
Vào những ngày trung tuần tháng 9 hàng năm, khi những cánh đồng lúa bắt đầu vàng rực và thơm lừng cả không gian núi rừng Tây Bắc, hàng nghìn du khách đến từ mọi miền của đất nước đi dọc cung đường từ Mù Cang Chải, Yên Bái trải dài đến Hà Giang, Sa Pa tham quan, cảm nhận sự kỳ vĩ tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Bao quanh giữa những dãy núi cao trùng điệp là các thôn bản người H’Mông, Thái, và một số dân tộc khác... Chiếm 90% dân số nơi đây là dân tộc H’Mông, họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700 mét.
Bên dưới chân đèo Khau Phạ, những thung lũng lộ ra với một màu vàng óng. Cảnh sắc như được thay áo mới khi từng thửa ruộng chín dần, sắc xanh ngày một biến mất.
Trời vào thu, tiết trời dịu nhẹ, nhiệt độ khoảng 23 độ C, du khách tới Mù Cang Chải những ngày này có được trải nghiệm thú vị về mùa thu của vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là thời điểm những bông hoa tam giác mạch bắt đầu nở. Nhờ thiên nhiên ưu ái, không khó để bắt gặp những vạt hoa, rừng cây, những con suối... chạy dài theo sườn núi. Cùng với đó là ánh mắt hồn nhiên, nụ cười ngộ nghĩnh của những em bé dân tộc.
Mù Cang Chải còn được dân phượt gọi với cái tên “trái tim Tây Bắc”, vì nếu xem trên bản đồ Việt Nam sẽ thấy nơi đây nằm chính giữa của khu vực Tây Bắc bộ.
Hiện tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải và lễ hội “Bay trên mùa vàng” vào tháng 9 hàng năm để thu hút du khách đến chiêm ngưỡng sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín.

Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, thuộc khu vực chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, Mù Cang Chải thu hút khách du lịch vào hai thời điểm trong năm. Một là vào mùa đổ nước (tháng 5, tháng 6 là thời điểm người dân đắp đập, ke bờ chuẩn bị cày ải, gieo mạ, cấy lúa) và mùa lúa chín (khoảng tháng 9, tháng 10). Vào mùa này, cảnh sắc núi rừng hòa với sắc vàng tươi của lúa chín và nắng mùa thu tạo nên khung cảnh nên thơ, trữ tình. Đây cũng là mùa thu hút khách du lịch đến tham quan cảnh đẹp, chụp ảnh lưu niệm và thưởng thức các món đặc sản của núi rừng Tây Bắc

Cung đường đi dọc các tỉnh vùng Tây Bắc chưa bao giờ là dễ dàng. Để đến được miền đất của mùa vàng, phần lớn du khách phải đi qua đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam với chiều dài 30km, địa hình quanh co hiểm trở

Cây cầu Móng Sến kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nằm trên quốc lộ 4D, dài 612m với 5 nhịp liên tục, bề mặt rộng 14m, 4 làn xe. Cây cầu bắc qua hai ngọn đồi, phía dưới là thủy điện và ruộng bậc thang ở thị xã Sa Pa. Đây cũng là điểm nhấn phục vụ cho du lịch và giúp cho bà con đồng bào ở địa phương được giao thông thuận tiện

Ngoài ngắm nhìn những tuyệt tác thiên nhiên của vùng Tây Bắc, du khách ghé thăm chợ phiên Cán Cấu, phiên chợ hiếm hoi còn giữ được nét đặc trưng hoang sơ vốn có của người dân tộc vùng cao, nét văn hóa nguyên sơ còn sót lại tại Lào Cai
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 196