Chủ động khi mất điện!

Lượt xem: 7407
14/7/2023 7:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH Ảnh TL

Chúng ta đang chứng kiến và trải qua một mùa hè nóng kỷ lục trong nhiều năm qua. Cái nóng gay gắt ấy tất nhiên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt, công việc. Và tệ hại hơn nữa là nhiều nơi bị mất điện, cúp điện - làm mọi thứ đảo lộn, càng khó khăn hơn. Có người nói rằng: Không gì khổ bằng mất điện mùa hè - điều ấy không phải là không có lý.

 
 
Mất điện thì làm gì?
Cách đây khoảng trên dưới 30 năm, khi ấy nhà tôi đang ở trong một căn hộ chung cư, tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên. Hồi ấy mất điện chủ yếu do sự cố liên quan đến hạ tầng truyền dẫn - do cũ nát và lạc hậu. Mất điện thì không ai muốn, nhưng thời đó chưa nghiêm trọng lắm. Vì lẽ mọi gia đình rất ít thiết bị điện, và hình như mùa hè không nóng như bây giờ. Như nhà tôi chẳng hạn: không có tivi, không có tủ lạnh, không có máy điều hòa, bếp nấu sử dụng bếp dầu, chả có thiết bị gì cần sạc cả… Điện chủ yếu dùng cho chiếu sáng (vào buổi tối) và quạt máy (vào mùa hè), sau nữa là dùng cho tivi hay đài (nếu có). Tôi nhớ những ngày hè mất điện, nhà tôi mở tất cả cửa sổ, trên tầng 5 gió thổi lồng lộng, mát rượi; cả nhà ngồi quây quần trò chuyện trong ánh sáng của ngọn đèn dầu, không thấy có gì khổ sở hay nghiêm trọng cả. Nhưng ngày ấy xa rồi.
Bây giờ, mất điện là một vấn đề nghiêm trọng, bởi chúng ta sử dụng quá nhiều loại máy, thiết bị điện cho đời sống sinh hoạt và công việc. Mọi công việc hầu như đều sử dụng máy tính và internet; mất điện nghĩa là công việc đình trệ. Trong sinh hoạt cũng cần bao nhiêu thiết bị điện, nếu không có điện là ảnh hưởng trực tiếp ngay. Nhất là vào mùa hè, điều hòa nhiệt độ và quạt máy là những thiết bị không thể thiếu và hoạt động liên tục. Không có những thiết bị ấy, nhiều khi người ta cảm thấy… không sống nổi, và dĩ nhiên không làm được gì cả, vì quá khó chịu trong người.
Hôm vừa rồi, tôi có đến chơi văn phòng kiến trúc của anh bạn đồng nghiệp. Tôi thấy trên bàn làm việc của anh rất nhiều bản vẽ tay, chưa kịp hỏi anh đã nói: sản phẩm của những khi mất điện đấy! Vâng, mất điện thì không dùng được máy tính, không vẽ bằng máy tính thì chuyển sang vẽ tay. Xét về quy trình và yêu cầu công việc thì đó chỉ là một giải pháp tạm thời để không lãng phí thời gian. Nhưng nhiều công việc khác mất điện là… ngồi chơi, bởi hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc, thiết bị, chưa kể người ta không chịu nổi cái nóng, không có điều hòa hay quạt, để làm việc.
Đấy là công việc, còn sinh hoạt thì sao? Nếu mất điện vào mùa hè, người ta phải tìm mọi cách để giải nhiệt. Ngày 16.6.2023, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa một bản tin ngắn, nói về những người dân ở khu vực Phong Nha, Quảng Bình mang chiếu, bạt, đồ ăn… chui vào hang động để trốn nóng, đông vui như trẩy hội. Đây quả là một ưu đãi của thiên nhiên. Nhưng không phải mọi nơi đều có hang động như thế. Khắp các báo mạng có hàng loạt bài về cách trốn nóng của người dân khi mất điện. Ở đô thị thì ra ngoài công viên, ra hồ, sông, vào siêu thị (nơi không mất điện); ở nông thôn thì ra sân vườn, ra đường, ra bờ đê, ra cánh đồng… Tất cả chỉ để làm sao đỡ nóng hơn, dễ chịu hơn. Cũng trên các báo mạng và các trang mạng xã hội có nhiều bài viết chia sẻ các bí quyết, mẹo để đỡ nóng hơn trong ngôi nhà khi mất điện.  
Mùa hè nóng vì mất điện; và càng nóng hơn khi liên tục có các thông tin về tình trạng thiếu điện do các sông có thủy điện cạn nước. Việc này khác với tình trạng mất điện do sự cố hay cắt điện để làm công tác chuyên môn. Thiếu điện - đó là vấn đề nghiêm trọng ở tầm vĩ mô. Việc mất điện, cúp điện không chỉ xảy ra cục bộ ở một vào nơi mà xảy ra ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Người dân ngày ngày ngóng lịch cắt điện luân phiên và chuẩn bị các phương án đối phó khi bị mất điện. Rõ ràng, đây là hậu quả của sự biến đổi khí hậu, là thời tiết cực đoan, là El Nino. Chúng ta đang rơi vào sự bế tắc: càng nắng nóng càng cần điện, nhưng càng nắng nóng lại càng thiếu điện. Bên cạnh đó, nắng nóng càng cần nước cho sinh hoạt nhưng cũng vì sông cạn khô nên nhiều nhà máy nước sông đã phải ngừng hoạt động.
 
