Câu chuyện phòng cưới

Lượt xem: 1107
17/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Hương Anh

Mùa thu, cũng là thời điểm của nhiều đôi uyên ương lựa chọn để xây tổ ấm. Trong rất nhiều những công việc cần chuẩn bị cho sự kiện trọng đại, thì có một công việc khá quan trọng, đó là sửa soạn phòng cưới. Phòng cưới ở đây được hiểu là phòng ở của hai vợ chồng mới cưới, không phải là phòng tổ chức đám cưới - còn gọi là hôn trường. Phòng cưới cũng là một không gian có phần khác lạ trong ngôi nhà ở, đặc biệt là yếu tố tinh thần.

 
 
Phòng cưới cần những gì
Phòng cưới, về bản chất cũng là phòng ngủ, nhưng đặc biệt là phòng ngủ của hai người có mối quan hệ gắn kết đặc biệt, trong thời gian đầu (vợ chồng mới cưới). Về cơ bản, phòng cưới cần có những thứ được giới thiệu sau đây. Xin lưu ý rằng nội dung đề cập tới những hoàn cảnh, điều kiện, đối tượng thông thường nhất, không đề cập tới các hoàn cảnh, yếu tố đặc biệt.
- Giường đôi: Là thứ vật dụng đầu tiên không thể thiếu. Với nhiều người, giường cưới rất quan trọng và có ý nghĩa tinh thần lớn nên thường được mua hoặc đóng mới. Chiếc giường này cũng là chủ thể nội thất của phòng, nên cần được cân nhắc về kiểu dáng, phong cách, màu sắc. Giường đôi truyền thống có kích thước 1,6m (rộng) x 2m (dài), song nếu diện tích phòng cho phép có thể sử dụng các loại giường lớn hơn như 1,8 x2m hoặc 2 x2,2m. Giường nên được sử dụng đệm để tăng tính thẩm mỹ và tiện nghi. Giường nên được kê giữa phòng, áp đầu vào tường, trống hai bên để tiện lợi cho việc sinh hoạt của hai người. Cạnh đầu giường (2 bên hoặc 1 bên) nên có tủ đầu giường.
- Tủ quần áo đúng quy cách: Cần thiết cho nhu cầu của hai người lớn trưởng thành. Tủ đúng quy cách có chiều sâu 60cm, cao tối thiểu khoảng 2,1 đến 2,2m; trong một số trường hợp có thể cao đến sát trần. Để đảm bảo đủ nhu cầu cho 2 người thì độ rộng tủ tối thiểu phải là 1,5m, tương đương với 3 cánh mở. Cần căn cứ vào nhu cầu cụ thể và thói quen mà phân chia khoang tủ hợp lý, cũng như phần chia khu vực sử dụng của riêng mỗi người.
- Bàn trang điểm và gương: Là thứ nên có vì phụ nữ trẻ luôn có nhu cầu trang điểm, làm đẹp. Bàn trang điểm cũng là vật trang trí cho phòng cưới thêm đẹp và gợi cảm, tạo nên cảm xúc của một căn phòng có phụ nữ.
Ngoài ra, cũng như phòng ngủ, phòng cưới có thể có thêm bàn làm việc, giá kệ để đồ, tivi và kệ tivi... Những đồ đạc, vật dụng này tùy theo nhu cầu sử dụng và khả năng đáp ứng về diện tích của căn phòng mà bố trí. Tất nhiên cũng cần cân đối cả yếu tố kinh tế trong quá trình thực hiện công việc.
 
