Sơn đâu cho đẹp?

Lượt xem: 74541
7/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Nguyễn Trần Đức Anh ảnh Nghinh Phong

Sơn tường là một trong những công việc cuối cùng của giai đoạn hoàn thiện, và đây cũng là một công đoạn quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới công năng, thẩm mỹ công trình. Sơn tường tưởng chừng như dễ, nhưng cũng phức tạp. Sơn đâu cho đẹp, sơn thế nào cho đẹp luôn là vấn đề mà kiến trúc sư và chủ nhà quan tâm, bởi nó ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng của ngôi nhà.

 
Chọn màu sắc như thế nào còn phụ thuộc vào ý tưởng kiến tạo không gian, đồ nội thất, ánh sáng, nhu cầu và đối tượng sử dụng... tất cả phải gắn kết chặt chẽ với nhau
 
 
Sơn tường để làm gì?
Khi hoàn thiện công trình, người ta sơn tường như một thói quen, như một điều tất yếu. Đương nhiên về lý thuyết thì tường phải sơn là đúng. Nhưng để những “chiếc áo” phát huy được hiệu quả khi khoác lên cho tường, ta cần phải hiểu rõ tính năng của những bức tường, của mỗi không gian trong, ngoài những bức tường ấy. Nếu như không hiểu rõ điều này, mà mặc áo cho tường theo thói quen, thì không những không phát huy được tác dụng của chất liệu mà thậm chí có thể còn có tác dụng ngược. Về cơ bản, việc sơn phủ bề mặt tường có các tác dụng sau:
+ Tăng (hoặc giảm) hệ số phản xạ ánh sáng trên bề mặt tường cho không gian (phần lớn tường trước khi sơn được trát (tô) vữa có bề mặt màu ghi xám, tối).
+ Tạo các bề mặt có màu sắc, hay độ nhẵn/nhám theo ý đồ thẩm mỹ, theo công năng sử dụng.
+ Làm đồng đều bề mặt tường.
+ Làm bề mặt tường vệ sinh, thuận tiện cho sử dụng.
+ Bảo vệ cho bề mặt tường và cả kết cấu bao che khỏi những yếu tố xâm thực, phá hoại.
 
