Xài đúng, sửa đáng

Lượt xem: 8088
8/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống

Bậc thầy kiến trúc Le Corbusier đã từng phát biểu “nhà là một cái máy để ở” mà có lúc bị nhiều người chê bai là quá duy lý, chạy theo công năng, làm khô cứng thiết kế kiến trúc…

 

Thực ra nếu hiểu tường tận khái niệm “nhà là cái máy” này thì sẽ thấy sự mong mỏi của giới chuyên môn vào công trình sao cho không gian ấy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, chính xác, thông suốt. Mặt khác, ngôi nhà cũng như mọi máy móc, cũng cần có thời hạn sử dụng, bảo trì bảo hành thường xuyên. Chứ không phải “xây nhà xong là… xong”.

 

 

Từ quá trình sử dụng
Cũng chính vì không hẳn ai cũng “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng” nên quá trình sử dụng sẽ bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến nhà mau bị xuống cấp, bất tiện. Ví dụ, một giàn kệ bếp có chi phí cả trăm triệu đồng, với đủ thiết bị tiện ích thuộc vào dạng có đẳng cấp, nhưng một số người cao tuổi lại thích rửa chén kiểu ngồi ngoài sàn nước chứ không đứng rửa ở bồn, thích mắc võng đu đưa trong bếp, thì ắt nảy sinh bất cập khi vận hành gian bếp đó. Một số gia đình sau khi làm nhà xong rất ít dùng quầy bar, chỉ xem như điểm trang trí khi lễ tết hay nhà có khách, bình thường chỉ thành nơi để đồ lặt vặt, rất bừa bộn và lãng phí. Khi sửa nhà, “cơ hội và thách thức” sẽ mở ra cho các thêm – bớt, không phải để thay một quầy bar hay giàn kệ bếp này bằng một giàn kệ bếp khác, mà là điều chỉnh không gian bếp, chỗ quầy bar hiện có sao cho tiện nghi và tiết kiệm nhất. 
Khâu điều chỉnh, sắp xếp, gia giảm đồ đạc vật dụng cũng rất quan trọng, nói như kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Luận chuyên làm nội thất là: một số công trình khi bắt tay vào khảo sát tôi thường phải tư vấn cho khách hàng lược bỏ bớt đồ đạc chứ không phải là kê thêm vào! Các loại đồ lưu niệm, các món đồ bạn bè mừng ngày tân gia không biết nên để ở đâu… đều thuộc diện rất khó dung hòa giữa đồ cũ và nhà mới nếu không có “quy hoạch” từ đầu.
Một thói quen phổ biến nữa là thấy người khác làm thế nào thì mình làm theo, mà chưa chắc giải pháp đó, vật liệu đó hợp với nhà của mình. Ví dụ thấy nhà người khác dán giấy dán tường, mình cũng muốn ngó nghiêng tìm chỗ dán nhưng kiểu nhà mình lại khác nhà họ! Hoặc lúc mới xây thì làm giống nhà chung quanh, đặt bếp dưới trệt, phòng riêng trên lầu cao, nhưng buổi tối muốn xuống ăn hay uống nước thì ngại. Vậy tại sao không đặt vấn đề bếp nằm ở tầng trên (lửng, lầu 1 hay thậm chí lầu thượng, tùy theo cấu trúc nhà) để tầng trệt chỉ còn dành chỗ để xe và các nhu cầu sử dụng ít thường xuyên. Nhiều nhà rộng rãi nhưng vẫn không đủ tiện nghi khi đưa vào sử dụng, bởi ưu tiên nhiều cho họp mặt tiếp khách, mà thành ra thiếu chỗ riêng tư. Buổi trưa người cao tuổi hay người giúp việc muốn ngả lưng một chút dưới trệt (vì phòng riêng trên lầu khá nóng và cũng ngại lên xuống) thì không có chỗ. Thế là mắc võng đu đưa, thế là trải chiếu xuề xòa, thành ra chỗ thì bừa bộn, chỗ lại bị… ế, bởi cả năm không ai lên sử dụng nhiều (ví dụ như phòng thờ, đặt trên lầu cao quá gây bất tiện). 
Hệ thống đèn chiếu sáng cũng là vấn đề đặt. Có hai thái cực xảy ra là hoặc quá tiết kiệm đến mức chỉ gắn mấy bóng néon 1,2m trên tường, hoặc quá thoải mái đến mức gắn đèn chi chít mà ít khi bật đến. Thực tế có một số nhà nếu bật hết tất cả đèn lên (ví dụ trong ngày tân gia, có khách, dịp tết đến...) đã gây ra quá tải hệ thống điện. Quan điểm dung hòa là: sáng đúng, sáng đủ, đến sáng đẹp, rồi mới trình diễn, lạ mắt khi lắp đặt hệ thống đèn. Một số nhà ở trong khu vực rất an ninh nên không thiết kế bông sắt bảo vệ, và chủ đầu tư lẫn nhà chuyên môn đều rất… khoái vì những view nhìn không bị cản trở bởi song sắt. Thế nhưng khi vào ở một thời gian thì mới thấy rằng phải làm thêm các khung sắt để ngăn trẻ con (con cháu, con của bạn bè) leo trèo lên bậu cửa sổ khá nguy hiểm.

