Nguyễn Đoan Ninh: Mình lại vẽ mình

Lượt xem: 3699
29/5/2023 8:00 - Nhà ở
Tác giả: Bài THIÊN AN Ảnh MAI HUY DŨNG

Mải miết đủ các “mặt sân” trên họa đàn Việt, từ dó, xuyến, dầu, lụa, giấy, qua cả sơn mài… dù ở chất liệu nào, cũng không khó để nhận ra chất chơi của họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh trong các sáng tác hội họa. Dữ dội, hài hước, châm biếm, khù khoằm, giằng xé, lại có những lộn xộn, nhì nhằng, thế vẫn chưa đủ, bởi còn thêm cả nên thơ… tất cả được người họa sĩ lồng ghép vào tranh dựa theo mạch cảm nghiệm chính bản thân mình.

 
 
Nhiễu loạn tưởng chừng được đẩy lên giới hạn cực đại với đường nét, hình khối, chi tiết, tầng lớp… cứ thế đan cài, nương vào nhau, công phá lẫn nhau, để định thành một tác phẩm hội họa mà nói như tác giả: “Chẳng theo trường phái nào cả”. Rồi đến chất liệu, cũng đủ thứ nhì nhằng như nét họa vậy, chẳng thể gọi chính xác chất liệu người họa sĩ dùng thể hiện là gì, thôi thì cứ gọi là đa phương tiện, bởi nào là giấy, bồi lên toan, vẽ bằng sơn, lại đắp phủ hay cài cắm lên bề mặt ấy lủng củng các thứ linh tinh, với lí giải: “Chẳng gì mới cả, chỉ là tôi thấy món ngồn ngộn này hợp”. Chất “chơi” của Nguyễn Đoan Ninh trong khung trời hội họa cứ thế phát tiết, hồn nhiên, vô tư, không chút đắn đo, ngần ngại. 
 
Ninh hay vẽ trâu, bởi: “Trâu là con vật chăm chỉ, ngoan ngoãn, hiền lành, nhưng khi điên lên thì khủng khiếp, cái sự điên ấy mà có thêm bầy đàn nữa thì thật không vui chút nào”
 
 
 

Những đề tài được người họa sĩ tuyển lựa vào tác phẩm, cũng theo mạch “chơi” theo cách… không khoan nhượng. Ninh vẽ cho mình, chẳng nuông chiều bất kỳ ai, bởi thế những khuôn thước, định kiến, quy phạm vốn dĩ cổ - kim khi lọc qua cái tôi Nguyễn Đoan Ninh, lại có cách thể hiện dị biệt. Lấy đề tài “tứ thời” với Mai – Lan – Cúc – Trúc làm ví dụ, riêng ca này, Ninh chọn chất lụa để vẽ, mềm mại, uyển chuyển, nuột nà, lại phảng phất tinh khôi, đẹp yêu như lụa. Nhưng cái hiện lên lụa, không còn là “trúc quân tử”, hay “vua chơi lan – quan chơi trà” nữa, mà là những tấm thân đồ sộ của chính tác giả, phá bay định kiến cho sự phù phiếm, giáo điều vốn dĩ khi nhắc đến “tứ thời”. Trúc quân tử nhưng lại là một loạt ông tác giả béo ních, như những đốt trúc, đè đầu cưỡi cổ nhau. Ninh bảo: “Đâu cứ phải ai chơi lan, chơi trúc là thành vua, thành quân tử được. Những vẻ đẹp ấy chỉ là hình tượng, là thú vui, là bề ngoài, đi đứng đạo mạo không nói lên bản chất con người thật bên trong”. 
 
“Tôi dùng các gam màu tự nhiên của chất liệu (vàng dịu) làm nền, và dựa trên nền sẵn có ấy tôi điểm vào các màu đỏ, đen, nhưng ít thôi, còn thường là không có màu”

Hiền lành, dễ gần, lại hay tếu táo, vui tươi, hài hước… đấy là cảm nhận của người đối diện khi tiếp xúc với họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh, còn để tả chính mình, Ninh ngắn gọn: “Nhắng nhắng”. Từ cái ngắn gọn ấy, diễn vào tranh, càng xem, càng thấy cái nhắng rõ lắm, nhưng được bổng thoát khỏi buồn vui, vượt xa thăng trầm, hài hước, đem những bi quan, u uất của cảm xúc, suy nghĩ nhất thời bộc tả trực diện vào sáng tác qua nét họa. Đúng thật người họa sĩ vẽ như một sự dạo chơi, nhưng biểu lộ về thái độ rất rõ nét, đầy nghiêm túc, cẩn trọng trong ý tưởng và kỹ thuật thể hiện, mặc cho sự phân định của người xem nghĩ gì, muốn gì, nhận xét gì… tất cả đều nằm ngoài phạm trù đồng cảm của tác giả, bởi: “Tôi vẽ cho mình, vẽ ra được mình, 
thế là sướng”.
 
 
 
 
 
 

  

“Cuộc đời ví như một dòng chảy, tôi mượn dòng chảy ấy vẽ lại những gì chiêm nghiệm khi theo dòng, là con người, thời cuộc, là giằng xé bản thân, cũng có khi là… chẳng là gì cả”
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 203

Các tin khác