Từ mẫu đến màu

Lượt xem: 102276
7/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Thái Hoàng Dưỡng ảnh Trường Ân

Cứ vào thời điểm tháng 11 hàng năm là thị trường vật liệu xây dựng lại bắt đầu có sự sôi động bởi nhu cầu hoàn thiện nhà đang xây hoặc sửa nhà cuối năm tăng cao. Làm mới nội ngoại thất bằng màu sắc là cách phổ biến và nhanh chóng thay đổi diện mạo không gian.

 

  

Những mảng miếng đậm đà, dùng màu có thể “gay gắt” lại giúp không gian thêm nét cá tính, giảm sự buồn tẻ đơn điệu
 
Không ít gia chủ, và thậm chí cả nhà thầu nữa, khi làm nhà hay dùng màu sắc khá dễ dãi, thích thì cứ đổi từ màu này sang màu khác, mà quên đi yếu tố cơ bản của màu sắc trong công trình kiến trúc luôn cần gắn liền với mẫu thiết kế, với địa phương và thời điểm cụ thể. Thêm vào đó, màu sắc của nhà cũng không bó hẹp trong bảng màu sơn, mà còn là màu của vật liệu xây dựng, của ánh sáng và bề mặt nhận ánh sáng... có quan hệ chặt chẽ với không gian chung quanh.
Một số kiến trúc sư kể rằng, họ  hết sức ngỡ ngàng khi thấy “đứa con tinh thần” của mình lúc hoàn thiện bị “son phấn” khác hẳn với ý định thiết kế lúc ban đầu, chỉ vì những lý do nặng về cảm tính, hoặc do thầy phong thủy “phán”. Vấn đề màu sắc theo mẫu mã thực ra không phức tạp, nhưng đòi hỏi nguyên tắc cơ bản cần thấu hiểu là: mỗi mẫu nhà, mỗi kiểu thiết kế chỉ có một số màu phù hợp nhất định, mà khi áp màu khác vào sẽ gây phản cảm hoặc không thể chấp nhận được.
Nếu để ý sẽ thấy ngay nếp nhà Việt truyền thống dù ở xứ nhiệt đới nhưng không hề chủ trương dùng màu “lạnh” để làm đẹp và làm mát nhà, mà tuân theo những nguyên tắc hài hòa màu sắc hợp tự nhiên, dựa vào đất đai thủy thổ và cung cách xây cất mỗi vùng. Có thể vận dụng vào nhà ở hiện đại các kinh nghiệm dùng màu theo truyền thống với bốn nguyên tắc sau: 
 
Theo vật liệu, bề mặt, ánh sáng: Sự hài hòa màu sắc luôn là yếu tố quan trọng, trong đó giữ được tính chất cơ bản của vật liệu sẽ giúp bề mặt nội ngoại thất công trình “dễ thở” hơn là bề mặt phủ lớp “phấn son” quá nhiều. Các bậc thầy kiến trúc Nhật như Kenzo Tange, Tadao Ando hầu như chỉ dùng “màu” của bê tông và gỗ tự nhiên không sơn phủ. Đôi lúc những màu sáng tươi gặp ánh sáng hắt vào phản chiếu lại có thể gây chói chang hơn là các màu sậm. Hoặc cùng một màu nhưng dùng trên bề mặt xốp rỗng, mặt gai góc... trông sẽ rất khác với dùng trên mặt tường nhẵn nhụi láng bóng. 
 
Theo thiên nhiên: Những ngôi nhà truyền thống sử dụng vật liệu có nguồn gốc thuộc thổ và mộc luôn giữ được vẻ gần gũi, thân thiện và dịu mát qua nhiều thời kỳ. Các bảng màu mô phỏng theo thiên nhiên gần đây đã được nhiều hãng sơn nghiên cứu và những màu “chiết xuất” từ tự nhiên vẫn rất được người Việt ưa chuộng như xanh cốm, nâu đất… hơn là màu kiểu “công nghiệp” rực rỡ. 
 

