Sài thành, đất lành

Lượt xem: 481566
11/2/2024 7:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - ThS KTS TRẦN VĂN CHÂU

LTS: Tính đến năm 2024, doanh nhân Việt kiều Trần Văn Châu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Paint & More đã có hơn 17 năm trở về đầu tư tại Sài Gòn-TP.HCM. Nhiều bạn bè là Việt kiều của ông cũng chọn Sài Gòn-TP.HCM là nơi quay về làm việc, đầu tư. Trong bài viết gửi tới KT&ĐS Xuân Giáp Thìn, ông chia sẻ lý do cho sự chọn lựa của bản thân và các bạn bè của ông cũng như dự định trong năm mới.

 
 
 
Mở lại tư liệu, trong cuốn “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), hai chữ Sài Gòn xuất hiện lần đầu vào năm 1698 khi Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam kinh lược. Lần thứ 2 chữ Sài Gòn được tìm thấy là trong bộ “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn năm 1776. Học giả Pháp Louis Malleret (1901-1970, Nhà Khảo cổ học Á Châu) cho rằng Sài Gòn là chữ biến thể từ chữ “Tây Ngòn” nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống).
Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” cho rằng Sài Gòn hình thành từ cách phát âm của người Hoa qua chữ “Tai Ngon”. Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Sài Gòn phát xuất từ chữ Prey Nokor và Brai Nagara. Prey và Brai là 2 từ có ý nghĩa là rừng trong tiếng Khmer còn Nagara theo tiếng Phạn là thị trấn. Trương Vĩnh Ký giải thích, tiếng Việt phát âm có hiện tượng rớt âm trước tổ hợp phụ âm như Brai thành Rai và Nokor bị lược giản thành Kor nên cuối cùng chỉ cìn Rai Kor. Mà từ Kor là cây Gòn trong tiếng Khmer nên người Việt đọc là Rai Gon và trong tiếng Việt có hiện tượng biến âm từ R thành S nên nó trở thành Sai Gon và thanh ngang bị biến thành thanh huyền nên cuối cùng là Sài Gòn. Toàn bộ quá trình có thể tóm tắt là: Prey Nokor & Brai Nagara -> Brai Nokor -> Rai Kor -> Rai Gon -> Sai Gon -> Sai Gon.
Trong trí nhớ của những người xa quê, chúng tôi không chỉ nhớ tên Sài Gòn mà còn những tên phố được sắp xếp khoa học. Đường đi ngang qua Bộ Y tế thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.
Đại lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sài Gòn nối từ Toà Đô chánh đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị anh hùng áo vải. Các danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như đại lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang, Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Nhóm đường các tướng nhà Trần tập trung một khu vực như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân. Phan Thanh Giản gần với đường Phan Liêm và Phan Ngữ, tên hai người con trai đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hung Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông Nguyên.
Năm 2007, khi trở lại quê hương để xây dựng công ty sơn, chúng tôi làm quen với môi trường hoạt động bắt đầu từ việc làm quen với nhiều tên đường mới. Ghi nhận ý kiến từ hàng chục người bạn việt kiều Pháp, Mỹ, Anh, Bỉ, Đức, Đan Mạch, Nhật, Canada, Úc… về Việt Nam làm việc, đầu tư, họ chọn Sài Gòn-TP.HCM trước hết bởi Sài Gòn là nguyên quán, là quê nhà. “Quê hương là chùm khế ngọt”, về Sài Gòn như lá rụng về cội. Nhưng Sài Gòn cũng là mảnh đất hứa hẹn tiềm năng cho các nhà đầu tư.
 
