Dùng lam cho khéo

Lượt xem: 51570
10/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Thái Hoàng Dưỡng ảnh Quốc Thịnh - Ngọc Hoài

Một trong những phần hay gây tranh cãi, điều chỉnh khi xây nhà ở tư nhân là hình khối mặt tiền đi kèm theo kích thước, quy cách sử dụng vật liệu. Càng ngày càng xuất hiện nhiều vật liệu, giải pháp liên quan đến việc “bao bọc” bên ngoài công trình, và do đó, cũng gia tăng không ít những thắc mắc, mâu thuẫn, xử lý sai lệch trong gia chủ cũng như giới chuyên môn. Bài viết này chỉ đề cập đến một trong số các giải pháp được ưa dùng hiện nay: gắn lam bên ngoài nhà.

 

 

Khai thác khả năng tạo hình và che chắn của lam nhôm hiện đại được nhiều nơi từ Singapore đến châu Âu ưa chuộng
 
Hệ lam ngoài nhà, mới mà cũ
Thực ra lam che nắng hay nói chung các dạng lam khác nhau vốn không xa lạ gì ở điều kiện nhà cửa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nước ta. Từ nếp nhà truyền thống đan các tấm phên tre thành mảng chắn nắng, đến các kiến trúc hiện đại thập niên 50-70 dùng lam bê tông tạo hình phong phú, có thể thấy khá nhiều mặt tiền ấn tượng của công trình từ dân dụng đến công nghiệp, thương mại hay bệnh viện... đã dùng lam vừa hữu hiệu về khả năng thích ứng khí hậu địa phương, vừa tạo nét riêng về thẩm mỹ. Một số công trình nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Đại học Y dược TP.HCM, bệnh viện Chợ Rẫy ... sử dụng hệ lam bê tông, bông gió, lam nhôm rất đặc trưng, làm nên dấu ấn khó phai trong lòng nhiều thế hệ. Và đến nay, những hệ lam ấy vẫn đang song hành cùng công trình qua thời gian, như minh chứng cho một giải pháp kỹ thuật hợp lý, được nghiên cứu thiết kế và thi công có chất lượng, thậm chí đã tạo nên chuẩn mực một thời và được không ít công trình lớn nhỏ khác “học hỏi, áp dụng” khá nhiều. 
Không chỉ che chắn nắng gắt, lam bao che mặt đứng, trên cửa sổ, trên sân thượng... còn ngăn mưa tạt, giảm bụi bặm, làm giàn cho cây xanh, chắn tầm nhìn xuyến thấu từ ngoài vào công trình... Do vậy bố trí lam cho mặt ngoài nhà thường hay kết hợp được nhiều công dụng khác nhau, với nhiều khả năng phối kết, tạo hình phong phú. Bên cạnh đó, lam ít bị phụ thuộc dạng thức hình khối của công trình, ít ra thì lam cũng không chịu gò ép chặt chẽ như tỷ lệ thức cột hay quy cách mái như trong thiết kế công trình cổ điển, thậm chí có công trình lam được chọn làm ngôn ngữ chủ đạo, chi phối ngược lại cấu trúc bên trong và hình khối cơ bản của tòa nhà. Điều này vừa mang ưu điểm cá tính rõ nét của thiết kế nếu như kiểm soát tốt, tính toán kỹ, đồng thời cũng có nhược điểm là khiến một số công trình nếu thiết kế dễ dãi với suy nghĩ dùng lam “bọc lại là xong” thì sẽ trở nên phản cảm, không quan tâm đến các khía cạnh khí hậu, công năng và thẩm mỹ đặc thù.
Hệ thống lam theo thời gian cùng với sự phát triển của của công nghệ vật liệu đã không đơn thuần chỉ gói gọn trong những thanh ngang hay tấm dọc, mà có rất nhiều biến thể phong phú như dạng khối uốn lượn, tạo hình đa dạng nhờ các kỹ thuật cắt CNC, đục lỗ ngẫu hứng. Các loại lam hiện đại giờ đây còn có thể di động bằng cơ học hay được điều khiển đóng mở tự động nhờ cảm ứng theo bức xạ, do vậy trở thành giải pháp kỹ thuật – vật liệu khá hấp dẫn và phong phú. Tất nhiên, kỹ thuật càng tân kỳ, vật liệu càng cao cấp thì giá thành của lam cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Và cũng có không ít giải pháp “ ăn theo” dùng lam tràn lan, giống như đã từng có một giai đoạn nhiều nhà ốp gạch men bên ngoài, hoặc nhiều nhà tô gờ chỉ chi chít giả cổ điển mà không cân nhắc đầy đủ các phương diện của chất liệu, giải pháp, kiểu dáng.
 
