SẮC MƯA

Lượt xem: 251919
19/6/2024 16:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống

Ngày 11.5.2024 vừa qua, chuỗi toạ đàm Color & More được thực hiện bởi nhóm Color & More, ấn phẩm KT&ĐS và công ty Paint & More đã mở đầu với chủ đề “Sắc mưa” diễn ra tại OneCoat Studio 458A Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Các diễn giả tham gia gồm PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên, Bác sĩ CKII Đặng Bảo Ngọc, KTS Hồ Viết Vinh và họa sĩ Việt Anh.

 
(Link trực tiếp Talkshow #1: Sắc Mưa (phần 1) 
Chuẩn bị cho buổi tọa đàm, OneCoat Studio đã được tổ chức thành một không gian đầy ắp nghệ thuật có tiếng mưa rơi, phảng phất mùi hương dư vị sau cơn mưa. Họa sĩ Việt Anh chăm chút dàn dựng thêm với các tác phẩm tự tay mình sáng tác bằng chất màu của sơn OneCoat là Dáng mưa, Đường mưa, Em mưa, Tay mưa, Màu mưa cùng 2 bức tranh Phố mưa và Đan  lưới của bác sĩ Bảo Ngọc. Tại sao chuỗi toạ đàm Color & More lại được mở đầu với Sắc mưa? Không chỉ vì mùa mưa Sài Gòn mới bắt đầu như lời phi lộ của nhóm thực hiện đã lý giải phần nào nguyên nhân: “Mưa mang đến cho ta nhiều cung bậc cảm xúc, mưa khơi gợi bao phong vị, âm sắc. Khi miên man, khi bất chợt, khi tỉ tê, khi khắc khoải, những cơn mưa cứ thế tuôn trào, tạo ra những thứ màu sắc lạ kỳ trong khung trời đầy ắp tiếng mưa”.
 
 
Câu hỏi mở đầu dành cho KTS Hồ Viết Vinh "...Tại sao sắc mưa lại tạo ra nhiều cảm hứng cho sáng tạo của con người từ cổ chí kim"?
KTS Hồ Viết Vinh ngược dòng thời gian gần 2451 năm để xem triết gia Hy Lạp cổ đại Plato nói về màu sắc của cơn mưa: “Mưa không có màu sắc cố định vì mọi thứ trong thế giới cảm quan đều đổi thay”. Gần 1990 năm sau, nhà Vật lý học thiên tài người Anh là Isaac Newton xác nhận: “Mưa không tự có màu sắc. Nó chỉ tương tác với ánh sáng để tạo ra màu sắc mà chúng ta cảm nhận được như 7 sắc cầu vồng: đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím”. Thêm 107 năm nữa, đại thi hào Đức là Göthe đã khẳng định trong Lý thuyết màu sắc rằng: “Mưa có màu sắc nếu nó tương tác và hoà quyện với các yếu tố ánh sáng và môi trường xung quanh”. Vậy là hơn 2500 năm tiến hoá, “mưa” từ một hiện tượng vật lý đã thu nhận qua con mắt sinh lý để chuyển thành tâm lý cảm nhận của con người.
 
Với câu hỏi, mưa trong ký ức tuổi thơ có truyền cảm hứng sáng tạo như thế nào thì PGS.TS. KTS. Nguyên Hạnh Nguyen bộc bạch: "Mưa Sài Gòn làm người xa quê nhớ mưa Hà Nội. Mưa Hà Nội có đủ sắc thái bốn mùa như mưa xuân của Nguyễn Bính, mưa hè, mưa ngâu, mưa phùn. Những màn mưa lúc dày, lúc mỏng, lúc thưa, lúc lất phất làm cho người đi trong mưa, người thấy mưa ở nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ đó, màu sắc cũng thay đổi, có khi hồng, có khi xám, có khi trắng ở nhiều sắc độ. Và phải nói, có rời xa Hà Nội mới thấy nhớ những cơn mưa Hà Nội. “Và giờ đây, mưa Hà Nội là ký ức, là một phần gia tài trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Đôi khi nhìn ngược lại mới ngộ ra rằng: Mưa là chất xúc tác cho những lần cầm bút phác hoạ lên những bản thiết kế công trình, dự án”.
 
