Khi thiết kế cần phải hiểu được tâm sinh lý trẻ theo độ tuổi, giới tính cùng với các đặc điểm cá nhân khác của mỗi “chủ nhân” không gian và thói quen, nếp sinh hoạt của gia đình trẻ. Ảnh Ngọc Hoài
Không gian riêng của trẻ
Với điều kiện kinh tế cho phép, cùng với thị trường thiết kế khá rộng mở và linh động, phòng trẻ em dần được chuyên môn hóa như một không gian đặc thù, tạo ra một không gian sống phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Phòng dành cho trẻ cũng là một mảng thị trường sôi động của việc sản xuất và kinh doanh đồ nội thất.
Phòng trẻ em thường được thiết kế cho lứa tuổi từ 6-15, ở tuổi mà các em có thể ngủ một mình, chủ động trong việc sinh hoạt cá nhân và học tập, có nhu cầu riêng tư - nhưng vẫn chưa phải là người lớn. Cũng có thể phòng trẻ được thiết kế cho các em nhỏ ở tuổi mẫu giáo, hoặc kết hợp nhiều trẻ ở độ tuổi khác nhau (anh/chị em), tùy hoàn cảnh gia đình và cách thức quản lý, chăm sóc trẻ của bố mẹ và các thành viên lớn tuổi khác.
Thông thường, phòng trẻ em được thiết kế với những đường nét ngộ nghĩnh, sắc màu vui tươi, trang trí hình ảnh dễ thương, các nhân vật hoạt hình, cổ tích… Đó là những hình ảnh quen thuộc nhiều người vẫn thấy trên các tạp chí hay các cửa hàng đồ nội thất trẻ em. Bản thân trẻ khi tiếp xúc với những không gian ấy cũng rất thích thú, phấn khởi; điều đó tạo được hiệu ứng tâm lý tốt cho việc tự lập, tạo được ý thức tốt trong việc “sử dụng” và “quản lý” không gian riêng đó. Thiết kế phòng trẻ em cần thiết phải hiểu được tâm sinh lý trẻ theo độ tuổi và giới tính; cùng với các đặc điểm cá nhân khác của mỗi “chủ nhân” không gian và thói quen, nếp sinh hoạt của gia đình trẻ.
Nội thất trang trí nhẹ nhàng và duyên dáng hướng tới tuổi mới lớn. Ảnh Hà Thành
Thay đổi và sự linh hoạt cần thiết
Hầu như ai làm thiết kế nhà ở gia đình - nhất là đối với những khách hàng trẻ, đều được đặt hàng… thiết kế phòng trẻ em, vì cha mẹ nào cũng muốn cho con mình một căn phòng đẹp, một không gian sống tốt, thông qua thiết kế kiến trúc, nội thất và cả việc mua sắm. Tuy vậy, trong thực tế việc thiết kế và sử dụng không gian này cũng có rất nhiều vấn đề cần phải lưu ý và… rút kinh nghiệm.
Trong quá trình tư vấn thiết kế, cả kiến trúc sư và cha mẹ của trẻ thường không quan tâm, để ý kỹ đến nhu cầu của trẻ mà hay áp đặt ý kiến cá nhân vào, thành ra sản phẩm hoàn thiện chưa chắc là thứ trẻ mong muốn. Hoặc trường hợp khác phụ huynh lại hết lòng chìu ý trẻ, từ việc chọn mẫu, màu sắc, vật liệu… mà không lường trước những bất hợp lý khi trẻ hoàn toàn không có kiến thức về chuyên môn, chỉ là ý thích cảm tính nhất thời. Có trường hợp bé thích màu hồng, cả người thiết kế và bố mẹ đã đưa… các mẫu vải màu hồng cho trẻ chọn để làm rèm. Kết quả là ô cửa sổ hướng tây có rèm màu hồng tươi không đủ dày để chắn sáng trở thành một ô cửa hồng rực, tán sắc vào làm căn phòng bị ám màu, vô cùng nóng và bức bối. Tất nhiên sau đó việc này phải xử lý.
