Tình Mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận, luôn là chủ đề muôn thuở. Tọa đàm Tình Mẹ càng đặc biệt hơn trong không gian nghệ thuật OneCoat Studio đượm đầy cảm xúc với tác phẩm Mẹ Con của Picasso và bức tranh Trầm tích 16. Bức tranh là lời trần thuật về cuộc đời của một thiếu nữ ở tuổi 16, cái tuổi trăng tròn. Do lấy cảm hứng từ chất liệu tranh làng Sình và nghề cắt giấy thủ công ở Huế, Họa sĩ Việt Anh đã phác họa lên những bước thăng trầm ước lệ về cuộc đời của bà Xuân Phượng. Trầm tích 16 là sự thể hiện cái chân giá trị làm chất sống cho mọi thứ về sau.
Mẹ Con của Picasso
Tọa đàm được mở đầu bằng những lời chia sẻ cảm nhận của bà Xuân Phượng về bức tranh Mẹ Con
Cái quan trọng nhất là đôi mắt. Đôi mắt của người mẹ này, vừa lo âu, không biết rằng bản thân mình có lo được cho đứa con của mình trọn vẹn hay không?
Và tiếp theo là đôi dòng cảm nghĩ của Bà khi đấu giá bức tranh
Màu xanh tha thiết - Nền tranh gây cho tôi một thế giới như giấc mộng xanh, như một giấc mơ xanh. Với tôi, trong một bức tranh chân dung quan trọng nhất là đôi mắt. Người mẹ này vừa lo âu, vừa hạnh phúc vì mình có một đứa con và cũng không biết rằng mình có lo được cho con hay không? Thì đôi mắt này phải là thần bút mới vẽ được. Nó không phải hân hoan, nó không phải buồn rầu. Có cái gì đó hy vọng, nhưng còn vươn đọng đầy lo âu. Tuy nhiên, đôi bàn tay thì lại rất lớn. Đôi mắt này đã làm tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Picasso cố tình vẽ đôi bàn tay này để nói lên một sự che chở vững vàng cho con. Bao trùm hết bức tranh là màu xanh hy vọng. Những cảm xúc đó làm tôi run vì hồi hộp. Cái tâm tình của màu xanh an lành.
Ông Lê Bá Thông thì chia sẻ một bài hát mà ông tâm đắc có tựa đề - Mẹ ta trả nhớ về không được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ từ thơ Đỗ Trung Quân. Nội dung kể lại bao cảm xúc muốn chia sẻ với người mẹ về những cột mốc trong đời. Đây cũng là bài học gửi đến các bạn trẻ rằng: Hãy sống bằng tất cả tấm lòng yêu thương với mẹ, vì tình cảm đó sẽ làm nên giá trị cuộc đời của chính mỗi người.
Diễn giả Bích Dung thì trải lòng qua câu chuyện chăm sóc và chữa trị cho con trai bị hôn mê gần cả năm trời và mất nhận thức khi tỉnh lại. Đó là cách đây 3 năm, cuộc sống nhẹ nhàng êm đềm của họ đã hoàn toàn thay đổi vì tai biến mà con chị gặp phải. Nhưng với nghị lực và tình thương của người mẹ, chị đem con trai về Việt Nam tìm cách chữa trị với hy vọng vào Đông y.
Cuộc đời hoàn toàn thay đổi khi đưa con về Việt Nam sau khi bị đột quỵ xuất huyết não và đặc biệt là trong thời điểm Covid. Một thanh niên vạm vỡ 27 tuổi đã hoàn toàn rơi vào đời sống thực vật. Sau 8 tháng, quyết định đúng đắn nhất là vượt qua tất cả những khó khăn rào cản vì một linh cảm của người mẹ. Chị hiểu con cần sự tương tác của các liệu pháp Đông y và cần sự cảm thương từ gia đình. Và thật may mắn, nhờ sự chăm sóc kiên nhẫn và tấm lòng bao la của người mẹ, cháu đã dần tự ăn được, tự đứng lên, đi lại được và hoàn toàn thay đổi từ trạng thái “thực vật” nay đã bình phục được 60% so với người bình thường.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm (từ trái sang): Ông Trần Văn Châu, ông Lê Bá Thông, bà Xuân Phượng và bà Bích Dung
Buổi tọa đàm cứ thế diễn ra với những trao đổi chân tình thông qua những câu hỏi đáp:
Xin bà Xuân Phượng hãy cho thế hệ trẻ một lời nhắn gửi về điều gì để bà có một sự kiên nhẫn đủ lớn và sau đó trên con đường nghệ thuật 30 năm thì bà cảm nhận như thế nào về họa sĩ Việt Nam. Có điều gì họa sĩ trẻ có thể vẽ được màu của tình yêu không biên giới, không có giới hạn thời gian, không gian?
