Ngôi nhà tơ nhện

Lượt xem: 235437
13/5/2024 14:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - TRẦN ANH TUẤN

Mùa xuân, về nội, thoai thoải trên con dốc nhẹ dẫn từ đầu ngõ, gọi là vô môn thì đúng hình đúng nghĩa hơn vì nó chỉ là khoảng mở đủ để vào, không có cổng, cửa, hai bên là cỏ cây dại. Cái cảm giác vừa đi, đủ nhè nhẹ, khoan thai, vừa hơi nghiêng người, vừa cúi đầu, như mỗi lần thấy được cái quen thuộc khi đi viếng cảnh chùa.

 
Khoảnh khắc hiện ra  cuối tầm nhìn, trên đỉnh dốc là nhà thờ của gia đình, khiêm nhường, tự tại. Phía trước có hồ nước nhỏ, vài cây hoa súng màu tím kiêu hãnh, trong sáng, bao lâu vẫn được ông trời chăm sóc, cho nước, cho nắng, cho sương, cho mầm mống sinh tồn. Từ trục chính giữa nhà thờ nhìn ra là lư hương như thành kính, khiêm cung, không biết nội đã mần nó sao mà bao mùa mưa bão vẫn không suy xiển, kỳ lạ! Ông kể, thuỷ tổ khu này mênh mông là đất đai, côn trùng, nắng gió, ruộng lúa. Nhà thờ được ông và gia đình tâm nguyện thực hiện, sau thời gian an cư an lành. Chính là để thờ Đạo, sau là có chỗ cho ông bà tổ tiên đi về, theo cái nguyện rốt ráo của những con người nông dân chân chất, thời chiến thì gồng mình bảo vệ tổ quốc, thời bình thì về lại với mảnh đất, con trâu, cái cày… Nhà thờ nhỏ thôi, ba gian, có phòng lồi theo kiểu thường thấy ở miền Trung, phía trước có hiên nhỏ vừa vặn để bàn cúng. Gian giữa không mở cửa đi, chỉ dặm vừa cái hoa văn nho nhỏ theo lối chữ Hán vì phía trong gian chính là bậc cao nhất thờ Đạo, hai bên thì bậc thấp hơn, thờ tổ tiên. Vốn là thợ kép chính của làng, nên các đồ dùng trông vừa vặn và khăng khít. Phòng lồi là nơi nghỉ ngơi của nội, thay nghi phục cúng, hóng gió, uống trà… nói chung đủ thứ nhận ra mới thấy cái hay của cái phòng này, mà bấy lâu tụi nhỏ chỉ biết khép nép khi hành lễ và chạy trốn khi bị la mắng. Bao lần về là bao lần thấy nội ngồi chéo chân ở đó trên cái phản gỗ, tay phe phẩy quạt, tay vuốt hàm râu nhẹ phây như râu Bác Hồ, tụi nhỏ tụi tôi nói vậy, miệng cười chúm chím như muốn gọi thân yêu, phân phất nhè nhẹ hơi thuốc lá cuộn quê. Cái chân như của con người tuổi già may mắn thượng thọ hơn 100 tuổi thật sâu thẳm khôn dò. Nhà thờ neo người chăm nom, cửa cài then thôi, không khoá. Tiếng keng két khi đẩy nhẹ như quán vào tâm, rằng nội đã đi rồi. Bỏ lại hết ngày hôm qua ngoài cửa, lòng nhẹ nhàng, thành kính thắp nén nhang, thành tâm nghĩ về nội, về tổ tiên chỉ vậy thôi! Ngay đó, trời đã sang đúng ngọ, rùng mình cái cảm giác lành lạnh dưới chân; xung quanh, những chùm ánh sáng ngẫu hứng chen lấn tràn vào từ các ô cửa sổ song ngang, ô hoa gió, ô chuột, ô chim… chúm chím, ríu rít, líu lo; trên trần nhà mái ngói các mạng nhện chằng chịt, tia nắng lang thang toả qua viên ngói bị vỡ trong mùa bão năm rồi, xuyên qua lớp mạng nhện, thật lung linh huyền ảo, chỗ thì sáng như gương, chỗ thì mờ ảo như sương, không có bóng đổ, tạo thành vệt sáng vừa đủ chiếu vào tranh thờ Đạo. Bàng bạc linh hồn nội và tổ tiên về bên. Con đã thấy!
 

