Nhà phố hay căn hộ?

Lượt xem: 5112
9/3/2018 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Thực hiện KTS Nguyễn Trường Lưu, Vĩnh Phương (ghi) ảnh KT, NĐ 

Càphê kiến trúc- chuyên mục mới của KT&ĐS kể từ số này- là những câu chuyện của mỗi người, của đời sống, của đô thị, liên quan tới kiến trúc được dẫn dắt bởi một chuyên gia, kiến trúc sư cùng những khách mời. Bởi là càphê, nên chuyện kiến trúc sẽ bình dị gần gũi, lại cũng phóng khoáng và đầy ngẫu hứng. Câu chuyện đầu tiên, về sự lựa chọn căn hộ hay nhà phố, hai loại hình nhà ở phổ biến ở các đô thị lớn Việt Nam hiện nay và tương lai. Những nhìn nhận và trải nghiệm của từng người sở hữu một trong hai loại hình nhà ở này bật lên nhiều điều thú vị.

 
 Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, người được Kiến Trúc & Đời Sống đề cử để dẫn dắt buổi trao đổi này hy vọng những chia sẻ của mọi người sẽ làm bật lên một số nét dự báo về tương lai nhà ở đô thị tại Việt Nam. Ý kiến về sự lựa chọn, những điều được, chưa được về căn hộ, về nhà phố của mỗi người ngày hôm nay sẽ là những lưu ý để giúp cho những nhà quản lý đô thị, những người làm quy hoạch hoàn thiện hơn những ý tưởng, công việc của họ.
Khách tham dự  gồm ông Nguyễn Quang Lập - nhà văn, ông Công Kiên Chiến - công chức, bà Hồ Thị Lê - hưu trí và bà Đinh Giáng Tiên - doanh nhân.

 
KTS Nguyễn Trường Lưu
 
Mở đầu ông Lưu khái quát: Đô thị và hình thức nhà phố ở Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ hai mươi. Và, sự hình thành của nhà phố bắt đầu từ sự kết nối những căn nhà trong từng làng, xóm với nhau bằng những ngõ, hẻm rồi tạo thành những con phố. 
Riêng chung cư ở Việt Nam mà cụ thể là ở Sài Gòn và Hà Nội chỉ mới xuất hiện từ những năm 60-70. Ở Sài Gòn, chung cư đầu tiên được xây dựng là chung cư Nguyễn Thiện Thuật, được xây từ năm Mậu Thân (1968). Rồi đến chung cư Thanh Đa được xây vào đầu những năm 1970.
Sau giải phóng, hình thức chung cư tưởng chừng như chấm dứt, không còn được nhắc đến. Người ta tập trung cho việc xây dựng những căn nhà phố để phục vụ không chỉ cho nhu cầu ở, mà còn cho nhu cầu buôn bán, kinh doanh. Ngay cả trong quy hoạch, cứ nói đến quy hoạch là người ta nghĩ đến việc phân lô. Nhà phố trở nên ưu thế, vừa ở, vừa kinh doanh, làm khách sạn, cho thuê mặt bằng…
Đến giai đoạn hội nhập, những nhà đầu tư, những người kinh doanh bất động sản bắt đầu khai thác hình thức chung cư để cung cấp cho 
thị trường nhà ở. Ở các đô thị xuất hiện dạng chung cư cao cấp. Sài Gòn đi trước. Sau đó Hà Nội vượt lên cả về quy mô, số lượng lẫn chất lượng.
Với chung cư, ngày nay có nhiều tiêu chí. Đã xuất hiện nhiều công trình được đầu tư về chất lượng xây dựng, luôn phù hợp sự thay đổi về môi trường sống, văn hoá sống, nhu cầu sống của những người sống bên trong và xung quanh. Tuy nhiên, công trình dù có chất lượng xây dựng nhưng một thời gian trở nên lạc hậu, giam hãm, không tạo được sự thoải mái cho những người sống bên trong cũng là vấn đề mà nhiều cư dân quan tâm. 
Trở lại với câu hỏi nhà phố hay căn hộ. Ông Lưu đặt vấn đề. Nhà tâm lý học A.More đã phân loại môi trường chung quanh con người như sau : (1) không gian của mình, (2) không gian của người khác, (3) không gian cộng đồng, (4) không gian chưa biết. Bốn không gian này tương tác với nhau và tạo thành không gian đô thị. Liệu mọi người có thừa nhận ở nhà phố, không gian của cái tôi nhiều quá, mỗi người có một không gian sinh hoạt riêng, làm việc riêng, rất ít không gian cho sinh hoạt chung nên tính cộng đồng trong nhà phố không khéo sẽ bị mất. Trong khi đó, ở căn hộ chung cư, phòng ngủ của mỗi người bao quanh phòng sinh hoạt, mở ra là có không gian chung nên tính cộng đồng trong gia đình sẽ được gìn giữ.
 