Đến các cách sửa nhà hiệu quả
Như thế, nếu nhận ra rằng quá trình “xài nhà” chính là trải nghiệm chọn lọc, loại bỏ, thì khi sửa nhà sẽ là cơ hội để định vị lại không gian, tiện nghi và vật dụng. Không nên sửa nhà theo hướng làm mới, và cũng không nên sửa nhà theo kiểu cho có. Các công ty chuyên sửa chữa có tổng kết mấy điều sau để các gia chủ sửa nhà cuối năm có thể xem lại không gian sống của mình, cụ thể là : 
– Mọi không gian nếu không xây mới, cơi nới thêm thì vẫn chỉ chừng đó diện tích, vấn đề là gia chủ muốn rộng hơn hay gọn lại, muốn ấm cúng hay thoáng đãng. Có rất nhiều ý muốn nhưng chỉ gia chủ mới biết mình cần gì, để quyết định sửa nhà, thay đổi theo hướng mình muốn để nhà chuyên môn giúp sức, tư vấn. 
– Nếu chỉ liên quan đến gu thẩm mỹ hay xu hướng thời thượng thì khi sửa nhà chỉ cần thay thế, gia giảm ở các phần mềm, hạn chế đụng vào phần cứng bởi sẽ dễ dẫn đến... đại tu toàn bộ. Ví dụ như màu sơn, hiện nay có các xu hướng biến đổi theo từng năm, nếu cập nhật ắt sẽ phải... năm nào cũng sơn lại nhà, do đó chỉ cần chọn điểm cần nhấn để sơn hoặc dán giấy một cách hạn chế theo màu mình thích, màu đang hợp thời mà thôi.
– Ánh sáng và bề mặt chiếu sáng có tác dụng thay đổi không gian rất rõ rệt. Một góc nhỏ khi đặt đèn khác sẽ ra hiệu quả không gian khác biệt. Cần tham khảo ý kiến chuyên môn khi định thay một mảng màu, gắn kính hay bố trí đèn. Những vấn đề ngỡ “nhỏ mà không nhỏ” này đòi hỏi kinh nghiệm và cách xử lý tinh tế. Hãy để ý các căn hộ chung cư có diện tích giống nhau khi bàn giao phần thô, nhưng mỗi căn khi có thiết kế nội thất khác nhau, bởi những bàn tay chuyên nghiệp xử lý sẽ thấy không gian khác nhau rất rõ rệt. 
– Cần chú trọng yếu tố thời gian và có kế hoạch cụ thể, tránh để đến cuối năm vừa thiếu nhân lực vừa gặp áp lực về kinh phí, giá cả, mua sắm... Vật liệu hoàn thiện hiện nay khá phong phú và tiện lợi, miễn là gia chủ biết chọn lựa trên quan điểm hướng đến tương lai, tức là ưu tiên chủng loại vật liệu thân thiện, ít cầu kỳ và hao tốn trong gia công lắp đặt, thi công gọn nhẹ, thẩm mỹ hiện đại, dễ thay đổi... Ví dụ như các tấm trang trí SCG smartboard thay thế gỗ khá hiệu quả, hay tấm Duraflex giảm nhẹ công xây cất, tăng tiến độ thi công vách ngăn, mảng trang trí tường và trần...
– Cuối cùng, nên lưu tâm phần ý tưởng dù chỉ là sửa chi tiết nhỏ, bởi nếu sửa nhà mà lại chỉ làm theo lối “chán kiểu cũ – thay kiểu mới” thì khó đạt sự khác biệt. Ví dụ cũng vẫn là đóng trần thạch cao mà chỉ từ đổi kiểu này sang kiểu khác thì không hiệu quả. Do ý tưởng khi sửa nhà khác với ý tưởng khi xây mới, nên cần kết hợp giữa ý muốn của gia chủ và khả năng làm sao sửa nhà cho đáng với chi phí và thời gian bỏ ra, thay đổi ít mà đạt hiệu quả nhiều. 

 

 

Việc sửa nhà cần tạo ra sự thoáng đãng, dọn sạch vật dụng thừa, gắn thêm mảng kính phản chiếu rộng... là đã có thể tạo nên một không gian sống quang đãng, dễ chịu

 

Thiết kế bề mặt hợp lý và cách chiếu sáng tinh tế là giải pháp không ảnh hưởng phần cứng nhưng giúp ngôi nhà thay đổi diện mạo đáng kể

 

Thị trường có rất nhiều vật liệu nhẹ, linh hoạt, dễ làm, hiệu quả, sẵn sàng phục vụ gia chủ nếu biết khéo chọn lựa, sáng tạo, đặt để đúng chỗ

Bài KTS Thái Hoàng Dưởng ảnh Trường Ân

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 104