 
Mùa hè, cái nắng mưa miền Trung thật khó chịu, nhưng mỗi lần về nhà ba thì cái khó chịu đó cũng bị thiêu đốt, bị trôi luôn. Ba lên phố khi lập gia đình. Thời đó, đất đai cũng còn hoang nên ba nghĩ tới đâu thì đem cây đi cọc, đi tậu tới đó, so với thời giờ thì cũng là kha khá, cũng là diễm phúc cho con cháu. Nói là rộng vậy, nhưng ba chỉ mần cái ốc nhỏ thôi, ướm chừng thì nó gấp đôi cái nhà thờ nội, vì phải thêm phòng ngủ và bếp ăn. Cũng ba gian, có phòng lồi và thêm gác gỗ nhỏ để thờ Đạo, nói chung là gói ghém vừa đủ. Phần còn lại là vườn, theo cách hiểu bây giờ, từ vườn đó dễ nhầm là cao sang, văn minh, như thượng uyển, ngự viên…; chứ khi đó, chỉ là đất trống, hoang vu theo cái nghĩa “vườn tược” dân dã, chân chất đó. Thật sự, mới ở quê lên, nói là đã phần nào học cao, vượt khỏi ngọn tre, ao làng, nhưng ba vẫn bê nguyên cái quê lên vậy, vẫn phải chuồng heo, chuồng gà, trồng bí, trồng dưa, trồng khoai lang, rau muống, cà… tôi nhớ kỹ vì hồi đó phải tưới nước mỗi chiều tan học. Thành là để mưu sinh, lo cho cái ăn vì khi đó còn nghèo lắm. Ngoài những đêm trời tối, mưa bão phải vào nhà thì thời gian còn lại là quanh quẩn trong cái vườn tược ấy, vốn quê mùa mà. Thưởng thức trà buổi sáng sớm bên cái thơm thoang thoảng của phân heo, phân gà; ngắm nhìn đọt xanh, nụ vàng của rau lang, bông bí là thú. Trưa nào nắng quá, mà miền Trung phần nhiều là nắng nóng, thì cả nhà bày ra cái hiên phía trước che tạm, sát bên vườn, ăn trưa luôn. Tiếp khách cũng ngoài vườn, đứng bên ngoài bờ dậu nói vào, cái uyên náo bình dị của bà con lối xóm còn đó. Chiều tối thì bày hết giường chõng ra vườn ngủ luôn, cao hứng ngắm trăng sao, nhất là mấy đêm rằm, lễ tết. Giờ đây, nhà cửa có mở mang đôi chút, khu vườn vẫn vậy, nhưng ba chuyển qua trồng mai tự nhiên, vài cây hoa bụi, nói chung, vẫn y nguyên cái vườn, cái tược an nhiên đó. Có điều kiện du ngoạn, thấy cái đủ đầy, chỉnh chu, chủ ý, thuần nhiên của họ… càng thêm yêu thêm nhớ cái tự nhiên trong khu vườn của ba. Có chi mô nà, ba vẫn hay nói vậy, cây cỏ cứ tự nhiên, không bonsai gò ép; nắng mưa cứ tự nhiên, không che, không chắn; heo, gà cứ tự nhiên, không rào, không đón; giếng nước cứ tự nhiên của trời, của đất, không mua, không bán; đất cứ tự nhiên, không phân, không bón; sinh tử đi qua cứ tự nhiên, không cầu, không tự; tụi bây cứ đi về tự nhiên, không mời, không gọi… cứ tự nhiên vậy đi qua tuổi thơ anh em tôi. Hôm nay, ngồi chồm hổm với ba nơi hiên nhà, ba nói, tâm nguyện cuối cùng của ba là về tu sửa lại cái nhà thờ trên quê. Ôi, nghe mà thấm đượm cái tình cái đẹp, chân như của con người quê. Con đã về!
Mùa thu, mùa đông cái lành lạnh không quá phân biệt ở cái đất Sài Gòn náo nhiệt, hai mùa, ôm ấp tôi bao lâu nay, kể từ khi tôi đi học và lập nghiệp trong này. Ngoài việc bon chen, chậy chật để sống thì có nhà cũng gọi đã là may mắn và hạnh phúc. Chỗ ở nay là chung cư, gọi là ba gian, vì loại đó là 3 phòng ngủ, căn góc. Nếu nhà thờ nội, nhà ba có cái gọi là phòng lồi thì chỗ tôi gọi là có cái “phòng lõm” cũng ý vị, vì nó nằm sâu bên trong, không lồi ra ngoài, gọi là thế vì ngoài các không gian chính của một căn hộ chung cư như khách, bếp, ăn, ngủ, vệ sinh thì nó là cái không gian chung, chụm để làm gì đó. Thờ cũng được, học cũng được, đọc sách cũng được, làm việc hay để trống thêm vài cái ghế lười, vậy cũng được. Với tôi, đó là chỗ đọc sách và học cho các con vì tôi vốn thích đọc sách và có khá nhiều sách. Có lẽ, qua ngần ấy đi lại, sách là cái tôi để lại cho các con và sau nữa. Đủ loại, cả lưu bút, lưu ký, bút ký, gia phả… của gia đình, dòng họ, không quý sao được! Và nó luôn được bồi đắp bởi niềm đam mê, thói quen mà tôi truyền sang cho các con. Chắc hẳn, phải đi thêm, thêm nữa để tôi mới nghĩ về cái tâm nguyện của mình như nội và ba tôi đã làm, đã nói.
Vòng tròn bốn mùa, quay lại, là hình ảnh cái mạng nhện mà tôi thấy trên trần nhà thờ tổ tiên. Sợi tơ nhện đời tôi là đan xen giữa các không gian thân yêu đó. Đó là nhà, là ngôi nhà, là ốc, là cư lưu, là chốn, là nơi đi, là nơi về, là xóm trọ, gác trọ… hay là gì đi nữa thì nó cũng là lung linh huyền diệu trong “ngôi nhà tâm hồn” tôi. Sợi tơ nhện luôn luôn bền chắc được giăng qua giăng lại, tôi vẫn đi lại trên đó, không hình, không bóng, không đuổi, không bắt.
 
Theo Kiến trúc & Đời Sống số 215