Bối rối với các loại sơn
Mặc dù có thể đã biết rõ mục đích của công việc, nhưng việc sơn tường vẫn khiến rất nhiều gia chủ bối rối. Việc sơn tường đáng quan tâm ở cả các yếu tố công năng, thẩm mỹ, kinh tế. Sơn tường có thể làm một ngôi nhà hoàn thiện đẹp hơn, tốt hơn; và cũng có thể ngược lại nếu thực hiện không chuẩn, không đúng cách. Các chủ nhà luôn bối rối và hoa mắt với “rừng” sản phẩm trên thị trường của các nhà sản xuất với những lời quảng cáo hoa mỹ về chất lượng, thẩm mỹ. Để chọn cho mình một loại sơn, chắc chắn chủ nhà cũng phải đắn đo, nhấc lên đặt xuống bởi điều đó còn liên quan đến chi phí không hề nhỏ. Mỗi nhà sản xuất cũng lại có nhiều dòng sản phẩm với tính năng và giá cả khác nhau, và màu sắc thì rất phong phú. Vì vậy, để việc chọn lựa được hợp lý và đúng đắn, chủ nhà nên có được sự tư vấn tốt nhất từ kiến trúc sư và các chuyên gia thi công xây dựng.
Khi lựa chọn được nhà cung cấp sản phẩm, bước tiếp theo là chọn đúng chủng loại sơn phù hợp với từng bộ phận, không gian cho ngôi nhà. Đó là các loại sơn nội thất, sơn ngoại thất, sơn chống thấm... Các loại này có tính năng lý hóa khác nhau và quy trình thi công cũng khác nhau. 
Cuối cùng, đó là lựa chọn màu sắc. Đây luôn là vấn đề làm cho chủ nhà và cả kiến trúc sư luôn hoa mắt, đau đầu. Những màu sơn trong bảng màu của nhà sản xuất thì có rất nhiều và dường như màu nào cũng đẹp. Nhưng để chuyển hoá những màu sắc này trên các diện tường, trần nhà thì lại rất khác. Thực tế, giai đoạn này hay phát sinh mâu thuẫn giữa chủ nhà và kiến trúc sư trong quan điểm, cách lựa chọn. Chọn màu sơn rất dễ dàng, trực quan, lại liên quan đến ý thích cá nhân nhiều hơn; nên chủ nhà hay giành phần về mình. Thậm chí trong gia đình, lại mỗi người một ý, một sở thích về màu sắc khác nhau. Việc này rất cần vai trò của kiến trúc sư, bởi chỉ có kiến trúc sư là có cái nhìn tổng thể và hiểu rõ ngôi nhà theo một ý tưởng xuyên suốt từ ban đầu. Sắc màu chỉ là một phần rất nhỏ và không thể tách riêng biệt. Màu sắc như thế nào còn phụ thuộc vào ý tưởng kiến tạo không gian, các loại vật liệu khác (đã và chưa thi công), đồ đạc nội thất, ánh sáng, nhu cầu sử dụng, đối tượng sử dụng... Tất cả gắn kết chặt chẽ với nhau. Một phòng ngủ có thể cần sự ấm áp tĩnh tại, một phòng khách có thể sáng sủa vui tươi, phòng giải trí lại mạnh mẽ ấn tượng... Phòng bố mẹ khác phòng các con, phòng bé trai khác phòng bé gái... Tất cả phải được xử lý khéo léo, hài hòa để có thể đáp ứng các nhu cầu của cá nhân mà không phá vỡ mỗi không gian hay trong cả tổng thế ngôi nhà. Xét ở quy trình thiết kế, điều này có thể đã được kiến trúc sư định hình từ rất sớm với các loại vật liệu khác, có mặt sớm hơn trong quá trình thi công, chứ không phải đến lúc sơn mới đi chọn màu. Các loại vật liệu đó là gạch lát, gỗ, đá... thường đã có màu sắc ổn định và xuất hiện trước công đoạn sơn tường.
Mỗi màu, mỗi gam màu... có những đặc tính riêng, cho những cảm giác, cảm xúc khác nhau. Mỗi người có những sở thích về màu sắc khác nhau. Nhưng một ngôi nhà không phải là một cái áo (có tính cá nhân); mà là một không gian, dành cho nhiều người, và có mối quan hệ chặt chẽ với những yếu tố khác. Màu sắc của ngôi nhà cần được lựa chọn trên cơ sở ấy. Nhiều trường hợp, chỉ vì lựa chọn màu dựa trên sở thích cá nhân (của gia chủ), rồi sau khi sơn lên tường với một diện che phủ không nhỏ; mới nhận thấy là sai lầm. Khi đó lại loay hoay đổi màu sơn, rất tốn kém và mất thời gian. 
Chủ nhà chỉ nên đưa ra những ý kiến cơ bản ban đầu về nhu cầu, sở thích màu sắc. Từ đó kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất sẽ có giải pháp cụ thể về vật liệu và màu sắc. Ví dụ như trong một không gian, với đặc thù và tính chất như vậy, sử dụng tông màu này, thì các vật liệu khác, đồ đạc nội thất sẽ như thế nào? Khi đó sử dụng cụ thể những màu nào trong bảng sơn, phối với nhau như thế nào sẽ do nhà thiết kế quyết định.
Có một nhạc sĩ nói như thế này: Âm nhạc hay không thể cứu được một bộ phim dở, nhưng nhạc phim dở có thể làm hỏng cả bộ phim hay. Với sơn tường cũng vậy, nếu kiến trúc chưa tốt, công trình không đẹp thì sơn thế nào cũng không thể làm công trình đẹp hơn; nhưng nếu sơn không đúng cách thì có thể làm xấu đi cả một ngôi nhà đẹp.
 
Khi chọn màu sơn cho ngôi nhà cần lưu ý đến các yếu tố: phòng ngủ có thể cần sự ấm áp tĩnh tại; phòng khách có thể sáng sủa, vui tươi; phòng giải trí lại mạnh mẽ, ấn tượng...
 

  

Một ngôi nhà đẹp, một không gian đẹp là sự kết hợp tinh tế của nhiều loại vật liệu khác nhau, tất nhiên sơn có thể vẫn giữ vai trò chủ đạo . Với đặc thù và tính chất của gian bếp thì việc sử dụng tông màu, chọn các vật liệu cũng sẽ khác với các không gian khác
 
Mặc áo hoa cho tường
Sơn là lựa chọn phổ biến, là vật liệu và phương thức thì công chủ đạo cho các diện tường, trần trong công trình, song không phải là lựa chọn duy nhất. Hiện nay, giấy dán tường đã và đang là một loại vật liệu quen thuộc có thể thay thế cho sơn. Sơn có ưu điểm, thế mạnh là màu sắc; còn giấy dán tường có thế mạnh về hoa văn. Bên cạnh đó, giấy dán tường cũng có nhiều ưu điểm khác như: thi công nhanh gọn – vệ sinh, bao phủ được trên nhiều loại bề mặt vật liệu (đá, xi măng, gỗ, thạch  cao…), không phải xử lý vết bẩn trên tường hay xử lý bề mặt tường cũ, dễ sửa chữa và thay thế…; và cuối cùng giấy dán tường có tuổi thọ khá cao. Ở trạng thái thi công tốt, được bảo quản cẩn thận trong môi trường khí hậu phù hợp, giấy dán tường có thể bền tới cả chục năm. Tuy nhiên giấy dán tường chỉ thay thế sơn ở nội thất.
Lựa chọn giấy dán tường cũng khó như sơn, bởi có quá nhiều mẫu mã, hoa văn; tính chất bề mặt vật liệu (nhám, trơn, bóng), và các đặc tính kỹ thuật khác. Phải căn cứ vào tính chất không gian mà chọn loại giấy cho phù hợp. Những nơi có nhiều va chạm, nơi dễ bị dính bẩn, nơi có nhiệt độ thay đổi mạnh… không nên sử dụng giấy dán tường. Những nơi ẩm, có thể có nước nên dùng loại giấy dán chịu nước (có tráng lớp nilon mỏng). Những bức tường không phẳng, lồi lõm nên sử dụng giấy hoa văn rối, phức tạp để che đi khiếm khuyết đó. Không gian cần sự tĩnh tại nhẹ nhàng như phòng ngủ nên dùng các loại giấy hoa văn nhỏ, màu sắc dịu...
Nhìn chung, giấy dán tường có giá thành cao hơn sơn tường (tính trên đơn vị diện tích) song không phải là vật liệu quá xa xỉ. Khi sử dụng giấy dán tường, cần xác định từ sớm, để tránh tốn kém khi đã sơn tường rồi lại dán giấy đè lên.
 
