Ra chợ mua bàn

Lượt xem: 8997
24/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Thái Hoàng Dưỡng ảnh TL KT&ĐS

Có lẽ nhiều gia chủ khi làm nhà hay trang trí nội thất sẽ nghĩ như tôi, bàn ăn có gì mà khó mua, đâu có khó chọn so với các vật dụng nội thất khác. Phải đến khi sửa lại căn hộ chung cư nhân tiện mua sắm đồ đạc mới cho đồng bộ, tôi mới được “dạo chợ” hàng nội thất cùng bà xã và biết thêm đôi chút về chuyện tìm kiếm bộ bàn ghế phòng ăn cho phù hợp. Nghe cũng lạ nhưng quả thật đây là điều mà lâu nay chính mình làm trong nghề thiết kế cứ vẽ ào ào, ghi chữ “bàn ăn” là xong. Không đơn giản vậy...

 
 
 
 
Đủ giá đủ kiểu
Dạo quanh các khu vực vốn quen thuộc lâu nay về đồ nội thất mang tính phổ biến như Ngô Gia Tự (quận 10) hay Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) có thể thấy bàn ăn cũng như các dạng đồ nội thất khác, muôn giá muôn kiểu. Và chính sự phong phú đó đôi khi lại làm khó người đi chọn lựa, nếu không đủ thông tin và quan niệm rõ ràng ngay từ đầu.
Showroom nội thất P. bày rất nhiều bộ bàn ăn từ cầu kỳ cho đến đơn giản, xáp vô hỏi thử một bộ gọn nhất mà mình thích. Giật mình khi giá bàn chưa tính ghế là 29 triệu đồng, mà bữa nay nhân dịp giảm giá 50% còn 15 triệu đồng! Nhập khẩu hoàn toàn, còn nhập từ đâu thì cô bán hàng nói là “hình như bên Thái”.
Qua các cửa hàng quy mô nhỏ hơn, bàn ghế không sắp xếp theo không gian mà chen chúc nhau miễn sao đủ chỗ. Hỏi bàn ăn gỗ sồi thì có sồi đậm sồi nhạt, giá giao động khoảng 7 đến 9 triệu đồng. Đi tiếp đến cửa hàng của Công ty nội thất T. có bày bộ bàn ăn dạng như bàn họp, có thể kéo hai đầu ra để tăng chỗ ngồi từ 6 thành 10 chỗ. Giá bộ này (vẫn chưa tính ghế) là 14 triệu đồng, gỗ MDF phủ vân gỗ sồi vàng nhạt.
Còn đến các nhãn hiệu nội thất có tên tuổi và showroom hoành tráng thì... khỏi lo về giá, vì không bộ nào dưới 20 triệu đồng, mà nói theo kiểu vợ tôi là “có cái bàn ngồi ăn thôi mà sao đắt thế”. Câu hỏi này được các nhân viên giải thích là tùy vào chất lượng vật liệu, kiểu dáng đang thịnh hành hay kiểu đã cũ, có mặt kính hay không... Vợ tôi thích bàn gỗ tự nhiên và đừng sáng màu quá (để dễ lau chùi và không thấy dơ) nhưng lựa chọn loay hoay thế nào rồi quay về kiểu bàn đã có từ lâu, bốn cái chân với một tấm kính, nhưng cũng phải hỏi kỹ: kính trên mặt loại thường hay kính cường lực, có mài vát cạnh lá hẹ, cà mờ hay kính sơn, kính rạn... gì hay không, vì giá cũng chênh nhau cả triệu đồng.
Lại nảy thêm câu hỏi nữa khi dạo chợ nội thất, đó là: bàn ăn có cần theo phong cách chung của cả nhà không? Lúc đầu cứ nghĩ rằng không cần, vì chỗ ăn thường không nằm gần phòng ngủ, không cần đủ bộ, diện tích cũng ít, ngày ngồi chừng 2 lần/ngày, cũng không thường xuyên tiếp khách nơi ăn... Nhưng khi đi xem rồi nhìn lại nhà mình mới thấy cũng... không đơn giản vậy. Nhà hiện đại mà đặt bộ bàn gỗ quý từ đời ông bà nội để lại, kiểu có chân quỳ chạm trổ, nhìn hoành tráng xưa cũ nhưng mà sao lạc lạc thế nào. Nhà chung cư nhỏ mà cái bộ bàn 6 ghế ắt khó vừa, chỉ 4 ghế mới đủ. bàn đi theo ghế thì sẽ phải khống chế kích thước khi ghế kê vô, khi ăn xong muốn dồn ghế lại cho gọn, chứ không phải cứ mua bàn rồi mua ghế sau.
Rồi còn kiểu bàn ăn có cái khay gỗ bên dưới, để đồ lặt vặt khá tiện nhưng mà không hiểu sao kéo ghế ngồi vào hay đứng lên thì bị đụng ngang đùi ! Hoặc cái mặt bàn thì đẹp nhưng mấy cái chân bằng gỗ làm kiểu bắt chéo chĩa ra, vô ý một chút là đụng chân đau điếng. Rồi còn cả loại bàn kiểu consol, tức là chụm các chân vào giữa quanh một trụ, vợ tôi gọi là bàn ăn giống chùa Một Cột với 2 đầu vươn mặt bàn ra xa gần cả mét, tự nhiên tạo cảm giác không vững chãi! 
 