 
Sài Gòn-TP.HCM, đất lành tiềm năng cho nhà đầu tư. Có một điểm thuận lợi của Sài Gòn đối với nhiều doanh nhân đầu tư là thời tiết. Ít ai nói ra, nhưng tôi thiết nghĩ thời tiết ở Sài Gòn là “number one”.
Người Việt trên đất Mỹ chọn San Jose - bắc California - Thung lũng silicon hay Westminster nam California chỉ vì khí hậu ấm áp. Tại Việt Nam, thời tiết Sài Gòn không bắt người ta phải mặc áo quần ấm như Đà Lạt hay mùa đông Hà Nội.
Sài Gòn hiện cũng có nét tương đồng với Mỹ bởi Mỹ là nơi hội tụ các sắc dân trên thế giới còn Sài Gòn là nơi hội tụ của các người từ các vùng miền. Sài Gòn trước năm 1975 có hơn 3 triệu dân và năm 1954 có tới hơn 1 triệu người từ Bắc di cư vào Nam trong đó có nhiều người xuất sắc trên mọi lĩnh vực từ chính trường, thương trường, văn học nghệ thuật, âm nhạc,… Trong khoảng gần 50 năm qua, nhiều cư dân mới đã nhập cư vào Sài Gòn-TP.HCM và hiện con số thống kê đã lên tới hơn 10 triệu người.
Thực tế, Sài Gòn-TP.HCM vẫn là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Thành phố có sân bay, có cảng, hệ thống đường bộ, đường sắt kết nối với các địa phương và các quốc gia khác.
Sài Gòn có một cuộc sống năng động, với nhiều hoạt động giải trí văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngày nay, chúng ta có thể nói, trên đất Mỹ có bao nhiêu ẩm thực của bao nhiêu sắc dân thì Sài Gòn cũng không thiếu ẩm thực của bao nhiêu nước.
Về môi trường làm việc, sự phát triển kinh tế và hạ tầng tốt của Sài Gòn mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm. Ở đây có nhiều trung tâm kinh doanh văn phòng và cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp. Sài Gòn cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, cung cấp nhiều cơ hội hợp tác, đối tác kinh doanh với nhiều sự kiện, mạng lưới và hội nghị,…
Thành phố cũng là nơi kiến tạo cộng đồng khởi nghiệp, khuyến khích những người muốn khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, đến năm 2024, những vấn đề của một đô thị lớn đã xuất hiện ngày càng rõ nét và trầm trọng. Vấn đề giao thông ùn tắc là một trong những thách thức lớn khi kinh doanh ở Sài Gòn. Điều này có thể ảnh hưởng đến thời gian di chuyển, giao hàng và các hoạt động kinh doanh hàng ngày. Một số doanh nhân có thể không hài lòng với mức độ ô nhiễm không khí và môi trường tại thành phố, đặc biệt là những khu công nghiệp.
Trước mắt, thành phố cần đầu tư các dự án phát triển bền vững để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu để Sài Gòn sẽ thông thoáng, sạch sẽ hơn. Thành phố cũng cần tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hợp tác quốc tế để xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với các thành phố, quốc gia khác, tăng cường các giải pháp sáng tạo thông qua trao đổi kiến thức chuyên nghiệp.
Các doanh nghiệp và cá nhân có thể hợp tác và phát triển ý tưởng mới, sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và khoa học như việc kết nối mà C Space của anh Nguyễn Quốc Thống đang thực hiện là ví dụ điển hình.
Cũng cần nói thêm, Sài Gòn là mảnh đất có truyền thống phát triển các loại hình dịch vụ so với mặt bằng chung của cả nước. Thế mạnh của thành phố là phát triển dịch vụ. Đây là điều cốt lõi và từng lĩnh vực cần nâng cao chất lượng dịch vụ như giáo dục, y tế, tài chính cùng các lĩnh vực khác để tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho cư dân, doanh nghiệp.
Công ty PAINT&MORE của chúng tôi cũng đang có định hướng đóng góp vào mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ của Sài Gòn-TP.HCM với Chương trình “Người cầm Cọ xuất sắc”. Trong năm 2024+, Chúng tôi sẽ tạo dựng tiệm OneCoat làm Trung tâm Huấn luyện miễn phí cho thợ sơn để nâng cao kỹ năng và tác phong, ý thức làm việc chuyên nghiệp cho họ.
Mọi thắc mắc xin liên lạc với chúng tôi qua số 0909.143.900 hay vào website OneCoat.vn để biết thêm chi tiết.
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 211