách của các cuộc CMCN cứ rút ngắn dần như phải mất 120 năm từ CMCN 1.0 vào cuối thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ thứ XX mới xảy ra CMCN 2.0. Rồi từ CMCN 2.0 (1900+) đến 3.0 (1970+) chỉ trên/dưới 60 năm. Và từ 3.0 qua 4.0 chỉ có vỏn vẹn 30 năm.
Biểu đồ 10 dòng sơn trên thị trường, đặc biệt là Elastomeric
Ô nhiễm môi trường do khí thải CO2
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 136