Bác sĩ Đặng Bảo Ngọc cho rằng màu sắc tác động trực tiếp đến hệ thần kinh thông qua thị giác, chúng có thể tạo ra những tác dụng tích cực lên sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của con người nói chung và sự bình phục của người bệnh nói riêng. Đặc biệt, màu của những cơn mưa có tác động sâu sắc đến sức khỏe và tâm hồn chúng ta, cuốn trôi đi những phiền muộn trong cuộc sống đầy lo toan này. Ngoài ra với bác sĩ, mưa còn là những hoài niệm của một thời đang yêu, mưa làm tăng cảm giác yêu thương từ hơi ấm dành cho nhau, là cơ hội thể hiện sự che chở, bảo vệ người mình yêu.
 
Câu chuyện sắc mưa lan man đến Huế và KTS Hồ Viết Vinh chia sẻ một góc nhìn thú vị về mưa Huế từ những ngôi nhà rường.
Ngôi nhà rường trong không gian Vườn Huế có mái ngói cổ kính không chỉ đơn thuần che mưa mà còn tạo nên nhạc điệu riêng khi mưa rơi: Đó là sự giao thoa giữa nghệ thuật và kiến trúc, giữa thiên nhiên và con người. Cấu trúc nhà rường Huế tạo ra một màng nước phản chiếu và làm lấp lánh không gian, tạo nên âm thanh du dương rất thú vị. Chính sắc màu và nhịp điệu này đã đánh thức xúc cảm tâm hồn để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang hồn và hương vị xứ Huế. Nhà rường không chỉ thể hiện tính chất thực dụng mà còn phản ánh sự quan tâm đến cái đẹp và cảm xúc con người:
- Hài hòa với thiên nhiên: Mái nhà thấp và mái đưa ra xa không có máng thu nước cho thấy sự gắn kết và hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng những yếu tố tự nhiên như mưa. Thiết kế này tạo ra hiệu ứng phản chiếu đặc biệt khi mưa xuống, làm đẹp thêm cho không gian kiến trúc.
Kích thích giác quan: Âm thanh của mưa tự nhiên tạo nên bản nhạc du dương, góp phần vào trải nghiệm không gian sống. Điều này vô tình biến các không gian kiến trúc truyền thống không chỉ là nơi cư trú mà còn là không gian trải nghiệm đa giác quan.
- Bức tranh sống động: Sự phản chiếu của nước và hiệu ứng lấp lánh làm nổi bật lên vẻ đẹp của hình khối kiến trúc và sắc màu vật liệu xây dựng, tạo nên một bức tranh sống động và thú vị, ảnh hưởng mạnh mẽ tới xúc cảm và sự sáng tạo nghệ thuật.
- Cảm hứng sáng tạo: Chính những yếu tố kiến trúc đó đã trở thành nguồn cảm hứng không ngừng cho các nghệ sĩ, nhà thơ và người sáng tạo nghệ thuật tại Huế, phản chiếu đầy đủ tâm hồn của con người ở vùng đất này.
 