Căn phòng trẻ được thiết kế và thi công trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng thời gian sử dụng lại kéo dài từ khi trẻ còn bé đến khi đã lớn. Vì vậy, nhiều trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn không còn phù hợp, có thể do độ tuổi lớn lên, tâm tính và sở thích trẻ thay đổi, có thể do những biến đổi nhu cầu trong cuộc sống… Không ít khách hàng khi đặt yêu cầu với kiến trúc sư, mong muốn một phòng trẻ thế này thế kia, nhưng sau đó lại muốn… trở lại bình thường và thấy những thiết kế (theo yêu cầu) đó như một sự bất hợp lý. Có thể thấy rất nhiều ví dụ sống động và cụ thể trong chuyện này. Như việc sử dụng giường tầng, mới đầu thì thích, sau lại thấy bất tiện và nguy hiểm; đến khi trẻ lớn hơn, không cảm thấy sợ khi phải trèo lên cao nữa thì trẻ cũng hết thích cái giường “trẻ con” này. Hoặc nhiều phòng trẻ được thiết kế những giá kệ để đồ chơi rất đáng yêu; nhưng hết tuổi đồ chơi thì những giá kệ đó không thích dùng cho những việc khác. Có gia đình làm phòng chung cho trẻ, nhưng đến tuổi nhất định (nhất là với trẻ khác giới), chúng sẽ không muốn (và không nên) chung phòng nữa…
Xét về tổng thể, phòng trẻ chỉ chiếm một thời gian nhất định không dài so với tuổi thọ của công trình và đời sống của một gia đình. Vì vậy khi thiết kế phòng trẻ cần phải bảo đảm sự linh hoạt để có thể dễ dàng điều chỉnh hay thay đổi tính chất chức năng không gian, phù hợp cho nhu cầu thực tế.
- Phương án bố trí nội thất không nên quá đặt biệt, không quá lạm dụng các hình thù nội thất khác thường trên mặt bằng (vốn gây ấn tượng và ngộ nghĩnh) để có thể dễ dàng điều chỉnh.
- Hệ thống kỹ thuật phải tính toán phù hợp trong mọi trường hợp sử dụng khi trẻ lớn hoặc chuyển đổi phòng cho đối tượng khác. Ví dụ trẻ nhỏ không có nhu cầu về tivi hay đường truyền internet, nhưng sẽ có nhu cầu khi lớn hơn.
- Tránh trang trí quá nhiều và cố định, nhất là ở trần, tường, các màu sơn rực rỡ. Hãy nên linh hoạt (dễ thay đổi) bằng tranh ảnh, rèm, đồ chơi. Việc lạm dụng màu sắc và hình trang trí nhìn thoáng qua có thể thích mắt nhưng sống trong đó một thời gian dài sẽ không tốt cho tâm lý, dễ bị kích thích và mỏi mệt.
- Các thứ đồ nội thất nên thiết kế đón đầu tuổi để tránh lạc hậu, tính toán tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ví dụ như các giá kệ đồ chơi có thể chuyển thành giá sách hoặc tủ đựng đồ cá nhân/quần áo khi trẻ lớn và dành nhiều thời gian cho học tập nhiều hơn là vui chơi.
- Tính trước tới khả năng chuyển đổi cơ cấu sinh hoạt hoặc thay đổi chức năng phòng. Ví dụ trẻ ở chung đến một độ tuổi nhất định cần tách phòng, hoặc thay đổi “phòng trẻ em” thành “phòng người lớn” tại chính không gian cũ.
Một phòng bé gái khi đã qua tuổi búp bê
Phòng ngủ một bé trai đang lớn với những tông màu nhã nhặn. Hình thức đồ nội thất vẫn có nét trẻ con nhưng vừa đủ, không lạm dụng sự ngộ nghĩnh
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 114