Bố trí dù ít hay nhiều rất nên quan tâm gắn kết chặt chẽ với công năng sử dụng bên trong, tránh sa đà hình thức
 
 
Mặt nhà hướng nắng gắt có thể dùng lam mảng lớn đi cùng những mảng khối lồi thụt, kết hợp cây xanh để giảm bức xạ bên ngoài rọi vào
 
Từ lạm dụng đến khéo dùng
Cũng có thể do phạm vi sử dụng lam khá rộng và phong phú như nêu trên, nên một số công trình dùng lam đã không đảm bảo sự tiết chế đúng mức. Theo các nhà chuyên môn, có thể tạm phân loại các kiểu dùng lam hiện nay theo ba nhóm chính sau:
a/ Dùng lam sơ sài, tùy tiệntrộn lẫn lam với nhiều giải pháp vật liệu khác một cách không rõ ràng, không có công năng mà chỉ mang tính hình thức.
b/ Dùng lam quá mức: do ý thích cá nhân hoặc sao chép mẫu nhà nơi này qua nơi khác, không quan tâm đến công năng và cấu trúc cụ thể của nhà mình.
c/ Dùng lam đúng mức: vì nhu cầu thực sự cần thiết như che chắn nắng, ngăn tầm nhìn, tạo mảng khối đồng nhất cho công trình. 
Tương tự chất liệu nhôm kính theo kiểu mặt dựng có một thời gian áp dụng tràn lan từ văn phòng, siêu thị sang nhà ở, hệ lam bao bọc mặt ngoài nhà cũng thuộc loại “thấy vậy mà không phải vậy”, tức là nếu thiếu cân nhắc thì sẽ lãng phí, bít bùng, thậm chí tạo hệ quả xấu, bất tiện... Khi đó, các nhược điểm của việc dùng lam sai lệch sẽ xảy ra tương ứng với ba dạng dùng lam a, b, c nêu trên như sau:
Dạng a, sơ sài, tùy tiện, hay gặp ở các công trình ít có thiết kế chi tiết, hoặc thay đổi thiết kế liên tục dẫn đến khi thi công thì phải chắp vá, thêm bớt. Ví dụ nhà theo kiểu cổ điển nhưng làm lên thấy nắng chói quá nên gia chủ gắn thêm lam che nắng, khập khễnh về kiểu thức kiến trúc. Hoặc nhà có cấu trúc thô mộc lẽ ra phải dùng lam gỗ hoặc nhựa giả gỗ thì gia chủ lại muốn đổi sang dùng lam nhôm trắng, gây ra phản cảm sai lệch về chất liệu.
Dạng b, bọc lam kín mít gần hết công trình, bọc cả những chỗ không cần bọc lam, hoặc dùng lam sai quy cách, không thích hợp với hướng khí hậu và ngoại cảnh. Theo các nghiên cứu của khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội về giải pháp che nắng hợp lý cho tám hướng (cụ thể khu vực TP.HCM) thì lam ngang dùng chủ đạo ở các hướng đông, đông nam và nam, khi sang các hướng tây nam, tây bắc hay đông bắc bổ sung thêm các lam đứng, xiên... Rồi ở mỗi hướng tùy theo biểu đồ mặt trời tại địa điểm xây dựng mà có sự khác biệt về góc che nắng, độ vươn ra của kết cấu lam dọc hay ngang hay xiên. Nếu dùng lam quá mức và không đúng hướng nắng thì sẽ không những không che chắn được hữu hiệu mà còn gây phản cảm, khuất lấp tầm nhìn, giảm ánh sáng và thông thoáng cho công trình.
Dạng c, dùng lam vừa đủ là có thiết kế và chọn lựa giải pháp cho hệ lam tương thích với công năng cần đạt được, đống thời cân nhắc cả đến khả năng che mưa tạt, trồng cây xanh, cũng như khả năng thoát hiểm khi gặp sự cố (vấn đề này đã từng xảy ra ở công trình thương mại dùng hệ lam bê tông quá kiên cố ngăn cản thoát hiểm ở tầng lầu khi bị hỏa hoạn).  
