Bài dự thi: Nhà là nơi để về

Lượt xem: 3456
10/7/2023 10:00 - Nhà ở
Tác giả: NGUYỄN THẮM

Em trai gọi điện thông báo sẽ dỡ ngôi nhà đã cũ, cậu ấy sẽ xây ngôi nhà ba tầng khang trang hơn. Cậu ấy bảo: “Đành phải thế, dù trong sâu thẳm con tim, em không muốn. Nhưng cả làng, cả xóm nhà nhà cao tầng, chỉ còn nhà mình mái ngói nam rêu phong đã phủ, lọt thỏm. Em thấy không vui”.

 
Nghe cậu em nói thế, tôi không có lý lẽ nào để cản việc ấy. Chỉ là nghĩ về những kỷ niệm êm đềm, nghĩ về quá khứ tươi đẹp sống dưới mái nhà đơn sơ ấy, bao yêu thương lại ùa về, khiến mắt tôi cay xè, tim tôi đau nhói. Nay mai thôi, ngôi nhà ấy sẽ mãi mãi là kỷ niệm đẹp của quá khứ.
Nhà tôi, căn nhà ba gian đơn sơ, giản dị. Nhà trên nối với chái bếp hình chữ đinh. Căn nhà trên nằm ngang, căn bếp nằm xuôi, đòn dông của hai căn nhà nằm thẳng nhau. Ngôi nhà ấy là thành quả cả một thời trẻ mà bố mẹ tôi đã thắt lưng buộc bụng, chắt chiu, dành dụm để xây nên. Bộ khung trong nhà được bố chọn kỹ lưỡng bằng cây xoan đào to và thẳng nhất ở trong vườn. Bố đốn cây vào tháng ba, ngâm xuống ao tới tận tháng tám năm sau mới vớt lên làm cột kèo.
Dù nhà ngói, nhưng trải qua bao mùa mưa nắng, qua bao bão dông, qua bao thời gian trôi qua không trở lại, ngôi nhà ấy vẫn kiên cố. Sau này, bố sửa lại mái hiên, đổ bằng cho thật rộng để phục vụ cho những mùa gặt có chỗ để chứa thóc. Thực tình lúc đầu, cậu em tôi không có ý định dỡ đi, cậu muốn ra ngoài mặt đường để xây căn nhà khang trang hơn. Nhưng vì bố mẹ tôi đã cả một đời gắn bó với nếp nhà ấy, không muốn rời đi, khi toan tuổi xế chiều, các cụ không muốn nơi ồn ào, náo nhiệt. Thế nên cậu quyết định sẽ xây nhà mới trên nền nhà cũ. Chẳng thể để ngôi nhà tềnh toàng, nhỏ bé với cái tường lỗ chỗ vì ngày xưa dùng ít xi măng nên trát bằng vôi trộn cát. Mỗi mùa mưa qua, tường lại rộp lên từng mảng, vữa rơi lã chã. Bố đã già nhưng vẫn trộn vữa để vá lành. Nhìn cảnh đến thương nên cậu không đành.
Bố tôi nghe sẽ đập bỏ căn nhà, bố cũng buồn nhưng chấp nhận bằng sự im lặng. Mẹ tôi thì đi ra thở dài, nhìn ngắm ngôi nhà hàng giờ, ánh mắt có đôi phần tiếc nuối. Nghe tin, tôi vội vàng bắt chuyến tàu đêm cho kịp về, cốt để thăm bố mẹ, sau để ngắm nhìn ngôi nhà mình gắn bó từ thửa nhỏ đến khi trưởng thành, cũng muốn phụ cậu em xây một ngôi nhà mới.
Tôi về đến đầu ngõ vào sáng sớm tinh mơ. Trong cơn gió lay động, hoa khế rụng rơi tím cả con ngõ. Căn nhà ấy, bao năm nay vẫn là cánh cổng chẳng bao giờ chịu khoá, trước mắt tôi hiện ra vẫn là ngôi nhà đơn sơ, lọt thỏm dưới những ngôi nhà cao tầng khoác màu sơn sặc sỡ, những căn biệt thự đẹp sân vườn đến mê hồn. Giờ tôi chẳng còn nhận ra đó là quê hương tôi đã gắn bó thời thơ ấu. Đúng là phố đã về làng.
 
