Đến để chiêm ngưỡng những tác phẩm của danh họa mà bản tin trên Tuổi trẻ hé lộ, “Nhà sưu tập Trương Văn Thuận sẽ lần đầu tiên “mở kho” giới thiệu đến công chúng những tác phẩm quý giá”.
Tiếp phóng viên KT&ĐS, ông Trương Văn Thuận chưa nói ngay về bộ sưu tập danh giá của danh họa Nguyễn Gia Trí mà muốn nói trước về Bình Minh Art gallery. “Gặp báo về kiến trúc thì phải nói về kiến trúc chứ”, ông cười.
Ông Thuận hào hứng chia sẻ: “Có phòng tranh riêng là điều tôi ấp ủ từ lâu, nhưng khi về 29 Ngô Thời Nhiệm mới có cơ hội thực hiện. Thực ra hồi còn ở nhà cũ bên Nguyễn Thiện Thuật, tôi cũng đã có phòng tranh nhưng được sửa lại từ một biệt thự cũ còn đây là xây mới. Mong muốn của tôi khi làm phòng tranh là có nơi triển lãm đồng thời cũng là nơi giao lưu, giao dịch giữa các nhà sưu tập, các họa sỹ, nhà điêu khắc, để xây dựng thành địa chỉ văn hóa, nơi gặp gỡ giao lưu của mọi người”.
Lầu 1 là nơi treo các tranh khổ nhỏ. Cái ghế dài không lưng tựa ở phòng trên lầu 1 là nơi thuận tiện để khách xem tranh, ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục ngắm tranh
Là người đã có mấy chục năm theo nghiệp sưu tập tranh, đã từng đặt chân qua nhiều phòng tranh trong và ngoài nước, nắm rõ nhu cầu của người xem nên ông Trương Văn Thuận có cơ sở để thực hiện mong muốn là mang tới cảm giác thoải mái nhất cho người xem tranh. Không gian trưng bày của Bình Minh Art gallery là tầng trệt và lầu 1, trọn diện tích với chiều dài gần 20 mét, chiều rộng 5 mét. Tầng trệt là nơi đón khách nên có một bộ bàn ghế nhỏ để giao tiếp, bộ salon 4 ghế đơn dựa sát một bên tường để khách có thể ngồi trao đổi. Tầng trệt cũng là nơi có những khoảng tường dành treo các bức tranh khổ lớn, xen giữa các bức tranh đó là những tác phẩm điêu khắc. Lầu 1 là nơi để treo một số lượng lớn các bức tranh khổ nhỏ hơn. Từ tầng trệt lên lầu 1 là cầu thang 1 vế chạy dọc tòa nhà áp sát tường được thiết kế kèm theo các ô đặt tượng, tủ sách, kệ để trưng bày sách, vật lưu niệm và các tác phẩm điêu khắc.
Ông Thuận bày tỏ, “Tôi là người đưa ra ý tưởng xây dựng, từng góc, từng chi tiết một, chỗ nào bày tượng, chỗ nào treo tranh, chỗ nào là không gian để mọi người ngắm tranh rồi hệ thống đèn chiếu, các khoảng cách, kích thước cũng được tính toán cụ thể. Hai cái ghế dài không lưng tựa ở hai đầu của căn phòng trên lầu 1 là nơi thuận tiện để khách xem tranh, ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục ngắm tranh”.
Thực tế, ngoài không gian triển lãm, toàn bộ tầng hầm và phòng phía sau tầng trệt của Bình Minh Art gallery được thiết kế làm kho chứa tranh có kệ kéo, ánh sáng, điều hòa và các điều kiện cần thiết để bảo quản tranh.
Một gallery nghệ thuật trong ngôi nhà mang đường nét kiến trúc tân cổ điển xuất hiện trên con đường nhỏ trong khu vực có nhiều biệt thự, cây xanh ở trung tâm quận 3 đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu tranh.
Chủ nhà chọn nơi trưng bày tranh, tượng và chăm sóc đến từng chi tiết trong phòng tranh
Bên cạnh bộ sưu tập có đủ tranh của hàng trăm họa sỹ danh tiếng được chia theo các thời kỳ “mỹ thuật Đông Dương, họa sỹ Gia Định trước 1975, họa sỹ miền Bắc trước 1975 và họa sỹ sau 1975”, Bình Minh Art Gallery còn là nơi thường xuyên tổ chức các triển lãm chuyên đề có tiếng vang trong giới chuyên môn.
Chỉ tính từ tháng 3.2021 sau khi chính thức khai trương tại 29A Ngô Thời Nhiệm đến nay, nhà sưu tập Trương Văn Thuận đã tổ chức 6 triển lãm đều là của các họa sỹ có tên tuổi, được giới chuyên môn quan tâm như Hồ Hữu Thủ và Đặng Kim Long, Lê Thanh, Lê Vượng, Nguyễn Xuân Việt - Nguyễn Thị Bích Nga, Nam Anh.
