Trong các quảng cáo địa ốc gần đây, ta thấy tỷ lệ căn hộ có vẻ lấn át so với đất nền? Phải chăng những dự báo về “hết thời nhà phố” từ khoảng 10 năm trước nay đã đến thời điểm trở thành hiện thực? Người dân, cả trẻ và già đều có vẻ ưa căn hộ?
Điều này cũng không hẳn đúng. Theo tôi căn hộ được chuộng là do một số yếu tố sau: sở hữu nhà ở cần vốn đầu tư lớn (giá trị đất và giá trị xây dựng). Trường hợp chọn nhà ở vừa tầm thì phải ra các khu dân cư mới. Chúng thường ở xa trung tâm - khó cho thuê, khó quản lý.
Trong khi với căn hộ ngược lại: đó là chi phí mua căn hộ chỉ cần vốn vừa phải. Căn hộ dễ cho thuê và tiện việc quản lý. Căn hộ phù hợp với đối tượng sử dụng trẻ, diện tích gọn.
Có nhận định rằng, ở một số nước hoặc thành phố chật hẹp, phát triển cao, khi đa số người dân sống trong căn hộ, người ta thậm chí không còn tiếp khách ở nhà mà ra quán. Căn hộ, do đó không cần đến phòng khách. TP.HCM cũng đang thay đổi nhanh. Căn nhà, chốn ở của người dân thành phố, cụ thể là TP.HCM, 10 năm qua theo KTS đã thay đổi như thế nào? Theo hướng nào?
Giai đoạn kinh tế khó khăn, ngay cả các công ty thu gọn quy mô, địa bàn hoạt động để giảm chi phí tối đa. Dần dần các phòng chức năng trở nên gọn hơn - cơ động hơn. Riêng với nhà ở các đô thị, do bận bịu công việc bên ngoài, thời gian được sống, sum họp với gia đình của nhiều người hiện tại còn rất ít nên người ta rất trân trọng chúng. Và nhờ vậy nên các yếu tố gia đình trong thiết kế được chú trọng hơn. Phòng có tần suất sử dụng nhiều hơn sẽ được ưu tiên về diện tích hơn. Không gian bếp, phòng ăn, phòng sinh hoạt gia đình dần lấn át phòng khách. Bên cạnh có nhiều người hiện không muốn việc tiếp khách trong nhà làm mất thời gian không gian riêng tư của gia đình. Thành phố có nhiều điểm dùng tiếp khách thuận tiện hơn cho cả khách lẫn chủ như quán cafe, nhà hàng…
Thời điểm mà anh bước vào nghề so với bây giờ, thực tế và tính chất công việc của người kiến trúc sư - ở đây Kiến Trúc & Đời Sống nhấn mạnh đến lĩnh vực nhà dân dụng - có khác nhiều không? Thuận lợi hay khó khăn hơn?
Hiện nay công việc của các ngành, không riêng gì kiến trúc đều khó khăn hơn trước rất nhiều. Với tôi, đó là cạnh tranh với đồng nghiệp từ các công ty lớn, công ty nhỏ, kiến trúc sư mới ra trường…; cạnh tranh về giá thiết kế; cạnh tranh về kỹ năng thể hiện và điều đáng nói là do kinh tế khó khăn nên số lượng công trình giảm hẳn…
Một đề tài muôn thuở và cũng luôn thời sự, theo KTS, khi mua căn hộ nên căn cứ theo yếu tố nào?
Câu trả lời cũng là những vấn đề muôn thuở và luôn thời sự. Đó là giá cả, sự liên quan đến công việc (địa điểm, thời gian đi làm), sinh hoạt (diện tích); ngoài ra còn có cấu trúc phòng bên trong. Phần cấu trúc theo tôi là yếu tố phụ vì chủ đầu tư có thể mua căn hộ thô sau đó nhờ KTS điều chỉnh lại nội thất cho phù hợp với sinh hoạt của chủ nhà hơn, cho khoa học hơn.
