Đồ cũ, đồ xưa... thứ gì cũng có thể tìm thấy ở Phan Gia Viên. Mỗi cửa tiệm ở đây được trang trí theo phong cách riêng trông khá bắt mắt
Ở bất kỳ đâu trong nội đô Bắc Kinh, muốn đến Phan Gia Viên, cách đơn giản nhất là sử dụng xe điện ngầm, chỉ với 2 nhân dân tệ (khoảng 5.000 tiền Việt), là có thể ngang dọc khắp hệ thống xe điện ngầm dưới lòng đất ở thủ đô Bắc Kinh, và chợ trời Phan Gia Viên nằm cách trạm cuối JinSong đường xe điện số 10 chưa đầy 10 phút đi bộ về hướng nam. Nếu dùng những phương tiện công cộng khác như taxi, chỉ cần nói “Phan Gia Viên”, ở Bắc Kinh ai cũng biết bởi đó là chợ trời bán đồ mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, văn phòng tứ bảo, đồ cổ, sách văn hoá nghệ thuật, tranh thuỷ mặc, thư pháp… lớn nhất Bắc Kinh, cũng đồng nghĩa là phiên chợ trời bày bán đồ cổ và đồ trang trí nội thất lớn nhất Trung Quốc.
Từ phiên “chợ ma”
Dạo bộ từ trạm xe điện JinSong đến trước cổng chính của Phan Gia Viên, không khí buôn bán đã xuất hiện khi những tay chạy hàng đá trang sức đứng rải rác đầy vỉa hè, chào mời những vòng ngọc thạch xanh chạm trổ khá bắt mắt nhưng khó phân biệt thật giả. Gạt tay từ chối cả chục tay buôn ngồi nối nhau khắp vỉa hè, nhìn sang bên đường cổng chính của Phan Gia Viên thật to với tấm bình phong lớn trấn ếm ngay lối vào, đem lại cái cảm giác kín kẽ trước khi bước vào một phiên chợ trời hoành tráng nhất Trung Hoa theo như giới thiệu. Và quả thật, chỉ bước qua tấm bình phong ấy, vẻ kín đáo kia đã biến mất, thay vào đó là cả một không gian mênh mông trải dài với hằng hà sa số các cửa tiệm lớn nhỏ, những dãy lầu san sát với không biết cơ man nào là người và đồ.
Nổi bật và nhộn nhịp nhất ở khu chợ trời chính là những gian hàng bày đồ vật dưới đất, mỗi chủ hàng là một khoảnh nhỏ trong khoảng sân rộng được che nắng bằng lớp lưới đen. Bắc Kinh đang vào mùa nóng, oi bức khó chịu, nhưng không làm giảm đi không khí nhộn nhịp chào hỏi, mua bán, giao lưu ở khu bán đồ bày dưới đất này, bởi ở đó, ranh giới giữa người bán và người mua gần như là một. Đây là khu vực mà những người mới bắt đầu vào nghề sưu tầm hay lui tới, cả những người bán đến từ khắp các tỉnh thành của Trung Quốc cũng đem đồ ra bày bán nơi này.
Lão Tam, một tay bán đồ thâm niên từ những ngày đầu khi phiên chợ này hình thành ở Phan Gia Viên, hiện bán tiền xưa và gốm sứ cổ – kim đủ loại, cho biết: “Cái chợ này hình thành, nói ra thì lâu rồi, chính xác là 1980 trong một hẻm nhỏ ở đường Triều Dương, chuyên bán tranh, đồ xưa… nhưng hoạt động kiểu lén lút, cứ phải canh chừng công an đến dẹp nên cái chợ đồ cổ hồi đó còn gọi là chợ ma, hay chợ đen, hoạt động chủ yếu vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Bán lén lút được 10 năm, thì số lượng người mua lẫn bán ngày càng đông, con hẻm ở Triều Dương chật chội quá nên người bán dọn ra ngoài khu Phan Gia Viên, cũng bày bán đầy vỉa hè. Đến 1994, việc buôn bán cổ vật và hình thức đấu giá được tiến hành hợp pháp, thì phiên chợ trời này hoạt động công khai suốt tuần. Đến 1995, chính phủ xây dựng thành một khu chợ đồ cổ đầu tiên ở Bắc Kinh, với diện tích gần 5 hécta cho người bán và mua có chỗ hoạt động cho đến bây giờ”.
