Bài dự thi: Nhớ về ngôi nhà tranh vách đất tuổi thơ

Lượt xem: 6963
9/11/2023 7:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - LÊ THỊ KẾT

Tôi sinh ra tại một làng quê nghèo khó, nơi mà ở đó chỉ có lác đác vài ngôi nhà xây gạch lợp ngói, còn đại đa số đều là những nếp nhà tranh vách đất đơn sơ. Gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo của làng, vì vậy mà từ đời ông bà, cho tới đời cha mẹ tôi cũng vẫn chưa thể đủ tiền để dựng lên được một ngôi nhà xây gạch lợp ngói vững chãi.

 
Tôi còn nhớ, lúc ông bà nội còn sống, khi đó bố mẹ tôi vẫn còn trẻ, ông thường bảo với tôi rằng, cả đời ông bà vất vả lo toan nuôi bố cháu, các bác, các cô, chú của cháu nên không thể xây được nhà gạch. Thôi thì ông cũng chỉ hy vọng tới đời bố mẹ cháu sẽ cố gắng dựng được một ngôi nhà gạch lợp ngói, dẫu không to cao gì, nhưng cũng đủ rộng rãi để cả gia đình ở.
Không chỉ ông bà tôi, bố mẹ tôi hy vọng, mà cả mấy anh chị em chúng tôi cũng ao ước như vậy, vì nghĩ cái cảnh nhà tranh vách đất nhiều khi mưa dột, nước tràn, vách lở loét đất mùn rơi lả tả... cũng buồn chán, cũng tội, trong khi các gia đình hàng xóm có nhà gạch mái ngói thì họ ung dung, chẳng sợ mua to, gió lớn, đã vậy, phòng ốc luôn tươm tất sạch sẽ với nền tráng xi măng phẳng lì, nhẵn bóng.
Dẫu đôi khi có buồn, có chạnh lòng như vậy thật đấy, nhưng nghĩ gia cảnh nhà mình nghèo nên nhiều khi tôi cũng tự an ủi mình để mà vui, để bằng lòng với những gì gia đình mình có. Trong suốt chiều dài tuổi thơ của mình, tôi đã có nhiều năm sinh sống trong ngôi nhà tranh vách đất thân thương ấy. Ngôi nhà có tuổi đời cả mấy chục năm ấy được ông bà nội tôi dựng lên với khung cột kèo là những cây tre ngâm rất chắc chắn. Ông kể rằng, những cây tre dùng làm cột, làm kèo, và cả làm dui, mè trên mái đều phải là loại tre đực có mình dày, đốt ngắn, chứ không phải là các cây tre cái, mình mỏng, đốt dài. Trước khi dùng để dựng nhà, những cây tre ấy phải được đóng thành bè rồi ngâm trong bùn nước dưới ao, hồ sâu, bởi cũng như gỗ, thì tre được ngâm lâu dưới nước khi làm sẽ không bị mối mọt đục như làm bằng tre, gỗ tươi. Chẳng vậy mà tôi quan sát thấy những cái cột nhà, hay xà ngang làm bằng tre ấy đen nhẫy, bóng lì và rất cứng cáp, mặc dù nó đã trải qua quãng thời gian rất dài. 
 

