Ngày đó, những buổi sớm cuối năm, cánh đồng Bàu Cát phủ mờ sương muối. Buổi chiều, lũ nhóc chúng tôi sau khi đá banh, thả diều cũng trở về nhà sớm hơn mọi khi vì trời trở lạnh. Đấy là lúc tết đã về lấp ló ở đầu ngõ xóm.
Đầu tháng Chạp, mọi nhà trong xóm đã xôn xao chuyện tết nhất, đi đến đâu cũng nghe người ta hỏi thăm nhau đã mua sắm, chuẩn bị được gì cho ngày tết chưa. Lúc này, bài vở thi cử cũng đã xong, học trò đến lớp chỉ vui đùa là chính, đứa nào cũng ngóng được nghỉ tết sớm để chơi đùa thỏa thích.
Năm nào cũng vậy, dù nhà vẫn còn lương thực đủ dùng, nhưng giáp tết mẹ vẫn đi mua gạo đổ đầy lu khạp, mua mắm muối về châm đầy hũ để mong ước sang năm nhà đầy đủ, không thiếu thốn. Tối 30, mẹ lấy nước đổ đầy các lu, vại và dặn anh em tôi ba ngày tết không được múc nước giếng lên, để giếng được nghỉ ngơi. Đối với mẹ, tết là dịp quan trọng nhất, phải kiêng cữ cẩn thận, tránh những điều không hay để sang năm cả nhà được may mắn, bình an, sung túc. Mẹ bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Đã thành thông lệ, gần tết mẹ lại nhờ bác Phấn (anh họ của mẹ, ở cùng xóm) hễ qua giao thừa là sang xông nhà, xông đất cho nhà tôi. Mẹ bảo, người cẩn thận, chỉn chu, đàng hoàng như bác Phấn xông nhà thì cả năm mọi việc sẽ suôn sẻ, hanh thông.
Khi tiếng pháo đón giao thừa vừa ngớt, bác Phấn bước vào nhà chúc tết gia đình rồi mừng tuổi anh em tôi. Đến sáng mùng một, bố tôi lại sang chúc tết gia đình bác rồi mới đi khắp xóm chúc tết mọi nhà.
Ba ngày tết, mẹ dặn trong nhà không ai được quét, hốt rác đổ đi. Hồi đó, tôi cũng chẳng biết tại sao lại làm như vậy. Nhưng rồi sau này lớn lên tôi mới hiểu, theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần tài sẽ đi mất. Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Mẹ mất đã mấy chục năm rồi, nhưng từ đó đến nay, ba ngày tết tôi cũng chẳng bao giờ quét nhà, không phải vì kiêng cữ gì cả, mà chỉ để tìm chút cảm giác tết xưa, tưởng như vẫn còn có mẹ trong nhà!
Pháo là hình ảnh vô cùng ấn tượng của ký ức về tết xưa. Dù giàu hay nghèo thì trong khoản mua sắm tết của mỗi gia đình không thể nào không có mấy phong pháo. Pháo tết bán “đắt hơn tôm tươi”, nên rất nhiều nơi sản xuất kinh doanh, nổi tiếng nhất hồi đó là những làng pháo Gò Vấp. Những năm sau này tổ hợp pháo Nam Long, về sản xuất pháo ở một góc cánh đồng Bàu Cát (nay là cuối đường Trương Công Định, Tân Bình) một thời cũng giải quyết công ăn việc làm cho khối cư dân trong xóm.
