Không gian xanh tiết kiệm mà hiệu quả

Lượt xem: 2535
18/11/2023 8:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - KTS NGUYỄN BẢO TIÊN HOÀNG

Sân vườn mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên và tạo ra một khu vực thư giãn đáng yêu tại chính ngôi nhà của bạn. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, yêu cầu có một sân vườn gọn nhẹ và tiết kiệm tại nhà, nhưng vẫn đủ thẩm mỹ cũng như mang lại cảm giác cân bằng, thư thái chắc chắn là mong muốn hàng đầu của rất nhiều cư dân đô thị.

 
Thật vậy, những sân vườn nhỏ gọn luôn có ưu thế về tiết kiệm không gian, thời gian, tiền bạc và cả công sức chăm sóc. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều cách hướng dẫn làm vườn phổ biến trên mạng. Nhưng đồng thời, một số người cũng dễ dàng mắc sai lầm khi mong muốn chúng hiệu quả nhưng lại quên đi tính đặc trưng vốn có của một khu vườn có diện tích hạn chế.
 

Tìm mọi cách nới rộng ranh giới
Đây là phương pháp rất hay được nhắc đến, như thay tường rào bằng dãy cây xanh, nhưng không phải bất kỳ trường hợp nào cũng có thể áp dụng, và không phải bất kỳ hàng xóm nào cũng vui vẻ khi tán lá nhà bạn vô tình vươn sang phần đất của họ. Nếu bạn để ý, hầu hết những mảng xanh đô thị nhỏ gọn vẫn ưu tiên dùng tường rào, và hàng rào cây lại chỉ xuất hiện ở những sân vườn lớn liền kề nhau hoặc vườn ở nông thôn. Đây là nghịch lý trong các mẹo sân vườn mà bạn có thể thấy rõ. 
Vì thế, bạn cứ mạnh dạn xây tường rào, nhưng sử dụng tông màu tối - nếu cây của bạn có màu tươi sáng để tạo ảo giác chiều sâu, hoặc ngược lại nếu cây trồng kín và đậm màu để khu vườn nhẹ nhàng hơn. Bạn cũng đừng tiếc nuối mà treo thêm quá nhiều chậu cây phía ngoài lan can. Thay vào đó hãy xây hẳn một bồn cây chạy dọc bên ngoài, có kết cấu tốt và chỉn chu, lúc đó bạn sẽ có nhiều lựa chọn chứ không chỉ dừng ở các loại cây trồng chậu. 
Thay vì “nới rộng” khu vườn nhưng chưa chắc đảm bảo, bạn hãy xóa nhòa ranh giới theo chiều dọc bằng các mảng xanh thẳng đứng. Chúng an toàn và ấn tượng hơn hẳn. Còn nếu bạn vẫn muốn khu vườn rộng hơn? Một tấm gương sẽ là câu trả lời cho bạn. Nhưng bạn cần chú ý bố trí không gian trước gương thoáng đãng, sử dụng cây xanh nhẹ nhàng để che đi viền gương. Khi đó chúng mới nhân đôi không gian, nhân đôi ánh sáng và khiến khu vườn rộng rãi hơn thay vì nhân đôi một khối lượng cây xanh rậm rạp và che khuất tầm nhìn.
 
 