Tôi đứng ngẩn ngơ ngắm ngôi nhà mình. Ô cửa sổ cũng phủ màu thời gian, ngày xưa, mỗi sáng thức giậy, tôi thường mở tung cửa sổ nhìn ra khu vườn thơ mộng. Những buổi chiều đông, khi tôi đang ngồi học, những làn sương mỏng manh của khói bếp vấn vương bay ngang qua mang theo hương thơm của thức ăn như cá kho riềng, thịt gà kho gừng thơm phưng phức.
Hình ảnh mẹ tôi đi làm đồng về một chiều đông, môi mẹ tím ngắt run run, hai hàm răng va vào nhau lập cập, mẹ chạy vội ra bờ giếng, vục vài gầu nước, xối rửa chân tay cho sạch. Đôi bàn chân mẹ thoăn thoắt bước về phía chái bếp. Tiếng xoong nồi va vào nhau rộn ràng. Mẹ vo tròn nắm rơm vàng, bật lửa lên nhóm bếp. Tiếng củi đượm bắt lửa nổ tanh tách xua đi cánh lạnh của mùa đông buốt giá. Làn khói bảng lảng bay lên hoà lẫn với màu lam chiều, giờ chỉ còn trong ký ức của một mùa trôi về xưa cũ.
Nhớ những ngày mất điện, mẹ thắp đèn dầu trong ngôi nhà ba gian leo loét. Ở giữa nhà chị em chúng tôi cùng mẹ tranh thủ tẽ ngô. Bố ngồi trên ghế nhâm nhi chén trà, rồi giọng trầm ấm, du dương kể chuyện ma. Em trai tôi tuy nhát nhưng lại thích nghe, mỗi lúc nó lại ngồi xích lại gần bố hơn. Cho đến khi em khóc thét lên, cả nhà cười vui vẻ.
Mái hiên của những ngôi nhà vùng đồng bằng chiêm trũng luôn rộng mênh mang. Để những ngày mùa tất bật, những ngày bất chợt trong cơn mưa dông ào ào kéo đến, chúng tôi cong đít xúc thóc hắt vội lên hiên nhà. Những ngày mưa rả rích, không thể hong thóc ngoài sân, thóc tãi ra hiên. Chỉ cần quên mà để đống thóc ướt sau một đêm đã mọc mầm trắng xoá.
Hiên nhà ấy, còn là nơi mỗi khi tết đến, xuân về, hình ảnh bà nội tôi móm mém nhai trầu, tay bà vẫn thoăn thoắt cắt lá dong. Ông tôi ngồi khoan khoái, chẻ dăm ba chiếc lạt để gói bánh, gói giò. Mẹ tôi đong gạo nếp, vớt những hạt đỗ vàng uôm ra giá cho dóc nước. Bố tôi dùng chiếc khuôn vuông để gói bánh chưng. Chị em chúng tôi làm chân sai vặt chạy lăng xăng, lúc thì lấy dao cho ông, lúc lấy ghế cho bà. Ngồi nhặt hành mắt cay xè cả mắt.
Đang miên man hoài niệm, cậu em trai thấy tôi về đột ngột, lại đứng tần ngần nhìn ngôi nhà đã cũ mèm theo thời gian. Cậu ấy thở dài thườn thượt rồi bảo: “Về sao không gọi em ra đón. Sao không vào nhà đi. Chị buồn lắm à. Hay em để lại ngôi nhà, xây ngôi nhà mới ra góc vườn kia nhé”.
Trong lòng tôi ngổn ngang, cũng chẳng biết trả lời sao. Cậu chạy lại xách cái túi của tôi vào nhà, rồi rôm rả báo cho bố, mẹ là tôi đã trở về nhà. Bố mẹ tôi lật đật chạy ra hiên đón tôi trở về. Với tôi nhà to hay nhà nhỏ không quan trọng, chỉ cần ngôi nhà ấy luôn ăm ắp tình thương yêu đó mới chính là chốn nương náu bình yên nhất.
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 205

Các tin khác