Họa sĩ Việt Anh đã làm tôi xúc động vô cùng khi tặng tôi bức tranh Trầm tích 16. Hôm nay, tôi lại may mắn ngồi trước một người đã vẽ được màu tình yêu. Thật không thể tưởng tượng hết những khó khăn khi đưa được một đứa con hoàn toàn thực vật đi về giữa 2 quốc gia xa xôi. Và nhìn vào Bích Dung tôi thấy được đây là hình tượng vô cùng đẹp đẽ về màu yêu thương.
Hành trang 60 năm trước khi nghỉ hưu đã quyện hòa vào cuộc đời thứ hai đầy hạnh phúc cho dù đến nay tôi đã 95 tuổi nhưng vẫn chưa hề thấy mệt mỏi. Bởi khi cảm thấy cuộc sống mình có ích, mong ngóng làm được những việc tốt mỗi ngày thì đó chính là ngọn lửa thanh xuân. Các bạn trẻ ơi, cho dù thế nào cũng đừng tuyệt vọng, vì trên đời này luôn xuất hiện rất nhiều duyên khởi, và khi mình cố gắng làm việc hết sức thì sẽ có những cái duyên tự tìm đến.
Được biết, anh Lê Bá Thông không được sống nhiều bên mẹ, vậy những đức tính nào của mẹ anh có ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của anh?
Cuộc đời tôi ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ tôi. Nhớ lại ngày đó đi sinh hoạt thiếu niên, ánh mắt tôi cứ dõi theo mẹ trên sân khấu phía hội phụ nữ. Những chia sẻ của mẹ đã hình thành trong tôi một kỹ năng diễn thuyết, chia sẻ. Những năng lượng từ mẹ là động lực lớn để tôi vững vàng trên con đường chia sẻ và trao yêu thương đến mọi người.
Trong những tình cảm yêu thương dành trọn vẹn cho con, chị Bích Dung có thể chia sẻ những phương pháp nào mà chị đã nghiệm ra để phục hồi lại những khả năng của con mình?
Trước đây tôi thường hay dễ bỏ cuộc, nhưng không ngờ rằng cái tình thương mẹ con đã truyền cho tôi sự dũng mãnh, sự kiên trì để đánh thức một đứa con hoàn toàn thực vật trở lại với cuộc đời.
Từ cảm nhận những đau đớn mà con đang phải cam chịu. Tôi quyết định bằng mọi giá phải đưa con ra khỏi tình trạng này. Tôi miệt mài hàng tháng trời tỉ mẫn chấm từng giọt nước vào môi con khi cháu đang hôn mê, để con tập cảm nhận. Và sau vài tháng, cháu đã có một số động tác như tự nuốt, tự há miệng và đó là một hành trình dài cho những việc làm phải rất âm thầm và lặng lẽ vì đó là những việc làm trái luật của bệnh viện.
Bà Xuân Phượng có thể chia sẻ ký ức nào còn đọng lại sau gần 45 năm mới có cuộc hội ngộ Mẹ Con và lúc đó bà cũng đã ngoài 60 tuổi.
Cái khao khát cháy bỏng trong tôi để gặp lại mẹ. Tôi nghĩ những người có hoàn cảnh như vậy rất dễ cảm thông. Khi màn đêm buông xuống, lòng tôi vẫn luôn nhớ về mẹ ngồi đó đánh đàn để ru các con ngủ, nhưng đến năm 16 tuổi vì lý tưởng tôi đã bỏ nhà ra đi theo Việt Minh.
Sau nhiều tháng, vào một buổi chiều trong chiến khu, mẹ tôi đã lặn lội, xuyên bao cánh rừng để được gặp lại tôi. Rồi với tình thương bao la, một lần nữa mẹ tôi lại phải tôn trọng cái sự lựa chọn cay đắng của con mình. Lúc chia tay nước mắt của hai mẹ con cứ tuôn trào. Rồi hình dáng mẹ tôi cứ xa và mờ dần. Mấy ngày liền, tôi nằm liệt gường, khóc ngất và lòng dạ tôi đau quặn thắt từng cơn. Những hình ảnh ấy nó cứ mãi theo tôi suốt cuộc đời.
Đến năm 1982 sau bao sắp xếp tại Paris, hôm gặp nhau tôi đã đến ôm mẹ òa khóc vì mẹ đã không nhận ra tôi. Trong suy nghĩ của mẹ tôi vẫn là cô bé 16 tuổi. Dù xa cách thế nào, đến khi ôm mẹ vào lòng với những giọt nước mắt hạnh phúc, vì lòng mẹ vẫn nhắc nhở tôi như thời còn thơ bé. Tình mẹ như con suối không bao giờ cạn, là cảm giác thiêng liêng nhất về tình mẹ con và không gian chìm đắm trong màu tím nhớ thương.
