Dorjee, vẽ ra dòng mặc tưởng

Lượt xem: 3780
22/7/2023 9:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - NGUYỄN ĐÌNH

Không phải họa sĩ chuyên nghiệp, không trường lớp đào tạo bài bản về hội họa, mới hơn 10 tuổi, nhưng gia tài của Dorjee là bộ sưu tập tranh vẽ phong phú, trưng bày trong không gian nghệ thuật có tên My Corner Art Studio (MCAS), toạ lạc ở 14 Trần Ngọc Diện, TP. Thủ Đức. Không gian đặc biệt ấy cũng là “trường học”, là “nhà”, là “góc nhỏ sáng tạo” để Dorjee và các bạn đồng cảnh thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, chính kiến của mình qua ngôn ngữ hội họa.

 
 
Hội họa, ở khía cạnh nhất định, là nghề, nhưng với Dorjee và các thành viên của MCAS, đó chỉ là thứ ngôn ngữ để các bé biểu đạt dòng suy tưởng, trong đó có buồn - vui, băn khoăn, trăn trở, có hạnh phúc… tất cả được tuôn chảy hồn nhiên qua từng nét cọ. Cách Dorjee sáng tác cũng vậy, điều kỳ lạ dễ thấy trong loạt tranh của Dorjee là tác phẩm không bị rập khuôn theo ngôn ngữ hay phong cách thể hiện thường gặp trong hội họa, khi thấy đó là hình ảnh rất đồ họa với những con chữ, đường nét hiện đại; khi lại đầy tính thơ ngây với thế giới thần tiên tuổi thơ, có múa rồng, có rong chơi, lúc trừu tượng, lúc tả thực… Tất cả đan cài vào nhau tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật mượn sắc màu diễn tả nội tâm cách hoàn hảo, chân thực, và sống động đến bất ngờ. 
 

 

 

 

 
MCAS - nơi Dorjee sống, học tập và… làm việc được chị SiSi (Tâm Trang) mẹ của Dorjee sáng lập với nguyên do: “Dorjee bị mắc hội chứng phổ tự kỷ, tôi cho bé học nhiều nơi, tiếp cận nhiều phương pháp khác nhau nhưng các chương trình học vẽ quá khó, trong khi các kỹ năng đặc biệt của con như gấp giấy Origami, hội họa lại không có cơ hội phát triển. Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi cho bé phát triển khả năng hội họa, và thấy hiệu ứng tích cực. Dorjee bắt đầu thể hiện cảm xúc và suy nghĩ bản thân qua các nét vẽ. Đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi lập nên MCAS, không chỉ là không gian dành riêng cho Dorjee, mà còn là nơi tập hợp, kết nối các trẻ tự kỷ, để các bạn có nơi học tập và phát triển năng khiếu bản thân cách tự do, tự nhiên nhất và không bị ai phán xét hay cảm thấy mình là người khác biệt”. 
 
 

 

 

 


Chưa đầy hai năm chính thức tham gia vào hội họa cách đều đặn ở MCAS, Dorjee đã có bộ sưu tập đồ sộ, những gam màu được phối cách tinh tế, dựa trên nền đề tài đầy ngẫu hứng, tất cả gặp nhau ở điểm chung là sự hồn nhiên, vô tư. Dorjee vẽ khi rất cổ điển, nhưng lúc lại đậm tính đương đại, khi đậm nét cổ truyền, biểu hiện, lúc lại đầy bay bổng, trừu tượng. Nguồn mạch sáng tác của Dorjee cứ thế tuôn chảy theo những trải nghiệm, suy nghĩ bản thân, về hiện thực cuộc sống mà Dorjee tiếp cận từng ngày. Xem tranh Dorjee, thấy ở đó cảm giác màu thật hài hoà, từng chi tiết lớn nhỏ tạo nên đề tài, trong đó sắc màu chỉ là diễn lại ý tưởng và làm đề tài thêm nổi bật cách hồn nhiên, vô tư, vui vẻ, lạc quan, yêu đời… Đó là những cảm xúc đầy tính tích cực và rất cần cho sự phát triển của trẻ mắc chứng tự kỷ. 
 
 

 

 

 

 
Ở MCAS, trẻ tự kỷ được học vẽ, không chỉ là rèn kỹ năng, mà còn là một liệu pháp chữa trị về tâm lý, hơn thế nữa là tạo nền tảng cho các trẻ tự kỷ phát triển tài năng thiên bẩm của mình, định hướng cho các bé một nghề rõ nét dựa trên năng lực bản thân, và MCAS cũng giúp các trẻ tự kỷ ở đây có khả năng sống được với nghề, được xã hội tôn trọng. Mỗi tác phẩm của Dorjee hay các trẻ tự kỷ khác thể hiện, khi được chọn in lên mẫu túi xách tay, áo thun… bán tại các phiên chợ từ thiện, các doanh nghiệp đặt hàng, các khu nghỉ dưỡng 5 sao… sẽ được trích lại 50 ngàn đồng tiền tác quyền cho tác giả. Đây là cách MCAS xây dựng để hỗ trợ và giúp trẻ tự kỷ sẽ dần tự đứng vững trên đôi chân của mình. MCAS cũng là điểm kết nối các gia đình có con mắc chứng tự kỷ. Người sáng lập cũng mong muốn được nhân rộng, lan toả mô hình để ngày càng nhiều trẻ tự kỷ được nuôi dưỡng tinh thần đúng cách, có cơ hội khám phá, phát triển, rèn luyện bản thân để trở thành những “chiến binh”, vượt qua những khiếm khuyết bản thân để hoà nhập cùng xã hội.
 

  

 

   

 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 205