    
Khi nhà rộng rãi, phòng ăn độc lập thì bàn ăn cần chọn lựa kỹ để hài hòa phong cách nội thất toàn nhà
 
 
Và không chỉ chuyện giá cả
Đi hai buổi chưa chọn được bộ bàn ưng mà lại hợp túi tiền vừa phải, vợ chồng bèn lên mạng xem thử thiên hạ chọn thế nào. Hóa ra trên mạng còn phong phú phức tạp khó chọn hơn ngoài thực tế, vì đồ nội thất gì cũng thế, phải nhìn thấy nó được nằm trong không gian cụ thể mới biết có ổn hay không. Nhiều nhà thiết kế trẻ còn “chế” bàn ăn từ chân thép xây dựng uốn, đặt tấm ván xù xì lên, hoặc “chơi” nguyên cánh cửa lá sách bên trên để tấm kính giống mấy quán cà phê dạo này hay làm. Vợ chồng cùng lướt mạng, cùng tấm tắc khen chê, và cùng thống nhất kêu lên: mấy cái này ngó vậy mà không dễ xài ! Mới nhận ra rằng chế gì thì chế, bàn ăn là thứ khó chế hơn so với sofa, ghế thư giãn hay bàn làm việc, tủ trang trí.
Có bàn ắt có ghế, ghế ăn có khống chế tỷ lệ, chiều cao, độ thoải mái. Và ghế phải đi với bàn, dù chất liệu có khác nhau thì kiểu dáng cũng phải tương thân tương ái, không ép duyên mà gả bừa một bộ bàn ăn thuần Việt với mấy chiếc ghế đa quốc gia được.
Bàn ăn ở nhà có khác với bàn ăn nhà hàng, quán xá không, khác thế nào? Về cơ bản vẫn vậy, nhưng cái khác nằm ở chỗ phục vụ. Nhà mình nên mình phải lau chùi sắp xếp, gia đình tiếp xúc hàng ngày, nên cái bàn ăn không đơn giản là bạ đâu tấp đấy, hoặc như đi nhà hàng bữa nay thích view bên cửa sổ, bữa khác lại chọn góc khuất xó cột... Một số quán cà phê kiêm luôn ăn nhẹ, thậm chí ăn “nặng” (cơm trưa bữa chiều đủ cả) nhưng rõ ràng vẫn dùng kiểu ngồi ghế salon nệm êm chìm xuống gối dựa sau lưng khi ăn mặt bàn ngang cằm ngang mặt thú thực quả là khó nuốt trôi. Trái ngược kiểu ghế thấp bàn cao này là kiểu ghế cao bàn thấp, bàn cứ lè tè ngang đầu gối nên ngồi uống cà phê thì ổn, chứ khi ăn (nhất là món có nước), phải húp phải cúi xuống cái mặt bàn thấp hơn đầu gối là thấy ngay bất cập, nhất là với các bà các cô mặc váy hay áo cổ khoét hơi rộng.
Bàn ăn trong nhà cũng không phải là quầy bar! Ngồi ăn trên quầy bar là nửa ngồi, nửa đứng, ngồi cho vui nhâm nhỉ ngó nghiêng chứ khó ổn định đường hoàng, kiểu lỡ cỡ ngồi như thế không thể nào có bữa ăn cho tử tế được với người lớn chứ đừng nói là nhà có trẻ em hay người già.
Tôi lại nhớ đến nhà ba mẹ tôi nhỏ xíu trong hẻm, bàn ăn liền với gian bếp nên là loại bàn inox tròn gấp lại, ghế nhựa lưng dựa hết sức bình dân, nhưng vẫn phải sắm cho ba tôi một cái ghế ăn bằng gỗ có lưng dựa vững chãi. Bởi ba tôi không thích ngồi nệm, ông kêu ngồi ăn lâu nó lún xuống nóng... mông! Nghe tức cười nhưng ngẫm lại có lý, khi ăn năng lượng nạp vào khiến cơ thể tỏa nhiệt ắt làm ta nóng hơn, không có máy lạnh thì đúng là khó ngồi lâu, dù chỉ trong chừng một tiếng. 
 
