Thư họa Trương Lộ trước thềm xuân

Lượt xem: 6504
13/2/2021 18:00 - Điểm đến
Tác giả: LAM PHONG

Các tác phẩm hội họa mang đủ phong cách, từ cổ điển đến hiện đại được họa sư Trương Lộ thể hiện với bút pháp mạch lạc, chi tiết, mạc vận xảo diệu. Đứng trước tranh của ông, cảm giác như đang ngược thời gian về với những nét họa đậm lối cổ của trường phái truyền thống. Riêng với dòng tranh hiện đại, lại là cơ hội đối diện một không gian thực tại của Trương Lộ, với tầng tầng lớp lớp đường nét, gam màu, hình khối, tự do hòa quyện, tôn nhau lên, tạo thành tác phẩm sinh động, gần gũi, đầy chân thực.

 
 
 
Đến với hội họa từ những năm 60, đến nay ông trở thành một nghệ nhân, một bậc thầy trong làng hội họa, thư pháp nói riêng vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và mỹ thuật Việt Nam nói chung. Và mỗi dịp tết đến, họa sư Trương Lộ chọn một ngày để “cho chữ” như một lời chào xuân, chúc xuân đầy ý nghĩa
 
Là người đến với thư pháp, hội hoạ từ rất sớm, Trương Lộ lĩnh giáo một nền giáo dục căn bản từ các thư gia danh tiếng Chợ Lớn những năm 60, bền bỉ rèn luyện, theo nghiệp thư - họa và đến nay đã trở thành một nghệ nhân, một bậc thầy trong làng hội họa, thư pháp nói riêng vùng Sài Gòn-Chợ Lớn và mỹ thuật Việt Nam nói chung, với rất nhiều tác phẩm thư pháp, tranh thủy mạc, tranh sáng tác từ các chuyến đi khắp miền đất nước.
Họa sư Trương Lộ chia sẻ: “Tôi không theo học các tông phái riêng, mà đi theo truyền thống, lấy cơ bản làm trọng. Tôi quan niệm khi được học về cơ bản, đó là cách tốt nhất để nắm vững kỹ thuật trong thư pháp, hội họa, đặc biệt là tính triết lý, chữ và nghĩa chữ trong văn học cổ điển, từ đó rút tỉa các bài học làm người do cổ nhân truyền dạy để biến thành vốn sống riêng cho bản thân”.
Có một Trương Lộ rất cổ điển, với những tác phẩm thư pháp, những con chữ mang hàm ý tốt lành, trích từ sách thánh hiền, cổ văn của người xưa, đến những bức họa thủy mạc đậm tính truyền thống mà ông hàm thụ từ các vị tôn sư của mình. Nếu diện kiến những tác phẩm theo phong cách cổ điển của ông, có thể thấy rõ sự kết hợp tài tình giữa hai trường phái nghệ thuật thư và họa. Hai mảng tách biệt ấy được Trương Lộ hòa nhịp chung thành một, bằng bút pháp tôi luyện từng ngày, để các đường nét trong tác phẩm tự bổ sung, nâng đỡ, tôn nhau lên, tạo cho thư-họa hài hòa, tác phẩm thêm chặt chẽ về bố cục, tròn vẹn về ngữ nghĩa, và hiển nhiên, đẹp một vẻ đẹp thuần khiết, đậm phong cách và bản sắc của người Hoa xưa.
Cũng có một Trương Lộ rất hiện đại, vẽ rất thực, cực thực nữa là khác, ông gọi đấy là lối công bút. Ông miệt mài lang thang khắp các vùng miền khi có thể, đi xa theo những chuyến sáng tác, lăn lộn với đời để cảm nhận và trải nghiệm những điều thực sự bình dị, gần gũi. Đó có khi là hình ảnh một người bán vé số trên chiếc xe ba bánh đang rong ruổi ven sông Hoài nơi phố Hội, những ngôi nhà bên bến nước nơi vùng đất mũi Năm Căn, hay các bà, các mẹ của một phiên chợ quê nơi đồng bằng Bắc bộ… Tất cả được thể hiện bằng những đường nét rất “dị”, diễn tả rõ nét thần thái, khuôn sắc, bối cảnh, thậm chí cả cá tính của nhân vật, thông qua kỹ thuật vẽ thủy mạc. 
 
 

 

 
 

 
“Thi trung hữu họa” - câu nói ấy thật đúng với khí chất của họa sư Trương Lộ. Nếu ở mảng thư pháp, từng con chữ của ông được thể hiện qua nét cọ chẳng khác gì đang họa một tác phẩm hơn là viết một con chữ thông thường. Ông bảo: “Trong nét chữ, có hội họa, người chơi chữ không chỉ quan tâm về nghĩa, mà còn quan tâm - chơi nét nữa. Đó là nghệ thuật chơi chữ của người xưa”.
Đến khi sáng tác, bất kể đó là tác phẩm mang phong cách cổ điển hay đương đại, Trương Lộ lại khéo léo vận dụng hài hòa cả hai phong cách thư - họa. Nhìn trong tranh ông, có đường nét của lối dụng bút như kỹ thuật thể hiện thư pháp của các lối Triện-Lệ-Khải-Hành-Thảo… và ngược lại, khi vẽ, ông lại vận dụng những lối hành bút, thu bút của thư pháp, kết hợp độ loang của mực để tạo nên những tác phẩm hội họa thủy mạc đậm phong tình.
Nói về sự hòa trộn hội họa, thư pháp, văn chương cổ điển trong tranh của mình, họa sư Trương Lộ chia sẻ: “Thư-họa trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Hoa, nó là bộ môn nghệ thuật cổ điển, khi tôi học thành họa sĩ, thầy dạy tôi hai thứ, không chỉ vẽ, mà còn dạy về văn hóa cổ điển. Môn nghệ thuật này có liên quan nhiều đến văn hóa cổ điển, từ thư pháp, thơ phú, nhất là thơ Đường, văn chương cổ, những câu nói cổ nhân như Khổng Tử, Lão Tử… tất cả các đề tài đó đều có mối liên hệ, tương quan đến nhau”.
Mỗi dịp xuân về, họa sư Trương Lộ thường chọn ngày cho chữ các học trò và người thân của ông ở Tầm Thường Trai, cũng là dịp để diện kiến những tác phẩm thư-họa trong chặng hành trình sáng tác của ông, như một lời chào xuân, chúc xuân đầy ý nghĩa.
 
 

 

 
 
 

  

 

 

Đứng trước tranh của ông, người xem có cảm giác như đang đứng trước cả một không gian thực tại, với tầng tầng lớp lớp các đường nét, gam màu, hình khối… Tất cả hòa quyện, tôn nhau lên để tạo thành một tác phẩm hội họa sinh động, gần gũi và rất thực
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 177

Các tin khác