Ngôi nhà mà tác giả đề cập được xây từ năm 1940, trải qua năm tháng, đến nay ngôi nhà vẫn còn được giữ lại vì chốn ấy chứa đựng những ký ức, những kỷ niệm vui buồn của cả gia đình
Chủ nhân ngôi nhà là một người đàn ông trung niên - giảng viên tiếng Anh của một trường đại học ở thành phố Huế. Câu chuyện của tôi (người viết bài) và anh diễn ra vào một buổi sáng đẹp trời ở quán cà phê bên sông Hương như gợi lại cả một vùng trời ký ức gắn với ngôi nhà cổ, mà tôi là kẻ tò mò, còn anh là người trải lòng với chất chứa những tâm sự. Giọng trầm ấm của người đàn ông Huế cũng có nét thâm trầm dựng lại những thước phim quá khứ, từ từ trôi thật chậm…
Ngôi nhà của ký ức
Gia đình tôi (nhân vật) chuyển đến ngôi nhà này vào khoảng tháng 2.1975 – PV). Mới ở được một thời gian rất ngắn thì biến động mùa xuân năm 1975 đã khiến cho cả gia đình phải “sơ tán” vô Đà Nẵng. Hồi đó buồn và tiếc lắm, tiếc đứt ruột. Ai cũng nghĩ là sẽ mất ngôi nhà mới; vì lúc đó có ai biết rồi sẽ thế nào đâu.
Nhưng may mắn, tình hình ổn lại sau một thời gian ngắn, gia đình tôi trở lại Huế, chúng tôi lại được trở về ngôi nhà của mình. May mắn hơn nữa là ngôi nhà chỉ hư hại nhỏ. Trong ký ức, ngôi nhà của gia đình tôi đẹp nhất kiệt. Ngày xưa trong kiệt này toàn những nhà vườn như nhà tôi; nhưng rồi bây giờ, ngoài căn nhà của gia đình tôi, thì không còn một ngôi nhà nào nữa.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm với ngôi nhà. Ngôi nhà đã gắn bó với tôi suốt tuổi thơ, thời niên thiếu cho tới… bây giờ. Tôi đã sống ở đây và chứng kiến bao đổi thay của chính gia đình mình, ngôi nhà mình, cái kiệt nhỏ này và cả thành phố Huế.
Những thăng trầm thời cuộc
Trước kia trong hẻm này toàn những nhà vườn như nhà tôi. Thế rồi những đổi thay của đời sống, xã hội đã làm cái kiệt nhỏ này không còn bình yên nữa. Những ngôi nhà vườn bị phá huỷ để xây những nhà mới cao hơn to hơn. Những khuôn viên rợp cây xanh bị chia năm xẻ bảy, mua đi bán lại…
Cái kiệt này nằm ở trung tâm lưu trú du lịch; xây khách sạn, nhà nghỉ ở đây là rất lý tưởng. Bây giờ xung quanh nhà tôi toàn khách sạn với nhà nghỉ. Nhà mình “ngoan cố” lọt thỏm vào giữa. Cuộc sống có nhiều xáo trộn bởi sự ồn ào của du lịch, dịch vụ. Trước những thay đổi ấy, trước sự cám dỗ của kinh tế địa ốc, thị trường, tôi và gia đình cũng có nhiều băn khoăn lắm. Phá đi xây mới để kinh doanh, cho thuê, hay bán hết nhà vườn đi để tìm nơi khác tránh sự ồn ào…? Có nhiều sự lựa chọn như thế. Ai cũng bảo để như thế này phí đất quá! Ba mẹ tôi và bản thân tôi cũng có những khi dao động. Nhưng tôi nghĩ mình là giáo viên thì làm thêm kinh doanh không hợp, mà tôi cũng không thể bỏ nghề để làm kinh doanh; mà làm chưa chắc đã tốt. Còn nếu bán đi, ở chỗ khác thì tiếc lắm! Bản thân tôi không muốn, ba mẹ tôi càng không muốn, anh và em tôi (hiện đang ở nơi khác) cũng không hề muốn. Vậy nên cứ cố giữ!
Theo hồ sơ giấy tờ, ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1940. Việc gìn giữ ngôi nhà cũng khó khăn và vất vả lắm. Ví như chuyện tiêu biểu và thường xuyên xảy ra, đó là ngập lụt. Cái kiệt này giờ nhà xây mới thêm dần dần, cao san sát, và đường cũng cao lên theo. Nhà tôi xưa nền cao nhất, giờ thành thấp nhất. Vườn, cây xanh không còn nữa, nên không còn khả năng thoát nước tự nhiên. Tất cả trông vào… cống. Nhà nhiều thêm nhưng cống rãnh không khá hơn, nên cứ mưa là ngập. Nhà tôi nền thấp, mưa là thành ao.