Bút tích của Đỗ Trung Quân
Ông Thông có thể chia sẻ những kỷ niệm nào sâu đậm nhất và không gian đấy bao trùm bởi màu sắc gì.
Nhớ! Đó là những kỷ niệm về mẹ. Những cột mốc trong đời lại nhớ về mẹ. Lúc nào cũng mong có mẹ bên cạnh. Với góc nhìn khác đi, tôi cảm nhận rằng những hy sinh của mẹ đã là chất sống mãnh liệt trong tôi. Có dịp làm việc với phó tổng giám đốc NASA, tôi nhận ra rằng học thuyết của bà đưa ra rất trùng khớp với phương Đông đó là tứ đại.
Mọi thứ bền vững trong vũ trụ là sự cân bằng của 4 yếu tố: Đất - Nước - Lửa và Gió. Trong mỗi con người đều tồn tại 4 năng lượng đại diện của
- Khí: Tầm nhìn
- Lửa: Quyết liệt
- Đất: Bền vững
- Nước: Uyển chuyển
Và các nhà khoa học đo được rằng người làm mẹ mang năng lượng của đất và nước và đó là một sự vững chãi - cho đi và tưới tắm.
Quan điểm quan trọng nhất của học thuyết này là con người có thể kích hoạt 4 nguồn năng lượng và minh chứng rõ ràng ở mẹ tôi. Mẹ tôi đã trở nên quyết liệt để nuôi con, như tính chất đất và nước có thể siết chuyển thành năng lượng lửa và khí là đặc tính trời cho của phụ nữ. Chúng ta có thể thấy ở phụ nữ luôn có sức mạnh và năng lượng nhiều hơn so với đàn ông.
Chị Bích Dung có thể chia sẻ những vui buồn trong thời gian 3 năm với con.
Trong khoảng thời gian này tất cả mọi sự vật như phủ lên màu xám u ám. Sau những nỗ lực, dùng cả những vật trang trí màu tươi sáng chủ động dùng màu đỏ để cân bằng, để níu giữ sức mạnh của người mẹ.
Với quyết tâm, sau 8 tháng cháu tỉnh lại và tiếp tục chuyến hành trình về Việt Nam. Từ mùa đông xám của châu Âu đến màu đỏ và tất cả cung bậc màu sắc đã xuất hiện.
Người mẹ trong câu chuyện chị thật mạnh mẽ. Vậy có thông điệp nào chị muốn gửi đến những người có hoàn cảnh như chị có động lực trong cuộc sống?
“ Không được bỏ cuộc” là điều tôi muốn nói khi tất cả những hy vọng đã tắt thì đâu đó vẫn còn sức mạnh của tình mẹ. Tất cả là quá trình từng bước một và nếu chúng ta không bước tới phía trước thì sẽ không là cuộc sống! Hãy kiên trì đến cùng.
Đã gần trăm tuổi, bà Xuân Phượng cảm nhận thế nào về những thế hệ tình mẹ trong những thập niên 1920 - 40 - 60 - 80... Và thế hệ hôm nay những người mẹ trẻ. Liệu chăng có sự thay đổi về tình mẹ trong 5 thế hệ?
Không có những con số, chỉ có tình mẹ, bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng tạo hóa đã ban cho. Nó vượt không gian, biên giới và ẩn tiềm trong lòng mỗi người. Câu chuyện của Bích Dung, thì lòng mẹ đã tạo ra sự thần kỳ, tìm ra điều tốt nhất cho con. Dù năm tháng thế nào tình mẹ đối với con vẫn luôn là tuyệt vời. Đối với những người con làm mẹ hay con của mẹ sẽ thấu cảm một cách sâu sắc nhất.
Trầm tích 16 của HS Việt Anh
Xin hỏi anh Lê Bá Thông nếu mẹ anh còn sống, anh chia sẻ điều gì với mẹ?
Nếu vẫn mang tâm lý tiếc thương hay oán giận cuộc đời không được đồng hành cùng mẹ thì đó là điều làm mẹ buồn nhất. Hãy nhận diện rằng mẹ vẫn còn ở đó. Mọi việc làm đều mang dáng vóc của mẹ ngày trước. Lúc đó mẹ đang sống nếu tiếp nối được những điều tốt đẹp, thì mẹ vẫn còn mãi.
Anh Lê Bá Thông có nhận định gì về những buổi tọa đàm này?
