
Nhà là gì?
Có lẽ không cần phải định nghĩa lớn lao gì về khoảng không gian giữa những bức tường, nơi ta ăn, ngủ, nghỉ, tóm lại là sống - một nơi mà xét về công năng sử dụng thì đâu đâu cũng giống nhau, nhưng lại vô cùng khác nhau với mỗi người. Dù là bạn ở nhà villa có vườn rộng bao quanh, hay nhà phố leo cầu thang muốn oải,hoặc căn hộ khép kín, dù là bạn ở trong căn nhà bạn sở hữu hay đi thuê, thì tóm lại, nhà cũng chỉ là nhà, khi xét về công năng sử dụng như vậy mà thôi. Có lẽ với bao người dân nơi đô thị lớn ở Việt Nam, những người luôn “đói” diện tích, thèm khoảng xanh và bầu trời, thì nhà thực sự chỉ là khối bê tông, là những vách ngăn nơi xóm trọ trong hẻm ngoằn ngoèo, là nơi để ngủ, nghỉ, ngả lưng, ăn vội, để rồi hôm sau lại xấp ngửa, lao vào dòng người, dòng xe trong cuộc mưu sinh.
Vậy mà, đùng một cái, bạn thấy cả cuộc sống của mình chỉ còn gói gọn trong những bức tường ấy, không gian ấy. Thế giới bên ngoài bỗng vắng lặng như tờ hoặc ồn ã tiếng xe cứu thương liên miên đêm ngày. Khi ấy, bạn có tự hỏi: Nhà là gì không? Khi ấy, Nhà đã là cả thế giới của tôi, là nơi tôi xác định rằng, không chỉ để ăn ngủ nghỉ nữa, mà phải là nơi mang lại nguồn vui sống cho tôi mỗi ngày, giúp tôi không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực khi dịch bệnh đang hoành hành ngoài kia. Hay nói cách khác, khái niệm về một “Ngôi Nhà- nơi ở” đã thay đổi hẳn trong suy nghĩ của tôi. Tôi thấy mình cần phải sống khác đi, đối xử khác đi với Nhà, để có thể tiếp tục sống mà không sợ hãi.
Năm vừa qua dịch bệnh đã mang lại bao đau xót và tổn thất cho chúng ta. Nhưng xét về mặt nào đó, dịch bệnh cũng đã làm chúng ta thay đổi rất nhiều: quan tâm hơn tới sức khoẻ, cẩn trọng hơn trong sinh hoạt đời thường, chăm lo hơn và sẻ chia hơn với người thân, cộng đồng… Nhận thức của chúng ta biến chuyển rất nhiều vì dịch bệnh. Nhận thức về cuộc sống vô thường bỗng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Tôi nhớ mãi những cú điện thoại của bạn bè, người thân, khi Sài Gòn đang lúc phong toả gắt gao nhất và dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất. Em hoảng loạn: “Chị ơi, khu nhà em phong toả lâu quá, chồng em cáu bẳn, đập phá đồ đạc mỗi khi không vừa lòng, em sợ…”. Bạn nhắn tin “suốt ngày ăn và nhìn TV”. Chị nói “em ơi, hẻm chị phong toả đúng 55 ngày rồi, chị muốn điên…”. Nói chuyện với mẹ, mẹ bảo: “Ra đường, tránh người. Về nhà, chỉ gặp nhau qua điện thoại, Facetime... Thế giới thật đang thành ảo và thế giới ảo đã thành thật mất rồi!”. Không biết người khác thế nào chứ với tôi, điều níu kéo tinh thần hữu hiệu nhất, khi thế giới thật thành ảo, lại chính là ngôi nhà.
Theo hướng dẫn của tôi, cô em có người chồng đang căng thẳng vì ở nhà lâu ngày, tiến hành làm đẹp lại không gian ngôi nhà phố nhỏ. Mỗi ngày, ngoài những giờ làm việc online và cơm nước, dành ra 1-2 tiếng để làm mới nơi ở. Khoảng sân nhỏ phía trước bị bỏ bê không chăm sóc lâu ngày, được dọn dẹp vào một cuối tuần. Những cái cây được cắt tỉa, cây chết được nhổ bỏ, đồ đạc linh tinh được dọn đi hết và những dây đèn vốn chỉ để trang trí cây thông mùa Noel được lắp vào cho cây thêm lung linh khi đêm xuống. Ban ngày khoảng trời xanh mây trắng hiện ra, đẹp ngỡ ngàng. Bầu trời trong những ngày thành phố bị dịch đã hết ô nhiễm trong một thời gian dài. Bộ bàn ghế nhỏ vốn bị bỏ quên trên sân thượng, được đặt bên những bụi cây để sáng sáng anh chồng ngồi làm việc online, sau khi đã xong nhiệm vụ tưới cây. Bên trong căn nhà hẹp, cô vợ cũng cố gắng dọn dẹp thường xuyên để nhà luôn gọn gàng. Những vật dụng đầy màu sắc, những món đồ trang trí dùng một lần rồi nhét xó tủ, được lấy ra, bày biện. Thấy mẹ dọn dẹp làm đẹp nhà, cô con gái cũng hứng chí tham gia mà không cần phải năn nỉ ỉ ôi như lúc trước, cậu con trai nhỏ tự nhiên trở nên ý thức hơn, khi chơi xong biết tự xếp đồ chơi đúng chỗ. Bộ bàn ghế bên cây xanh trở thành chỗ ngồi yêu thích của hai vợ chồng sau bữa cơm chiều. Họ dành thời gian cho nhau nhiều hơn ở nơi khoảng trời xanh nhỏ bé ấy. Họ mừng vui cùng nhau, khi thấy những cây chanh non tơ vươn lên thật nhanh từ hạt chanh họ gieo nơi ấy. Nếp sống của gia đình cũng dần thay đổi theo sự đổi thay của ngôi nhà. Và cứ thế, một ngày kia, cô khoe cùng tôi “chồng em hôm nay biết cắt mấy cành trúc nhật vào cắm ở bàn ăn, đẹp lắm. Giờ anh ấy mê nhà rồi chị”. Không cần hỏi, tôi cũng biết họ đã ổn, dù ngoài kia vẫn đầy bất ổn. Không cần hỏi tôi cũng hình dung được nếp sinh hoạt với rất nhiều đổi thay tích cực của họ trong ngôi nhà nhỏ ấy. Ngôi nhà đã thành người thân, thật sự là chốn nương náu ấm áp cho người giữa mùa dịch.


