Thư giãn – cũng cần thiết đấy...
Cuộc sống, nhịp sống hiện đại cuốn người ta đi với bộn bề công việc, với sự bận rộn quanh năm ngày tháng, nên nhiều khi không có cả thời gian để nghỉ ngơi thư giãn. Những nơi chốn, địa chỉ để thư giãn bên ngoài thì không thiếu, song không phải ai cũng thích hay có đủ điều kiện. Vậy nên những không gian thư giãn dần dần được kéo vào ngôi nhà ở. Điều này là đúng đắn và cần thiết để tạo sự cân bằng cho cuộc sống.
Trong những năm gần đây, những kiến trúc sư làm nhà ở gia đình hay được đặt hàng thiết kế những phòng, không gian thư giãn bên cạnh các phòng ốc chức năng cần thiết khác. Để có một không gian thư giãn, phải hội tụ nhiều điều kiện, song nói chung là thường tốn kém. Các chủ nhà cũng xác định trước điều ấy và dễ dàng chấp nhận đổi lấy sự mới mẻ, thú vị và tiện nghi trong ngôi nhà của mình. Có nhiều kiểu tạo không gian thư giãn, thích ứng với các nhu cầu của chủ nhà. Đó có thể là những mảng xanh trong nhà, dưới giếng trời, khu vườn nhỏ nhỏ bên ngoài, đó có thể là một hồ cá cảnh...; hay các phòng riêng biệt để giải trí, thư giãn như phòng đọc sách, phòng chơi thể thao, phòng karaoke, phòng chiếu phim, nghe nhạc... Đặc biệt trong thời gian gần đây, phòng tắm được thiết kế như một không gian thư giãn với những trang thiết bị hiện đại, không gian rộng mở, nội thất sang trọng xuất hiện nhiều như một thứ mốt, thể hiện đẳng cấp của ngôi nhà và chủ nhân.
Nhu cầu của những chủ nhân là có thật, chắc chắn như vậy. Họ cần không gian giải trí và thư giãn để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình và đặt hàng với kiến trúc sư. Nhưng chính kiến trúc sư cũng là người chủ động gợi ý, tác động tới chủ nhân để tạo ra những yếu tố ấy, không gian ấy, với nhiều mục đích, trong đó có cả mong muốn công trình của mình thiết kế đẹp hơn, hoành tráng hơn, ấn tượng hơn. Điều đó cũng không sai nếu như có sự tính toán kỹ và có sự đồng thuận của chủ nhà, đáp ứng đúng nhu cầu của chủ nhà; chứ không phải mượn tiền của chủ nhà để làm một cuộc chơi cho riêng mình.
Xin được nhắc lại rằng, đầu tư cho những không gian thư giãn rất tốn tiền, có thể từ vài chục triệu đến vài trăm triệu và tới cả hàng tỷ đồng; và rất cần một thiết kế đồng bộ, chỉn chu để có thể vận hành hiệu quả và có tác dụng cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, tiền mới chỉ là một phần của vấn đề...
Có nhiều kiểu để tạo không gian thư giãn trong nhà. Điều quan trọng là không chạy theo mốt mà phải phù hợp nhu cầu, khả năng duy trì
... và khi “than dữ”
Những không gian thư giãn khởi đầu luôn là niềm tự hào của chủ nhân và cả kiến trúc sư thiết kế. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó và những không gian này không là ngoại lệ. Rất rất nhiều chủ nhân đã phải... “than dữ” về các không gian này với đủ các lý do. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là không xác định rõ ràng được nhu cầu của mình, cứ làm như một thứ mốt, thấy thiên hạ làm thì làm theo. Và theo thời gian, không ít không gian thư giãn bị... bở rơi, hoang hóa hoặc bị coi như của nợ.