 
Dạng bàn ăn có thể kết hợp với bàn làm việc, bàn cà phê được các chủ nhà trẻ ưa chuộng vì đa năng và có cá tính riêng

Chọn được bộ bàn ăn hợp rồi lại xoay ra tìm kiếm bộ đèn cho đủ sáng để không hóc xương, và đủ dịu mờ để không sượng miệng nhìn nhau khi nhóp nhép nhai. Bà thích bàn ăn có mâm xoay theo kiểu đám cưới dễ bố trí và dọn dẹp, còn ông lại khoái bàn ăn dài như bàn họp... đủ chuyện bàn bạc quanh bộ bàn ăn. Tôi cho rằng miếng ăn không tính những lúc vội vã hay ghé qua rồi đi, chứ ăn ở nhà lâu dài, đãi bạn bè tại gia là phải đường hoàng thoải mái. Bàn ăn là để ngồi ăn, và nếu ăn được thì làm chuyện khác mới được, vì vậy một bộ bàn ăn đẹp không chỉ là vấn đề tỷ lệ và nhân trắc, mà còn cả sự hòa hợp bối cảnh, thậm chí nói quá lên là phải hợp với nết ăn nết ở của gia đình nữa. Ăn kiểu Tây, ngồi dài dọc, có phủ khăn là hợp cách. Còn ăn kiểu ta thời khẩn hoang hay kiểu Hoa cả nhà quây quần quanh cái mâm, cái nồi lẩu nghi ngút thì bàn tròn coi bộ có lý có tình hơn. Tôi đã từng thấy người ta làm việc (viết lách, gõ máy tính) trên bàn ăn nhưng thật khó thoải mái khi ăn trên bàn làm việc, và tương tự với bàn tiếp khách, bàn trang điểm, hay thậm chí là bàn bếp! Bếp là bếp mà ăn là ăn, dĩ nhiên, ăn ở đây là bữa ăn đường hoàng, chứ không kể ăn lúc vừa làm bếp vừa... bốc lủm, ăn vụng thì không tính. Cũng không thể nào cứ mãi so sánh thời nay với cái thuở nhiều nhà chật hẹp bữa ăn trải chiếu ngoài thềm hay dọn ra bộ ghế salon vừa kiêm chỗ tiếp khách. Chợt nhớ lời một gia chủ trung niên đã khẳng định khi làm nhà: nếu chưa tươm tất ở mọi vị trí trong nhà, xin hãy chú ý vào hai nơi: chỗ nạp đầu vào (bếp ăn) và chỗ giải quyết đầu ra (khu vệ sinh) để giúp một nơi cư trú đúng nghĩa về cơ bản là giải quyết được chuyện ăn ở.
 
 
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 115