Ngày còn nhỏ, chừng hồi 4-5 tuổi, tôi hay thích rong ruổi cùng đám trẻ con trạc tuổi trong phố trải nghiệm đủ loại trò chơi chúng tôi nghĩ ra. Hồi ấy, nhà đối với tôi đơn giản là chỗ nấp trong những cuộc trốn tìm, nơi khi đã chạy nhảy mệt bên ngoài, tôi có thể về để lăn lóc xem ti vi rồi hồn nhiên ngủ quên trên võng tự lúc nào không hay biết. Nhà của tôi là căn nhà 2 tầng xây bằng gạch, ý thức về nhà chỉ dừng lại ở việc nhận thức sự vật quen thuộc như vậy, gọi là “nhà” vì từ ông bà, bố mẹ, ai cũng gọi như thế.
Đến lúc đi học, tôi biết tôi thích ở nhà đến như thế nào. Tôi luôn mong chờ những ngày được nghỉ học. Nỗi mong chờ ấy biến thành ao ước rồi thành động lực để một đứa bé 6-7 tuổi luôn tự giác dậy từ 5 giờ 30 phút hàng ngày, cùng bố xem dự báo thời tiết xem hôm nay có lạnh dưới 15 độ hay không để còn được nghỉ học và lẽ dĩ nhiên thất vọng là phần nhiều. Hồi đó, tôi thích ở nhà đơn thuần là không muốn đi học. Tôi thích ở nhà, trong căn phòng mà mẹ vẫn cần mẫn với những thước vải, tỉ mỉ với từng đường kim, mũi chỉ, tôi có thể nghịch ngợm đồ làm của mẹ, tập đánh vần và đọc cho mẹ những bài thơ tôi thích. Tôi thích ở nhà, vì đó là thế giới tôi được tự do với đủ mọi sở thích mà không bị giới hạn bởi quy định và giờ giấc. Khắp các bức tường nhà đầy những hình vẽ, chữ viết mà tôi thoải mái hí hoáy sáng tác và dụng cụ thì luôn ở sẵn mọi ngóc ngách, từ mặt bàn, trên ghế và dưới gầm tủ. Nhà lúc này là nơi duy nhất tôi có điều kiện và cơ hội để tự do làm với mọi điều mình muốn.
Lớn thêm chút nữa, tôi không còn đặc biệt thích ở nhà như trước vì thứ tôi muốn làm đã nhiều hơn và nhà không đủ đáp ứng điều kiện để tôi thực hiện những điều đó. Trong những năm tháng trung học, tôi chủ yếu có mặt ở trên trường, lớp học thêm và những hội bạn bởi những nơi đó, đối với tôi, là cả hiện tại và tương lai. Ở tuổi ấy, tôi có nhiều ước mơ, hoài bão song còn có thêm cho mình những tình cảm riêng tư. Những điều đó dẫn tôi đến nhiều hoàn cảnh để rồi nhận thức trong tôi về thế giới xung quanh ngày được mở rộng, cuộc sống từ lúc ấy bắt đầu mơ hồ từng chút một thế nào là phải trái, trắng đen. Hồi ấy, tôi thường nghĩ muốn về nhà chỉ khi nhận ra mình đang cảm thấy tủi thân.Vì điều gì?
Vì thấy mình không bằng bạn, bằng bè, vì cảm thấy người khác đối xử không tốt với mình và vì trăn trở câu hỏi tại sao mình lại có trên đời. Nhà lúc này là chốn tôi âm thầm giải tỏa cảm xúc của chính mình một cách thoải mái nhất.
Ngày tôi đậu đại học, trong chính ngôi nhà của mình, tôi vui mừng với bố mẹ và nói rằng “Vậy là con sắp thành người lớn thật rồi, sắp phải đi xa nhà rồi”. Thực lòng trong thâm tâm tôi lúc ấy đã nôn nóng lắm cái cảm giác được sống cuộc sống tự lập, một cuộc sống theo đúng sở thích trên chủ nghĩa của chính mình. Rồi đến ngày tôi ra Hà Nội học, vì để tiết kiệm tiền tôi ở ký túc xá của trường, nhưng đấy chẳng phải là vấn đề, tôi vẫn có cho mình một góc riêng và tự do với những việc mình muốn làm. Ấy vậy mà, cái trải nghiệm tôi hằng mong đợi ấy chẳng bao lâu đã khiến tôi hiểu ra vì sao người ta lại cần nhà đến như vậy, và thấm thía với câu nói mà mình thường thấy trong sách báo: “Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về”.
Trong những tháng ngày tập tành làm người lớn, tôi trải qua nhiều sự ấm ức, cũng như ở nhà, tôi hay tìm một chỗ kín đáo để cho mình một khoảng lặng để suy ngẫm, nhưng sau đó thì sao, chẳng có bữa cơm nào đang chờ tôi cả, chẳng có một tiếng gọi nhắc nhở của mẹ hay những câu chuyện của bố. Tôi lại khóc vì tủi thân. Tôi lại thèm cảm giác cuộn mình trên chiếc giường mà bố mẹ mua cho mình, hít thở không khí của ngôi nhà mình và nghe những âm thanh quen thuộc hàng ngày đã thấm vào máu tôi tự thuở sinh ra. Vậy là tôi hiểu sâu hơn về ý nghĩa của chữ “nhà”, nhà là nơi có tôi và ở trong tôi, nó quan trọng đến mức tôi chẳng thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì.
Dần dần, một suy nghĩ giản dị đã nảy rễ trong tôi, chính là, “Người may mắn nhất thế gian là người có một mái nhà”.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 206