 
Qua phần hội hoạ, Sắc mưa bắt đầu bằng chuyện của hoạ sĩ Việt Anh “...Lúc còn thơ bé, một lần nắm tay ba cổ động cho vận động viên xe đạp Trương Quốc Thắng, người hùng trong lòng. Sau một cơn mưa rào ập xuống, họa sĩ đã "ngộ ra" rằng: Mình cũng đang nắm tay một người hùng mãi bao dung che chở , mà tự bao giờ chưa một lần nhận ra. Dưới sắc mưa đấy, bàn tay ba có ý nghĩa vô cùng quý giá đối với sức sáng tác của Việt Anh về sau. Cơn mưa đã là chất xúc tác nối kết những thế hệ bên cạnh họa sĩ và sẽ là lăng kính đầy màu sắc cho các thế hệ tiếp nối. Hoạ sĩ Việt Anh đề nghị bác sĩ Bảo Ngọc chia sẻ câu chuyện thú vị về việc bác sĩ dùng liệu pháp màu sắc để tự điều trị cho chính bản thân mình. Đó là tại thời điểm Sài Gòn lock-down vì Covid năm 2020, trong quá trình chống dịch bác sĩ đã bị nhiễm Covid. Thế là bác sĩ phải chia tay với đồng nghiêp để về nhà cách ly. Trong hoàn cảnh của một người bệnh không biết diễn tiến sẽ như thế nào, lại bị giam cầm thì thật là ảm đạm, thôi thì đủ cung bậc cảm xúc tiêu cực. Nhưng rồi trong hoàn cảnh đó, nhờ một sự tình cờ, bác sĩ có được tinh thần lạc quan nên tiếp tục sinh tồn và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một sáng nọ, đang trong căn phòng gọi là biệt giam không biết thời hạn, nhìn ra khung cửa sổ. Một cơn mưa ào qua thật mát mẻ, màu mưa bàng bạc pha màu xanh lơ da trời thật đặc biệt. Cơn mưa như gột rửa đi hết những gì ảm đạm trong tâm hồn, không khí thật tươi mát. Sau đó mưa tạnh dần, nắng bắt đầu về lại xuyên qua những xâu chuỗi giọt nước dưới những cành cây, ánh vàng lên long lanh. Bầu trời trong xanh trở lại, cây cối trước nhà xanh lên niềm hân hoan.
 
Tâm hồn bác sĩ cũng xao xuyến một niềm vui khó tả. Một ý tưởng cũng lóe lên trong đầu, phải ghi lại khung cảnh này, ghi lại không gian bàng bạc phớt xanh rất dịu dàng của mưa và màu sắc và sự tươi tắn sau mưa này. Lúc đó, ở tận cùng của sự sống, con người đó bắt đầu dâng lên một niềm khao khát được sống, được tự do, được lao động, và được hòa mình vào thiên nhiên, lúc đó tình yêu cuộc sống thật mãnh liệt và bức tranh Đan Lưới ra đời với màu chủ đạo là màu xanh hy vọng, tươi mát của màu không gian sau cơn mưa này. Trong căn phòng cách ly không bút, không cọ, không mực màu… nhưng cơn mưa đã thôi thúc bác sĩ quyết tâm ghi lại cho được màu sắc huyền dịu của bức họa thiên nhiên này bằng tất cả sự góp nhặt những gì còn sót lại và cả màu xanh từ cây hoa đậu biếc trên bậu cửa sổ, hay những màu nâu đậm là từ cà phê, màu đen từ than… Bố cục bức tranh là một không gian thoáng đãng mênh mông. Một tấm lưới đang giăng trên mặt nước đại điện cho sự bó buộc giam cầm và con người tự do ở phía trên thể hiện một con người ở bên ngoài sự bó buộc và chế ngự sự bó buộc đó. Đây là một tinh thần khao khát được tự do, được trở về với thiên nhiên, dầm mình trong nước để hòa vào thiên nhiên, trở về với công việc lao động hàng ngày. Không gian xung quanh là một màu xanh bình yên, pha điểm những nét bàng bạc tươi mát của màu mưa. Khi đó, con người đã thực sự được giải phóng tâm hồn, đó chính là tinh thần chính của bức tranh này. Kể từ khi được màu mưa tươi mát gột rửa tâm hồn, thêm sức sống, thêm yêu đời, bác sĩ đã trở nên mạnh mẽ hẳn và từ đó bệnh cũng nhanh chóng lui dần. Đó là sự minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của liệu pháp màu sắc mà bác sĩ là người trong cuộc, tự dùng màu sắc để chữa trị cho chính bản thân mình. Bây giờ, ngoài thời gian phẫu thuật, bác sĩ vẫn còn miệt mài vẽ tranh. Bác sĩ tin rằng, màu sắc sẽ là một liệu pháp quan trọng góp phần cải thiện sức khỏe và tinh thần cho người bệnh.Tương tự như bác sĩ Bảo Ngọc, hoạ sĩ Việt Anh cho biết hiện anh đang xây dựng một giáo trình vẽ. Mục tiêu đơn giản là khi trẻ em tiếp cận với màu sắc và biết sắp xếp hài hòa với nó thì lúc lớn lên các em sẽ có nền tảng để sắp xếp với các sự vật lại với nhau và xa hơn nữa là sống hài hòa với người khác trong cuộc sống để có được nhân hòa. Tuyệt vời hơn nữa khi biết trân trọng, hài hòa với thiên nhiên là thái hòa.
 
