
Nhưng Trùng Khánh còn có một thứ làm lòng người đắm say, dù rất đời thường, rất dung dị nhưng đã tồn tại từ bao giờ, đó là những cây cầu tre lắt lẻo vắt ngang dòng Quây Sơn đưa bà con sang hai bên bờ. Cầu tre giúp mẹ gánh thóc về nhà, cầu tre đưa em đi học, cầu tre là những buổi trưa đu đưa, trốn cha mẹ nhảy cầu tắm mát. Cầu tre đưa anh ra mặt trận, cầu tre nối những bờ vui hò hẹn... Cầu tre giúp những tâm hồn nối lại gần nhau.
Cầu tre vắt ngang dòng sông, con suối. Cầu tre, một phần không thể thiếu được trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng nơi miền biên viễn.
Tôi cứ mải miết đi tìm những chiếc cầu tre để phát hiện trong nó nét đẹp đã hằn sâu trong ký ức của thời gian.
Ngày xưa tôi mê mải với anh chàng nhiếp ảnh đi chụp những cây cầu cũ ở hạt Madison với mối tình đầy chất thơ của anh ấy trong tiểu thuyết Những cây cầu ở quận Madison của tác giả người Mỹ Robert Jame Waller. Giờ tôi cũng đi chụp những cây cầu tre ở Trùng Khánh cho riêng mình, những cây cầu trong miền thương nhớ...
Những chiếc cầu tre trên mọi miền đất nước là một hình ảnh hết sức dung dị nhưng lại được khắc họa vào thơ ca, nhạc họa. Trong “Mấy nhịp cầu tre” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có đoạn: Hỏi rằng, ai nâng niu mấy nhịp cầu tre/Lặng nghe, ai ca trong nắng chiều vàng hoe/Cầu tre bao nhiêu hè vui một câu vè/Để lòng ai quên hết não nề
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 177