Trong nắng sớm mưa chiều

Lượt xem: 7797
15/12/2017 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Văn Khúc ảnh Trường Ân

Đôi lần lang thang ở nước ngoài tôi đã gặp mô hình kinh doanh quán ăn kết hợp biểu diễn nghệ thuật, hay quán ở sân bóng làm nơi gặp mặt người hâm mộ và cầu thủ. Rất đông khách, rất hấp dẫn và rất có gu, dù diện tích có thể nhỏ, mặt bằng lắm lúc phải chui vào gầm khán đài hay lẫn trong nhà phố chen chúc nhau. Tức là khái niệm “thiết kế ban đầu được chủ động “phải nhường chỗ cho việc” cải tạo lúc sau theo thực trạng”. Khi đó tôi thầm khen người ta khéo tận dụng mặt bằng, khéo kết hợp không gian quá!

 
Hệ khung lam tam giác một thời bằng bê tông phủ đá rửa có tỷ lệ khá hài hòa 
 

Một lần làm “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ cho mấy người bạn từ châu Âu ghé trung tâm Sài Gòn vừa qua thì tôi mới chợt nhận ra có không ít địa điểm du lịch ở ta cũng đã biết làm mô hình kết hợp này, ví dụ như quán bún đậu mắm tôm trên đường Lê Lai chẳng hạn. Nơi mà những cô bạn đến từ xứ sương mù phải thốt lên: thích ngồi đây ngắm Sài Gòn qua những vòm cây. Nghe thật ấn tượng và dễ thương! Thế là tôi quyết định trở lại cái “nhà vát góc, lam vót nhọn” này để trải nghiệm thêm lần nữa.
Rõ ràng quán không hẳn là một nhà hàng quá đặc sắc hay một club lừng danh, cũng không phải nơi dân ghiền ẩm thực Sài Gòn hay ghé lại để “ngồi đồng”, hoặc địa chỉ kinh doanh hàng hiệu gì ghê gớm. Nhưng khi kết hợp nhiều yếu tố với nhau như ăn uống và cửa hàng lưu niệm đi cùng biểu diễn nghệ thuật rối nước - nét độc đáo rất riêng - thì lại có duyên, hỗ trợ nhau hiệu quả. Trong ánh nắng chếch qua những vòm cây cao nơi công viên 23 tháng 9 đối diện, không gian quán gợi nhớ hơi hướng những ngôi nhà thuở 40 năm trước. Đặc biệt, bộ lam bê tông hình tam giác rỗng bao bọc bên ngoài nghe giới chuyên môn nói là tác phẩm của một kiến trúc sư - giảng viên kỳ cựu đã thiết kế và từng được đưa vào các tuyển tập diễn họa kiến trúc thập niên 90. May mắn là tôi còn giữ lại những tấm ảnh chụp trước đây khi tình cờ lang thang phố xá và biết đến ngôi nhà này khi đó là nơi trưng bày và thiết kế sản phẩm nội thất của một nhãn hàng danh tiếng.
 
 

 

Với công năng mới, hệ lam và ngôi nhà chuyển sang màu vàng và đen cũng ấn tượng không kém
 
 

Chắc bởi cấu trúc ban đầu có thiết kế chỉn chu, thoáng đãng nên đã giúp công trình khi chuyển đổi sang quán ăn không phải biến đổi nhiều, chỉ thay màu sắc và khéo trang trí là đủ. Cầu thang nằm dọc nhà, đi lên phía sau thật gọn nên toàn bộ không gian hướng ra mặt ngoài cho chỗ ngồi và điểm nhìn bao quát. Các mảng vẽ lên tường chủ yếu mô phỏng tranh dân gian, nhân vật rối nước và nhấn nhá bằng hình ảnh Hà Nội đen trắng trên nền vàng, nhắc gợi không gian văn hóa Bắc bộ, nơi “phát tích” món bún đậu mắm tôm và hoạt động múa rối nước khá thu hút khách du lịch trên lầu 2.
Ít trưng bày lòe loẹt, bàn ghế dạng ăn chắc mặc bền, khách dạo phố ghé đến rồi đi, dân văn phòng quanh đó đổ ra giờ trưa, dân du lịch bụi cầm bản đồ tay xách nách mang… đủ khiến ngôi nhà phố nhỏ trở nên quá bận rộn. Trong cái tíu tít ăn uống và ngó nghiêng ấy, dễ thấy không gian được sắp xếp có gu và tạo sử thoải mái nhờ giữ được khoảng cách thoáng đãng. Dù không nhiều vẫn như là đủ cho du khách đọng lại ấn tượng đẹp về một góc Sài Gòn có gạch nối với Hà Nội, của hôm nay không quên hôm qua, của không gian năng động và tao nhã.

 

Bún đậu Homemade: số 1 Nguyễn Văn Tráng, quận 1, TP.HCM

 

  

 
 
Nét phố xá Hà Nội được mô phỏng qua tranh ảnh, vật liệu hoàn thiện và đôi câu thơ hoặc lời hát vui vẻ trích dẫn trên tường. Khi vào bên trong, mảng lam giúp che nắng vừa đủ mà vẫn không làm cản trở tầm nhìn ra ngoài. Đâu đó phảng phất kiểu trang trí theo chất dân dã đồng bằng Bắc bộ, với gam màu vàng và chất nâu sậm của gỗ
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 119