Cũng cần quan tâm về mặt hình thức khi dùng lam bởi không phải gia chủ nào, ngôi nhà nào cũng chấp nhận được hệ lam “vây bọc” bên ngoài. Tương quan đặc rỗng, hình khối mỗi ngôi nhà còn phụ thuộc vào ngoại cảnh tác động lên ngôi nhà đó. Nếu nhà nằm ở vùng nông thôn, nhà vườn, biệt thự… có cây xanh bao bọc, có cảnh quan tươi tắn chung quanh thì nên ưu tiên các khu vực tầm nhìn đẹp, khí hậu tốt được quang đãng, dùng lam che chắn ở những phía khí hậu khó chịu và cảnh quan không đẹp mắt. Đa phần các nhà dùng làm nơi nghỉ dưỡng ở những hướng khí hậu tốt đều xử lý mặt ngoài có mảng rỗng nhiều hơn đặc để dễ dàng kết nối với thiên nhiên. Gọi là rỗng nhưng thực ra vẫn có khoảng đệm (như hàng hiên, mái vươn xa,…) và hệ lam nếu có thì cần nhẹ nhàng, thậm chí có thể di chuyển linh hoạt nhằm giảm bớt tác động trực tiếp (mưa tạt, gió lùa, nắng xiên) từ ngoài vào nhà và đạt tính thẩm mỹ. Có thể thấy những ngôi nhà ở miền khí hậu nóng khô (sa mạc Trung Đông, Mexico…) dù chung quanh trống trải nhưng vẫn phải làm rất “đặc” bằng tường bao kín, chừa lỗ cửa nhỏ để giảm tác động xấu của môi trường khắc nghiệt. Hình thức mặt đứng của những ngôi nhà xứ đó bao đời nay đều mang đặc trưng riêng, ít thay đổi đột biến được. Xứ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều cũng có đặc thù mà ngôi nhà truyền thống đã xử lý nương theo rất hữu hiệu, như dùng hàng hiên, mái vươn rộng, che nắng bằng vật liệu thưa thoáng... Những yếu tố này quyết định đến hình dáng bên ngoài công trình mà nếu chỉ căn cứ đơn thuần về mặt hình khối, thuần túy duy mỹ thì sẽ bị “chạy theo hình thức”, thiếu hài hòa về môi sinh và cảnh quan.
Khi bố trí lam, nếu chỉ quan tâm đến mảng miếng chung, ít xem trọng các thông số kích thước, tương quan thành phần trong - ngoài với nhau thì có thể tạo nên phần đặc - rỗng tuy hấp dẫn khác lạ nhưng bên trong không gian lại khó sử dụng, thiên về làm “đồ giả” bên ngoài. Đối với nhà phố dạng hiện đại, cách mở cửa và dùng hệ lam che chắn có thể linh hoạt tùy theo kích thước nhà cũng như ý đồ thiết kế, nhưng rất cần tuân thủ theo chức năng sử dụng cụ thể. Ví dụ lầu 1 là phòng sinh hoạt gia đình, nơi nhiều người tập trung thì nên mở cửa rộng, làm thoáng hơn. Còn lầu 2 thường làm phòng ngủ và có nắng chiếu vào nhiều hơn thì nên giảm số lượng và kích cỡ cửa, cũng là để cân bằng các mảng đặc rỗng, trên dưới, theo nguyên tắc cân bằng âm dương. Càng lên cao, tính dương càng nhiều thì hệ lam và hệ cửa rõ ràng sẽ khác tầng bên dưới, để ánh sáng không quá chói chang. Ngược lại, phòng ở dưới thấp hoặc phòng bị che chắn kín, phòng ở hướng bắc không bị nắng gắt... thì  cửa nên mở sao cho tăng cường thêm ánh sáng, và lam dùng cũng không thể nhiều như ở hướng nam hay tây được. Từ sự phân bố lam hợp lý về vật liệu, tỷ lệ, số lượng, khoảng cách... các mặt đứng bên ngoài và cả không gian từ bên trong nhìn ra sẽ có được cấu trúc hợp lý, thẩm mỹ hài hòa với công năng.
Từ làm đường dẫn trong resort Hồ Tràm đến bọc ngoài văn phòng Unilever, hay đan xen ở Thư viện đại học Cần Thơ, có thể thấy ứng dụng của hệ lam hiện nay khá phong phú, đa dạng
 
 
Che nắng hướng tây với lam đứng kết hợp mái ngang và mảng đặc lớn khá phù hợp. Dùng lam vừa hữu hiệu về khả năng thích ứng khí hậu địa phương, vừa tạo nét riêng về thẩm mỹ
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 107