Ngôi nhà thân yêu
Nói không ngoa một chút nào thì nhà đã thành thế giới của tôi, nhất là sau thời gian ở nhà gần cả năm qua. Khi luôn chăm sóc ngôi nhà của mình một cách có ý thức, tôi mới thấm thế nào là sống chậm. Khi ngôi nhà là nơi chốn yêu thương, bạn sẽ cảm nhận được sự yêu thương ngôi nhà dành cho bạn. Nhà sẽ giữ cho tâm ta luôn an định, cho ta sống trong cảm nhận từng phút giây hiện tại và luôn cho ta những nụ cười. Bạn tin không?
Khi chăm chút cho căn nhà mỗi ngày, tôi cảm nhận được sâu sắc nguồn năng lựơng tích cực mà từng góc nhà mang lại cho tôi. Trong khu vườn nhỏ, những chậu mùng tơi, các loại rau thơm xanh mướt, vươn cao mỗi ngày. Cây lá vối rung rinh đón nhận từng giọt nước đầy yêu thương, cây trúc nhật hớn hở mừng vui, những lá thường xuân reo trong lặng lẽ, và cây bông giấy nở hoa…
Khi tôi cười với những bức tranh hoa treo trong nhà, những lớp cánh trong veo như lay động. Màu sắc trong tranh như ngập tràn không gian, ngày ngày tô màu cho cuộc sống bị bó hẹp giữa bốn bức tường. Mỗi ngày nhìn tranh, tâm hồn reo vui, tạm quên đi những gì đang diễn ra khắc nghiệt ngoài kia. Tràn ngập trong tôi là cảm giác hạnh phúc tôi chưa từng nếm trải. Khi tôi đi ngang qua tượng Phật với nụ cười, là một cảm giác bình an. Tôi không thể diễn tả bằng từ ngữ thường tình vô vàn những điều màu nhiệm mà Ngôi Nhà thân yêu mang lại cho tôi. Và hơn bao giờ hết, giờ đây, khi thực sự “Ở nhà” - theo nghĩa toàn tâm toàn ý cho nơi mình sống, yêu thương nơi mình sống, qua việc chăm chút cho từng không gian lớn nhỏ, tôi mới có thể cảm nhận thật sâu sắc câu nói “Nhà là tổ ấm”. Ai cũng có một cái tổ của mình, để yêu thương và sống trong yêu thương.
Và quan trọng hơn nữa, Nhà sẽ luôn là “tổ”, đầy ấm áp, khi từng cá nhân sống trong ngôi nhà ấy dành cho nhau sự yêu thương, chăm sóc và quan tâm mỗi ngày. Trong một ngôi nhà tràn đầy năng lượng yêu thương như thế, thì dẫu dịch bệnh hay muôn vàn khó khăn của cuộc sống ngày thường vẫn hiện hữu, bạn vẫn sẽ luôn vững vàng. Một cuộc sống hạnh phúc luôn hình thành từ những điều nhỏ nhoi như thế. Từ những buổi sáng tưới cây, dọn nhà, từ những món ăn nấu cho người thân với tất cả yêu thương, từ những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt dành cho cha mẹ, con cái, vợ chồng… tất cả làm nên điều mà chúng ta luôn gọi là NHÀ.
Nhà không chỉ là không gian giữ bốn bức tường. Nhà là nơi ta luôn muốn tìm về. Nhà của chúng ta đẹp đẽ hay u sầu chính là do ta gây dựng nên từ những điều nhỏ nhoi hàng ngày. Ý thức được điều ấy, luôn chăm sóc không gian sống của bạn cùng những người thân trong đó, thì nơi bạn ở sẽ mãi là Ngôi Nhà Thân Yêu, là chốn trú ẩn thần tiên có thể làm dịu đi bao nỗi đau, ôm ấp, vỗ về bạn trong cuộc sống ngày càng nhiều biến động ngày nay.
Nhà - đó là nơi trái tim thanh thản đập.

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 188