Nhà ông ngoại tôi cũng thế, dù không trồng vải như một phương thức canh tác nông nghiệp để có thu nhập thì vườn nhà ông cũng có 7 gốc vải. Khoảng vườn rộng trước ngôi nhà 3 gian mái ngói đơn sơ luôn xum xuê bóng lá. Ông bà tôi có 3 người con: bác trai cả, mẹ tôi và dì. Tất cả đều đi học, đi làm rồi thoát ly nên ở nhà chỉ còn ông bà. Với ông bà, vườn vải là một phần của cuộc sống, là tài sản quý được chăm sóc hết sức cẩn thận, đến mùa vải chín chỉ để chờ chúng tôi về. Bác, mẹ và dì tôi thỉnh thoảng về thăm ông bà. Còn mấy anh chị em chúng tôi chủ yếu chỉ về vào mùa hè - khi được nghỉ học. Hồi còn sinh viên, mấy anh chị em chúng tôi hay rủ nhau về quê bằng xe máy. Chặng đường từ Hà Nội về quê không dài nhưng nhiều hôm chờ phà mất cả nửa buổi. Biết ở nhà ông bà trông ngóng mà chả biết làm sao. Mùa hè cũng là mùa vải. Ông bà giữ quả, chẳng bán đi đâu, để dành cho chúng tôi. Và khi chúng tôi về đến nhà là ông bà bày cả thúng cho chúng tôi ăn. Thời ấy còn ít nhiều khó khăn, thứ quà quê ấy đối với chúng tôi thật tuyệt vời. Rồi khi chúng tôi đi, mỗi đứa lại đùm theo một ba lô đầy vải. Thời gian cứ thế êm đềm trôi…
Rồi chúng tôi lần lượt ra trường, đi làm, lập gia đình, sinh con. Không còn những lần mấy anh chị em đàn đúm về quê nữa, nhưng cả đại gia đình vẫn thường hẹn nhau về quê mùa vải chín. Ông bà vui mừng, rạng rỡ nhìn lũ chắt chạy nhảy, nô đùa trong vườn vải. Đó có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất, nhưng kéo dài không lâu. Ông tôi đột ngột ra đi vào một ngày hè tháng Sáu, đúng vào mùa vải chín. Ngày ấy chúng tôi về, nhìn những gốc vải phủ vệt vôi trắng mà lòng vô cùng xót xa. Ông tôi, dù ra đi ở tuổi bát thập nhưng để lại vô vàn tiếc thương, bởi ông là chỗ dựa tinh thần của cả đại gia đình, là con người mẫu mực được dân làng nể trọng. Đó là mùa vải chín buồn nhất của chúng tôi. Ông đi rồi, chỉ còn bà một mình lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ, bà dứt khoát không chịu lên ở với các con cháu, để ở nhà hương khói và trông vườn vải. Những cây vải vẫn ra quả đúng hẹn vào dịp giỗ ông. Lũ trẻ con của chúng tôi lớn lên, về quê chúng thích lắm, nghịch như một lũ giặc, trèo leo đánh đu lên những cây vải để chơi đùa, hái quả. Bà thì chỉ lo chúng nó nô nghịch nhỡ có làm sao… Nhà vắng ông, nhưng tưởng như hình bóng ông vẫn đâu đây, đang mỉm cười hiền hậu nhìn chúng tôi và lũ trẻ. Rồi chúng tôi lại đi, nhìn dáng người nhỏ bé của bà ra cổng tiễn mà rưng rưng nước mắt. Vườn vải vẫn còn đầy quả chín.

Bà tôi yếu dần, không ở quê một mình được nữa. Dì tôi đón bà lên ở cùng. Mấy năm đầu còn về quê giỗ ông, nhưng rồi sau làm giỗ ở nhà bác cả trên Hà Nội. Căn nhà ở quê bỏ không, vườn vải cũng không có bàn tay chăm sóc. Đến một ngày, bà đi theo ông. Trước đó, khi linh cảm được điều ấy, bà đòi về quê. Bác, mẹ, dì tôi đưa bà về, được vài hôm thì bà đi. Chúng tôi về, nhìn ngôi nhà cũ và vườn vải xuống cấp, điêu tàn mà không khỏi xót xa. Chính thức từ độ ấy, ngôi nhà vắng bóng người…
Tôi phận gái, ở nhà chồng, cũng không còn để ý nhiều đến chuyện ở quê ngoại. Mọi việc họ hàng làng xóm có bác cả, anh cả con bác, mẹ tôi, dì tôi lo. Nghe mẹ tôi nói bác và anh cả có ý định “quy hoạch” lại toàn bộ khu đất, nhà vườn. Tôi nghe thì biết vậy, không rõ cụ thể ra sao. Năm ngoái, giỗ đầu bà, chúng tôi về thì thấy tất cả đã khác. Một ngôi nhà thờ mới được dựng lên gần nền nhà cũ cùng một ngôi nhà ở kế bên để nghỉ ngơi khi về quê có việc. Nhưng tất cả quay ngược lại để hướng ra mặt đường, thành ra vườn vải nằm ở phía sau nhà. Cái bể nước, cái giếng nước cũ cũng không còn nữa. Những công trình mới xây khang trang nhưng sao tôi thấy nó xa lạ, không gợi cảm xúc gì. Tôi nhớ quay quắt ngôi nhà cũ xưa, nhớ bóng ông bà, nhớ vườn vải xum xuê cây trái. Vườn vải nằm sau nhà nên lũ trẻ cũng chả thiết ra đó chơi nữa. Mẹ tôi bảo chắc chỉ giỗ đầu bà thì về đây thôi, còn sau làm trên Hà Nội.
Biết rằng cuộc sống có nhiều đổi thay, không thể bất biến, nhưng những kỷ niệm xưa ở quê vẫn cứ cồn cào trong tôi. Tháng Sáu lại về, lại mùa vải chín, lại sắp đến giỗ ông, những hình ảnh thân thương lại hiện lên trong tâm tưởng. Mùa vải vườn ông, mãi là ký ức đẹp đẽ không phai mờ…
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 205