So với các màu khác, thì màu vàng là màu dễ dùng, dễ đẹp trong hình ảnh kiến trúc và các không gian nội thất. Màu vàng có thể biến thiên từ màu vàng cơ bản đến vàng nhạt; từ vàng cho đến đỏ trong dải màu cam, hay từ vàng đến lam trong dải màu xanh lá. Sắc vàng cũng xuất hiện trong dải màu nâu - đặc trưng của gỗ, của đất. Màu vàng cho cảm giác gần gũi, ấm áp... nên nhiều người thích. Sắc vàng đủ ấm áp chứ không chói gắt như màu đỏ, và vì vậy rất thích hợp với không gian nội thất nhà ở gia đình. Ở ngoại thất, bề ngoài kiến trúc, màu vàng rất “được nắng” để tôn cho công trình thêm tươi sáng, hài hòa với cây xanh.
Về mặt ngũ hành, màu vàng thuộc hành thổ, là trung tâm, trung ương. Chính vì vậy mà màu vàng có đủ sự cân bằng, không quá dương tính, cũng không âm tính. Màu vàng có tính trung bình, quân bình. Sắc màu này cũng phù hợp với nhiều lứa tuổi, giới tính. Màu vàng có thể xuất hiện trên bề mặt công trình kiến trúc, có thể ở trong nội thất với rất nhiều vị trí: đó là sàn, các mảng tường, trần, đồ gỗ, mành, rèm... với nhiều sắc tố và sắc độ khác nhau. Ở một quan niệm khác, màu vàng là màu tượng trưng cho vua chúa, cho giàu sang quyền quý; và đó cũng là lý do nhiều người chọn màu vàng cho không gian của mình.
Màu vàng cũng có thể được tạo bởi ánh sáng (ánh sáng vàng) trong không gian nội thất, ngoại thất. Trên những bề mặt có màu dễ ám sắc như màu trắng, thì sẽ chuyển hóa thành vàng khi được chiếu sáng bởi ánh sáng màu vàng; tạo nên sự biến đổi sắc màu cục bộ, tức thời.
Thực tế cho thấy, màu vàng được sử dụng nhiều hơn ở những không gian mang tính cổ điển hay có âm hưởng xưa cũ; tạo nên sự nhã nhặn, mềm mại, dung hòa. Khi sử dụng màu vàng, nên kết hợp với màu nâu sẫm (cùng tông), hoặc các màu lạnh, màu trắng để có sự cân bằng.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 103