Chất liệu thô ráp của bê tông trần phù hợp với gạch nung không trát (Công trình nhà ở tại Đà Nẵng)
Bê tông trần - một vật liệu đặc sắc
Vật liệu bê tông (gọi đầy đủ là bê tông cốt thép) ra đời ở châu Âu cuối thế kỷ 19 là một bước ngoặt trong lịch sử kiến trúc - xây dựng của loài người. Bê tông làm được nhiều hơn so với những loại vật liệu truyền thống trước đó như đất, đá, gạch, gỗ… Với bê tông, những tòa nhà vươn cao hơn, những bức tường mỏng đi, những cây cột nhỏ lại và hình thức kiến trúc trở nên phong phú đa dạng hơn rất nhiều. Vật liệu bê tông đã tạo nên nền kiến trúc hiện đại thế giới của thế kỷ 20 và vẫn còn tiếp tục thống trị trong tương lai.
Bê tông là vật liệu dành cho kết cấu, được làm các bộ phận chịu lực của công trình (móng, cột, dầm sàn). So với các loại vật liệu trước đó, bê tông hoàn toàn khác ở đặc tính, cũng là quy trình thi công. Đó là sự chuyển hóa ở trạng thái lỏng - dẻo sang cứng trong ván khuôn (coffa). Chính vì vậy, vật liệu bê tông cho phép tạo hình đa dạng và biến hóa. Vật liệu tạo nên bê tông phần lớn là những vật liệu có sẵn, nhiều trong tự nhiên (cát, sỏi, đá) nên giá thành của bê tông tương đối rẻ, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa bàn, địa hình với nhiều loại công trình khác nhau.
Nhưng không dừng lại ở thể loại vật liệu chịu lực cho kết cấu, bê tông có thể tham gia vào công trình với vai trò là vật liệu kiến trúc, vật liệu trang trí. Đó chính là bê tông trần. Bê tông trần được tạo ra vô cùng đơn giản: khi dỡ ván khuôn, bề mặt bê tông để nguyên, không tô trát, ốp, lát, bọc, phủ. Bê tông trần có nét đẹp riêng bởi sự thô ráp và màu sắc đặc trưng (màu xám). Tuy nhiên, để tạo nên bề mặt bê tông trần đẹp là không hề dễ, đòi hỏi hệ thống ván khuôn chất lượng cao, được tính toán cẩn thận, tỉ mỉ theo mạch ngưng khi thi công, và trong quá trình thi công đòi hỏi chất lượng bê tông chuẩn, cùng tay nghề thợ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả các hệ thống kỹ thuật đi ngầm (dây, ống) nằm trong bê tông phải được lắp đặt, đấu nối chuẩn xác trước khi tiến hành thi công đổ bê tông vào ván khuôn.
Trên thế giới, bê tông trần là loại vật liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều thập niên qua, ở nhiều thể loại công trình như công trình giao thông, công trình công cộng, nhà ở, nhà công nghiệp...; ở cả không gian ngoại thất và nội thất. Chất liệu bê tông tưởng như thô mộc nhưng lại vô cùng tinh tế khi được sử dụng hệ thống ván khuôn khoa học và thẩm mỹ. Bê tông trần cho thấy rõ chất liệu thực, thống nhất giữa phạm trù nội dung và hình thức.
Kiến trúc sư người Nhật Bản Tadao Ando là bậc thầy về sử dụng bê tông trần. Bê tông trần là một cá tính, một nét độc đáo, một thương hiệu riêng của Tadao Ando. Ông có thể sử dụng bê tông trần cho mọi công trình, với mọi cấu kiện kết cấu, chi tiết kiến trúc. Chất liệu bê tông trần và hình thức - ngôn ngữ kiến trúc của ông hòa hợp vào nhau, nâng đỡ và bổ sung cho nhau đầy quyến rũ. Bê tông của Ando thường được gọi là “mềm mại như tơ”, có tính đặc thù ở hai yếu tố: cấu trúc và bề mặt. Ông giải thích rằng, chất lượng công trình không phụ thuộc vào sự kết hợp các thành phần bên trong nó, mà là ở công tác xây dựng nên công trình mà trong đó bê tông là diễn viên. Trong những công trình của ông, ấn tượng nhất là những bức tường bê tông, chúng hiện diện rõ nét với “màu sắc” rất riêng. Đó là chủ ý xuyên suốt của ông khi kiến tạo nên những công trình. Ông nói: “Những bức tường thể hiện một sức mạnh, sự mạnh mẽ. Chúng có sức mạnh để phân chia không gian, biến hình không gian, và tạo ra các không gian mới mẻ. Bức tường là những yếu tố cơ bản nhất của kiến trúc, nhưng chúng cũng có thể là yếu tố phong phú nhất”.