KTS, thay vì thiết kế nhà phố nay phần lớn chỉ xoay quanh không gian căn hộ trong đó phần thô - phần “cứng” đã được làm sẵn. Tóm lại, công việc của người KTS khi thị trường căn hộ bùng nổ, lấn át có phải chăng chỉ là “hoàn thiện” thay vì phải thiết kế, xây cả một căn nhà như ngày xưa? Anh có thấy như vậy không?
Theo tôi công trình là sự kết hợp giữa chất xám của KTS và phong cách sống, vốn sống của chủ đầu tư. Cái giỏi của kiến trúc sư nằm ở chỗ có thể với một cái khung nhà như nhau nhưng sự giao thoa giữa hai luồng ý tưởng này sẽ tạo ra một nét riêng không đụng hàng. Thực tế mỗi khâu trong việc hoàn thiện công trình đều mang một giá trị riêng. Nếu đơn giản chỉ là hoàn thiện thì ngành thiết kế nội thất đã không ra đời.
Bên cạnh đó cũng cần nói thêm một ý nữa là hiện tỷ lệ giữa xây mới và sửa chữa chênh lệch rất cao. Nhu cầu xây mới không nhiều bằng sửa chữa, điều chỉnh không gian cũ mà người ta đang sống. Một số kiến trúc sư hiện rất sợ chuyện này. Vì chúng phức tạp và cực hơn vẽ mới trong khi tiền công lại không cao hơn. Chỉ riêng việc vẽ lại hiện trạng đã tốn thời gian gấp nhiều lần vẽ mới.
Bây giờ, mọi thiết bị, đồ dùng đều có thể được tổ chức theo module, từ bếp đến phòng khách, phòng sinh hoạt chung. Nguy cơ “đồng phục” chốn ở có xảy ra không? Theo anh, những điều này mang đến thuận lợi hay khó khăn cho các chủ nhà khi cố đi tìm một không gian sống phù hợp với riêng mình?
Tổ chức module trong chừng mực giúp cho người sử dụng hệ thống lại vật dụng, bố trí lại không gian gọn hơn, khoa học hơn; làm cho ngôi nhà thoáng hơn hẳn. Thực ra, yếu tố đồng phục chỉ ở trong một giới hạn nào đó. Bởi màu sắc, chất liệu bây giờ rất phong phú và nhiều loại cho chủ đầu tư chọn lựa nên việc làm sao cho không bị xem là đồng phục cũng không khó.
Không gian sống phù hợp là sự bố trí không gian hợp lý, khoa học và khoác lên chiếc áo màu sắc, chất liệu phù hợp với sở thích của chủ đầu tư.
Hiện tại, người kiến trúc sư đang phải đóng rất nhiều vai, không chỉ riêng thiết kế mà còn cả thi công, thậm chí phong thủy..., anh có suy nghĩ gì về điều này?
Quan điểm của tôi là làm thêm gì mà có liên quan đến niềm đam mê của mình là được. Dùng đam mê của mình để làm nhưng điều trước có ích, sau có tiền (cười) là thấy vui. Chẳng hạn như với tôi bên cạnh kiến trúc là đam mê chụp ảnh. Và, tôi thích chụp những gì liên quan đến kiến trúc. Ngay cả đi du lịch tôi cũng chọn những điểm có công trình kiến trúc nổi tiếng.
Giai đoạn hiện nay kinh tế khó khăn, các công ty xây dựng, kiến trúc đang mệt mỏi. Nhiều người tiến thoái lưỡng nan. Việc sống với nghề chính rất khó. Hiện tại số lượng công trình vốn đã ít mà cạnh tranh ngày càng nhiều, khốc liệt. Trước đây với kiến trúc sư công sức bỏ ra cho thiết kế là 10 thì nay chỉ 5 - 6. Phần còn lại dành phải tìm thêm công việc khác. Nếu công việc đó liên quan đến đam mê và đam mê đó cũng giúp làm ra tiền thì càng tốt.
Hình ảnh một số công trình của công ty Tỷ Lệ Vàng (Golden Scale Co., Ltd)
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 103