 
Nếp nhà tranh của gia đình tôi có 3 gian chính ở giữa, và 2 chái phía hai đầu hồi mà theo cách gọi của dân gian là 2 gian buồng. Xung quang tường, cũng như các vách ngăn cách khoảng không gian giữa với 2 buồng đều được trát bùn ao. Để bùn có thể đọng thành tường vách thì bao giờ cũng phải trộn lẫn thêm rơm để nó có độ hòa quyện và bám vào khung cốt là những thanh tre buộc theo hình mắt cáo. Phía trên mái của ngôi nhà thường được lợp bằng rơm, hoặc rạ, hoặc bằng lá cọ, lá dừa kết phên. Nhà tôi bao năm đều tận dụng nguồn rơm rạ qua thu hoạch lúa để lợp nhà. Tuy vậy, việc lợp nhà bằng rơm rạ có điều hơi bất lợi hơn so với độ bền của lợp lá cọ, lá dừa là cứ một vài năm là phải tốc mái rơm rạ để lợp lại bằng một lớp rơm rạ mới, bởi thời gian và mưa nắng làm mái rơm rạ bị bào mòn, xẹp xuống nên dễ bị dột. Vì vậy mà việc lợp lại mái trong một khoảng thời gian nhất định là bắt buộc. Tôi cũng đã chứng kiến và tham gia vào khá nhiều lần ngôi nhà tôi thay mái dạ như thế. Những khi cha mẹ lật mái lợp lại nhà thường là anh chị em chúng tôi cũng chịu vất vả theo. Anh chị tôi lớn thì làm những công việc nặng nhọc như chằm rơm rồi dùng sào đưa từng đon, từng phên lên mái để bố tôi ở trên lợp. Tôi nhỏ, yếu sức hơn thì ngồi dùng tay, dùng gậy gom rơm vào gần chỗ chằm. Cũng có khi tôi được bố mẹ phân công phần nấu cơm, đun nước phục vụ mọi người.
Sống trong ngôi nhà tranh những năm ấu thơ ấy tôi có quá nhiều kỷ niệm, buồn có, vui cũng có. Như đã nói, nhiều khi mưa to gió lớn, ngồi trong ngôi nhà mà kèo cột rung lên bần bật, toi cứ cảm tưởng như nó chuẩn bị sụp đổ, hoặc bị gió hất tung lên trời mất. Rồi thì, những lúc bố mẹ chưa kịp lợp lại mái nhà, do nó quá cũ nát nên nước mưa cứ chảy tong tỏng xuống ướt hết cả nền nhà, cả chăn chiếu. Hay như, không ít bữa, do mưa quá lớn, quá lâu, nước tiêu thoát không kịp nên tràn ngập cả vào trong nhà khiến cho tất cả các thành viên trong gia đình phải vất vả be bờ, đắp gon để dùng chậu thau tát nước ra ngoài... Đó có thể gọi là những kỷ niệm buồn. Còn niềm vui được sống trong ngôi nhà tranh vách đất cũng không phải là ít, đó là những dịp mùa hè, ngoài trời đổ nắng chang chang như lửa đốt, được nằm trên cánh võng đu đưa dưới mái tranh thì quả là tuyệt, là niềm ao ước của những người có nhà mái ngói, bởi khi lợp mái rơm rạ dày, lại không bị hấp thụ nhiệt nên bên trong nhà là cực kỳ mát mẻ. Đã vậy, nền nhà cũng chỉ là đất nện phẳng, nên hơi ẩm của nước dưới lòng đất tỏa lên cũng chẳng khác gì sống trong căn nhà có điều hòa nhiệt độ. Thời gian ấy làng tôi chưa có điện về tới, mùa hè chỉ dùng quạt nan, quạt mo cau, nên nhiều trưa nắng nóng mà sống trong các căn nhà ngói cũng là một cực hình. Không chỉ mát về mùa hè, nếp nhà tranh vách đất của nhà tôi khi bước vào mùa đông lại cực kỳ ấm áp, bởi vậy mà khi đi ngủ chỉ cần đắp nếp chăn mỏng manh cũng đủ ấm...
Năm tôi chuẩn bị rời làng lên học cấp 3 trường huyện, đó là mốc thời gian đánh dấu sự chia xa vĩnh viễn hình ảnh thân thương của nếp nhà tranh vách đất, khi bố mẹ tôi quyết định phá nó đi để thay thế bằng một ngôi nhà xây gạch to đẹp khang trang. Trước lúc bố mẹ, cô, chú kéo đổ nếp nhà tranh xụp xuống, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, lưu luyến, bởi dù gì thì nó cũng đã chở che, cũng đã gắn bó với suốt quãng đời tuổi thơ tôi, cũng như các thế hệ ông bà, cha mẹ trong gia đình tôi. Dẫu bùi ngùi, lưu luyến thật đấy, nhưng lòng tôi cũng rộn rã niềm vui, khi ước mơ của ông bà nội gửi trọn nơi bố mẹ tôi về một ngôi nhà gạch vững chãi đã trở thành hiện thực.
Chia xa ngôi nhà tranh vách đất của một thời tuổi thơ nghèo khó đã nhiều năm, và hiện sống trong ngôi nhà hiện đại khang trang, thế nhưng hình bóng của mái rơm mái rạ, của những cột kèo, dui mè, cùng vách tường đất xám xịt... vẫn luôn đọng mãi trong tâm trí tôi như một dấu ấn không bao giờ có thể mờ phai.
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 209