 
Đến sự thích ứng cho môi trường sống
Bây giờ, thiết kế một ngôi nhà, dù chủ nhà chưa đề cập thì kiến trúc sư vẫn hiểu rằng: hệ thống điều hòa nhiệt độ là không thể thiếu. Đó là một thứ vô cùng quan trọng đối với cuộc sống, sinh hoạt - nhất là vào mùa hè. Hệ thống điều hòa nhiệt độ, hay còn gọi là máy lạnh là một thị trường phát triển, sôi động quanh năm chứ không chỉ riêng mùa hè. Đi cùng với việc bán máy, lắp đặt máy mới là các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa. Điều hòa nhiệt độ không còn là thứ xa xỉ gắn với những ngôi nhà, công trình “xịn” có mức đầu tư cao, mà đã là một mặt hàng, thiết bị bình dân mà hầu như nhà nào cũng có, dù ở thành thị hay nông thôn. Có điều hòa là điều tốt, không cần bàn cãi. Nhưng nếu mất điện thì nó không còn ý nghĩa gì nữa? Vậy thì phải làm gì với ngôi nhà?
Có lẽ, lúc này, đã rất nhiều người hiểu rằng kiến trúc xanh không còn là thứ xa vời nữa, mà nó rất gần và thiết thực với cuộc sống. Kiến trúc xanh chắn nắng, chống nóng, giảm nhiệt bức xạ vào công trình, thông thoáng, làm ngôi nhà mát hơn; kiến trúc xanh tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước… có ý nghĩa không chỉ với ngôi nhà mà còn ở tầm vĩ mô như trên đã nói. Và vì vậy, khi thiết kế - xây dựng một ngôi nhà, thì một hệ thống điều hòa nhiệt độ là cần nhưng chưa đủ. Một thiết kế tốt - có thể chưa đạt tới tiêu chí, tiêu chuẩn của kiến trúc xanh, nhưng phải giải quyết tốt vấn đề môi trường. Đó là sự thích ứng với khí hậu, thời tiết, khả năng chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên tốt, khả năng chống nóng tốt… Những giải pháp kiến trúc luôn phải đi trước, sau mới là giải pháp kỹ thuật như máy điều hòa.
Ở góc độ khác, có thể chủ động hơn trong việc sử dụng điện năng, không phụ thuộc vào lưới điện chung bằng các hệ thống thiết bị như thiết bị tích điện, ắc quy, máy phát điện, hay năng lượng điện tái tạo - cụ thể là điện gió, điện mặt trời. Các hệ thống này cũng không còn là quá xa vời hay đắt đỏ, khó khăn về kỹ thuật nữa, hoàn toàn có thể ứng dụng cho phạm vi công trình nhỏ và vừa, công trình nhà ở. Hiện tại ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều ngôi nhà ở tư nhân đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời và sử dụng có hiệu quả; ngoài việc tiết kiệm chi phí thì rất có ý nghĩa khi tình trạng mất điện chung xảy ra.
 

 
Ở quy mô lớn hơn, là quần cư hay đô thị, thì việc kiến tạo những không gian công cộng, không gian xanh là thực sự cần thiết. Cây xanh, mặt nước là những nhân tố quan trọng điều hòa vi khí hậu, làm không gian mát mẻ hơn, tâm sinh lý con người dễ chịu hơn. Trong trường hợp không may bị cúp điện, đây chính là những nơi giải nhiệt cho cư dân, là nơi sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa.
Dự báo, việc mất điện trên quy mô lớn ở nước ta không chỉ ở năm nay, mùa hè này, mà còn tiếp diễn trong tương lai khi mà thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Vì vậy, không chỉ các cơ quan hữu trách mà cả mỗi cá nhân hay gia đình cần lên một kịch bản ứng phó với điều này. Điều đó không chỉ tạo ra sự chủ động trong công việc mà còn tạo sự thích ứng cho môi trường sống, sinh hoạt của con người. Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, có nghĩa là nguồn điện cũng có giới hạn; nên việc sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý không chỉ là việc riêng của địa phương hay quốc gia mà còn có ý nghĩa toàn cầu.
Cách đây mấy hôm, tôi ngồi trò chuyện với một khách hàng. Anh kể, mấy bữa trước ở nhà anh, khi chưa bị mất điện, mọi người đi về, hay ăn xong là chui tọt vào phòng riêng, bật điều hòa. Nhưng mấy lần mất điện, mọi người ra phòng sinh hoạt chung - ở đó thoáng mát hơn; hay ra hiên, ra vườn ngồi, trò chuyện với nhau, rất vui vẻ. Thật tình không mong mất điện, nhưng trong cuộc sống đầy vội vã và áp lực, những giây phút ấy đáng quý biết bao.

 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 205