Bên cạnh bếp thông minh

Lượt xem: 7521
8/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Thái Hoàng Dưỡng ảnh TL KT&ĐS

Hai chữ “thông minh” gần đây được nhắc đến nhiều, từ thiết bị di động, đến các không gian mang tính điều khiển từ xa, tương tác, hẹn giờ, lập trình... sao cho tiện ích cuộc sống ngày càng nâng cao. 

 
 

 

Bên cạnh hệ thống bếp thông minh, vẫn cần cơ bản không gian bếp phải thông thoáng và sáng
 
 
Một hệ thống bếp thông minh hiện nay cho dù giá thành còn cao hay sự thấu hiểu của người tiêu dùng chưa phải lúc nào cũng tương xứng, thì vẫn luôn được nhìn nhận như mục đích hướng tới tiện ích cao cấp, điều trước kia chỉ thấy trên phim ảnh thì nay đã có thể từng bước hiện thực hóa trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên thực tế thiết kế và sử dụng hệ thống bếp thông minh lại cho thấy một số góc nhìn khác, ý kiến khác mang tính khuyến nghị về khâu “chuẩn bị hạ tầng” để bếp thông minh thực sự khai thác hết tính ưu việt của nó.
 
Trước hết phải thông
 Đó chính là chuyện thông suốt, thuận lợi trong dây chuyền sử dụng và phụ thuộc vào thói quen nấu nướng, nhân khẩu trong nhà, nấu ăn làm sao thì bếp phải bố trí tương ứng, nghe có vẻ... bất lực, nhưng sự thực của chuyện nấu nướng xứ ta vẫn vậy. Có gia đình còn hẹn nhau là sau khi... má chồng mất thì mới có thể  làm lại hệ thống tủ bếp, bởi má chồng không quen với hệ tủ bếp của con dâu! 
Sự thông suốt trong sử dụng không gian và thiết bị bếp đòi hỏi “các bên liên quan” như gia chủ, thiết kế, thi công phải cùng nhau rà soát các bố trí bếp xem có hài hòa tương ứng với thói quen nấu nướng, cung cách ăn uống của vùng miền vốn luôn có sự khác nhau. Chiên xào nhiều thì máy hút phải mạnh, chỗ nấu tránh xa mấy chỗ khác, nhà hay có tiệc phải dọn rửa nhiều thì sàn nước cần rộng và thông thoáng. Với các vợ chồng trẻ chủ yếu xài đồ chế biến sẵn đôi khi cả gian bếp chỉ gọn như cái quầy bar, miễn có tủ lạnh lớn, lò nướng thiết bị cho ngon, xong! 
 
Kế tiếp là minh
Theo nghĩa đơn giản là bếp sáng sủa rõ ràng, còn sâu xa hơn là chuyện “hiện đại thành ra hại điện”. Không ít hệ thống tủ bếp cao cấp có dàn đèn rất hấp dẫn, đóng mở cửa tủ là tự động sáng tối, vào bếp cứ như đi bar, rất hấp dẫn, lung linh. Nhưng làm sao cho khi ta không mở đèn hoặc mở vừa đủ tiết kiệm năng lượng mà bếp vẫn sáng và thoáng thì lại phụ thuộc nhiều từ “ông thiết kế” ban đầu. Đơn vị  nào làm phần bếp vào sau dù có chê hay khen, cuối cùng vẫn ít khi đụng chạm nhiều phần cứng, mà lo lắp đặt thiết bị vật dụng... là đủ mệt. 
Ánh sáng cho bếp dù có thông minh hay không, đơn giản hay phong phú, nhưng tựu trung quy về hai loại là sáng đủ (cho không gian chung toàn bếp) và sáng đúng (cho các vị trí gia công cụ thể như bàn soạn, bếp nấu, bồn rửa...). Thông thường các thiết bị bếp như máy hút, lò nướng... đều có đèn đi cùng , do đó tâm lý chung là ngại gắn đèn thêm tại các khu vực ít dùng. 
 
Và tránh phát sinh
Một số nhà làm gần xong mới kêu bên cung cấp thiết bị bếp vào khảo sát đo đạc tính toán. Tuy nhiên thực tế không có không gian bếp nào của chủ đầu tư giống với hệ thống bếp mẫu trưng bày trong showroom, do vậy phải có thiết kế cụ thể thì mới tính được chi phí cụ thể, tránh tính nhẩm theo kinh nghiệm vì rất dễ phát sinh. Khâu thiết kế bếp cần hoàn chỉnh, độc lập nhưng vẫn bám sát với thiết kế ban đầu và tính ra dự toán cụ thể cho gia chủ xem xét. 
Thiết kế cũng cần chỉ ra được những bộ phận nào phải làm mang tính cơ bản nhất phải làm để tránh sau này khi gia chủ thay đổi thiết bị (do mẫu mã, giá cả) thì ảnh hưởng toàn hệ thống, ví dụ như hệ thống dây điện, ổ cắm đi sẵn cho khu vực bếp phải có thiết kế độc lập với toàn nhà, chịu tải công suất lớn và dễ lắp đặt, bảo trì, thay đổi.
Thực tế thi công có khá nhiều “nhân vật” xuất hiện trong quá trình làm hệ thống bếp của một ngôi nhà tư nhân khi vào phần hoàn thiện, ví dụ tủ gỗ gia chủ thuê một chỗ, thiết bị mua chỗ khác, gắn kính ốp đá là thợ của ông thầu xây dựng, nhưng thợ gắn đèn sơn phết lại thuộc nhóm khác... Điều này tuy bình thường vì xây nhà thì phải có thầu chính, thầu phụ. Nhưng do sự chênh lệch về giá cả khiến đa số gia chủ có mức đầu tư làm nhà trung bình ít dám dùng trọn gói sản phẩm hệ thống bếp hiện đại, thông minh, có thiết kế chuẩn và phụ kiện đồng bộ, mà hay làm theo kiểu “thói quen” lâu nay, thuê mỗi nơi một chút khiến thời gian chờ đợi kéo dài. Sự sai biệt với thực tế hay xảy ra do bộ phận này vào phải vừa làm, vừa sửa các hậu quả của bộ phận khác để lại do thiếu đồng bộ.
Kinh nghiệm của các gia chủ kiểm soát tốt chi phí làm phần bếp là: có bộ hồ sơ thiết kế bếp được đo đạc, tính toán cụ thể theo thực tế công trường; có dự toán và báo giá cụ thể kèm thời gian và tiến độ thi công; có chỉ định rõ ràng chủng loại vật tư sử dụng, quy cách nghiệm thu và bảo hành; và có người giám sát cụ thể, biết hợp tác với các bên cùng thi công phần khác trong nhà.
 
Tiêu chí tiện nghi tùy theo từng gia đình có thể không giống nhau, cần linh hoạt sử dụng hệ thống tủ bếp theo nhu cầu, tránh lãng phí hoặc gây khó khăn cho quá trình sử dụng
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 103