Mong sao nóng hơn nữa
Ông Hồ Đức Trí, giám đốc kinh doanh của Trung tâm điện máy Gia Thành cho biết, khoảng giữa tháng 4 vừa rồi các hãng sản xuất mới bắt đầu chạy chương trình khuyến mại và tổ chức những hoạt động tiếp thị cho nhóm máy lạnh vì đó là thời điểm “chính thức mùa nóng” của các tỉnh phía nam, trong đó bao gồm khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông…
Với thời gian nắng nóng kéo dài đến 6 tháng (thường từ tháng 1 – 6), theo số liệu của một nhà bán lẻ điện máy tại Sài Gòn cho biết, mỗi tháng thị trường tiêu thụ khoảng 150.000 máy. Trong khi đó, từ tháng 7 trở đi, mỗi tháng tiêu thụ 20.000 máy. Còn năm 2015, nhiều nhà bán lẻ cho rằng, trong những tháng nóng, có thể lên tới 170.000 máy/tháng vì nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng lên, nhất là khu vực đô thị mới. Theo ông Mạnh Cường, trong 3 năm gần đây, doanh số của nhóm hàng máy lạnh chiếm 60% doanh số của ngành hàng điện lạnh.
Cạnh tranh khốc liệt
Nhu cầu của máy lạnh chỉ bằng 65% so với tivi LCD nhưng số lượng nhà sản xuất tham gia vào nhóm hàng này lại gấp 4 lần. Giá bình quân của nhóm hàng máy lạnh của năm 2015 ước chừng 8 triệu đồng, nhiều nhà bán lẻ xác nhận con số trên. Còn nếu xét theo từng nhóm hàng, hiện nay, giá bình quân của dòng máy lạnh 1 ngựa (HP) không có công nghệ inverter là 6,7 triệu đồng. Còn dòng máy lạnh 1HP có inverter là 9,3 triệu đồng. Cứ tăng thêm 0,5HP, giá thành sản phẩm cộng thêm từ 2- 3 triệu đồng, tùy theo thương hiệu.
Nếu năm 2015 thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,5 triệu chiếc (không tính nhóm hàng máy lạnh cũ), doanh số của mặt hàng máy lạnh ước chừng 12.000 tỷ đồng, tương đương với 600 triệu USD. Đây là miếng bánh mà khoảng 20 thương hiệu máy lạnh đang có mặt tại Việt Nam “xâu xé” một cách gay gắt và khốc liệt.
Theo số liệu thống kê, cho đến cuối tháng 2.2015, dẫn đầu về số lượng máy lạnh tiêu thụ tại thị trường Việt Nam là Daikin: 34%, kế tiếp là Panasonic với mức 26%, LG: 10%... Phần còn lại của 17 thương hiệu, trong đó có những tên tuổi lớn trong ngành hàng điện lạnh như: Mitsubishi, Toshiba, Samsung… Theo giới kinh doanh máy lạnh, 3 thương hiệu xuất sắc về thiết kế có Samsung, LG và Panasonic. Còn về niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đầu là Daikin, Panasonic… vì cho rằng, hàng máy lạnh của các tập đoàn Nhật Bản bền hơn các thương hiệu khác.
Giải thích về ngôi thứ này, ông Mạnh Cường cho rằng, Mitsubishi là thương hiệu lớn nhưng chưa thâm nhập được vào nhóm khách hàng gia đình. Toshiba trong hai năm qua, dù được đánh giá là thương hiệu lớn, chất lượng nhưng chưa có những chiêu thức kinh doanh phù hợp nên chưa chiếm được thị phần lớn. “Được biết, năm nay Toshiba Việt Nam sẽ nắm trực tiếp khâu phân phối thay cho nhà phân phối Đức Hải nên thị phần máy lạnh của họ sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Đối thủ trực tiếp của Toshiba là Daikin”, ông Mạnh Cường bình luận.
Dù có nhiều tính năng công nghệ mới, thiết kế lạ mắt và đẹp nhưng Samsung vẫn chưa có “số má” trong nhóm hàng máy lạnh. Năm 2014, Samsung khá thành công với kiểu thiết kế máy lạnh tam diện. Còn năm 2015, theo xác nhận của Samsung Việt Nam, chưa có sản phẩm khác biệt, vẫn tiếp tục kinh doanh những phiên bản mới của kiểu thiết kế tam diện xuất hiện vào năm ngoái.
LG là thương hiệu có nhiều tham vọng với “miếng bánh 600 triệu USD”. Giữa tháng 3.2015, LG đã tung ra 8 dòng máy lạnh mới như: Artcool Inverter V, Inverter V Deluxe, Inverter V Standart, Inverter V hai chiều/hai chiều sang trọng, tiêu chuẩn 1 chiều và 2 chiều.
Bài Gia Vinh
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 109