Che mưa che nắng, cố gắng tới đâu?

Lượt xem: 7299
14/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống

Nhân buổi cafe với nhóm bạn trung niên lâu ngày “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” những ngày cuối tháng tư, người viết nhận thấy có hai luồng ý kiến trái chiều trong câu chuyện làm nhà hiện nay. Một bên cổ súy cho mọi thể nghiệm, tìm tòi, khác lạ, cá tính... của nhà thiết kế; và một bên bảo lưu quan niệm về việc kiến trúc nhà ở không thể là chỗ cho các ngẫu hứng cá nhân, mà phải nhận được nhiều đồng thuận từ phía người sử dụng.

 

 

Hoàn thiện nhà phù hợp công năng bảo vệ, đảm bảo che chắn mà vẫn thoáng đãng chính là dung hòa được nhiều nhu cầu phức tạp

 

Khi mùa nóng gay gắt chưa qua thì những lo lắng về giải pháp che mưa, bảo vệ ngôi nhà trước sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu dường như đã xuất hiện. Không ít gia chủ lẫn công ty xây dựng cứ đến mùa hội chợ vật liệu là khệ nệ đem về hàng chồng catalogue mới nhất của các hãng vật liệu. Vậy nhưng lúc làm nhà thì vẫn quanh đi quẩn lại mấy “thực đơn” quen thuộc mà nhà thiết kế quen “nấu”, và gia chủ cũng thấy quanh mình nhiều người đã dùng. Mái nhà hết lợp ngói đến tôn, hết mái bằng trồng cây lại qua mái dốc, có lúc nhà thiết kế chợt sững người khi gia chủ hỏi vặn: ủa em tạo khối này để làm gì vậy ? Để che mưa, che nắng (nếu quả đúng như thế) là điều đương nhiên, nhưng vấn đề là ngôi nhà xứ nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều của chúng ta bao đời nay đã biết dùng mái hiên, ô văng, ban công... che mưa nắng khá ổn, đến đời kiến trúc sư thế hệ 8x, 9x, sao lại cứ phải vặn vẹo cho nó khác người, để rồi bị chất vấn: cố gắng tạo hình khối này để làm gì vậy?

Từ những mảng kính lớn đóng cứng
Người viết bài đã từng chứng kiến không ít lần các thiết kế nhà phố mới dùng đủ các chương trình tính toán bóng đổ che nắng, biểu đồ mặt trời chuyển động... rất “hầm hố” của nước ngoài, nhưng giải pháp cuối cùng đưa ra vẫn là... mấy cái hộp vuông vuông và gắn mảng kính lớn. Không mở ô kính nào ra được vì ngại trộm chỉ là cái cớ đổ thừa cho an ninh, ẩn bên trong còn đủ thứ lý do chủ quan như: sợ mưa tạt đóng cửa không kịp hư sàn gỗ (gia chủ hay nói thế), sợ xấu mặt tiền, muốn giữ cái view nhìn thoáng rộng (lý do của nhà thiết kế)...
Vì vậy, xây nhà hiện nay trở nên vừa dễ mà vừa khó, bởi thông tin hay dịch vụ không hề thiếu, nhưng luôn tồn tại nhiều phân vân, áp lực cho gia chủ khi phải chọn ra một giải pháp cụ thể mà không liên đới tới nhiều vấn đề khác. Gia chủ đứng tuổi hay nhớ câu truyền khẩu “ăn cơm tàu ở nhà tây” để muốn quay về kiểu nhà “giống tây”, tức dạng biệt thự bán cổ điển có nhiều vòm, cột, mái đan xen... Trong khi đó, giới thiết kế lẫn gia chủ trẻ có vẻ như khá háo hức với những thử nghiệm mới mẻ về hình khối và vật liệu, sẵn sàng xem nhẹ các yếu tố khí hậu, đơn giản nhất là chuyện che mưa, che nắng sao cho hợp lý. Ở thái cực đối nghịch, một loạt kiến trúc sư thế hệ 8x dạng du học trời tây đang ra sức cố súy cho những thiết kế “thích ứng khí hậu, bền vững và tiết kiệm” để thiết kế nhà phố mang vẻ “nghiên cứu khoa học, báo cáo tác động môi trường” chứa đầy các bảng biểu tính toán và câu chữ Anh - Việt đan xen như một hình thức quảng bá kiến thức, còn thực chất kết quả thì... vẫn như cũ về giải pháp, chỉ khác về hình thức, kiểu như: “ngày nay sơn nước - ngày trước quét vôi” đối với bề mặt hoàn thiện, hoặc “hồi đó xây bồn, bây giờ kê chậu” khi làm bồn hoa. 

