Bên cạnh dòng gốm gia dụng mang hoạ tiết sắc sảo, cùng lối chạm khắc, in khuôn hoa văn đầy tinh tế lên cốt thai gốm, những lối phủ men đa dạng, phong phú, hoàn hảo về chất lượng… trong các công trình kiến trúc từ nóc mái, bờ đao, đến các chi tiết trang trí đều thấy có sử dụng gốm với kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao khiến nhiều người tưởng rằng chỉ có thể là sản phẩm của các kinh đô gốm sứ tầm cỡ như Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng với những cuộc khai quật của nền khảo cổ học Việt Nam, cùng những hiện vật gốm cổ được phát lộ, những bí ẩn của các dòng gốm men vàng, men lục, men trắng ngà, men ngọc... trước cứ ngỡ là xuất xứ của gốm Đường, Tống, Nguyên bên đất Trung Hoa, nay đã được định danh một cách cụ thể về niên đại, nguồn gốc, xuất xứ… đều là sản phẩm gốm Việt cổ.
Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, chấm dứt ách đô hộ phương Bắc, bắt đầu công cuộc phát triển đất nước, nghề gốm cũng vì thế mà phát triển theo để phục vụ nhu cầu sử dụng cũng như xây dựng các công trình kiến trúc, chùa chiền rộn ràng khắp Đại Việt. Các sản phẩm gốm thời Lý đã tạo nên một cuộc thoát thai trong chế tác gốm, bằng việc sử dụng chất liệu địa phương, tạo hình đa dạng, nắm vững kỹ thuật tráng men, tô men, làm chủ ngọn lửa để mở ra một chương mới trong nghề chế tác gốm Việt. Trong đó, có một điểm nhấn đáng chú ý là dòng gốm kiến trúc.
Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ, quyển II, Kỷ nhà Lý có miêu tả rằng: “Xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có ba thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía...”. Người Việt xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, việc “an cư” của triều Lý đẩy nhu cầu xây dựng rộn ràng khắp kinh thành, đến chùa chiền, đền tháp… gốm kiến trúc ra đời để đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội đương thời.
Dưới triều Lý, bên cạnh các dòng gốm mộc được chạm khắc tinh tế, dòng gốm tráng men trang trí cho công trình, phần gạch nung xây dựng cũng được chú trọng. Về mặt kỹ thuật, gạch nung vẫn là sự thừa hưởng lối chế tác gốm của người Việt cổ, nhưng sự khác biệt là các dòng minh văn được đóng nổi trên gạch, chỉ rõ năm và niên hiệu của vị vua trị vì. Đây là một nguồn thông tin quý giá, bởi từ triều Lý về sau, đất nước trải qua bao thăng trầm khiến nhiều thư tịch, tài liệu bị lưu tán, thậm chí bị phá huỷ, nhưng qua các cuộc khai quật, việc phát hiện ra khối lượng gạch nung xây cung điện, đền đài ở triều Lý có minh văn hẳn không chỉ mang vẻ đẹp về mỹ thuật mà còn là giá trị lịch sử.
Trong bộ sưu tập của chị Lê Thị Minh Tâm, Hà Nội, có một hiện vật là mảnh gạch nung cao 19cm, ngang 23cm, có niên đại từ thời nhà Lý, với dòng minh văn rõ ràng rằng gạch được chế tác dưới thời vua Lý Thánh Tông: “Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo”, nghĩa là gạch tạo vào năm thứ 7 của vị vua thứ ba triều Lý, niên hiệu là Chương Thánh Gia Khánh. Tính theo niên đại trị vì, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 7 chính là năm 1065.
Nhìn lại chặng đường phát triển gốm Việt, có thể khẳng định phải đến thời Lý mới xuất hiện gốm kiến trúc theo mô thức trang trí đa dạng, kết hợp kỹ thuật tạo hình, điêu khắc, và cả tô men. Bên cạnh dòng gốm mộc ngoài gạch nung, còn có nhiều hình tượng sống động thể hiện các loại linh thú như rồng - phượng, tượng người, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, trong đó gốm kiến trúc tráng men chính là bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển gốm Việt. Với mẫu tạo hình mang ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ như lá đề, đài sen… ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa như hình tượng vịt (uyên ương) phối với chi tiết thuần Việt như hình rồng cuộn trong lá đề, thường được giới sưu tầm gọi là rồng hình giun với rất nhiều đường gấp khúc trên thân mình, một điểm dễ nhận trong phong cách tạo hình rồng đặc trưng thời Lý trên gốm.
Bước chuyển biến vượt bậc trong kiến trúc quy hoạch và xây dựng của Hoàng thành Thăng Long dưới triều Lý, qua khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện có một điểm nhấn thú vị trong trang trí kiến trúc chính là màu men lục và vàng tươi trên các hiện vật gốm hình uyên ương dùng trên ngói sắp nóc, hoặc lá đề lệch trang trí diềm mái cung điện, với lối tạo hình cân đối, hoặc đối xứng, cùng nhiều t hủ pháp dập khuôn, hoặc khắc chìm, tô men, đã tạo nên những sản phẩm gốm kiến trúc đầy hoa mỹ, sáng tạo. Sắc men vàng tươi - với lối tráng men rất mỏng hay còn gọi là men giấy đặc trưng thời Lý - trong gốm kiến trúc và trang trí, được giới khảo cổ và sưu tầm nhận định không gặp lại ở các triều đại khác.
Trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của thời cuộc, việc duy trì và phát triển dòng gốm kiến trúc, gạch nung trong xây dựng cũng ít nhiều bị thay đổi cho phù hợp nhu cầu thị trường. Những kỹ thuật chế tác gốm kiến trúc từ thời Lý nay đã thất truyền, chỉ còn lại một chút ảnh hưởng nhỏ lên dòng men như men lưu ly, men hoàng lưu ly thấy được trong xây dựng ở thời Nguyễn (thế kỷ 18-19), và nay hai dòng men ấy cũng đã được phục chế để dùng trong ngói lợp phù hợp với các công trình đền chùa. Các hiện vật gốm kiến trúc tìm được qua các cuộc khảo cổ, săn tìm cổ ngoạn, hiện diện trong các bộ sưu tập của bảo tàng, tư nhân, hẳn là một nét đẹp, một minh chứng hoàn hảo về tay nghề và trình độ của người thợ chế tác gốm
Việt từ cách đây 10 thế kỷ đã đạt đến đỉnh cao, những nét đẹp quý giá ấy thật đáng để hậu thế hôm nay chiêm nghiệm, trân trọng và gìn giữ.
Những hiện vật gốm Việt cổ sớm nhất được phát hiện trong văn hoá Quỳnh Văn, Nghệ Tĩnh và Đa Bút thuộc vùng trung du Thanh Hóa và Ninh Bình, các nhà khảo cổ học xác định thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới, có niên đại từ 6.000-7.000 năm trước. Gốm Việt cổ vẫn tiếp tục phát triển qua giai đoạn tiền Đông Sơn, đến văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, và thời kỳ gốm mang giao thoa phong cách Hán - Việt của 1000 năm Bắc thuộc.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 96