Những vật liệu không cần sơn vẫn đẹp
Có một hãng sơn có câu slogan: “sơn đâu cũng đẹp”. Tất nhiên đó chỉ là một cách quảng cáo cho sản phẩm; và ở góc độ thị trường mà nói thì đây là một hãng sơn uy tín. Còn trong thực tế, không phải lúc nào cũng “sơn đâu cũng đẹp”. Sơn đâu cho đẹp, sơn màu nào cho đẹp là câu chuyện về sơn mà chúng ta đã nói ở trên. Bên cạnh đó, có rất nhiều các loại vật liệu khác không nên sơn, không cần sơn vẫn đẹp. Và chúng thật đẹp khi để trần, mộc, diễn tả đúng bản chất, chất cảm của vật liệu đó. Vật liệu bề mặt tường trong một ngôi nhà cũng không chỉ là gạch xây, tô trát rồi sơn. Tuỳ từng tính chất không gian hay yêu cầu công năng mà có thể là các loại vật liệu khác. Ngoài 
giấy dán tường như đã nhắc ở trên, có có các loại gạch ốp, gỗ, đá, kính, bê tông trần, gạch trần... có thể tham gia cho chất liệu bề mặt. Mỗi loại vật liệu có những ưu điểm khác nhau, mang lại những hiệu quả khác nhau làm không gian càng thêm phong phú.
Bên cạnh bề mặt tô/trát – sơn truyền thống, thì nhóm các loại vật liệu thô mộc, hay nói cách khác là tường không mặc áo, như tường xây bằng đá, tường xây gạch trần, bề mặt bê tông trần... mang lại những hiệu quả thẩm mỹ và cảm xúc mới mẻ. Các loại vật liệu này khi kết hợp với tường sơn làm tôn lẫn nhau, giữa sự thô mộc và tinh tế, giữa cũ và mới. Ngoài màu sắc đặc trưng của vật liệu thì tính chất bề mặt và hiệu quả ánh sáng rất khác so với bề mặt tường sơn theo cách thông thường.
 
Kết hợp hài hoà
Một ngôi nhà mà tất cả mọi nơi đều sơn, cho dù màu đẹp đến mấy, dùng loại sơn tốt nhất vẫn có thể không đẹp và nhàm chán. Một ngôi nhà đẹp, một không gian đẹp là sự kết hợp tinh tế của nhiều loại vật liệu khác nhau, tất nhiên sơn có thể vẫn giữ vai trò chủ đạo. Các loại vật liệu khác dù có ấn tượng cũng không thể thay thế hết cho sơn. Những loại vật liệu này nên chỉ là điểm nhấn chứ không thể sử dụng đại trà thay cho sơn. Chắc chắn là sẽ không đẹp và không tiện nếu như trong một ngôi nhà ở mà ốp toàn đá, toàn gỗ hay dán kín giấy dán tường. Hoặc những loại vật liệu thô mộc dùng quá tràn lan thì cũng không hẳn là đẹp và thuận tiện cho một ngôi nhà ở. Để tô điểm cho những diện tường, để hoàn thiện cho một ngôi nhà thì việc “sơn đâu cho đẹp” là hết sức quan trọng, trong đó còn có sự kết hợp hài hoà các loại vật liệu. 
 
 
Phòng bố mẹ khác phòng các con, phòng bé trai khác phòng bé gái... Tất cả phải được xử lý khéo léo, hài hòa để có thể đáp ứng các nhu cầu cá nhân mà không phá vỡ mỗi không gian hay trong cả tổng thể ngôi nhà
Hiện nay giấy dán tường đã và đang là một loại vật liệu quen thuộc có thể thay thế được sơn. Tuy nhiên giấy dán tường chỉ thay thế sơn ở phần nội thất
 
​​​​Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 102
Bài liên quan