Đám trẻ con chúng tôi, thỉnh thoảng để dành được một ít tiền mẹ cho ăn sáng, lại chạy ra tiệm tạp hóa của bà Quế (mà tụi tôi hay gọi là bà Tào Thị) mua từng viên pháo lẻ về đốt. Nghe tiếng pháo nổ tưởng như tết đã đến nơi rồi. Vui nhất là thời khắc giao thừa, nhà nào cũng đốt pháo, nhà giàu đốt vài thước, pháo treo từ trên lầu xuống sát đất, nghèo cũng 1,2 phong. Tiếng pháo nổ đì đùng rền vang khắp xóm, khói mù mịt, xác pháo bay tứ tung, đỏ hồng ngập tràn trước sân nhà, lối đi. Lũ trẻ con tụi tôi cứ đợi nhà nào đốt pháo xong là chạy ào đến nhặt những viên pháo xì, pháo lép về đốt lại hoặc xé ra lấy thuốc pháo đem đốt. Sáng mùng một, đám thanh niên nghịch ngợm lấy pháo cắm xuống bùn, chờ các cô gái đi lễ nhà thờ Tân Thành về gần đến thì châm lửa đốt. Pháo nổ làm bùn đất bắn văng tung tóe, mấy cô vừa chạy vừa la í ới, nhưng miệng lại cười toe toét. Ngày tết vui mà, chẳng ai giận dữ làm gì cho xui xẻo cả năm.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên suốt ba ngày tết từ đầu xóm đến cuối xóm đâu đâu cũng có các trò đỏ đen, cờ bạc. Con nít xúm xít vòng trong vòng ngoài, châu đầu vào mấy cái bàn bầu cua cá cọp, bài cào. Đám thanh niên tụ tập binh xập xám, kéo xì dách hay đánh cát-tê (hồi đó chưa có món tiến lên). Các bà, các cô tụm năm tụm ba ngồi “đậu chến” hay “điều binh khiển tướng” ở mấy sòng tứ sắc, tam cúc. Còn các cụ già ngồi rung đùi, khề khà bên bàn tổ tôm. Ngày thường nhiều cụ hay than đau lưng, nhức mỏi, nhưng ngồi “hội họp” suốt mấy ngày tết mà mặt mũi các cụ cứ tỉnh táo như không.
Vui nhất là mấy sòng xóc đĩa, lô tô buổi tối ở nhà bà Phát già hay trước sân nhà ông Mạc, người chơi rất đông mà người ngồi xem, chầu rìa cũng nhiều. Đợi lúc mọi người đang say sưa sát phạt, mấy đứa quậy phá len lén cúp cầu dao điện, thế là một cảnh vồ tiền, chửi bới om tỏi diễn ra trong bóng tối, rồi tan sòng. Nhưng chỉ một lúc sau, đợi đám lau nhau đi khỏi, mấy người lớn lại gầy sòng khác, chốt cửa lại, chơi tiếp…
Thời gian nghiệt ngã chạy qua phận người. Mấy người bạn cùng hội tổ tôm, chắn cạ ở xóm với bố tôi: Bác Phấn, ông Hà, ông Soạn, ông Mạc, ông Khang, ông Du, ông Cách, ông Mơ, ông giáo Khánh, ông Đạm, ông Tráng, ông Yêu… giờ chẳng còn ai, chỉ còn mỗi bố tôi, cũng đã ở quãng cuối đường đời, lúc nhớ nhớ, quên quên. Nhớ hồi đó vợ chồng ông Yêu mất sớm, bỏ lại cô con gái lớn Đoàn Dung, mới 13, 14 tuổi đầu phải chăn dắt 4 đứa em lít nhít, ai thấy cũng thương cảm, không biết rồi mấy đứa nhỏ sẽ sống ra sao. Con bé Dung tha đám em đi khắp nơi làm đủ mọi việc chỉ để kiếm miếng ăn, nuôi đàn em dại. Chị em Dung lê la đầu xóm đến cuối xóm, hết về quê lại lên thành phố… Tết năm ngoái tình cờ tôi gặp lại Dung ở xóm cũ, nay đã là bà nội, bà ngoại. Dung nói nhờ trời thương, bố mẹ phù hộ, sau khi đi qua bao nhiêu giông bão, nếm trải không ít đắng cay, tủi nhục của đời người, mấy chị em cô giờ cũng có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc. Cô kể chuyện đời mình, cười nói rổn rảng như kể chuyện của ai đó, mà nước mắt rưng rưng.
Nói là ăn tết, nhưng với chúng tôi chỉ ham vui là chính, chẳng ai quan tâm đến việc ăn uống. Thức ăn ngày tết thì năm nào cũng vậy, hầu như không thay đổi, mẹ tôi nấu vài ba món truyền thống: Gà kho gừng, thịt đông, canh miến nấu măng khô, thịt kho hột vịt, thêm món xu hào xào (hoặc nấu) với thịt ba chỉ… Ba ngày tết, anh em tôi chạy chơi hết nhà này đến nhà nọ, sòng này đến sòng khác, khi nào đói lắm chạy về nhà làm miếng bánh chưng ăn với thịt kho hột vịt hoặc lục nồi cơm nguội mẹ tôi nấu để sẵn trên bếp, ăn vội vàng rồi lại chạy đi chơi tiếp, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Mấy đứa trẻ sau khi đã chán chê món cờ bạc, đứa nào vận đỏ thắng bài “bao” đứa thua đi xem phim ở rạp Đại Lợi. Tụi tôi hay xem phim ở đây vì giá vé rẻ lại gần nhà. Cả lũ kéo nhau ra đường lộ đón chuyến xe lam Bà Quẹo - Sài Gòn - Cầu Muối đến ngã ba Ông Tạ rồi lội bộ khoảng gần cây số trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) là đến nơi.