Đa phần các chủ nhân chỉ hứng khởi, thích thú tận hưởng không gian thư giãn ở nhà mình trong thời gian ban đầu. Và sau đó thì không thích nữa, không cần nữa, hoặc thiếu cảm xúc với những không gian ấy nên... đi thư giãn ở chỗ khác, ở bên ngoài. Việc sử dụng, chăm sóc, vận hành đúng cách các không gian thư giãn cùng thiết bị cũng khiến chủ nhân thấy mất thời gian, phiền phức, tốn kém nên ngại dần; mà càng ngại thì lại bỏ rơi, dẫn đến những chỗ thư giãn bẩn thỉu, bụi bặm, hỏng hóc... Và từ đó là... “than dữ” vì tiếc công, xót của.
Có người đòi thiết kế một thư phòng để đọc sách thư giãn, nhưng sách thì không hề tích lũy qua năm tháng nên ra hiệu sách mua cả đống về bày, thư phòng không khác gì cửa hàng sách mới. Và rồi cũng đâu có đọc vì có thực sự thích đọc, yêu sách đâu? Thế nên thư phòng để dành cho nhện giăng.
Có người làm vườn, làm tiểu cảnh trồng cây, những ngại chăm sóc, lười động chân động tay vào cái bay cái cuốc, ngại bẩn khi chạm vào cỏ cây đất cát, nên vườn thành vườn hoang rồi cũng tự chết khô. Có anh bắt chước người ta làm hồ cá - để thư giãn. Nhưng đến lúc có cá rồi mới biết rằng chơi trò này cực kỳ công phu và tốn kém. Phải đủ đam mê, đủ thời gian thì mới duy trì được trong khi điều kiện thực tế lại không cho phép. Thế rồi bỏ.
Có chị nốt nhạc bẻ đôi không biết, rước cây đàn piano về và tuyên bố rằng yêu âm nhạc, trân trọng nghệ thuật, sẽ cùng cây đàn thư giãn theo kiểu lãng mạn. Tuy nhiên học nhạc được 3 buổi thì bỏ vì tình yêu không có, chịu khó cũng không. Cây đàn piano trở thành đồ trang trí nội thất bất đắc dĩ và khá vô duyên.
Có rất nhiều người làm phòng chơi bi a, phòng hát, phòng chiếu phim... rất oách. Một thời gian sau mới thấy rằng chơi một mình hoặc với 1-2 người trong nhà là rất chán, không có không khí nên bữa sau kéo nhau ra câu lạc bộ, ra nhà hàng, ra rạp cho vui. Phòng thư giãn rất đắt tiền nhưng bỏ hoang.
Những phòng tắm thư giãn sang trọng, hiện đại nhưng ít sử dụng vì không có nhiều thời gian trở nên bụi bẩn, mất vệ sinh, máy móc trục trặc... Mỗi lần muốn thư giãn lại phải cọ rửa, làm vệ sinh rất ngại; rồi sử dụng xong cũng phải làm công tác thu dọn. Khi đó, người ta rất dễ so sánh và thèm ra dịch vụ ở ngoài để được làm “thượng đế”.
Còn rất nhiều những ví dụ như trên nữa, để thấy để tạo một không gian thư giãn thì không quá khó, song để duy trì nó và làm nó thực sự có ý nghĩa cho cuộc sống là không hề dễ. Thư giãn thì ai cũng cần, có không gian thư giãn thì ai cũng muốn, nhưng hiểu chính nhu cầu của mình, khả năng của mình kiến tạo ra những không gian phù hợp thì không phải ai cũng làm được. Câu chuyện này, nếu trách chủ nhà một thì cũng phải trách kiến trúc sư một, khi mà không ở đúng vai trò, vị trí của người tư vấn, để định hướng cho khách hàng, người sử dụng những điều đúng đắn. Và thật đáng trách cho kiến trúc sư nếu mượn tiền của chủ nhà để làm cuộc chơi cho mình như đã nói ở phần trên.
Cần cân nhắc thật thấu đáo trong chuyện này, đừng để thư giãn rồi... “than dữ”.
Những không gian thư giãn minh họa trong bài là những không gian được sử dụng, chăm sóc thường xuyên và mang lại hiệu quả thư giãn thực sự
Bài Duy Dũng ảnh TL
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 110