Làm đẹp cho phòng cưới
- Làm mới: Nếu là căn phòng của ngôi nhà mới xây, thì điều đó không cần phải làm. Song một phần không nhỏ đó là căn phòng của chú rể thời còn độc thân, nên làm mới là cần thiết. Làm mới có nhiều mức độ, tính chất khác nhau tùy ý thích và khả năng kinh tế, cân đối thời gian. Có thể là cải tạo toàn bộ, liên quan đến cửa, sàn, trần, hệ thống chiếu sáng, sơn lại tường, làm lại rèm...; cũng có thể chỉ làm mới hoặc cải tạo hệ thống đồ gỗ nội thất hoặc đơn thuần chỉ là quét dọn, trang trí lại nếu mọi thứ đã ổn định và vẫn mới. Nếu như làm mới có hệ thống nên tham khảo thêm ý kiến của người có chuyên môn để được một căn phòng cưới tiện dụng, thẩm mỹ và ấn tượng.
- Bố trí: Theo nguyên tắc bố trí của phòng ngủ và căn cứ vào các vật dụng cần thiết phải có như đã đề cập ở phần trên, ví dụ như giường trống hai phía, đầu giường kín. Nếu có phòng vệ sinh kế phòng ngủ thì tủ quần áo nên bố trí gần đó. Gương của bàn trang điểm tránh chiếu vào giường ngủ. Chú ý các vấn đề chiếu sáng, thông gió trong việc bố trí đồ đạc.
- Đồ đạc: Nên sử dụng đồ gỗ cho cảm giác ấm áp, an lành, tránh những vật dụng có chất kim khí. Đồ đạc nếu làm mới thì cân nhắc trong kiểu dáng để phù hợp với kiến trúc, nội thất căn phòng. Trong một số trường hợp nhất thiết phải đóng theo thiết kế chứ không mua sẵn được, ví như tủ âm tường, tủ cao sát trần, các loại giá kệ đi theo tường, cửa có những giới hạn nhất định. Trong trường hợp mua đồ bán sẵn, cần lưu ý kiểm tra kỹ chất liệu, chủng loại vật liệu; vì về mặt tâm lý, đồ đạc cho phòng cưới thường dùng bền lâu, không dễ thay đổi.
- Màu sắc: Ưu tiên các màu tường sáng sủa nói chung như màu trắng, vàng nhạt, kết hợp với các mảng nóng như màu vàng, cam, đỏ để có cảm giác ấm áp. Tránh dùng các màu gây cảm giác u tối, buồn bã như đen, nâu, xám. Có thể dùng giấy dán tường để có các hoa văn sinh động. Màu sáng của tường sẽ cân bằng với màu nâu của chất liệu gỗ chủ đạo.
- Chiếu sáng: Để có một phòng cưới đẹp, thì hệ thống chiếu sáng khá quan trọng. Có thể căn phòng cũ của chú rể chỉ cần một bóng đèn tuýp 1,2m là đủ nhưng phòng cưới thì cần hơn thế. Nếu như không đục phá sửa chữa lớn, không cải tạo hệ thống điện  - chiếu sáng thì cần tăng cường các loại đèn cây (đặc sàn), đèn bàn (đặt tủ đầu giường, bàn kệ) để tăng cường và cải thiện chất lượng ánh sáng theo hướng an lành, ấm áp. Ưu tiên các loại đèn bóng sợi đốt cho ánh sáng vàng.
- Trang trí: Một trong những vật trang trí cho phòng cưới rất quan trọng và có ý nghĩa là ảnh cưới, cần phải dự trù vị trí treo vì thường nó được phóng to. Nếu cải tạo hệ thống chiếu sáng thì cần bố trí một đèn (dạng đèn rọi, đèn tranh, đèn tường) cho tấm ảnh ấy. Ngoài ra có thể có các đồ trang trí khác như tranh ảnh, tượng, lọ hoa... có thể đặt ở các hệ thống kệ để đồ hay trang trí. Nên sử dụng những tranh ảnh dạng phong cảnh lãng mạn, bình an hoặc có nội dung vui tươi, hóm hỉnh. Ảnh những con vật dễ thương hay em bé rất phù hợp treo trong không gian này. Không nên treo những tranh ảnh có gam màu u tối, nội dung bạo lực hoặc khó hiểu.
Trong ngày cưới (đón dâu) phòng và giường cưới cần được trang trí thêm như một nghi thức. Hoa tươi là lựa chọn hàng đầu bởi dễ thực hiện và mang lại nhiều cảm xúc, làm cho căn phòng rực rỡ, vui tươi. Ngoài ra có thể kết hợp với kết hoa cho màn, dùng ruy – băng, nến hay các vật dụng khác. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng trang trí này trong phòng cưới bởi có thể làm rối mắt.
 
Tạm thời và dài lâu
Có một phòng cưới đẹp và ấn tượng để “show” trong ngày cưới là điều mà chú rể, cô dâu và gia đình đều mong muốn. Tuy nhiên mọi sự “hào nhoáng” đó chỉ là tạm thời. Sau đó nó phải là một phòng ngủ, phòng ở đúng nghĩa và nhất thiết đặt công năng và sự tiện dụng lên trên. Đó là sự dài lâu của cuộc sống. Từ cách thức bố trí, kiểu dáng đồ đạc, màu sắc, trang trí căn phòng... đều cần phải tính toán đến cuộc sống lâu dài, một cuộc sống mới mẻ của hai con người đã gắn kết với nhau. Sẽ có rất nhiều sự thay đổi trong cuộc sống và căn phòng đó phải đáp ứng được. Ví dụ như khi có em bé, chiếc giường ngủ sẽ thêm người và căn phòng có thể cần thêm chỗ để đặt tủ riêng cho trẻ sơ sinh; hay khi bé lớn hơn một chút, sẽ cần chỗ cho một chiếc nôi. Và nếu định cư lâu dài trong ngôi nhà đó, thì rồi đến lúc căn phòng cưới rực rỡ, trẻ trung năm xưa sẽ trở thành phòng của hai vợ chồng ở lứa tuổi trung niên, hay khi về già, khi con cái đã lớn; với những nhu cầu khác của cuộc sống. Đó là câu chuyện dài nhưng hoàn toàn có thể nằm trong kịch bản khi chuẩn bị một phòng cưới.
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 114