Hiện tại, bê tông trần vẫn là một xu hướng vật liệu trên thế giới, có nhiều nhà thiết kế theo đuổi. Bê tông trần không chỉ tồn tại ở các bộ phận kiến trúc mà còn tham gia vào nội thất như các dạng bàn - ghế, quầy, giá, kệ… làm phong phú và tăng nhiều cảm xúc cho không gian.
Mặt dưới mái để chất liệu bê tông trần (Công trình Nhà trưng bày di tích Mỹ Sơn – Duy Xuyên, Quảng Nam)
Chất liệu bê tông trần trong một quán café ở Đà Nẵng
Bê tông trần ở Việt Nam
Từ trước tới giờ, người Việt Nam vẫn luôn quan niệm vật liệu bê tông, quá trình thi công bê tông là “phần thô” nên ở Việt Nam hầu như không xuất hiện vật liệu bê tông trần. Các cấu kiện bê tông thường được trát vữa rồi sau đó sơn hoặc ốp lát. Các công trình mà để trần bê tông được coi là… thiếu kinh phí nên bỏ dở khâu hoàn thiện.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, trên thị trường xây dựng đã xuất hiện một số công trình với vật liệu bê tông trần. Ngoại trừ một số công trình giao thông như cầu, cầu vượt, đường trên cao để bê tông trần, thì một số kiến trúc sư đã mạnh dạn sử dụng bê tông trần vào các công trình dân dụng - chủ yếu là nhà ở quy mô nhỏ. Không phủ nhận nét đẹp rất riêng của vật liệu này, song việc ứng dụng ở Việt Nam còn quá nhiều hạn chế.
Đầu tiên là quan niệm như đã nói ở trên, ít chủ nhà, chủ đầu tư nào thích chất liệu thô mộc này. Tiếp theo là giá thành nâng cao do chi phí cho hệ thống ván khuôn và nhân công; tiếp nữa là trình độ thi công của thợ và điều kiện thi công cụ thể ở Việt Nam. Tất cả những yếu tố ấy cản trở để bê tông trần hiện diện như một vật liệu kiến trúc, vật liệu bề mặt.
Nhiều công trình để bê tông trần ở Việt Nam là ở trạng thái không chủ động: tức là sau khi dỡ ván khuôn, thấy đẹp nên không trát; hoặc chủ động không hoàn toàn: chủ ý làm bê tông trần, nhưng nếu dỡ ván khuôn thấy xấu thì lại trát. Thêm nữa, hầu hết chất liệu bê tông trần cũng chỉ xuất hiện ở các cấu kiện kết cấu bắt buộc, như cột, dầm, sàn. Hiếm có công trình nào thiết kế tường bê tông với dụng ý để trần bề mặt. Nguyên nhân điều này xuất phát từ cả lý do kinh tế và kỹ thuật: chi phí vật tư và nhân công cao cùng tay nghề thợ thi công.
Một điều nữa cũng liên quan, là nếu sử dụng bê tông trần, thì quy trình thi công, cấu tạo các cấu kiện kiến trúc khác cũng phải tuân thủ theo hợp lý, như cửa, lan can, mái… Vì không thể làm theo cách cũ là cứ… đục ra rồi trát lại.
Trong tương quan vật liệu về mặt thẩm mỹ, bê tông trần phù hợp với nhiều vật liệu, màu sắc. Màu của bê tông trần là màu xám của xi măng, là màu trung tính, có thể đi với rất nhiều màu sắc khác. Chất cảm bề mặt của bê tông trần phù hợp với cả các loại vật liệu thô mộc như gốm, đá tự nhiên, gỗ… Ở góc khác, bê tông trần lại lại sự tương phản đầy hiệu quả với những loại vật liệu hiện đại như thép, kính, sơn… Với cách thức để nguyên bề mặt khi dỡ ván khuôn, nhà thiết kế có thể chủ động tạo hình những hoa văn trên bề mặt bê tông trần bằng cách sử dụng ván khuôn có hình hay hoa văn theo ý đồ định trước.
Ở Việt Nam, bê tông trần vẫn là mới mẻ. Nhưng thực sự đang có xu hướng sử dụng loại vật liệu này, và đó là tín hiệu tích cực, sẽ đem lại sự đa dạng trong các công trình kiến trúc và góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật trong cả thiết kế và thi công.
Trần nhà sử dụng bê tông trần trong nhà ở gia đình (Hà Nội)
Một số công trình sử dụng bê tông trần của KTS Tadao Ando
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 195