Ông Nguyễn Đức Huệ chủ rạp Đại Lợi có người em Nguyễn Đức Nghĩa là hàng xóm ở sát cạnh nhà tôi. Sau này, gia đình ông Nghĩa chuyển hẳn về ở rạp Đại Lợi để trông coi, quản lý rạp cho người anh. Căn nhà ở xóm cũ ông không bán mà giao chìa khóa nhờ bố mẹ tôi trông nom giúp. Anh em tôi đi xem phim rạp Đại Lợi chẳng bao giờ mất tiền mua vé.
Rạp Đại Lợi thuộc loại rạp bình dân nhưng rất lớn, có 2 tầng, ngồi trên lầu thì vé mắc hơn dưới nhà một chút. Ngày thường rạp chiếu theo chế độ thường trực, mua vé vào xem bất cứ lúc nào, và muốn ở xem đến bao giờ cũng được, chẳng ai đuổi ra. Nhưng ngày tết, người ta đi xem phim đông nghẹt, xếp hàng rồng rắn, nên họ cũng chiếu theo suất, đúng giờ là chiếu và hết giờ khán giả phải ra về để suất sau vào xem.
Ngày tết rạp thường chiếu mấy phim kiếm hiệp, võ thuật Hồng Kông của 2 hãng Show Brothers (Thiệu Thị) và Golden Harvest (Gia Hòa). Những năm sau này, rạp chiếu xen kẽ phim võ hiệp với những bộ phim hài mà thế hệ tôi vẫn nhiều người còn nhớ tên như: Tứ quái Sài Gòn, Năm vua hề về làng, Người chồng bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ… quy tụ hầu hết các danh hề nổi tiếng thời đó: Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thòn, Tùng Lâm, Thanh Hoài, La Thoại Tân, Văn Chung… thu hút đông đảo khán giả đến rạp những ngày tết.
Buổi tối, năm nào cũng có chương trình Đại nhạc hội do ông bầu có cái tên nửa Tàu nửa Việt, Ali Wong Hoàng Biếu tổ chức, về trình diễn ở khoảng đất trống, đối diện trường Đắc Lộ (gần Ngã tư Bảy Hiền, sau làm bến xe lam). Sân khấu chỉ là mấy tấm gỗ lắp ghép đơn giản, che chắn bằng mấy tấm vải bạt, người xem xúm đen xúm đỏ xung quanh. Ai không mua được vé, đứng ngoài nghe cũng rõ, chỉ có điều không thấy mặt nghệ sĩ. Hồi đó nhà cửa thưa thớt, buổi tối vắng vẻ, cách cả cây số cũng vẫn nghe được tiếng ca sĩ hát vọng ra rõ mồn một.
Nghe nhạc chán, đám nhóc tụi tôi lại chạy ngược về hướng Bà Quẹo, xem gánh hát bội diễn ở khu nhà hoang (sau này làm cửa hàng chất đốt, cây xăng, chỗ ngã ba Trường Chinh - Trương Công Định bây giờ). Người ta bán vé trước lúc diễn, còn diễn được một lúc thì họ “xả dàn” ai vào xem cũng được. Đoạn nào nghệ sĩ diễn xuất mùi mẫn, cảm động, khán giả lại ném tiền lên sân khấu tặng thưởng. Những đồng bạc cắc rơi rào rào trên sân khấu nghèo vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi đến tận bây giờ, như mới hôm qua…
Những mùa tết xưa đã trôi xa biền biệt, cánh đồng Bàu Cát của tuổi thơ tôi cũng không còn nữa. Hương tết xưa chỉ còn trong tâm tưởng.Trong căn nhà nhỏ, thoang thoảng khói hương trầm, ngồi nhìn mùa xuân chầm chậm trôi qua cửa, lòng chợt bồi hồi hoài cảm:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
Dường như tết xưa vẫn còn lẩn khuất đâu đây!
Theo Kiến trúc & Đời sống số 211