Lựa chọn tuỳ hoàn cảnh
Trong số những người tham gia trao đổi lần này, có hai người đang sống ở căn hộ chung cư và hai đang sống trong nhà phố. Với những công việc, hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng, mỗi người đều hài lòng với tổ ấm hiện có của mình. 
 
 
Nhà văn Nguyễn Quang lập, người đang sở hữu một căn hộ chung cư rộng hơn 70 m2 ở Hà Nội tuyên bố: “Tôi là người nghiện chung cư”. Và dứt khoát: “không bao giờ ở nhà ống. Nhà ống bất tiện là không có mặt thoáng”. 
Lập luận của ông đối với ưu điểm của căn hộ chung cư là ở chung cư an toàn, không cần phải lo lắng gì cả. Mọi thứ chỉ cần alô là có người lo. Tất nhiên phải trả tiền nhưng chi phí không nhiều. Hơn nữa ở chung cư thật yên tĩnh, ít va chạm với người xung quanh. 
 
 
Ông Công Kiên Chiến, hiện đang công tác tại công ty bảo hiểm Bảo Việt cho biết ông đã ở căn hộ chung cư từ năm 90 đến nay. Và ông vẫn trung thành với chung cư dù khả năng hoàn toàn có thể mua được nhà phố, thậm chí là biệt thự. Các chung cư ông từng trải qua gồm chung cư ở ngã sáu Phù Đổng, chung cư Ngô Đức Kế, Hưng Vượng và nay ông đang sống tại Sky Graden… Với ông, ở chung cư yên tĩnh, an ninh và thật yên tâm dù cho ông có phải đi công tác hay cùng gia đình đi du lịch ở đâu dăm bữa nữa tháng hoặc lâu hơn. Những chung cư mà ông ở sau này chất lượng, môi trường sống ngày càng tốt hơn. 
Trong khi đó, những người đang lựa chọn sống ở nhà phố cũng có những lập luận riêng của mình. 
 
 
Bà Hồ Thị Lê, hưu trí, hiện đang sống một mình trong căn hộ diện tích 4,6 x 30 được xây năm lầu và một tầng hầm trên đường Nguyễn Đình Chiểu Q.3 cho biết, bà đang hài lòng với nơi mình đang ở. “Sống một mình đã quen, hơn nữa tôi lại mê sách nên không cảm thây buồn. Riêng việc giao tiếp, mối quan hệ bạn bè hoàn toàn có thể mở ra xa hơn những bức vách của các căn nhà bên cạnh. Buổi sáng tôi đi ra Tao Đàn tập thể dục, rồi đi uống càphê, ăn sáng ở những nơi quen thuộc. Đó là những địa chỉ mà tôi có thể gặp gỡ bạn bè, người quen” 
 
 
Riêng bà Đinh Giáng Tiên, một doanh nhân thì cho biết hiện đang ở nhà phố đường Nguyễn Văn Đậu - Bình Thạnh, mặc dù cũng đang sở hữu một căn hộ chung cư. Bà chọn ở nhà phố vì đã quen sống ở đó từ nhỏ. Hơn nữa, nhà có người già nên không thể sống chung cư.
 
