
1.
Tết vừa rồi chị về, có người làm mai cho chị mua một một miếng đất để sau này dưỡng già. Chị 45 tuổi, cứ làm nail ở Mỹ 23 tháng thì dành 1 tháng về Việt Nam thăm cha mẹ, anh chị em, bạn bè, dòng họ… Nói chung là thăm hết trọi những máu mủ lẫn thương yêu. Vì bên đó chị có một mình. Đúng nghĩa một mình vì người chồng cưới chị qua đó đã lấy vợ khác. Thương chị cô độc ở xứ người nên ai cũng nói vun vào để chị mua được miếng đất. Một phần vì tính tình chị rất dễ thương, tiếp xúc nói chuyện luôn vui tưng bừng và quan trọng là, ai cũng nghĩ rằng gần bên gia đình những ngày về già luôn là… chân lý.
Sau này, ngày mai cũng có thể là sau này. Hai năm nữa cũng là sau này. Mà bốn mươi năm nữa cũng là sau này.
Như là bạn mua một vỉ thuốc nhức đầu, một vỉ thuốc đau bụng để sẵn trong nhà. Mua thuốc để yên tâm rủi có bữa nào đau bụng hay nhức đầu bất thình lình thì có mà uống. Cho nên có khi mở tủ thuốc ra xem thì thuốc đã hết date từ lâu, phải mang bỏ vô thùng rác ngay rồi sáng hôm sau, khi đi chợ về, phải ghé nhà thuốc mua hai vỉ mới cất vô tủ mới xong thủ tục. Gần giống như thế, chị mua đất mà không có một kế hoạch cụ thể nào. Mua chỉ vì phải mua, thì mới thấy yên dạ nốt phần tuổi già của mình! Và giống như hàng trăm, hàng triệu con người ra đi từ nông thôn khác. Viễn cảnh tuổi già là quay về vùng quê mà mình đã được sinh ra. Sống trong một ngôi nhà ven sông, một ngôi nhà ở giữa cánh đồng bốn bề gió thổi. Sống giữa vườn chuối, giữa tiếng chó sủa, giữa những luống hoa và rau xen nhau. Sống giữa ân tình ấm êm chòm xóm lẫn ruột rà… Nói chung là thật quê và thật ấm. Thật quê và thật lý tưởng.
2.
Mới hôm qua, quá giang ông anh họ đi công chuyện, ngang qua miếng đất ngày xưa có ngôi nhà cũ của anh, tức là nhà của cậu mợ tôi hồi đó. Miếng đất hiện vẫn là của anh, nhưng nhà cũ đã đập, xác nhà không còn một dấu tích, giờ chỉ còn cây cối um tùm. Anh nói muốn làm cái hàng rào cho miếng đất đẹp lên. Từ đó, nhìn thẳng ra một cánh đồng. Xa xa, thấp thoáng vài bóng xe nhỏ xíu chạy trên quốc lộ. Nghĩ là cất một ngôi nhà ở đấy chắc chắn sẽ đẹp, tôi buột miệng hỏi anh sao không về đây cất nhà ở cho… mát. Ngôi nhà anh đang ở ngoài thị trấn, không khác gì Sài Gòn. Hai thằng cháu nội mỗi tuần ở Sài Gòn về, cũng là về một căn nhà phố chợ chứ chẳng quê kiểng gì cả.
Ừ thì đúng là như vậy. Anh nói.
Như một vòng tuần hoàn. Từ trong hốc kẹt xóm làng, ai cũng nuôi ước mơ trở về phố thị. Tiếp cận với thế văn minh ồn ào náo nhiệt. Người ta có thể bán cả đất để ráng nuôi con đi học ở Sài Gòn, nhập cư được càng tốt. Rồi chúng hừng hực khí thế kiếm tiền, đến một “level” nhất định, chúng sẽ trở lại quê xưa, mua một miếng đất để sau này về già…
Ừ thì đúng là như vậy. Anh nói.
Khả năng thích nghi của con người cũng vi diệu lắm. Ở đâu quen đó. Bốn mươi năm phố thị của ai đó không hề đồng nghĩa với 40 năm bức bách đâu. Dù là chung cư hay chật chội triều cường. Luôn luôn có cách để giải tỏa. Than ngộp thì than thế thôi, chứ có ai chết vì ngộp đâu. Giờ mà đùng đùng về lại đây cất nhà, thì chính là mình đang làm khó vợ con. Bởi ai cũng có việc ở đấy, không thể bắt ép gia đình vất vả xây cất, chăm sóc một ngôi nhà nữa chỉ vì một cái thú điền viên tuổi già của mình.
Dạ đúng là như vậy, anh ạ.
3.
Cách nhà người chị Việt kiều ở trên hai cây trụ điện có một biệt thự. Mùa xuân có hoa cúc vàng, mùa giáng sinh có đèn giăng rực rỡ. Phía trước nhà có cây xoài, trái lúc lỉu nhưng tịnh không có đứa con nít nào bén mảng chọi dép lên cho trái rụng. (Mỗi lần ngang qua đó, ba chị hay nhớ về lũ con của mình thời còn thiếu thốn. Nhà chị hồi đó phía sau cũng có một cây xoài, trái không kịp chín vì chỉ cần trái lớn đủ là anh em chị đã có sẵn chén nước mắm đường ở dưới gốc).
Biệt thự này tuổi nó cũng cỡ 25 năm rồi. Chủ nhân của nó ở Mỹ, bốn năm năm mới về một lần độ 1 tuần rồi đi. Tiền bạc gửi về đều đặn để thuê người chăm sóc nên hầu như nó không hề xuống cấp. Chỉ là cửa đóng im ỉm suốt tháng suốt năm. Nó không phải là nhà hoang nhưng còn vô dụng hơn cả… nhà hoang vì tường rào cao kín, con nít dễ gì lọt vào mà mơ chuyện bày trò làm hoàng hậu hoàng đế trong đó.
Hàng xóm xung quanh, chờ một ngày chủ nhân của nó về ở luôn cho vui. Nhưng, ngày đó đã không đến, mãi mãi không đến vì trước hết, nghe nói vợ ông không chịu về cùng. Sau đó thì ông bệnh nặng rồi mất luôn. Hai mươi lăm năm trước, ông chủ đã xây ngôi biệt thự để sau này về dưỡng già trên quê hương. Như vậy là, hai chữ “sau này” của ông đã tan ra và bay mất như kỹ xảo điện ảnh. Chớp mắt đời người, vĩnh viễn đóng lại một ước mơ.
Nghe nói bà vẫn duy trì gửi tiền về chăm sóc ngôi biệt thự, khi nào thu xếp được bà sẽ về bán nó luôn. Dù gì thì ông cũng không còn, cái ước muốn từ 25 năm trước có lẽ cũng đã theo ông đi luôn. Dù gì thì ông cũng không còn, nên đâu cần một căn nhà thật đẹp ở Việt Nam để mỗi khi gặp gỡ bạn bè thì ông nói ra cho yên dạ chính mình, rằng mai này về già…
Người ta rầm rì đủ thứ chuyện. Nhưng thực ra bà có sai gì trong chuyện này không khi quyết định sẽ bán căn biệt thự? Trong khi, con cái của họ vẫn sống, lập gia đình và sinh con bên Mỹ, thì với bà, đó đã chính là quê hương.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 143