Bài dự thi: Xíu ơi, mình chuẩn bị xây nhà rồi

Lượt xem: 2058
7/8/2023 13:00 - Nhà ở
Tác giả: BÙI NGUYỄN NGỌC HÀ

Một cuộc điện thoại, một lời thông báo từ chị đến đứa em đang xa nhà hơn một ngàn cây số. Chỉ một câu thông báo vậy thôi, nhưng nó làm mất hơn 3 năm suy nghĩ cùng tất cả của cải tích cóp suốt hơn 20 năm dạy học của ba mẹ.

 
Năm 1997, lúc mẹ bắt đầu mang bầu tôi, ba mẹ quyết định xây nhà. Ba mẹ nghĩ, thôi thì cố gắng cho con có môi trường học thật tốt, để sau này con lớn đỡ phải đi học xa, thế là hai con người ấy cố gắng vay mượn, xoay xở mà cất lên một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất ông bà ngoại cho. Mẹ tôi kể, lúc bầu tôi được 8 tháng, mẹ vẫn đẩy những xe rùa chở cát tới cho thợ xây. Có lẽ vì lúc đó cực quá, cái khó khăn, cái nghèo khó quẩn quanh mà bà chẳng nghĩ thêm gì khác ngoài việc cứ cố làm cho xong căn nhà che nắng, che mưa. Để sau khi sinh tôi, làn da mịn màng trắng trẻo đã xuất hiện 2 vệt nám đen trên gò má. Nó như một dấu mốc nhắc tôi nhớ rằng, ngày xưa ba mẹ đã đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt cho căn nhà nhỏ kia. 
 

 
Sau khi hoàn công, nhà có được phòng khách, 2 phòng ngủ nhỏ và một cái bếp. Phía sau được xây thêm chuồng heo, gà để mẹ nuôi ngoài giờ dạy trên trường. Nền nhà được đổ xi măng bóng nhẫy. Tôi nhớ hồi nhỏ, những buổi trưa hè tôi cứ nằm lăn trên cái nền nhà màu đen bóng ấy, mát lạnh. Căn bếp được làm phía sau hè, mỗi lúc trời mưa, nước cứ tạt vào, tôi cứ cố rửa chén thật lẹ để khỏi bị ướt. Hay cái nhà vệ sinh được đặt phía sau lưng nhà, cứ buổi tối hai chị em phải rủ nhau đi chung, vì cứ sợ một ông kẹ nào đó xuất hiện bất thình lình mà bắt tụi tôi đi mất. Rồi dần dần, cứ dăm năm nhà lại được sửa thêm một tí. Năm này thì thay tôn mới trên mái nhà, xây căn bếp rộng ra để mọi người có thể ngồi cùng nhau ăn cơm, năm kia lại xây thêm một cái nhà vệ sinh trong nhà cho thuận tiện (đây là tin rất vui với những đứa nhát cáy như hai chị em tôi). Nhưng hình như tất cả vẫn chưa đủ. 
Người ta hay nói, sao dân miền Trung cứ tằn tiện, cứ chắt chiu cả đời người. Mà họ có biết, cứ năm này qua năm kia, bão chồng bão, lũ chồng lũ. Cơn bão này chưa xong, lại có tin cơn bão khác ở ngoài biển Đông sắp tiến vào Việt Nam. Tôi đã quá quen cảnh lúc nhỏ cứ tới mùa bão, tụi tôi phải chạy qua nhà ngoại, hay là cả nhà phải trú tạm ở nhà vệ sinh phía sau vườn, vì trên nhà vệ sinh có đặt bồn chứa nước, nên nó có cái mái đúc vững chãi, có thể chịu được khi cây cối xung quanh ngã đổ vào. Tôi quen với cái không khí vội vã buổi chiều trước bão tới, ba và mẹ phải dựng những lốp xe, những bao cát, bao nước lên mái nhà để đè giữ mái tôn. Tôi quen với cảnh cả nhà xúm lại nghe thông tin về bão từ chiếc radio rè rè của ba, ngoài trời là cơn bão mặc nhiên vần vũ, tiếng gió xiết, tiếng tôn lật trên mái tưởng chực như bị thổi bay đi. Những lúc đó, tôi chỉ ước nhà mình là nhà đúc, tim tôi sẽ không lên xuống theo từng nhịp tôn ngoài kia, tôi sẽ không lo lắng rằng liệu sách vở của mình có bị ướt hết không, hay ba mẹ phải tốn thêm bao nhiêu để sửa chữa nhà sau bão. 
Cứ trải qua hơn hai chục năm như vậy, ba mẹ tôi vẫn cứ đau đáu về căn nhà cũ, nỗi lo vẫn cứ hiện về mỗi lần mùa bão tới. Xây hay không xây? Nếu xây nhà mới, tiền bạc cả đời người tích cóp cứ như vậy mà đổ vào căn nhà, liệu sau này ốm đau, bệnh tật thì như thế nào? Nếu không xây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, liệu căn nhà cũ chắp vá này có trụ vững hay không? Vậy mà tới cuối năm 2020, bão Molave đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời sự cứ lên tin tức hàng giờ, rằng những căn nhà cấp 4 đều không trụ nổi qua cơn bão này. Tôi ở xa mà lòng như lửa đốt. Ba mẹ nói đã chèn chống đủ cả rồi, bao bọc đủ cả rồi, thôi thì bỏ nhà đó mà chạy lấy người vậy. Cả nhà gồm ba, mẹ và chị đều đi sơ tán sang nhà cậu. Bão tan, nhà vẫn còn, nhưng mái tôn đã ở ngoài ruộng. Ba mẹ lại phải chạy đôn chạy đáo mượn người này người kia để lắp lại mái nhà. Ướt sạch, nào là lá cây, đất đá khắp trên nền nhà, trên đồ đạc chén dĩa. Bão đi, để lại cho ba mẹ tôi thêm vài nếp nhăn ngay trán, vài sợi tóc bạc trên đầu. 
Sau đợt đấy, ba mẹ quyết tâm xây nhà. Nhà chính là nơi để ở, là nơi che chắn gió mưa. Nhà có ba mẹ, bao bão tố ngoài kia đều dừng sau cánh cửa. Ba mẹ vui vẻ khi có nhà mới, bao tiền của đổ ra giờ xem như rất xứng đáng. Nếu bão tới, tôi sẽ bớt lo hơn ngày xưa. Mỗi lần trở về, khi nhìn căn nhà mới xây, lòng tôi cảm thấy bình yên đến lạ. Ba tôi sẽ không còn phải mặc áo mưa, leo lên mái để thông xối nước bị lấp bởi lá cây. Mẹ tôi không phải tìm dây buộc để chèn chống nhà cửa. Ba mẹ xứng đáng ở dưới mái nhà vững chắc, có thể chắn gió che mưa những ngày còn lại. Đối với tôi, nhà đích thực là nơi chốn bình yên cả về thể xác lẫn tâm hồn.
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 206

Các tin khác