Những bất cập của chung cư
Mặc dù, số lượng chung cư cao cấp ngày càng nhiều, những tiêu chuẩn chung cư ngày càng được nâng cao. Thế nhưng văn hoá sống, môi trường sống, những yếu tố khách quan và chủ quan đã tạo ra những bất cập, những thiếu sót của căn hộ chung cư mà không dễ gì khắc phục được một sớm một chiều.
Ông Lập cho biết: Ở căn hộ chung cư vẫn có cảm giác không phải sống ở nhà mình. Bởi lệ thuộc vào sự quản lý của người khác. Muốn làm gì, từ đóng cái đinh trên tường cho đến làm gì cũng phải xin phép. Và, nguyên nhân dẫn đến cảm giác này của người ở chung cư xuất phát từ thái độ của chính ban quản lý chung cư. Có nhiều nơi ban quản lý có suy nghĩ họ đang quản lý nhà của họ chứ không phải đang phục vụ những người đang ở trong đó. Họ gây khó dễ, thậm chí có khi còn nạt nộ, mắng mỏ mọi người. Sự ngộ nhận vai trò quản lý này cần phải thay đổi.
 Vấn đề tất cả mọi người đồng tình nhất chính là văn hoá chung cư. Ông Chiến cho rằng, chúng ta có thoải mái khi sống ở chung cư hay không phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá của những người cùng sống trong chung cư này. Và ông dẫn chứng có chung cư ông sống trước đây, do dùng để bố trí cho những người nghèo tái định cư đa số không nghề nghiệp ổn định và văn hoá thấp nên cảm giác bất an khi sống ở đây rất cao. Bất an về an ninh, về cháy nổ… 
Những chung cư ông ở về sau này, văn hoá ở của mọi người được nâng lên, đặc biệt ở những chung cư có nhiều người nước ngoài sống nên ông cảm thấy an tâm và an toàn hơn. Theo ông, người Việt Nam phải học nhiều để nâng cao văn hoá sống chung cư. Ở chung cư cộng đồng sống tốt sẽ kéo lại văn hoá làng xóm.
Văn hoá ở chung cư, theo ý kiến chung lệ thuộc không chỉ vào ý thức mà còn vào hoàn cảnh, thu nhập và cả trình độ của những người sống trong đó. 
Câu chuyện dẫn dắt đến ví dụ một chung cư được nhà nước bố trí định cư cho những người thất nghiệp, những người về hưu… Họ, với thu nhập ít ỏi của mình không thể sử dụng những dịch vụ cao cấp, mắc tiền… Thế mới xảy ra hiện tượng dùng than tổ ong để nấu nướng, chăn nuôi trong căn hộ chung cư. Để rồi phải bịt bộ phận báo cháy, làm hỏng hệ thống đổ rác, dùng điện quá công suất của các ổ cắm…
Một vấn đề được nhiều người đồng tình nhất là căn hộ chung cư hiện nay chưa phù hợp với người già, người lớn tuổi. 
Người già sợ độ cao, không muốn sống tách biệt với cộng đồng lại thêm lý do về sức khoẻ, trí nhớ khiến cuộc sống của họ ở chung cư như một cực hình. Bà Liên cho biết mẹ mình chưa bao giờ cảm thấy phù hợp với chung cư. Bà ở chỉ vì con cháu. Bởi bà không thể nào nhớ được nút bấm cầu thang. Bà thích đi chợ, thích quan hệ xóm giềng để cho qua cho lại những món đồ vặt vãnh nhưng đó chính là niềm vui…
Nhìn chung, nhà phố hay căn hộ, trong thời điểm hiện tại đều có những điều được và không được. Vậy nên, điều chi phối không gian ở, kiến trúc nhà phố hay kiến trúc căn hộ hiện nay chính là kiến trúc tình cảm mà tự thân mỗi người ở trong đó có thể thiết kế để nơi ở của mình thực sự là một tổ ấm, là nơi mà những thành viên trong gia đình có thể gắn kết với nhau. Kiến trúc tình cảm này, theo bà Tiên là mỗi gia đình, mỗi chủ thể sẽ có cách “thiết kế” khác nhau. Sự thiết kế này có thể là cách bố trí sao cho người già có thể ở được một vị trí có thể dễ dàng thăm hỏi chăm sóc. Thiết kế làm sao để mỗi thành viên trong gia đình đều có cơ hội gặp gỡ, chia sẽ quan tâm đến nhau…
Và với môi trường sống xung quanh thì dù ở loại nhà nào, công việc, cuộc sống cũng đòi hỏi sự hoà nhập với xã hội, với xung quanh. Văn hoá chung cư, nhà phố phải kèm văn hoá đô thị. Văn hoá đô thị quyết định loại nhà ở để đồng bộ cuộc sống.
 

 

Nhà phố với ưu điểm thuận tiện sinh hoạt, giao tiếp với cộng đồng, nhưng lại có những phiền phức khiến người ở phải luôn cố gắng điều chỉnh lối sống, nếp sinh hoạt của mình để thích nghi. Căn hộ chung cư với ưu thế an toàn, riêng biệt và là không gian mở với các thành viên gia đình, nhưng lại bất tiện cho những gia đình có người lớn tuổi
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 48