Bài dự thi: Sống ở làng

Lượt xem: 4068
13/12/2022 9:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - PHẠM MINH DUYỆT

Tôi lớn lên giữa 5 anh chị em khác trong gia đình. Bố mẹ đều là người làng, mẹ làm ruộng, bố có thêm nghề phụ là thợ xây. Bố ít khi ở nhà, còn mẹ thì gần như cả năm không ra khỏi huyện. Ngoài làm ruộng, mẹ buôn bán lặt vặt ở chợ, chị em chúng tôi tự phân chia việc nhà và việc đồng áng. Chúng tôi đến trường một buổi, buổi còn lại nhặt rau, vớt bèo, nấu cám lợn

 
 
Mùa hè là mùa dỡ lạc, bẻ ngô, những đống lạc chất cao đầy nhà, đầu hiên luôn tỏa hơi nóng hầm hập. Mấy chị em, mỗi đứa ôm một cái thúng và cái rổ con, lạc già bỏ thúng, rồi sẽ phơi khô cất để dành dùng cho cả năm, lạc vú bỏ riêng để luộc hoặc bóc hạt giã nhỏ nấu canh. Khi bí tiền, mẹ bán thêm tải lạc cho chúng tôi đóng tiền học. Cây lạc phơi khô dùng làm chất đốt, lá lạc băm nhỏ, ủ mục bón ruộng. Mọi thứ đều có công dụng của nó, cân bằng và tái sinh.
Mùa thu, sau gặt là lên luống đất trồng vụ đông. Ruộng tốt, nền cao được trồng khoai tây. Làm đất trồng khoai tây thật cực, đất phải vồ cho nhỏ mịn, vùi mầm khoai rồi phủ lớp rạ mục, bóp nhẹ từng cụm đất qua kẽ tay phủ lên mầm. Công đoạn này giao cho trẻ con là chính. Những ngày nắng thu hanh vàng, cánh ruộng Năm phần trăm lúc nào cũng có bóng người từ tờ mờ sáng cho tới chiều muộn.
Cả khoai tây và khoai lang đều phải đi cắt dây, vén luống. Lá khoai lang làm thức ăn cho lợn, lá khoai tây thường vùi luôn xuống rãnh. Cuối ruộng sẽ có một luống hành, hành củ thì mất công bới đất quanh gốc, chờ khi dọc hành lụi dần, củ chắc mẩy thường sẽ vào giáp tết. Ven luống khoai còn trồng thêm mấy gốc xu hào, cải bắp, hay mấy cụm cải xanh. Khi cải lên vồng, hoa vàng lốm đốm là lúc lá khoai rạc dần, loáng thoáng vài củ khoai lộ ra khỏi đất. Tới độ ấy, các rãnh luống khô cong, đất gần hết chu kỳ của một mùa, bốc lên mùi ấm ấm, ngai ngái. Trời đầu đông lạnh đẫm sương chiều, vạc đất hai sườn luống, người lớn trẻ con hối hả bới đất lấy củ chất lên đường cái. Những buổi chiều như thế cứ ở mãi trong một rãnh ký ức trẻ con, để lúc nhớ nhà, nhớ mẹ hình ảnh ấy lại hiện lên sống động.
 
 
Ở quê nhà nào cũng có đống rơm to đánh ở góc vườn hay đốc bếp. Nhà nào cũng có cái chuồng nuôi con lợn xề hay đôi lợn bột. Cơm thừa, cám gạo dành cho bọn đấy. Bán lứa lợn con hay xuất chuồng lợn bột là phải cúng thổ công, chia lộc khắp xóm. Buổi tối, đứa cầm đèn pin, đứa cắp rổ lộc chạy đi chia đều một lượt, đương nhiên, thấy nhà hàng xóm bán lợn thì cứ tin rằng ngày mai, ngày kia thế nào nhà mình cũng được cho đĩa xôi, chùm chuối.
Người quê, giờ quay lưng, thờ ơ với đồng ruộng quê nhà. Bám trụ trên những cánh đồng chỉ còn là người già, và ngay cả thói quen trồng vụ đông, trồng các loại rau trái theo mùa cũng chẳng được duy trì.
Rơm rạ thành phế phẩm nông nghiệp, chẳng mấy ai còn dùng làm chất đốt, sẽ chẳng còn phải chứng kiến những trận cãi nhau nảy lửa tranh đường phơi rơm của các bà, các mẹ ngày xưa. Sau vụ gặt chỉ còn lại những cánh đồng loang lổ, đen xì vết rơm cháy và cơn mưa đầu mùa hè oi nồng mùi khói. Một thói quen, một truyền thống canh tác nông nghiệp đang mai một và dần biến mất. Người quê ngày đêm mong chờ một dự án khu công nghiệp sẽ ra đời trên chính bờ xôi, ruộng mật. Vẫn biết rằng không thể trách móc, nhưng vẫn trào lên cảm giác tiếc nuối khi những cánh đồng kia sẽ một đi không trở lại.
 
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 198