Gian bày hàng dưới đất luôn tập trung đông khách
Khu vực bán đồ gỗ chạm thủ công
Một phiên chợ đa dạng
Với hơn 3.000 gian hàng, chia thành 17 khu vực khác nhau, mỗi khu vực bày bán một loại sản phẩm riêng, tạo thành một tổng thể phiên chợ lớn và quy mô theo như lời giới thiệu từ tấm băng-rôn treo ở chợ: “Đây là phiên chợ lớn nhất, phong phú các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cổ vật, đồ nội thất nhất ở Trung Hoa”. Giờ mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu: 8 – 18g, thứ bảy và chủ nhật: 4g30 – 18g. Ngày đến Phan Gia Viên, tuy không phải cuối tuần, nhưng không khí thật nhộn nhịp chen chúc với người mua và bán tấp nập. Những gian hàng bày đồ dưới đất là nơi tập trung phần nhiều khách trong lẫn ngoài nước, bởi nơi đây người ta có thể tìm những món đồ đủ loại, từ bát đĩa, chén đũa, đến những đồng xu cổ, tượng Mao chủ tịch, thư pháp, tranh thủy mạc, đồ lính, đồ điện tử đã qua sử dụng, ống nhòm, ấm chén trà… Người mua lạc vào ma trận được bày trí gọn gàng, ngăn nắp, thẳng tắp theo hàng lối, có cảm nhận như bất cứ thứ gì cần cho việc sử dụng trong nhà cũng có thể tìm mua được ở khu vực này với giá hữu nghị, còn thật giả tùy vào trình độ thẩm định của người sưu tầm.
Khu bán sách kế cận lại là một không gian hoành tráng khác với không biết cơ man nào là các loại sách cổ kim bày la liệt dưới đất, trên kệ, trong thùng… tha hồ cho khách mặc sức lựa chọn và trả giá. Những cuốn sách bìa cứng, giấy couche với các đề tài về nghệ thuật, hình ảnh còn khá đẹp, giá bán chỉ bằng 1/3 giá niêm yết, chưa trả giá, thực sự là một khu vực hấp dẫn và lôi cuốn. Cô Trần – chủ một tiệm sách không giấu giếm: “Sách này in lại (sách in lậu – PV) mới có giá đó”.
Ở Phan Gia Viên còn có một khu ngoài trời chuyên bày các sản phẩm điêu khắc từ đá, cả một dãy dài không biết cơ man nào là tượng Phật, sư tử, lân, rồng, trống, thạch đăng… các mẫu điêu khắc dùng trong trang trí sân vườn, nhà phố theo thuật phong thuỷ Trung Hoa. Đến những dãy phố dài tít tắp, với phong cách kiến trúc đậm đà chất bản địa, trong đó là những gian hàng cao cấp hơn, chuyên bán các loại đá quý, đá bán quý, đá mỹ nghệ, đá phong thuỷ, rồi những gian hàng đồ gỗ với đủ loại kiểu dáng phỏng cổ, từ những bộ ghế bày phòng khách phỏng đời Minh, đến những chiếc án thư phỏng đời Thanh được chạm trổ cầu kỳ, tinh tế. Đi vào từng gian hàng, người xem như bước vào một không gian mới với hàng hà mặt hàng phong phú về kiểu dáng để chiêm ngưỡng, tìm hiểu và khám phá.
Khách đến Phan Gia Viên, chỉ cần chọn lựa đồ, trả giá, còn các dịch vụ đi kèm như kiểm định, đóng gói, gửi hàng, ở phiên chợ này đều có những công ty chuyên phục vụ theo yêu cầu của khách đi khắp Trung Hoa lục địa hay xuất hàng đến khắp nơi trên thế giới. Hình thức dịch vụ trọn gói này chính là một thế mạnh không nhỏ góp phần làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường mua bán xuất khẩu các dòng đồ nội thất ở chợ trời Phan Gia Viên.
Gian hàng bán đồ văn phòng tứ bảo
Cửa tiệm bán đá thiên nhiên chế tác thành đồ mỹ nghệ, trang sức
Bộ siêu nấu nước pha trà cổ tràn ra vỉa hè ở Phan Gia Viên
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 52