Một cách ứng xử với môi trường
Chắn nắng, chống nóng cho công trình kiến trúc là một thái độ ứng xử với môi trường để khắc phục những bất lợi từ thiên nhiên mà cha ông ta đã làm từ xa xưa. Để thực hiện việc này, có rất nhiều giải pháp cụ thể được ứng dụng trong ngôi nhà dân gian truyền thống ở nhiều vùng miền. Đó là những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đến kiến trúc, kỹ thuật, vật liệu... Tất nhiên, để có một không gian sống thuận tiện, an lành thì còn nhiều vấn đề khác trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên để tận dụng ưu điểm, khắc chế nhược điểm. Song chỉ với riêng vấn đề chống nóng đã là quan trọng hàng đầu và có liên hệ mật thiết với những giải pháp kiến trúc và giá trị thẩm mỹ mà bài viết này đề cập. Đó là một mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa công năng và thẩm mỹ; tạo nên những nét đặc sắc trong kiến trúc và thể hiện sự linh hoạt. Điều đó chưa bao giờ là cũ, thậm chí luôn mang đến những điều mới mẻ, phù hợp với xu thế hiện đại và sự phát triển nói chung của kiến trúc.
Về mặt quy hoạch - là yếu tố đầu tiên; công trình nằm trong bố cục tổng thể thường quay hướng nam, để tránh nắng đông tây và gió mùa đông bắc, đón gió mát hướng đông nam. Hướng nam, hoặc chếch đông nam luôn được xem là hướng chuẩn trong công trình kiến trúc dân gian truyền thống. Từ những công trình lớn như kinh thành, hay những ngôi nhà nhỏ thì việc quay nhà về hướng nam luôn là giải pháp đúng đắn hàng đầu trong quy hoạch. Bên cạnh đó, việc tổ chức bố cục không gian trong tổng thể luôn đề cao vai trò quan trọng của cây xanh, mặt nước, mặt đất tự nhiên... Cây xanh, mặt nước góp phần làm trong lành môi trường sống, chắn và giảm bức xạ mặt trời và tô điểm cho công trình kiến trúc. Mặt đất tự nhiên cũng làm giảm bức xạ nhiệt mặt trời và đóng vai trò thoát nước mặt một cách đầy hiệu quả. Những yếu tố trên cùng với chủ thể là công trình kiến trúc tạo nên sự cân bằng, hài hòa âm dương, thân thiện môi trường. Có thể nói, kiến trúc xanh đã được bắt đầu từ xa xưa, một cách tự nhiên và lặng lẽ như thế chứ không phải chờ đến những năm gần đây mới ồn ào trên truyền thông và đang phát triển giống như một thứ mốt thời trang.
Để bền vững, tồn tại, kiến trúc luôn phải ứng phó với thiên nhiên và khí hậu. Chắn nắng, chống nóng cho công trình kiến trúc chỉ là một phần; bên cạnh những bất lợi khác của thiên nhiên như gió bão, tuyết, lũ lụt, động đất... Việc ứng xử, thích nghi với môi trường cũng là những dữ liệu quan trọng để tạo dựng nên hình hài kiến trúc, đem đến những thói quen và tập tục sinh hoạt in dấu trong văn hóa của con người, vùng miền đầy ý nghĩa.
Về mặt kiến trúc, những giải pháp chắn nắng, chống nóng cho công trình luôn đem lại những điều thú vị và thể hiện rõ sự phát triển của kiến trúc theo tiến trình thời gian.
Mái hiên xanh ở phố cổ Hội An
Nét duyên từ cây ở cổng một ngôi nhà (Hà Nội)
Duyên từ... chắn nắng
Để chắn nắng, chống nóng cho công trình, ngoài những giải pháp kiến trúc như tường dày, hiên sâu, mái rộng... đã trở nên quen thuộc; thì việc tạo dựng những kết cấu chắn nắng góp phần đem lại một hình ảnh thẩm mỹ mới mẻ cho công trình. Có thể nói, rất nhiều công trình có giá trị thẩm mỹ, hay những nét duyên từ giải pháp chắn nắng.