Năm 1999, để đối phó với tình trạng ngập nước, ở nhà đã phải làm gác gỗ để chống ngập. Và cuối cùng, dù rất xót xa, nhưng cuối cùng gia đình tôi cũng phải nâng nền sân vườn lên. Việc này khiến cho tam cấp từ sân lên hiên giờ thành “nhất cấp”; và toàn bộ hệ thống móng đá, đế của ngôi nhà đã bị vùi lấp, ngôi nhà mất tỷ lệ và xấu đi nhiều.
Rồi tiếp theo, nền nhà cũng phải nâng lên. Rất may là nhà tương đối cao nên chiều cao nội thất không bị ảnh hưởng nhiều; nhưng các bậu cửa sổ bị thấp xuống, trông rất chán!
Ngoài vụ nâng nền, ngôi nhà này chưa sửa chữa lớn lần nào, về cơ bản kiến trúc vẫn nguyên vẹn, ít nhất là từ khi gia đình tôi tới ở. Nhưng phần mái đã hư hại nhiều, lắm chỗ bị dột. Có nhiều khi muốn làm cơ bản lại mà có những khó khăn nọ kia; một trong những khó khăn đó là kiếm được thợ làm được cái khung mái gỗ và lợp ngói liệt không dễ. Những thợ làm được loại mái này hầu hết đã già, không dám trèo cao trên mái dốc, và bản thân mình cũng sợ không muốn có rủi ro; còn thợ trẻ khoẻ thì lại không biết làm. Vậy nên cứ sửa chữa chắp nhặt, vá víu.
Khởi nguồn ý tưởng là ý thích và nhu cầu hướng tới sự tối giản trong kiến trúc. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và sử dụng, chủ nhà vẫn giữ và vẫn có thói quen, sở thích trang trí nhà cửa. Chính vì vậy sự tối giản không được thực hiện triệt để, cuối cùng phải đưa đến một giải pháp dung hòa. Tầng trệt được bố trí với không gian mở, không gian phòng khách, ăn uống, bếp liên thông; trước sau mở ra những khoảng vườn, khoảng trống. Tầng lầu khép kín với các phòng chức năng riêng biệt. Ngôi nhà mới được xây cạnh ngôi nhà cũ, một cổ xưa, một hiện đại
Mới bên cạnh cũ
Vấn đề kinh doanh hay bán nhà, bán đất gần như đã thông suốt, không còn sự dao động nữa. Nhà tôi, mà nhiều người gọi là ngôi nhà “ngoan cố” ở cái kiệt này, lại trở thành một sự chú ý. Rất nhiều người, nhiều khách du lịch đi qua dừng chân chụp ảnh. Có nhiều người lưu trú ở khách sạn trong kiệt nói rằng họ thích ở cái kiệt này, để… ngắm nhà tôi.
Hiện tại, ngôi nhà vẫn rất ổn, và vẫn đẹp. Nhưng với cá nhân tôi thì nó không còn đáp ứng được những nhu cầu và sở thích của mình nữa. Chính vì vậy, tôi đã xây một ngôi nhà nhỏ mới bên cạnh. Ba mẹ tôi ở ngôi nhà cũ, còn tôi ở ngôi nhà mới. Hai nhà sát nhau, chung sân, chung cổng và gia đình vẫn mật thiết, tình cảm. Hình như trong tôi luôn có mâu thuẫn, vừa hoài niệm lại vừa cách tân; vừa nặng lòng với cái cũ, vừa muốn tiếp cận với cái mới. Bản thân tôi vẫn rất muốn giữ ngôi nhà cũ, nhưng tôi cũng thích sống trong ngôi nhà mới, không gian mới, hiện đại. Ở ngôi nhà mới xây, tôi được tự do hơn, và thoải mái trang trí nội thất theo ý thích và theo cách của mình.
Trong tương lai, tôi cũng có nhiều phân vân; ba mẹ tôi tuổi đã cao; tôi không thể không nghĩ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, gia đình tôi không ai muốn phá bỏ hay bán ngôi nhà cũ. Tôi sẽ cố gắng giữ đến cùng, với khả năng của mình. Ngôi nhà cũ ấy là ký ức, là kỷ niệm, là tình cảm gia đình, là hồn nhiên ấu thơ… của tôi. Tôi thương ngôi nhà cũ như yêu thương một người thân của mình.
Tôi (người viết bài) đã đến thăm ngôi nhà của anh và chụp ảnh chiều cùng ngày hôm ấy. Ngôi nhà mới được xây dựng cạnh ngôi nhà cũ, với quy mô vừa phải, không lấn át ngôi nhà cũ. Bản thân mặt tiền ngôi nhà cũng rất “bình thường” không gây chú ý. Chủ nhân muốn có một không gian sống mới, tiện nghi, bắt nhịp với hơi thở cuộc sống hiện đại; và muốn tự do thể hiện mình trong không gian đó.
Hai ngôi nhà ở cạnh nhau trong một khu vườn, một cũ - một mới; một cổ xưa – một hiện đại. Không gian nhà vườn dường như vẫn là sự thách thức với những thay đổi ồn ào và chóng mặt ở xung quanh.
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 188