... Trước hết là nơi nghỉ ngơi

Lượt xem: 5364
7/3/2018 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Thực hiện CKC ảnh Zhivago 

Tốt nghiệp khoa kiến trúc đại học RMIT, Úc năm 2000, trở về Việt Nam làm việc ngay sau đó (2001), KTS Phạm Gia Vinh lao vào “cày” trên thửa ruộng bao la mà cằn cỗi - đó là nhà ở trên những mảnh đất nhỏ và khó, đồng thời anh cũng đã để lại “chữ ký” của mình ở một số công trình nhà hàng, quán bar tại Hà Nội, Sa Pa. Năm 2010, anh dự định mở rộng hoạt động thiết kế tại TP.HCM.

 
Kiến trúc sư Phạm Gia Vinh, tốt nghiệp đại học RMIT (Melbourne, Úc) khoa kiến trúc năm 2000. 
Làm việc ở Việt Nam từ 2001 đến nay tại văn phòng ONE Architecture (www.voa.vn)
Đã tham gia các cuộc thi kiến trúc trong nước và quốc tế, tổ chức và tham gia một số triển lãm cá nhân về thiết kế kiến trúc
Lĩnh vực tham gia chủ yếu: nhà ở trên những mảnh đất nhỏ và khó, cải tạo không gian sống, thiết kế quán bar, nhà hàng
Công trình: Bar và Bebop bar tại thị trấn Sa Pa, hệ thống nhà hàng, quán bar, càphê My Way và một số quán bar nhà hàng, ngôi nhà cải tạo và xây mới ở Hà Nội
 
Là một kiến trúc sư, từng đi nhiều, biết nhiều và phục vụ khách hàng cũng đa dạng, vậy thì nơi ăn chốn ở của anh và gia đình mình sẽ phải thế nào?
Quan trọng nhất có lẽ là tiêu chí chọn địa điểm cho nơi ăn chốn ở còn những vấn đề khác bạn hoàn toàn có thể thay đổi cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nơi ăn chốn ở đối với tôi trước hết là nơi nghỉ ngơi, sau là nơi bạn có thể tự do trong suy nghĩ, hoạt động và tư duy. Do vậy “hide-out place” của tôi mong muốn là một nơi thật gần với xã hội, gần với môi trường làm việc và phải đảm bảo sự riêng tư. Ở TP.HCM, một địa điểm như vậy có lẽ không khó kiếm vì cuộc sống trong các hẻm ở các khu vực trung tâm hoàn toàn thích hợp với tiêu chí chọn lựa nơi ở của tôi. Chỉ cần một ngôi nhà nhỏ trong một hẻm trung tâm, chỉ năm phút đi xe gắn máy anh có thể đi vào càphê với bạn bè hoặc khách hàng tại khu vực trung tâm, ngó nghiêng phố xá và con người, nhưng cũng chỉ năm phút sau anh đã về một nơi của riêng mình.
 
Gia đình anh là một gia đình nghệ sĩ (vợ là biên đạo múa Trần Ly Ly – NV), yếu tố nghệ sĩ đã (sẽ) được hiện diện trong không gian sống riêng tư đó như thế nào? 
Chúng tôi may mắn cùng tạo được cho mình một không gian sống phù hợp, trong đó yếu tố nghề nghiệp được “nghỉ ngơi” và yếu tố gia đình được đặt lên hàng đầu. Không gian sống với yếu tố nghệ sĩ không chỉ là sự trang trí không gian đơn thuần, mà còn là không gian giúp cho lối sống của người nghệ sĩ được thăng hoa. Yếu tố nghệ sĩ có thể  nằm trong những gì đơn giản nhất, ví dụ như nơi đọc sách, nơi nghỉ ngơi thư giãn được kết nối với thiên nhiên (ở trong nhà hẹp thì thiên nhiên cũng be bé thôi).
Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm không gian sống không có nghĩa chỉ là một ngôi nhà mà còn là chất lượng sống, sự nghỉ ngơi, hưởng thụ, cân bằng với cuộc sống sáng tạo hàng ngày. Do vậy rất thú vị khi chúng tôi thường xuyên cùng nhau tổ chức các chuyến đi để bổ sung thêm màu sắc cho không gian sống của gia đình.
 
Tôi nghĩ, ai trên cuộc đời này cũng nuôi một ước mơ về một ngôi nhà trong tâm tưởng, anh có một ngôi nhà như thế không và hình dung về nó như thế nào?
Thực sự, có lẽ tôi còn quá trẻ để có một mơ ước về một ngôi nhà có tính cố định và lâu dài, có chăng là một mơ ước về một ngôi nhà có thể di chuyển được để thỏa mãn ý thích của cả gia đình là du lịch. Tôi rất thích mô hình caravan và caravan park ở một số nước. Vừa thoả mãn không gian riêng tư với sự linh hoạt và cũng thoả mãn tiêu chí cuộc sống của bản thân.
 