 
Quay lại phần kiến trúc, PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên trình bày về những yếu tố mà trong đầu thế kỷ XX, khi người Pháp còn đô hộ Việt Nam. Lúc đầu họ đã áp đặt nền kiến trúc của phương Tây vào Việt Nam. Tuy nhiên sau một thời gian họ đã nhìn nhận lại những kiến trúc bản địa của người Việt Nam cũng có những điều hay như việc chắn gió, che mưa làm mái như nhà rường ở Huế. Chính người An Nam thời đó đã làm cho người Pháp thức tỉnh và họ đã cùng tạo ra trường phái kiến trúc Đông Dương. Kiến trúc Đông Dương là sự phối hợp tỉ lệ thiết kế vàng của phương Tây với những kiến trúc thực tế rất hiệu quả của người An Nam thời đó đã được ứng dụng thành bản sắc và nó có hiệu quả cho toàn vùng Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia và Lào. Đi sâu hơn vào phân tích kiến trúc theo kiểu ngôi nhà vườn Huế thì KTS Hồ Viết Vinh cho rằng, khi thiết kế một không gian mở theo cảm hứng từ ngôi nhà vườn Huế trong kiến trúc đương đại, cần phải cân nhắc một số yếu tố sau để đảm bảo sự tiện nghi và hài hòa với thiên nhiên:
- Tích hợp không gian trong và ngoài: Phải tạo ra một dòng chảy đều và mượt giữa không gian trong nhà và cảnh quan bên ngoài. Sử dụng các cửa lớn hoặc hệ thống cửa trượt có thể mở rộng tối đa để xóa đi ranh giới giữa trong và ngoài nhà.
Sử dụng vật liệu tự nhiên: Lựa chọn vật liệu như gỗ, đá tự nhiên, hay tre nứa không chỉ đem lại vẻ đẹp tự nhiên mà còn giúp ngôi nhà “thở”, đồng thời kết nối với cảnh quan xung quanh.
- Cảnh quan xanh: Gắn kết ngôi nhà với thiên nhiên thông qua việc tạo ra các khu vườn, hồ nước, vườn cây và hoa không chỉ tạo cảnh quan mà còn cải thiện chất lượng không khí và không gian sống.
- Ánh sáng tự nhiên: Điều chỉnh lượng ánh sáng tự nhiên vào bên trong nhà thông qua
bố trí các ô cửa và những mái kính thông minh, giúp tăng cảm giác thư thái và kết nối với tự nhiên trong không gian sống.
Phong thủy và tối giản: Áp dụng nguyên tắc phong thủy trong việc sắp xếp không gian, đồng thời duy trì sự đơn giản, tạo ra một không gian yên bình và cân đối cho người sử dụng.
- Nước trong kiến trúc: Nếu có thể, hãy tích hợp yếu tố nước vào thiết kế như hồ cá, ao sen, để tạo ra sự bình yên và thêm yếu tố phản chiếu cho kiến trúc.
- Thông gió tự nhiên: Thiết kế sao cho ngôi nhà có sự lưu thông khí tốt, vừa giảm thiểu sự dựa vào điều hòa không khí vừa mang lại cảm giác dễ chịu khi không khí trong lành từ bên ngoài có thể di chuyển qua lại.
- Nội thất phù hợp: Lựa chọn nội thất mang phong cách tự nhiên, phù hợp với không gian mở và không quá cầu kỳ, để không gian sống không bị quá tải về mặt thị giác cũng như tạo sự thoải mái và thư giãn cho người sử dụng.Tiếp cận thiết kế như vậy không chỉ mang lại không gian sống thoáng đãng, mà còn gắn kết tinh tế với thiên nhiên, tạo điểm nhấn nghệ thuật và đánh thức cảm xúc, phản ánh được tinh thần và sức quyến rũ của kiến trúc truyền thống đặc trưng của Huế.
 
