Xây, sửa nhà: Đừng quên thông thoáng khí

Lượt xem: 8952
4/10/2021 8:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Duy Dũng - Panasonic hân hạnh tài trợ

Khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến không khí lưu thông trong nhà. Thực tế, có thể giải quyết việc này khá dễ dàng nếu có sự tư vấn của nhà chuyên môn.

 

 

Các giải pháp nếu được tính toán trước trong quá trình thiết kế sẽ tạo thẩm mỹ và thuận tiện

cho hệ thống kỹ thuật. Ảnh: CFL

 
 
 
 
Có thể hiểu, nếu ngay từ đầu trong việc xây, sửa nhà, việc thiết kế, xây dựng, thi công… nếu có bàn tay của kiến trúc sư, nhà thầu, nhà chuyên môn thì nhiều bài toán cho ngôi nhà có thể được giải quyết tốt, tạo không gian sống thoải mái. Việc thông thoáng khí cũng là một bài toán nhỏ trong nhiều bài toán mà các nhà chuyên môn phải giải quyết trong từng điều kiện cụ thể của chủ nhà.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh xuất hiện, vấn đề thông thoáng khí được nhiều chủ nhà quân tâm hơn. Một môi trường không khí trong lành, không khí sạch là điều cần thiết để con người sống trong đó cảm thấy dễ chịu, khỏe mạnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có những ngôi nhà không khí suy giảm chất lượng bởi điều kiện thông thoáng kém, nên khí không lưu thông được, tạo ra môi trường khí “bẩn” hay ô nhiễm trong không gian sống. Vấn đề thông thoáng khí cho nhà ở phụ thuộc vào các yếu tố: Thiết kế - thi công và vận hành – sử dụng.
 
Dịch bệnh khiến nhiều người sợ hãi, đóng kín các cửa khiến không khí trong nhà có thể tù túng hơn. Ảnh: Duy Dũng
 
Trong thực tế, phần lớn các ngôi nhà ở là do người dân tự xây theo ý thích, theo kinh nghiệm. Các yếu tố kỹ thuật kiến trúc nói chung và vấn đề thông thoáng khí nói riêng chưa được nhìn nhận xứng đáng với vai trò quan trọng vốn có của nó. Vì vậy có rất nhiều ngôi nhà mặc dù được chăm chút đầu tư về vật liệu hay thiết bị nhưng lại bức bí, thiếu thông thoáng, và điều đó dẫn đến tiện nghi sống kém, ảnh hưởng đến sức khỏe như đã nói ở trên.
Cũng có những ngôi nhà đã xây dựng, được sửa chữa cải tạo nhưng cũng chỉ tập trung vào việc cải thiện diện tích - phòng ốc, thay mới vật liệu – thiết bị, đổi hình thức kiến trúc… mà cũng không chú ý đến vấn đề thông thoáng khí.
 
 
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh, vấn đề thông thoáng cho nhà ở tốt nhất cần tính toán từ khâu thiết kế kiến trúc nếu là nhà xây mới. Giải pháp kiến trúc luôn là chủ đạo, đi trước. Sau đó là các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ, tăng cường.
 
Thông gió tự nhiên qua việc mở hệ thống cửa hợp lý. Ảnh: Duy Dũng
 
Về giải pháp kiến trúc, cũng là giải pháp thông gió tự nhiên. Đó là việc tạo nên những hướng nhà đón luồng gió tốt, tránh luồng gió xấu; hệ thống cửa sổ và cửa đi hợp lý thuận lợi cho việc thông gió trên phương ngang; thiết kế giếng trời, khe kỹ thuật để thông gió theo phương đứng; sử dụng lam hay gạch hoa trên mặt đứng để chắn nắng mà vẫn thông gió…
Theo đó, mỗi phòng, không gian nên có 2 vị trí mở cửa hay khoảng trống, có thể đối diện nhau – là tốt nhất, hoặc trên hai bề mặt tường liền kề nhau. Các phòng vệ sinh, bếp cần có cửa sổ thông thoáng ra khoảng không bên ngoài hoặc giếng trời.
Về giải pháp kỹ thuật, đó là giải pháp thông gió cưỡng bức, thông gió cơ khí. Cách thông thường là dùng quạt thông gió, hay quạt máy, quạt bàn… để tăng cường lưu chuyển khí, hút khí cũ, bẩn ra và đón khí tươi, khí sạch vào. Quạt thông gió có thể gắn trên trần hoặc trên tường các thông gian cần thông thoáng.
Trong nhà ở, thì các không gian bếp và vệ sinh nhất thiết phải có thông gió cơ khí, kể cả khi có cửa sổ thông thoáng tự nhiên. Bên cạnh các loại quạt thông gió hiện nay trên thị trường có một số loại thiết bị khác có thể giúp cải thiện chất lượng không khí như điều hòa tạo ion âm, máy lọc không khí…
Các loại thiết bị thông gió ở giải pháp kỹ thuật cũng nên được tính toán trước trong quá trình thiết kế để tạo thẩm mỹ và thuận tiện cho hệ thống kỹ thuật (nguồn cấp điện, ống dẫn hút khí hay thoát khí). Các loại thiết bị này hoàn toàn có thể là những thành phần của nội thất, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nội thất.
Sau cùng, cần lưu ý nếu không tính toán thông gió từ ban đầu, khi cải tạo có thể sẽ rất phiền phức vì phải đục phá về kiến trúc, kết cấu; hay phải bổ sung, điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng khi lắp bổ sung thiết bị. Việc vận hành hệ thống thông gió cần kết hợp cả thông gió tự nhiên và thông gió cưỡng bức, tùy điều kiện thời tiết, môi trường, thời điểm và các hoạt động sinh hoạt trong mỗi không gian.