Nếu chỉ chiêm ngưỡng một, hoặc nhiều hơn là đôi ba tác phẩm của họa sĩ sân khấu Đỗ Doãn Châu, sẽ thật khó để hình dung khi bàn về những “ngôn ngữ”, “màu sắc”, “phong cách”, “đề tài”… những khái niệm cơ bản vốn có để định hình tên tuổi người họa sĩ, bởi họa sĩ sân khấu Đỗ Doãn Châu khi vẽ, ông chẳng theo phong cách nào cả, cũng chẳng vẽ theo tên tuổi một Đỗ Doãn Châu gắn với lịch sử nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ông vẽ đời, vẽ cái chiêm nghiệm cuộc sống, vẽ bằng cả đam mê. Và khi chiêm ngưỡng “thế giới” đam mê ấy của ông, dễ bị dẫn dắt vào một “mê cung” được biểu hiện bằng hình, bằng màu, bằng cảm xúc và chiêm nghiệm của một người nay đã 82 tuổi.
Nói đến nghiệp vẽ, họa sĩ sân khấu Đỗ Doãn Châu đã vẽ cho hàng trăm vở tuồng, chèo, kịch nói… khắp cả nước, và chỉ đến khi được vẽ cho chính mình, người xem mới thấy trong hội họa một Đỗ Doãn Châu... chẳng giống ai cả. Ông từng bảo: “Tôi không vẽ để người ta nhận ra là Đỗ Doãn Châu”. Nghĩ cũng lạ, bởi để một họa sĩ thành danh, cái dễ hiểu nhất là phải xác định được chí ít vài tiêu chí như ngôn ngữ, đề tài, phong cách thể hiện… nhưng tranh của Đỗ Doãn Châu thì khác. Xem triển lãm cá nhân gần đây nhất của ông ở E-Tễu Gallery bên khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), nếu không nói trước, sẽ cảm giác như đang xem đến 7-8 ông họa sĩ khác nhau chứ chẳng phải là một.
“Có những lúc đời trống rỗng, ngổn ngang, tôi vẫn vẽ cái mông lung vô định ấy vào tranh, vậy là nó ra trừu tượng. Còn vẽ đa phong cách đấy mới là tôi”
Điều làm nên chất đa phong cách ấy, hẳn từ những trải nghiệm, những va chạm cuộc đời, từ những năm tu nghiệp ở trời Âu, cho đến những miệt mài đóng góp cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. Làm họa sĩ sân khấu, mỗi vở diễn, lại là một cốt truyện, nội dung khác biệt, hội họa sân khấu góp phần truyền tải những thông điệp, góp phần tăng hiệu ứng nghệ thuật cho vở diễn. Những chuyến rong ruổi đó đây, những đối mặt với thực tại không như mơ của đời người… bao xáo trộn, va đập, cho đến cả những thăng hoa, viên mãn, được đan cài vào nhau, để rồi khi dùng ngôn ngữ hội họa kể lại, cảm giác như bề mặt những tấm toan là sân khấu, để Đỗ Doãn Châu “diễn” lên đó muôn cõi nhân sinh. Từ góc phố hoài niệm tận Praha xa xôi tận Cộng hoà Séc cho đến góc phố cổ Hà Nội bán hoa tươi với nhộn nhịp các cụ đi mua về cắm ban thờ ở ngày tuần…
“Tranh của tôi cũng có khi thể hiện nỗi buồn, nhưng đấy là buồn của hoài niệm, của thương nhớ dĩ vãng, chứ không buồn bi quan, tiêu cực, còn lại hầu hết khi tôi vẽ, điều muốn biểu hiện chính là niềm vui”
Dẫu là đa phong cách, đa ngôn ngữ thể hiện, nhưng nếu lắng đọng và chiêm nghiệm trong các tác phẩm của họa sĩ sân khấu Đỗ Doãn Châu, sẽ thấy nơi ấy đồng nhất một tinh thần làm mạch dẫn chủ đạo, ấy là lạc quan, dịu dàng, yên vui… kể cả trong những cái tưởng như nhuôm nhoam, bức bối phố thị, nhưng qua nét họa của Đỗ Doãn Châu, chỉ thấy ở đó vẻ đẹp của nhịp đời hối hả. Người họa sĩ tâm niệm: “Đời thế nào cũng vẫn là đời, dẫu có bê bối, bi quan đến mấy, cũng đừng mất đi lòng yêu thương với đời, với cuộc sống”.
“Quan sát đời giúp tôi gợi nhớ đến quá khứ, xúc cảm, và tôi chuyển tải vào tranh theo mạch cảm xúc của lúc ấy, và tranh luôn phải có thông điệp ”
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 209