 
Với câu hỏi, có bản nhạc nào thật sự có ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho anh/chị hay nói đúng ra là nó có tác động đến việc sáng tác của anh/chị kể cả trong kiến trúc, hội họa hay thi ca thì chúng ta hãy lắng nghe tâm tình của các diễn giả như sau:
PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên tâm sự, bởi có một thời gian chị vào Huế giảng dạy từ 1998 đến 2000 nên bao nhiều trận mưa đổ lên xứ Huế được chị đều chứng kiến. Từ trải nghiệm đó nên chị rất thích bài Mưa trên phố Huế và Huế Thương. Chị cũng chia sẻ, cái từ THƯƠNG của người Huế và người Sài Gòn rất đậm tính nhân văn nên phần nào đó cũng ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của chị.
Còn KTS Hồ Viết Vinh thì đặc biệt thích một bài hát của Nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy trong tác phẩm Vết thù trên lưng ngựa hoang. Với ca từ sâu lắng phản ánh nỗi đau, sự kiên cường và ý chí phấn đấu của con người qua từng giai điệu và hình ảnh được miêu tả, tạo nên một nguồn cảm hứng giàu cảm xúc để các nghệ sĩ và kiến trúc sư tìm tòi và thể hiện trong các tác phẩm của mình. Giai điệu của bài hát có thể kích thích sự sáng tạo và đồng cảm, đảo lộn những quan niệm thông thường để truyền tải những trạng thái tâm lý phức tạp qua tác phẩm. Bài hát biểu đạt một triết lý nhân sinh sâu sắc, mà ở đó có sự đấu tranh, mất mát và hy vọng. Điều này có thể trở thành cảm hứng cho các kiến trúc sư, họa sĩ, và nhà thơ chấp nhận rủi ro, đối mặt với thử thách trong quá trình sáng tạo, từ đó tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa.
Còn bác sĩ Bảo Ngọc thì biểu đạt rằng: Âm nhạc đã dẫn lối để bác sĩ sáng tác thơ, âm nhạc đã mang nhiều cung bậc màu sắc vào các tác phẩm hội họa của bác sĩ và kể cả trong nghề nghiệp là phẫu thuật viên thì âm nhạc cũng là nguồn động lực để tinh thần được nạp lại năng lượng, tiếp tục làm việc. Còn nói về bài hát có mưa đáng nhớ thì bác sĩ Bảo Ngọc chia sẻ, rất ấn tượng hình ảnh mưa trong bài Kiếp nghèo của nhạc sĩ Lam Phương. Từng câu hát đan xen hối hả Đường về đêm nay vắng tanh/ Dạt dào hạt mưa rớt nhanh… có nhịp ngắn, thôi thúc, câu trước câu sau từng lớp từng đợt đan xen vào nhau. Chỉ cần nghe qua là thấy rõ ràng trước mắt mình một cơn mưa đang rào rạt rơi. Thật tài tình!
 