Rất cảm kích những người đã sáng tạo ra chương trình này, nó mang rất nhiều ý nghĩa, đậm tình người nên hy vọng nó sẽ được lan tỏa rộng. Sự sáng tạo luôn nằm trong giá trị truyền thống giúp con người tiến bộ và hoàn thiện như ý nghĩa của Lễ Vu lan là Mùa Báo hiếu mà các bậc chân tu nguyên thủy của Phật giáo đã nghĩ ra như cách đền đáp đến những bậc sinh thành.
Tiếp lời ông Thông, bà Xuân Phượng kể lại chuyện của năm xưa 1971 ở Quảng Trị trên đường Trường Sơn, khi đang quay phim chiến trường tình cờ vấp phải hài cốt của đồng đội, cẩn thận tìm những lọ thuốc và để trong lọ 8 mẫu giấy mang tên các anh để trao lại cho gia đình. Ngày tìm lại được thân nhân, gặp lại ông bà đã trên 70 tuổi để trao lại lọ thuốc có mảnh giấy ghi tên người đã mất. Và thật xúc động khi chứng kiến hình ảnh người mẹ già như tìm thấy lại được con. Những khối tình cha mẹ bao la và tha thiết. Và bà kết lại chương trình với câu hỏi: Giá trị nào chúng ta sẽ gìn giữ từ nay đến mãi sau với chủ đề Tình Mẹ.
Bà chia sẻ: Tôi muốn bộc bạch những điều gần gũi và xuất phát từ trong lòng. Qua những màu sắc thiêng liêng của Tình Mẹ. Mọi thứ như cùng một xuất phát, đó là trái tim người mẹ. Hãy sống hết mình, đừng thờ ơ, bởi khi nhìn một sự việc thì hãy ngẫm suy cái đằng sau đó với biết bao nhiêu điều. Nên tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng: “Hãy giữ cho lòng mình một trái tim yêu thương, yên hòa, bao dung và vị tha thì tự nhiên lòng mình thanh thản với một cảm giác tự hào là được sinh ra để làm tốt cho đời nên khi có giả từ cuộc đời cũng chẳn có gì phải tiếc nuối”. Đó là tất cả những tâm tình tôi muốn chia sẻ với mọi người qua buổi tọa đàm Tình Mẹ này.
Lời kết: Buổi tọa đàm Tình Mẹ đã cho chúng ta thấy ra những sự việc xảy ra ở mức độ ngoài sức tưởng tượng. Đó là sự mầu nhiệm và đó là thiên chức của người phụ nữ. Thông qua các buổi tọa đàm, chúng ta có cơ hội làm việc với những người có khả năng, kiến thức khác nhau ở nhiều lĩnh vực qua việc chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc và ký ức để cùng nhau thăng hoa tâm hồn và trí tuệ. Và nội dung của các buổi tọa đàm này sẽ được đưa lên những phương tiện truyền thông như báo chí, audio, các nền tảng xã hội như Youtube, Instergram, Internet.
Xin mời quý độc giả KT&ĐS ghé qua các chương trình này để thưởng thức và đừng quên để lại lời bình để chúng tôi cố gắng làm tốt hơn. Trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của quý bạn đọc.
Đôi dòng về các diễn giả
Bà Xuân Phượng là một phụ nữ có trái tim sắt đá nhưng lại sống với một tấm lòng yêu thương. Bà là người Việt đầu tiên chế tạo ra thuốc súng. Bà là Bác sĩ, Đạo diễn và Phóng viên chiến trường trong thời kháng chiến. Năm 2011, Bà được chính phủ Pháp trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. 30 năm gần đây Bà miệt mài chắp cánh cho tranh Việt bay xa và Bà đã trải lòng trong cuốn sách Gánh Gánh Gồng Gồng đã được hàng trăm ngàn độc giả khắp năm châu đón nhận.
Ông Lê Bá Thông: Trong những năm gần đây, doanh nhân Lê Bá Thông được cộng đồng doanh nhân biết đến với vai trò sáng lập cộng đồng nhà lãnh đạo tĩnh thức. Ông là thành viên sáng lập, cố vấn điều hành và là cựu CEO của TTT Corporation. Những đức tính tốt mà ông Thông có và đang lan tỏa trong cộng đồng là do ông được thừa hưởng từ mẹ ông.
Bà Bích Dung: Tác giả 2 cuốn sách có tựa Một Giấc Mơ Trôi & Ngược Sóng. Bà là Việt Kiều Pháp và đang có một cuộc sống sung túc, nhẹ nhàng và êm đềm bên chồng, bên con thì một biến cố lớn đã xảy ra với Bà cách đây 3 năm khi mà tất cả các bác sĩ đã bó tay thì Bà đã kiên trì để đánh thức và phục hồi người con trai từ thực vật trở lại cuộc sống bình thường.
Theo Kiến trúc & Đời sống số 217