Tôi được sinh ra trước ngày thống nhất đất nước trong một nhà bảo sanh tư nhân nhỏ gần chợ Bà Chiểu và từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành cũng chỉ quanh quẩn trong một ngôi nhà cũ, không xa khu vực Lăng Ông, chợ Bà Chiểu. Giấy khai sinh ghi nơi sinh của tôi là Gia Định. Không biết đó có phải là duyên hay là điều đặc biệt không vì từ nhỏ đến bây giờ, các di sản - văn hóa Sài Gòn luôn hiện diện trong tâm trí của tôi và tôi luôn trăn trở, suy nghĩ đến những cách trong khả năng của mình có thể đóng góp cho việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của thành phố - nơi tôi sinh ra và gắn bó cả cuộc đời mình ở đó.
Trong buổi tọa đàm, khi nghe TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ thông tin về các nhóm công trình di sản, về quá trình hình thành và phát triển TP.HCM, trong đầu tôi liền hiện lên những hình ảnh về các di sản mà tôi đã từng đến, các kỷ niệm gắn kết ở đó - như một đoạn phim quay chậm. Đặc biệt là các biệt thự cổ đã bị biến mất trong mấy năm gần đây.
Năm 1996, Hội Kiến trúc sư TP.HCM có đề án lập danh sách các di sản kiến trúc của Sài Gòn - TP.HCM. Danh sách lúc đó có 108 hạng mục công trình gồm công trình trọng điểm, trục, tuyến cảnh quan… Trong đó, các biệt thự Pháp ở khu vực quận 1, quận 3 được hệ thống lại khá nhiều. Các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5 cũng nằm trong danh sách. Tôi còn nhớ bộ hồ sơ khi đó khổ A2 (40x60cm) gồm những hình ảnh cắt dán minh họa liên quan đến từng công trình trong danh sách. Thời điểm đó, việc in ấn còn hạn chế nên hồ sơ được thực hiện như vậy đã là một sự nỗ lực lớn của nhóm chuyên gia. Nhưng đến hiện tại, khi tôi liên hệ với các cơ quan quản lý có di sản trên địa bàn của mình, có đơn vị còn không biết đến danh sách 108 công trình này. Đó là câu chuyện của gần 3 thập niên trước. Tôi nghĩ với trình độ công nghệ, số hóa như hiện nay, việc cập nhật thông tin và quản lý hồ sơ sẽ khác hơn nhiều. Vấn đề là ngoài danh sách trên, các trang thông tin mạng thì những dữ liệu khác liên quan được quản lý, kết nối ra sao.
“Định hướng phát triển các khu phố cổ ở TP.HCM” là tên đề tài luận văn thạc sỹ của tôi 20 năm trước. Giai đoạn này máy ảnh kỹ thuật số vừa ra đời. Chất lượng ảnh 1.3Mb, thẻ nhớ 256, 512Mb là hoành tráng lắm rồi. Các ứng dụng panorama trên máy chưa có nên muốn chụp cả dãy phố là phải có ống kính chuyên để lấy góc rộng hoặc chụp máy phim rồi ghép thủ công để có hình panorama. Cả hai cách này tôi đều không làm được nên đành làm thủ công. Chụp bình thường từng đoạn của dãy phố rồi về dùng photoshop ghép lại. Cuối cùng cũng có thu hoạch được hình ảnh vài dãy nhà trên các tuyến đường có trong danh sách.
20 năm trôi qua, bao nhiêu hoài bão, kế hoạch bị mai một hết, nhiệt huyết nguội dần trong khi các công trình, di sản ngày càng ít đi. Tôi nhớ đến thời điểm ngôi biệt thự cổ ở đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh xuống cấp được báo đài nhắc đến liên tục. Tôi có dịp đi ngang công trình gần như mỗi ngày và thấy hình ảnh từ lúc bắt đầu tháo ngói, mái trơ khung kèo, bị ngừng một thời gian, và… đến khi các xe ba gác đến chở từng xe các đầu cột đi. Tiếc hùi hụi, và ngậm ngùi cứ như một thứ gì rất thân quen vừa mất. Ly cà phê trong quán bên cạnh công trình đó cũng trở nên nhạt vô cùng.
Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu tôi lúc đó: Nếu mình đóng vai người chủ nhà, mình sẽ bị vướng những vấn đề gì? Cơ quan nhà nước đã có những động thái gì và hai bên còn thiếu điều gì để hiểu nhau, tìm được phương án thống nhất giữ lại công trình này?... Đây là câu chuyện mấy năm trước. Điều lạ lùng là ở nước ta, các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, hội nhóm luôn có các hoạt động sôi nổi về vấn đề bảo tồn, di sản nhưng mà những công trình có giá trị vẫn cứ rơi rụng từ từ.
- Cơ quan nhà nước có hệ thống luật như Luật Di sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa;
- Các trường đại học có khoa, nhóm chuyên gia tổ chức hội thảo khoa học trong và ngoài nước, cho sinh viên giao lưu thực tế nhiều;
- Các nhóm trên mạng xã hội, facebook có chuyên đề, phong trào phản ứng với những ảnh hưởng mang tính bất lợi đến di sản;
- Và thậm chí người dân cũng rất bức xúc khi thấy sự thờ ơ của chính quyền và thậm chí họ ngạc nhiên với những phát ngôn của cán bộ trong ngành.
Thế là mạnh ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng và ngày qua ngày không có cải thiện được gì thêm hoặc nếu có thì rất chậm và không phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề nằm ở đâu? Và phải làm gì để khắc phục vấn đề này?
Theo tôi, lúc này cần lắm một động tác kết nối và tìm được tiếng nói chung của các cơ quan, tổ chức để chung tay giữ gìn di sản ở Sài Gòn nói chung và giải quyết các vướng mắc liên quan quanh di sản, đặc biệt là vấn đề tài chính. Có chiến lược, kế hoạch từng bước thì mới mong mọi việc phát triển bền vững và có hiệu quả thật sự. Phối hợp kiến thức, kinh nghiệm của những chuyên gia, của các trường đại học cùng thêm sức trẻ, nhiệt huyết phối hợp với cơ quan nhà nước để rà soát lại các điều luật đang tác động trực tiếp - gián tiếp vào di sản làm cản trở đời sống người dân. Và bản thân tôi cũng mong mình có cơ hội tham gia vào các dự án liên quan đến nghề, đến ngành mình học và đóng góp sức mình cho mảnh đất Sài Gòn.
Phải thay đổi cách đặt vấn đề, điều chỉnh cách thực hiện thì hy vọng những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và các hội, nhóm nói chung; người dân Sài Gòn - TP.HCM nói riêng mới gìn giữ được những di sản quý báu của mình. Mong lắm thay!
Hiện trạng khu phố cổ quận 5
Theo Kiến trúc & Đời sống số 211