 
Đến đây thì câu chuyện Sắc mưa có một chút lạc đề dễ thương: Nghe các diễn giả nói, bạn trẻ Yến Nhi đang đảm trách ekip quay phim xin phép thổ lộ tâm tình: Sáng kiến tạo ra một chuỗi tọa đàm với các chủ đề xoay quanh Màu Sắc mà lại kết nối được hết các bộ môn nghệ thuật và cả y khoa, thời trang và ẩm thực… thật là tuyệt vời. Chỉ với chủ đề Sắc mưa đã thấy sự đa dạng. Mai mốt còn thêm các chủ đề khác như Mùa báo hiếu - Màu yêu thương hay Màu lá, Màu hoài niệm… thì còn hấp dẫn đến mức nào. Xin chúc mừng sáng kiến độc đáo này.
 
Nhân nghe ý kiến của Yến Nhi, KTS Hồ Viết Vinh cũng có đôi lời chia sẻ với thế hệ trẻ nói chung và gen Z nói riêng như sau: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, âm thanh của mưa cũng nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường. Mỗi giọt mưa là một lời nhắc nhở về nguồn nước: Tài nguyên vô cùng quý giá của sự sống đang dần cạn kiệt. Cuối cùng, tôi muốn dành cho các bạn trẻ một lời khuyên: “Hãy lắng nghe và cảm nhận tiếng mưa, bởi lắng nghe là cầu nối để hiểu và thương”. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể cùng nhau tìm thấy giai điệu riêng trong tiếng mưa trong tâm hồn mỗi người để thức tỉnh và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
 
Còn bác sĩ Bảo Ngọc thì tâm sự: Không riêng gì thơ văn, âm nhạc, hội họa mới là các môn nghệ thuật. Tất cả các công việc đều là môn nghệ thuật. Để sống tốt hơn và giỏi nghề hơn thì cho dù mình là sinh viên hay bác sĩ trẻ mới ra trường thì phải luôn tâm niệm rằng nghệ thuật là đỉnh cao trong công việc, là điều mà mình cần phải hướng tới. Nghĩa là công việc khám chữa bệnh hàng ngày cũng phải phấn đấu nâng lên tầm nghệ thuật. Màu sắc nói chung hay như Sắc mưa luôn hiển hiện ở quanh ta. Nó hiện diện trước mắt nhưng có thể các bạn trẻ chưa lắng đọng để thấy. Nếu cảm nhận được thì cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều. Do đó, các bạn trẻ cần chú ý nhiều hơn, cần sống tinh tế hơn.
 
Phần kết là tâm tình của họa sĩ Việt Anh: “Chương trình hướng tới giá trị nhân văn với thông điệp rằng, nghệ thuật không dừng lại ở một tác phẩm đẹp, mà còn dẫn con người đến một lối sống đáng yêu hơn”. Xin nhắn gởi các bạn trẻ: “Chúng ta, chỉ có một lần để sống, hãy sống thật đẹp và sống hết mình vì nghệ thuật! Bài viết đã dài, dù đã hết sức cố gắng nhưng chúng tôi biết, hạn chế của ngôn ngữ là không thể biểu đạt hết những điều chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc qua Sắc mưa.
Mời các bạn truy cập vào các nền tảng Youtube, Instagram, Internet và ghé qua chương trình Color & More với chủ đề Sắc mưa để thưởng thức!
 
(link trực tiếp Talkshow #1: Sắc Mưa (phần 1) 
 
Trân trọng cám ơn sự ủng hộ của quý bạn đọc.
 
 
 
Các doanh nghiệp ủng hộ và đồng hành cùng 
 
Toạ đàm "sắc mưa" đã diễn ra thành công tốt đẹp là nhờ sự ủng hộ và đồng hành của quý doanh nghiệp. Ban tổ chức xin gửi lời tri ân sâu sắc đến nhà hàng Towa của Mr. Lai đã tài trợ phần ăn trưa, Hana Smoothie đã tài trợ bánh và trái cây, cùng tất cả các đơn vị, cá nhân đã đóng góp cho sự thành công của chương trình.