 

Vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều về thực hư hiệu quả giải pháp hình khối nhà hiện đại có hợp môi trường khí hậu, hay chỉ là những thể hiện khác nhau về hình khối, ý tưởng
    
Đến chuyện dùng lam sao cho vừa
Xét về bản chất các quan hệ tương tác qua lại giữa gia chủ và nhà thiết kế, đó là quá trình dung hòa các mặt đối lập. Một bên có tiền và nhu cầu, một bên có kiến thức và tự ái nghề nghiệp, lại mong muốn thể hiện bản thân. Khi các nhu cầu và định kiến cá nhân không gặp nhau thì ắt mâu thuẫn, nhưng khi cả đôi bên cùng thiên lệch về một vấn đề nào đó thì cũng không phải là điều hay về mặt chuyên môn. Ví dụ mảng kính đóng cứng ở trên cho thấy cả đôi bên cùng đi đến thỏa hiệp để mảng kính lớn tạo ấn tượng bên ngoài, còn nếu nắng chói thì kéo rèm, nóng nực thì bật máy lạnh! Lập luận này đã được không ít người đồng tình bởi dễ xử lý, còn chuyện thông thoáng tự nhiên, hao tốn năng lượng, chi phí làm rèm che chắn, và cả vấn đề thoát hiểm khi có sự cố... thì không đặt ra hoặc không muốn giải quyết đến cùng. 
Do đó, có thể thấy ở các công trình có sự thỏa hiệp qua lại hợp lý, giải pháp che mưa, che nắng sẽ được bố trí nhằm tìm kiếm sự hài hòa, chứ không phải phô trương hoành tráng, cũng không phải là tính toán chi li quá mức dẫn đến một ngôi nhà thực dụng và rối rắm, hoặc nhạt nhòa. Mà đã gọi là giải pháp kiến trúc thì luôn luôn liên quan chặt chẽ đến quan điểm đầu tư, bố trí mặt bằng và không gian kiến trúc tương ứng với nhu cầu sử dụng. Giải pháp che mưa, che nắng vì thế chỉ là một phần trong nhiều giải pháp khác, là sự tổng hợp vừa khoa học vừa nghệ thuật, mà nếu “làm quá” mặt nào đó lên đều không tốt. Ví dụ, một giàn lam được thiết kế để che nắng và giảm bị tạt mưa, thì trước hết phải xem xét tỷ lệ giữa các phần đặc rỗng của không gian, đi cùng yếu tố vật lý kiến trúc (hướng nào gắn lam ngang, phía nào dùng lam đứng...) gắn chặt với việc mở cửa thế nào, rồi che chắn mà vẫn đón nắng gió ra sao... với hệ lam đó. Tiếp theo là chọn vật liệu và kiểu dáng giàn lam liên quan đến độ bền vững lẫn thẩm mỹ, đồng thời chú ý thêm vấn đề kiến trúc phong cảnh (landscape) trong quan hệ với kiến trúc công trình chung quanh.
Trình tự trên đều được các thế hệ kiến trúc sư 50 năm trước quan tâm xử lý cụ thể, trách nhiệm và tự nhiên, không làm để lên gân với truyền thông, in dấu ấn nhiều công trình lớn nhỏ từ cấp quốc gia đến biệt thự tư nhân. Dấu ấn này hiện nay ít nhiều bị mai một, như lời PGS.TS. KTS Lê Thanh Sơn, Trưởng khoa Kiến trúc nội thất - trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM từng phát biểu: “Dường như chúng ta quên rằng Sài Gòn đã có hẳn một thế hệ kiến trúc sư và công trình kiến trúc thích ứng tốt với môi trường địa phương và song hành cùng các xu hướng tiên tiến của thế giới, trong đó dạng nhà nhiệt đới hiện đại thập niên 60-70, thế kỷ XX là đặc trưng...”. 

 

Trong nếp nhà truyền thống, nhà tây phương nhiệt đới hóa, giữa nhà và sân vườn, bao cảnh luôn có quan tâm hỗ trợ, nương tựa, dẫn dắt các công năng hợp lý... 