 

Màu của các chất liệu mộc mạc có tác dụng thư giãn, gần gũi thiên nhiên hơn
 
 

  

 Màu xi măng trần, màu kim loại có nhũ đồng, ánh bạc đang là xu hướng được lựa chọn nhiều hiện nay
 
Theo công năng và đối tượng: Bếp là nơi “bốc hỏa” nhất trong nhà, nên cần dùng những màu nhẹ nhàng, gần thiên nhiên trên tường và trần để đem lại hứng khởi cho công việc bếp núc và giảm cảm giác nóng. Màu trắng (có pha thêm sắc xanh hay xám) và hệ màu trung tính (neutral) gần đây thường được ưa dùng vì sự dịu nhẹ, hợp cho phòng làm việc và nơi tiếp khách, sinh hoạt gia đình. Phòng ngủ cần tĩnh lặng nên tông màu dịu và thư giãn (xanh ngọc, xanh dương, trắng phớt tím...) sẽ chiếm ưu thế. Những cặp màu tương phản, màu đột biến rực rỡ thì thích hợp với phòng trẻ em hoặc phòng giải trí.
 
Theo hướng khí hậu và giao tiếp: Những hướng nắng gắt (tây nam, tây) cần giảm bớt độ chói và độ hút nhiệt, bên ngoài cần dùng những màu nhạt và ít phản quang gắt ảnh hưởng đến nhà chung quanh. Trong khi đó những hướng ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian bề mặt nhận sáng ít trong ngày (như hướng bắc, đông bắc) thì nên dùng những màu tươi và phối hợp tương phản. Những hướng đón ánh sáng mạnh như đông nam, nam thì có thể dùng màu sậm và đa dạng hơn, như màu đỏ bã trầu, vàng đất, xanh rêu… tuy khá đậm đà nhưng cũng rất ôn hòa khi dùng với tỷ lệ thích hợp.
 
Theo xu hướng thẩm mỹ chung: Dù không chính thức tuyên bố, nhưng màu nội thất hiện nay vẫn ít nhiều chịu sự tương tác phần nào của màu sắc bên thời trang, bên đồ họa và mỹ thuật ứng dụng sản phẩm. Thời công nghệ thông tin phủ sóng mọi nơi thì ai cũng có thể dễ dàng “nhấp chuột” để xem thử màu nào hiện nay đang là thời thượng. 
Do vậy cũng có thể tham khảo một số xu hướng cho mùa chọn màu cuối năm 2014 đầu 2015 sắp tới:
Ấm áp và tươi tắn: sau một thời gian dài trắng và xám chiếm lĩnh đa số không gian chủ đạo, người tiêu dùng nhận thấy cần có chút tươi tắn hơn vừa mang tính chất điểm nhấn vừa tôn lên vẻ trong lành của trắng tinh khôi và xám trung tính. Vàng rơm, vàng đồng, gạch cua... là những sắc màu thuộc nhóm ấm áp được chọn lựa đáp ứng tốt các nhu cầu trẻ trung, rắn rỏi và điểm xuyết chút điệu đà.
Lên rừng xuống biển: với gam màu xanh ngả theo hướng mềm mại, thiên nhiên và thơ ngây hơn. Dĩ nhiên những màu xanh thuộc họ “mát mẻ” ấy cần được đặt trong bối cảnh phù hợp, như phòng ngủ, phòng ăn, phòng trẻ em và góc sinh hoạt gia đình để mang lại sự năng động và chất tự do thoáng đãng.
Đậm hơn là sâu hơn: từ xanh hải quân sẫm đến nâu cà phê, hoặc xanh xám đen, thậm chí cả tím than... là những màu giúp vật dụng trở nên nổi bật. Các chiếu sáng đèn cũng có dịp chuyển sắc xa gần rõ rệt nhờ hiệu ứng bắt sáng khác nhau trong không gian dùng màu sậm.     
Sang trọng hơn, huyền bí hơn, hay trẻ trung hơn, năng động hơn, màu sắc luôn là những câu chuyện bất tận về phong cách lẫn tâm lý sử dụng. Từ mẫu mã cụ thể, đến màu sắc biến hóa, câu nói cửa miệng của các nhà thiết kế trẻ hiện nay hay là : “Tại sao lại không thử một chút cho những mảng tường khác biệt hơn, cá tính hơn?” 
 
 
 
Màu sắc không chỉ đơn giản là mảng sơn, mà luôn có giá trị cụ thể khi đặt trong mẫu trang trí, họa tiết cụ thể

  

Màu trắng xám làm nền sẽ có cá tính hơn khi đi cùng điểm nhấn màu đen, đỏ
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 102
Bài liên quan