Ngày tết nói chuyện trà

Lượt xem: 2136
20/1/2023 22:00 - Điểm đến
Tác giả: TRẦN TRƯƠNG TÔN DZŨNG

Từ rất lâu trà đã hiện hữu trong sinh hoạt cuộc sống của con người. Trà có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới, là thức uống có giá trị tinh thần, mang một sắc thái văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Để hiểu thêm về trà, ta hãy quay lại chút lịch sử của món uống yêu thích này.

 
Tiệm trà Di Phát, Chợ Lớn
 
Trà có nguồn gốc từ châu Á được phát hiện rất sớm dưới thời nhà Thương(1600-1046 TCN), điển hình là ở vùng tây nam Trung Quốc. Theo tài liệu cổ của nước này, trà do vị Thần Nông thời Tam Hoàng tìm ra, mới đầu được phát hiện như một vị thuốc dùng để giải độc cơ thể và có tác dụng làm sảng khoái tinh thần, dần dần trà quen với khẩu vị của người dùng nên được đưa vào làm thức uống hằng ngày. Đến thời nhà Đường (618-902) trà  được phổ biến rộng hơn. Tương truyền, một số nhà sư từ Nhật sang Trung Quốc tu học đã dùng thử vị trà nơi đây, thấy rằng thức uống này rất tuyệt, hương vị lại thơm nên đã mang cây trà giống về quê hương của họ để nhân giống. Bước sang thế kỷ 16, trà đã phát triển mạnh mẽ vươn tầm ra thế giới. Những nhà du hành từ châu Âu sang Trung Quốc qua con đường tơ lụa đã đem cây trà giống và cây hương lài về nước của họ và nhân giống thành công rồi lan tỏa qua các nước Bồ Đào Nha, Anh Quốc, Ấn Độ... Theo dòng lịch sử trà là thức uống phổ biến có ngôi vị số một cùng với cà phê, chocolate.
Còn với Việt Nam ta, trà phổ biến như một nét văn hóa truyền thống, một niềm tự hào của dân tộc. Văn hóa trà ở nước ta cũng có từ rất sớm có chiều dài lịch sử từ 4.000 năm trước. Xưa kia, trà chỉ được dùng trong tầng lớp vua chúa, quan lại, danh gia vọng tộc; trà được dùng trong các nghi lễ triều đình, tiếp đãi xứ thần. Về cách pha trà cũng cầu kỳ, chú trọng đến lễ nghi, sự cung kính của người pha với người thưởng trà là các bậc tiền bối. 
 
 
 
 Tiệm trà này đã tồn tại hơn bảy mươi năm. Chủ tiệm trà này là người Hoa, nay bà cụ đã 86 tuổi. Hiện giờ, bà cùng hai người con trai vẫn còn giữ lửa nghề, vẫn dành cho trà một tình yêu đặc biệt.
 
Với bề dày lịch sử, trà đã phổ biến rộng rãi đi vào mọi tầng lớp giai cấp từ tầng lớp quý tộc, thượng lưu đến thường dân đều có thể thưởng thức trà. Không những ngày thường, trà còn được sử dụng trong các lễ nghi đình chùa, ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ đặc biệt là trong ngày tết Nguyên Đán. Sự hiện diện của trà rất quan trọng không thể không có trong việc dâng cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày tết. Và với tinh thần “khách đến nhà không trà cũng bánh’’, trà còn là việc đãi khách trong những lần thăm viếng chúc tết. Trà còn là sợi dây kết nối của các thành viên trong gia đình. Đêm Giao Thừa cả nhà quay quần bên nhau, là dịp để hàn huyên tâm sự, ôn lại những chuyện tháng ngày đã qua. Trong giây phút thiêng liêng ấy, với sự trầm mặc của khói hương hòa quyện cùng không khí ấm áp của mùa xuân với sắc hoa đua nở, trà là sự nối kết giữa các thành viên trong gia đình, là sự gắn liền giữa con người với con người và cả thiên nhiên tươi đẹp. Trong thời tiết se lạnh của ngày đầu năm, còn gì bằng khi được cùng người thân đối ẩm, hàn huyên tâm sự những chuyện buồn vui năm cũ và chúc cho nhau một năm mới an lành. Và việc thưởng trà cũng là một nghệ thuật. Trà được rót ra khi còn nóng, được đưa lên mũi ngửi rồi được nhấp từng ngụm nhỏ để cảm nhận hương vị đắng, chát, ngọt của trà như những hương vị ngọt bùi của cuộc đời. Với sự phát triển văn hóa như hiện nay, trà còn được hướng tới chân - thiện - mỹ. Với quan niệm người Á Đông, trà còn là sự thanh nhàn của kẻ sĩ, cụ Nguyễn Trãi đã từng viết:  Sai minh nguyệt, trà ba chén/Thú thanh phong, lều một gian.
 
 
Những công đoạn sản xuất thủ công còn giữ lại cho đến ngày nay của tiệm trà Di Phát, Chợ Lớn được tác giả chụp lại và giới thiệu đến bạn đọc của tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống

Người xưa thưởng trà là một nét tinh tế, cảm nhận nhân sinh ẩn chứa qua từng lá trà.   
Trong chén trà còn dung nạp cả cái lễ của Khổng Tử, sự ưu đạm ung dung của Lão Tử, sự an nhiên trầm mặc của Đức Thích Ca. Thưởng trà làm cho ta quên hết mọi tư lự buồn vui của nhân sinh, thong dong thả hồn mình hòa quyện giữa tâm trà và tinh hoa của trời đất được chứa đựng trọn vẹn trong tách trà.
Và những lần rong rủi chụp ảnh vùng Chợ Lớn, tôi may mắn tìm được tiệm trà mang phong cách của người Triều Châu (Trung Quốc). Tiệm trà này đã tồn tại hơn bảy mươi năm. Chủ tiệm trà này là người Hoa, nay bà cụ đã 86 tuổi. Hiện giờ, bà cùng hai người con trai vẫn còn giữ lửa nghề, vẫn dành cho trà một tình yêu đặc biệt. Ở tiệm trà này hiện vẫn còn rang, sấy theo phương pháp thủ công và không ướp hóa chất, phụ gia nhưng trà vẫn giữ hương vị thơm ngon, đậm đà. 
Dù ở mỗi thời đại nào, trà vẫn luôn luôn hiện hữu, bây giờ và mãi mãi.
 
Các loại trà được bày bán của tiệm
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 200

Các tin khác