 

Sử dụng mảng đặc rỗng, lam che chắn phù hợp, đúng hướng là giải pháp hoàn thiện gọn nhẹ, phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới, kinh tế và thẩm mỹ

 

Che mưa nắng, cố gắng từ phần thô
Nhìn lại quá khứ, nếp nhà truyền thống của cha ông ta dù giàu hay nghèo hầu như đều chỉ cấu tạo và hoàn thành bởi một số loại vật liệu cơ bản nhưng rất hài hòa, như gạch, ngói, gỗ, đá… thậm chí khi làm xong phần thô (cất nóc) là đã coi như xong nhà, không phải tô son, trát phấn gì nhiều. Phần mái vươn rộng ra tính toán đủ che mưa nắng, không phải cơi nới. Phần cửa bức bàn, cửa lá sách... có thể điều chỉnh để kín khít khi trời lạnh, hay giãn thoáng được khi trời nóng, chứ không phải gắn kính suốt rồi dùng máy lạnh như một số nhà thời hiện đại. 
Hiện nay khi chọn lựa vật liệu hoàn thiện, hầu hết gia chủ ai cũng muốn đem lại dáng vẻ riêng biệt và độc đáo cho từng khu vực riêng lẻ trong công trình, dẫn đến xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở” về vật liệu và hình thức, khiến ngôi nhà trở nên mất đồng bộ. Ví dụ một khung cửa bằng gỗ ở hướng nắng gắt, cho dù gia chủ rất thích gỗ tự nhiên, thì cũng chỉ qua vài mùa mưa nắng là bạc phếch, trường hợp này dùng vật liệu cửa nhựa lõi thép hay cửa nhôm (có thể chọn loại có lớp phủ giống màu gỗ) thì sẽ đảm bảo độ bền vững hơn mà vẫn giữ được dáng vẻ và màu sắc “giống gỗ” như mong muốn. Do đó người sử dụng nên khéo dùng vật liệu, công nghệ mới chớ nên quá bảo thủ về quan niệm sử dụng vật liệu cổ điển khi xây nhà trong thời hiện đại.
Giải pháp che mưa nắng thực ra chỉ là một trong rất nhiều vấn đề ngôi nhà hiện nay phải giải quyết. Nếu chiếu theo các tiêu chí cần đạt đến của kiến trúc phương tây đã đề ra là thích dụng – bền vững – kinh tế – thẩm mỹ thì đông tây đã hoàn toàn gặp nhau bởi văn hóa đông phương cũng có quan niệm tương ứng tứ đắc khi chọn giải pháp hoàn thiện công trình, đó là đắc dụng – đắc kiên– đắc kiệm và đắc mỹ. Xét riêng trong phạm vi giải pháp che mưa nắng thì tứ đắc kể trên có thể hiểu như sau:
- Đắc dụng tức là phải giải pháp với công năng tương ứng, như bọc lam thì che cho khu vực nào, tránh lãng phí không gian, tránh thành mảng bám bụi. 
- Đắc kiên là giải pháp che mưa nắng phải đạt đủ sự bền chắc để ít phải sửa chữa, gia cố ảnh hưởng đến môi trường nơi cư ngụ. Ví dụ nhà đã đúc mái bằng thì cần tính thêm đến giải pháp chống thấm đầy đủ hoặc có thêm lớp mái che - dàn leo bên trên để giảm nóng.
- Đắc kiệm là chú ý đến chi phí bỏ ra ban đầu, chi phí bảo trì trong quá trình sử dụng và khả năng thay đổi khi có nhu cầu khác. Không phải cứ tiết kiệm ban đầu là lợi vì nếu sau này phải thường xuyên bảo trì, nâng cấp thì sẽ vừa không kinh tế vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt trong nhà.
- Đắc mỹ, che mưa nắng nhưng phải hoàn thiện cho đẹp và hài hòa cảnh quan, môi trường lân cận chính là để tạo nên sự tồn tại của kiến trúc về mặt xã hội một cách lâu dài. Đẹp thì có nhiều chuẩn mực, lại tùy vào sự cảm thụ riêng. Nhưng đẹp trong kiến trúc nhà ở đô thị chắc chắn phải là cái đẹp có quan tâm đến bối cảnh chung, không lấn át và đè nén lân cận, cũng không phô trương lộ liễu. Theo quẻ khiêm trong dịch học thì chỗ nào cần cao thì làm cao, đáng làm thấp thì xuống thấp, giữ sự hài hòa nén mình theo người để đạt được tổng thể. Chuẩn thẩm mỹ của ngôi nhà truyền thống Việt Nam xưa kia chính là biết dựa vào thiên nhiên để được che chở, lấy vẻ đẹp bao cảnh (cây xanh, mặt nước) làm tôn lên vẻ đẹp công trình. Đạt tứ đắc chính là tuân thủ quan điểm kiến trúc sinh thái, kiến trúc vững bền trong lộ trình kế thừa truyền thống để hướng đến tương lai.

 

 

Cái đẹp trong kiến trúc nhà ở đô thị chắc chắn phải là cái đẹp có quan tâm đến bối cảnh chung, không lấn át và đè nén lân cận, cũng không phô trương lộ liễu

Bài KTS Thái Hoàng Dưỡng ảnh Quốc Thống

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 109