Trong ngôi nhà dân gian truyền thống, ông cha ta đã tạo nên những kết cấu chắn nắng linh hoạt, hiệu quả. Đó là những tấm mành, tấm giại, tấm liếp. Mặc dù đa phần kiến trúc dân gian truyền thống đều chọn hướng nam là hướng chính, nhưng trong một số hoàn cảnh đặc biệt về địa hình, nhà có thể chếch hướng đông tây, hoặc chịu nắng xiên theo mùa, thì đây là giải pháp kiến trúc để chắn nắng cho công trình. Những tấm mành, giại, liếp ngăn trực tiếp bức xạ mặt trời lên bề mặt kiến trúc, giảm bức xạ nhiệt từ sân (thường là sân gạch để phơi phóng) phản xạ vào công trình. Những loại vật liệu này là vật liệu tự nhiên (tre, nứa, song, mây...) có hệ số bức xạ nhiệt thấp, sử dụng rất linh hoạt và thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc chắn nắng, các kết cấu này cũng là tấm rèm lọc sáng ngăn độ chói gắt của mặt trời, ngăn gió cuốn, mưa tạt nhưng vẫn đảm bảo độ thông thoáng và tính thẩm mỹ cho công trình.
Ở kiến trúc hiện đại, rất nhiều công trình đã sử dụng những tấm mành, giại biến thể cho công trình với cấu tạo mới, vật liệu mới. Và từ đó tạo nên hình ảnh đặc trưng cho công trình. Các kết cấu này có thể là lam bê tông đúc liền với hệ kết cấu khung - dầm - cột; hoặc là những block xây chèn trong các khoảng trống trên mặt tiền. Kiến trúc miền nam và Sài Gòn trước năm 1975 có rất nhiều những công trình như vậy, mang một sắc thái kiến trúc nhiệt đới Sài Gòn rất riêng và không hề lạc hậu. Có thể kể tới những công trình tiêu biểu như Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) với những bức “rèm hoa đá” tạo hình đốt trúc rất đẹp và độc đáo, hay Thư viện Quốc gia Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) với những block bê tông hình chữ triện đậm dấu ấn phương đông. Các kết cấu chắn nắng này thể hiện sự sáng tạo trong tạo hình mặt đứng kiến trúc và đem lại những dấu ấn riêng biệt cho công trình.
Trong một khoảng thời gian sau đó, những hệ chắn nắng như trên dần vắng bóng và xu hướng kiến trúc nhiệt đới này có vẻ như thoái trào. Nhưng trong những năm gần đây, dễ nhận thấy có sự trở lại của hệ lam chắn nắng. Bên cạnh vật liệu truyền thống là những hệ lam bê tông hay hoa bê tông, gạch hoa gốm; thì có sự xuất hiện của những vật liệu mới như nhôm, thép, composit... Ngoài công năng chắn nắng, chống nóng là yếu tố tiên quyết thì các hệ chắn nắng này cũng thể hiện những ngôn ngữ, sắc thái, tinh thần riêng để tạo nên một bộ mặt kiến trúc mới mẻ, hấp dẫn, tạo nên những nét duyên cho công trình. Với công nghệ mới, vật liệu mới; hệ thống lam chắn nắng của nhiều nhà sản xuất còn cho phép điều chỉnh độ nghiêng những thanh lam bằng điều khiển cơ điện hay cảm ứng - tự động, tích hợp trong hệ thống điều khiển của nhà thông minh.
Trong trào lưu kiến trúc hiện đại, máy điều hòa nhiệt độ là một thiết bị quen thuộc, thậm chí không thể thiếu. Tuy vậy, việc phó mặc vấn đề giải nhiệt công trình cho máy lạnh không phải là giải pháp căn bản, và quá lạm dụng công nghệ. Bài toán quy hoạch, kiến trúc phải luôn được giải quyết trước vấn đề công nghệ. Và vì lẽ đó, những công trình có giải pháp chắn nắng hợp lý về công năng và có giá trị cao về thẩm mỹ luôn được đón nhận.
Ở một góc khác có liên quan, là việc trồng cây xanh để chống nóng cũng có đôi điều để nói. Tất nhiên, kiến trúc có cây xanh chưa hẳn là kiến trúc xanh. Song việc ứng dụng “vật liệu cây xanh” một cách hợp lý cũng cần ghi nhận những yếu tố tích cực nhất định. Bởi loại vật liệu tự nhiên và sẵn có này nếu ứng dụng tốt sẽ cho những hiệu quả cao trong việc chắn nắng, chống nóng. Cây xanh ngoài việc giảm bức xạ nhiệt rất tốt còn đem lại yếu tố cảnh quan tích cực, đem lại môi trường vi khí hậu trong lành, và tất nhiên là cũng vẫn đem lại những nét duyên cho công trình.
Một công trình nhà ở gia đình ở thành phố Thái Nguyên, sử dụng hệ lam nhôm tiền chế với những khung di chuyển linh hoạt
Ngoài công năng chắn nắng, chống nóng là yếu tố tiên quyết thì mảng xanh cũng tạo nên những nét duyên cho công trình
Bài KTS Nguyễn Trần Đức Anh ảnh Nguyễn Trần Đức Anh, tư liệu
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 109