 
Quá nhiều chi tiết lớn cho một không gian nhỏ
Một sai lầm phổ biến là chúng ta thường chọn những loại cây cỏ quá lớn cho một diện tích nhỏ, vô tình làm không gian bí bách và giảm thiểu chức năng. Bạn thích trồng nhiều cây? Hãy chọn các loại nhỏ nhắn, ngay cả cây tầm trung cũng có độ lớn vừa phải, đồng thời đảm bảo tán lá gọn gàng để không gian tinh tế và thoáng đãng hơn. 
Bàn ghế ngoài trời và các món đồ trang trí chỉ cần ở kích cỡ vừa dùng, được bố trí gọn gàng và có nơi hợp lý để xếp gọn. Nếu bạn yêu thích một tính năng nước, cũng có thể bố trí chúng dưới nhiều hình thức như chảy tràn từ vách xuống, vừa tiết kiệm không gian vừa đạt hiệu quả.
Tuy vậy với gia chủ phá cách và cá tính, lắp đặt một chi tiết với kích thước lớn làm điểm nhấn là điều hoàn toàn có thể. Khi đó toàn bộ các yếu tố khác sẽ được cắt giảm và tối giản, phần không gian còn lại có thể được “nới lỏng” hay thả trống hoàn toàn để tôn lên điểm nhấn đặc sắc duy nhất của khu vườn.
Sử dụng màu rực rỡ để khu vườn thêm nổi bật?
Thật vậy, chúng ta vẫn nghĩ một khu vườn càng nhỏ thì càng nên ấn tượng và bắt mắt, vì vậy các loại hoa rực rỡ hay được trưng dụng tối đa. Nhưng những loại cây có màu nổi bật, đặc biệt là tông nóng thường tạo ra cảm giác kéo gần khoảng cách, sử dụng chúng quá nhiều sẽ vô tình khiến không gian trở nên chói mắt và chật hẹp hơn. Thay vào đó, bạn hãy ưu tiên cho các loại cây có hoa theo tông mát lạnh và dịu nhẹ, hoặc những loại lá thiên về xanh nhạt. Tiêu biểu như cẩm tú cầu màu lam, chuỗi ngọc, lan chi, sen đá… rất thích hợp cho những khu vườn nhỏ. 
Về vật liệu, nếu bạn tiếp tục dùng tông lạnh sẽ có thể khiến tổng thể thiếu sự thân thiện. Bảng màu có sự cân bằng hay trung tính sẽ là lựa chọn tuyệt vời trong trường hợp này. Hãy thử nghiệm với các loại gỗ thông dụng, chúng có tông màu tinh tế và gần gũi, đá granit, đá vôi, kim loại hay sỏi màu cũng là lựa chọn tuyệt vời cho vật liệu bề mặt của khu vườn.
Bạn vẫn thích những loại hoa rực rỡ? Chắc chắn rồi vì chúng rất tuyệt vời! Nhưng hãy cân nhắc về số lượng và vị trí, như làm điểm nhấn đặc biệt hay “chấm phá” chúng ở những nơi phù hợp, khu vườn trông sẽ tươi tắn và tràn sức sống hơn hẳn!
 
 
 
Đưa hết tính năng vào một khu vườn
Việc muốn một không gian đa nhiệm là điều dễ hiểu, nhưng với một diện tích nhỏ bạn cần phải thật khéo léo nếu không mọi thứ sẽ trở nên rối rắm. Bạn muốn có nơi trồng thảo mộc cho căn bếp và cũng muốn có cây cảnh thẩm mỹ để ngắm nhìn? Vậy thì nên lựa chọn các loại thảo mộc có hình dáng hay màu sắc đẹp và trồng chúng gọn gàng ở khoảng đất riêng. Xếp theo từng lớp xen kẽ với các loại hoa hay cây bụi có chiều cao tương đương cũng là một gợi ý đơn giản mà bạn có thể thử. Đừng trồng thảo mộc tràn lan, chúng sẽ gây khó khăn cho việc thu hoạch của bạn sau này.
Thêm quá nhiều phụ kiện hay đồ trang trí vào không gian nhỏ cũng khiến sân vườn trở nên phức tạp và khó quản lý. Thay vào đó hãy chọn ít vật dụng, mỗi vật dụng có nhiều chức năng - nhưng phải là chức năng mà bạn thật sự cảm thấy cần. Chúng không nhất thiết phải là những món đồ công nghệ hiện đại hay đắt tiền. Chẳng hạn một chiếc bình gốm với màu sắc nổi bật vừa là điểm nhấn, vừa là vật trang trí, lại vừa là đài phun nước róc rách trong một khoảng vườn nhỏ xinh thì còn gì bằng?
Hãy bắt tay ngay vào hành trình khám phá không gian xanh thú vị và tiết kiệm chi phí của sân vườn nhỏ, nơi mà bạn có thể thư giãn, tận hưởng thiên nhiên và tạo nên một môi trường thật sự đẹp và ấn tượng tại ngôi nhà của bạn. Bạn có thể đầy cảm hứng để bước lên sân thượng và chỉnh trang lại cây trồng mà không phải mất cả ngày để nghĩ xem phải làm gì với chúng. Không gian nhỏ gọn thúc đẩy tính sáng tạo và cho chúng ta động lực để luôn cải thiện chúng ngày một tốt hơn mà không chịu quá nhiều áp lực. Đồng thời, bạn và người thân cũng dễ dàng tự tay lên ý tưởng cho sân vườn nhà mình với những nguyên lý và gợi ý cực kỳ tiết kiệm mà hiệu quả!
 

 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 209