Với con mắt của một kiến trúc sư, anh thấy trong kiến trúc đương đại của Việt Nam có yếu tố nào mà anh tâm đắc nhất hoặc kinh ngạc nhất, thú vị nhất?
Tôi thật sự ấn tượng về cách người dân xoay xở trong những không gian vô cùng nhỏ hẹp của những khu có mật độ xây dựng cao. Mọi lý thuyết và tiêu chuẩn đều được áp dụng và linh hoạt đến mức tối đa và nó liên tục được thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Thực sự tôi học được rất nhiều từ những quan sát thực tế này và tôi tin tưởng nếu chúng ta thực sự tìm hiểu cuộc sống và cách người dân tồn tại thì chúng ta mới có thể có công trình tốt. Tôi cũng luôn nghĩ rằng “kiến trúc thực sự” là kiến trúc gắn liền với bản sắc địa phương.
 
Trong cách tổ chức không gian sống trong ngôi nhà của người Việt Nam ở đô thị lớn hiện nay (Hà Nội, TP.HCM) anh nhìn thấy có điều gì phù phiếm (thiếu thực tế, không gắn với nhu cầu), điều gì thiếu nhân văn, hoặc điều gì bất hợp lý? Chúng ta có nên thay đổi không, và thay đổi như thế nào?
Tất cả những vấn đề được nêu trong câu hỏi này đều bắt nguồn từ sự thiếu tính địa phương trong thiết kế. Có thể nhìn rõ ràng những khối nhà kính vắt rất nhiều năng lượng để tồn tại trong điều kiện khí hậu Việt Nam, những không gian công cộng bị bỏ trống vì không phù hợp với sinh hoạt địa phương, những công trình phải cải tạo ngay khi vừa mới hoàn thành vì không sử dụng được trong điều kiện địa phương, những chi tiết phù phiếm và những nhu cầu của khách hàng được đáp ứng vô điều kiện (với khía cạnh đạo đức nghề nghiệp) không có quá trình nghiên cứu phân tích. (Tính nhân văn thì có lẽ phạm vi bài báo này không đủ để nói vì có rất nhiều vấn đề)
Thay đổi có nghĩa là phát triển, chúng ta rất nên thay đổi và sự thay đổi sẽ được thể hiện dần dần trong quan niệm và quan điểm của cả người sử dụng và người tư vấn. Lại một lần nữa các đặc tính địa phương (khí hậu, thổ nhưỡng, văn hoá, …) phải được nghiên cứu thấu đáo, áp dụng đúng, đây chính là yếu tố quyết định để sự thay đổi này được thực hiện tốt nhất.
 
Giả sử bây giờ gia đình anh phải sống trong một căn phòng khoảng mươi mét vuông, sâu trong một ngõ nhỏ hun hút không dắt vừa chiếc xe máy, thiếu ánh sáng trời, vệ sinh dùng chung với các hộ xung quanh - là tôi đang tưởng tượng như một gia đình bất kỳ ở khu phố cổ Hà Nội – sẽ thế nào nhỉ? Anh xử lý ra sao, có giải pháp, ý tưởng gì cho bài toán đó, để nơi sống trở nên dễ chịu nhất? 
Giả sử này nghe khủng khiếp quá (!) đối với cá nhân tôi thì tôi sẽ tìm mọi cách để hoán vị hoặc cũng sẽ tư vấn cho khách hàng cần tư vấn như vậy. Bởi vì “… sâu trong một ngõ nhỏ hun hút không dắt vừa chiếc xe máy, thiếu ánh sáng trời…” là những điều kiện mà bạn phải sống chung chứ gần như không thể thay đổi và như thế thì cuộc sống của gia đình bạn sẽ thực sự trở thành ác mộng triền miên. Đây là một thực tế ở những khu phố cổ ở Hà Nội và tôi hy vọng rằng chính quyền thành phố sẽ có những phương án giảm mật độ thích hợp để bảo tồn phố cổ chứ không để tình trạng này kéo dài (để phát triển tự do cũng là giết chết phố cổ). Mọi giải pháp cho những người dân đang sống ở trong những điều kiện dưới tiêu chuẩn như trên đều chỉ mang tính nhất thời và không triệt để. Tuy nhiên, đối với các cư dân chọn cuộc sống ở đây tôi xin có hai lời khuyên: một là xem lại nhu cầu thực sự về địa điểm, hai là tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên và cùng những người dân trong khu vực giữ gìn những khoảng không gian công cộng dù là nhỏ nhoi.
Xin cảm ơn anh!
 
 
 

 

Một vài công trình bar và nhà ở của KTS Phạm Gia Vinh
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 46