Số lần triển lãm như vậy là chưa nhiều. Ông Trương Văn Thuận cho biết, quá trình chuẩn bị một triển lãm gồm các công đoạn rất tốn thời gian như tuyển chọn, chụp hình, làm catalogue, làm khung, rồi truyền thông. Hơn nữa, ông làm triển lãm rất chọn lọc, mỗi triển lãm đều có nét đặc sắc riêng nên được giới chuyên môn đánh giá cao. “Triển lãm các phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí” gồm trên 50 tranh và nhiều tư liệu của danh hoạ lần đầu được trưng bày đã thu hút sự chú ý bởi cả số lượng và chất lượng các tác phẩm.
Trả lời câu hỏi của KT&ĐS về bộ sưu tập độc đáo, quý hiếm được công bố nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của danh họa Nguyễn Gia Trí, nhà sưu tập Trương Văn Thuận dừng lại hồi tưởng. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước ông có cơ duyên quen với cụ Nguyễn Gia Trí và gia đình. Thực ra, ông Trương Văn Thuận đã mê hội họa và nhiếp ảnh từ bé nhưng chưa gặp duyên. Chính từ những bức tranh của cụ Nguyễn Gia Trí, ông mới tìm hiểu sâu về hội họa và bắt đầu sưu tập. Năm 2000 ông lại có thêm cơ hội sưu tập khi gia đình cụ Nguyễn Gia Trí có ý định nhượng lại bộ phác thảo cùng một số tranh, tư liệu. Và đến năm 2023, bộ sưu tập này được ra mắt công chúng nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của danh họa.
Chỗ nào bày tượng, chỗ nào treo tranh, chỗ nào là không gian để mọi người ngắm tranh rồi hệ thống đèn chiếu, các khoảng cách, kích thước... cũng được tính toán cụ thể
Các bức tranh được sắp xếp trên kệ kéo
Theo ông Trương Văn Thuận, trước khi thể hiện kỹ thuật sơn mài, danh họa Nguyễn Gia Trí thực hiện rất nhiều bản phác thảo, các chi tiết được tính toán kỹ từ ý tưởng, hình họa, màu sắc, bố cục. “Mong muốn của tôi khi tổ chức triển lãm lần này là muốn người xem thấy được tính cách tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết của danh họa Nguyễn Gia Trí qua những tư liệu cụ chuẩn bị cho quá trình sáng tác”, ông Trương Văn Thuận chia sẻ. Bộ sưu tập được đánh giá cao của giới chuyên môn đã nối dài danh sách những cuộc triển lãm của Bình Minh Art Gallery.
Nói về tương lai, ông Trương Văn Thuận cho biết, sắp tới tại Bình Minh Art Gallery sẽ có triển lãm của họa sỹ họa sỹ Nguyễn Đình Thuần. Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế trước năm 1975, ông hiện sinh sống và sáng tác tại Mỹ. Sau quá trình tìm hiểu qua giới chuyên môn, tin tưởng Bình Minh Art Gallery là nơi “chuẩn chỉ”, họa sỹ Nguyễn Đình Thuần quyết định mang tranh về nước triển lãm. Ông Trương Văn Thuận cho biết, quá trình chuẩn bị cho triển lãm đã hoàn thành các bước cơ bản, tranh đã được chuyển về.
Bình Minh Art Gallery tiếp tục mở cửa, sáng đèn mang đến cho giới chuyên môn, cộng đồng người yêu tranh cơ hội thưởng thức những tác phẩm mới.
Lối vào Bình Minh Art Gallery, một địa chỉ đã dần quen thuộc với người yêu thích hội họa
Ngay lối vào là nơi thông tin về nội dung triển lãm
- “Tôi coi trọng con mắt tinh tường, gu thẩm mỹ tốt của ông Thuận và lúc này thì mới tin tưởng vào chất lượng bộ sưu tập mà ông đã chọn lựa”, theo nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam - doanhnhanplus.vn
- “Điều đáng quý ở nhà sưu tập Trương Văn Thuận là thái độ trân trọng nghệ thuật, sự chân thành và tử tế trong làm nghề”, theo Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - doanhnhanvanghethuat.com
- “Các họa sĩ quý anh Thuận ở chỗ anh rất cầu thị, không ngừng học hỏi. Tình yêu của anh với nghệ thuật vô bờ bến, không toan tính. Với chúng tôi, anh ấy chân tình như những người bạn, trân quý lao động nghệ thuật, nhìn thấy được giá trị sáng tạo của anh em nghệ sĩ. Vì thế mà chúng tôi luôn coi anh Thuận như một “hậu phương” vững chắc để mà yên tâm sáng tác”, theo Họa sĩ Đặng Kim Long - doanhnhanvanghethuat.com
Xin tham khảo thêm tại https://binhminh-artgallery.vn/
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 205